3 bài học thành công từ cha đẻ của Nike

Thứ năm - 18/05/2017 01:43

3 bài học thành công từ cha đẻ của Nike

Từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 1980 cho đến nay, giá trị cổ phiếu của hãng giày Nike do Phil Knight thành lập đã tăng hơn 700 lần. Dưới đây là 3 bài học đi đến thành công được tỷ phú này chia sẻ trong cuốn tự truyện của ông.
Phil Knight, Nike, Bài học thành công,

Cuốn tự truyện “Shoe Dog” của Phil Knight, nhà sáng lập hãng Nike (Ảnh: nicekicks)

Cuốn tự truyện “Shoe Dog” của Phil Knight, nhà sáng lập hãng Nike, là một trong những tác phẩm bán chạy nhất trong năm 2016, và được cả Warren Buffett lẫn Bill Gates hết lời ca ngợi. Trong cuốn tự truyện này, Phil Knight đã kể lại cuộc hành trình từ lúc ông còn phải vay mượn của cha mình 50 USD để đăng ký thành lập công ty, cho tới lúc trở thành chủ của một thương hiệu trị giá hàng tỷ USD.

Dưới đây là 3 bài học đáng chú ý nhất từ “Shoe Dog”.

1. Bạn phải luôn giữ niềm tin, vì thành công không phải là thứ có thể đến sau một đêm

Phil Knight, Nike, Bài học thành công,

Phil Knight và những đôi giày đầu tiên của mình. (Ảnh: tracking-board)

“Hãy tìm kiếm một tiếng gọi. Thậm chí nếu bạn chưa hiểu ý nghĩa của nó, hãy cứ đi tìm.”  Phil Knight

Điều gì đã khiến một ý tưởng khởi nghiệp điên rồ của chàng thanh niên Phil Knight trở thành một nhiệm vụ phải làm cho bằng được? Lúc khởi nghiệp và bắt đầu tự sản xuất những đôi giày vào năm 1962, Knight biết rằng đó không phải là một lựa chọn bình thường cho một chàng trai vừa tốt nghiệp trường kinh doanh khi ấy. Nhiều người xem điều đó là điên rồ, nhưng ông vẫn tin rằng mình có thể làm được, và theo đuổi đến cùng ý tưởng của mình khi có rất ít người xung quanh đặt niềm tin vào ông.

Phải mất 5 năm trước khi Knight từ bỏ hẳn công việc toàn thời gian của mình và thuyết phục được cha mình rằng đó là một dự án đáng để theo đuổi; rồi phải mất thêm 2 năm nữa trước khi công ty của Knight đổi tên thành Nike như ngày nay.

Trước khi tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 1980, Nike cũng có tới vài lần suýt phá sản. Từ đó cho đến nay, giá trị cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 700 lần.

“Vào một buổi sáng năm 1962, tôi tự nhủ: Hãy để mọi người gọi ý tưởng của bạn là điên… và cứ tiếp tục thôi. Đừng dừng lại. Thậm chí đừng nghĩ đến việc dừng lại cho đến khi bạn thực hiện được giấc mơ của mình, và đừng nghĩ nhiều tới việc đích đến là ở đâu. Dù cho bất cứ điều gì đến với bạn, đừng bao giờ dừng lại.”  Phil Knight

Vậy Knight đã thực hiện điều đó như thế nào? Làm thế nào ông có thể kiên trì lâu như vậy? Ông đã làm theo lời trái tim mách bảo và tin tưởng rằng cuối cùng tất cả sẽ thành công.

“Nếu bạn theo đuổi tiếng gọi từ trái tim mình, sự mệt mỏi sẽ dễ chịu hơn, sự thất vọng sẽ trở thành nguồn nhiên liệu và những khó khăn sẽ chẳng là gì cả.” Phil Knight

 

2. Hãy trở thành bậc thầy về nghệ thuật kể chuyện

Phil Knight, Nike, Bài học thành công,

Từ ngày IPO tới nay, giá cổ phiếu của Nike gần như chỉ có tăng chứ không giảm. (Ảnh: tumblr)

“Những người kể chuyện giỏi luôn có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn người khác. Họ sẽ tuyển dụng tốt hơn, họ sẽ luôn là tâm điểm của báo giới. Họ sẽ huy động vốn dễ dàng hơn và thu về nhiều hơn, họ sẽ có các đối tác kinh doanh tuyệt vời, và họ sẽ xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp vững vàng và gắn bó. Trên hết, họ có nhiều khả năng mang lại rất nhiều lợi nhuận.” Bill Gurley, Đồng sáng lập tại quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark

Knight là một người kể chuyện cực giỏi. Cuốn sách của Knight dẫn đắt người đọc đi qua những thăng trầm và những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đời ông. Theo suốt cuốn tự truyện, chúng ta dần dà trở thành người ủng hộ Knight ngay cả khi Knight làm những việc “ngoài vòng pháp luật”, vì thấy ông là kẻ yếu thế trong một thế giới bị thống trị bởi những gã khổng lồ như Adidas, Puma và các nhà sản xuất Nhật Bản.

Knight kể rằng ông đã “mượn tạm” tài liệu từ cặp táp của đối tác sản xuất tại Nhật Bản, để xác nhận thông tin rằng nhà cung cấp này có ý định bỏ rơi công ty của ông. Knight sử dụng thông tin này để tự bảo vệ bản thân, tạo ra một nhãn hiệu giày mới mang tên Nike và chuyển địa điểm sản xuất sang nơi khác. Dĩ nhiên là hành động của Knight là không hợp pháp, và điều này đã dẫn đến một vụ kiện tụng khá nhiều kịch tính. Với khả năng kể chuyện tuyệt vời, Knight khiến người đọc giữ thái độ ủng hộ ông trong suốt diễn biến của câu chuyện này.

“Kể chuyện chính là khả năng gây cảm hứng cho những người khác muốn biến câu chuyện đó trở thành sự thật” Andy Raskin, Nhà tư vấn

Nếu Knight có thể khiên người đọc tham gia vào cuộc hành trình của mình một cách hứng khởi như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa về việc ông đã làm điều tương tự với các nhân viên và đối tác kinh doanh của mình. Hai nhân viên đầu tiên của Nike đã không nhận lương hàng tháng vì họ thấy rằng công ty cần phải tiết kiệm tiền cho kế hoạch kinh doanh trước mắt. Kngith cũng đã cứu công ty khỏi bị phá sản bằng cách tìm được cách buộc các công ty tài chính Nhật phải trả nợ thay cho Nike. Nhờ vào biệt tài ăn nói đó, Knight có được những nhân sự xuất sắc và luôn trung thành với ông trong suốt nhiều năm.

3. Sẵn lòng trao cơ hội cho người khác

Phil Knight, Nike, Bài học thành công,

Phil Knight đứng cạnh Jeff Johnson, nhân viên đầu tiên của ông và cũng là người đưa ra ý tưởng đổi tên công ty thành Nike. (Ảnh: luxatic)

“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”  Ngạn ngữ Châu Phi

Thay vì thuê một người nào đó cho một công việc cụ thể, Knight sẽ sẵn sàng đón nhận mọi nhân sự tài năng mà ông gặp được, từ đó ông sẽ tạo ra những vai trò phù hợp với họ nếu cần thiết. Những nhân viên đầu tiên của Knight đều là những người có chung niềm đam mê hoặc giá trị với ông, và có tiềm năng phát triển trong công việc của họ.

Một ví dụ điển hình như vậy là Rob Strasser, vốn được Knight thuê về làm cố vấn pháp lý đầu tiên của Nike trước khi trở thành lãnh đạo bộ phận tiếp thị của hãng. Được gắn bó chặt chẽ với nhau thông qua các giá trị chung, đội ngũ sáng lập của Nike có thể được coi là “bất khả chiến bại”.

“Đừng chỉ vẽ người khác phải làm việc thế nào, mà hãy nói cho họ biết phải làm gì và rồi bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì họ làm được.” Phil Knight

Bằng cách sắp xếp đội ngũ nhân sự xoay quanh một mục đích chung, và sẵn sàng bàn giao lại các trách nhiệm cốt lõi, Knight đã tạo điều kiện cho mọi người phát huy tối đa năng lực. Ví dụ nổi bật nhất về điều này chính là nhân viên đầu tiên của Nike là Jeff Johnson, người hàng ngày báo cáo cho Knight biết về tình hình kinh doanh, để từ đó Knight có thể góp ý hoặc hỗ trợ thêm nếu thấy cần thiết.

Ít khi Knight trả lời lại, nhưng bằng cách đó, ông đã cho Johnson quyền tự do làm những gì mình muốn. Kết quả là Johnson đã chủ động điều hành các chiến dịch tiếp thị đầu tiên của công ty, và thách thức Knight mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên chuyên về giày thể thao ở Mỹ.

Việc dám “đặt cược” vào những nhân sự tài năng, trao cho họ sự tự do và trách nhiệm cần thiết đã cho phép Knight biến ý tưởng điên rồ cách đây hơn 50 năm của mình thành một đế chế hưng thịnh có trị giá 93 tỷ USD của ngày hôm nay.

Theo enternews

 

 

James Dyson  Edison thời hiện đại với 5.126 lần thất bại

 

 

Chúng ta đều từng nghe rằng thất bại là mẹ thành công. Điều này hoàn toàn đúng. James Dyson, tỷ phú sở hữu nhiều đất hơn Nữ hoàng Elizabeth II, đã trải qua nhiều thất bại xương máu trước khi đến được với thành công ngày hôm nay.

that bai, thành công, James Dyson, chuyên gia,
James Dyson – nhà sáng chế giàu nhất nước Anh

James Dyson là một nhà sáng chế nổi tiếng người Anh, người phát minh ra chiếc máy hút bụi không túi Dual Cyclone. Sáng chế của Dyson đã giúp cách mạng hóa máy hút bụi cùng với các thiết bị gia dụng khác trên thế giới.

Ông sáng lập ra công ty công nghệ Dyson với 4.000 nhân viên trên toàn thế giới, chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng và bán tại 70 quốc gia. Là chủ tịch và là cổ đông duy nhất của công ty, ông Dyson có tổng giá trị tài sản là 7,8 tỷ Bảng (10,05 tỷ USD), là một trong những người giàu nhất nước Anh.

Chàng sinh viên thiết kế và bài học cay đắng đầu đời

Dyson sinh ngày 2/5/1947 tại Cromer, Anh. Ông theo học trường Nghệ thuật Byam Shaw trong 1 năm, sau đó học thạc sỹ ngành thiết kế nội thất tại trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hoàng Gia từ năm 1966-1970. Khi còn là sinh viên, ông từng gặp và đề nghị giám đốc điều hành Rotork là Jeremy Fry đầu tư xây dựng một tòa nhà theo mẫu nhà hát London do ông thiết kế.

Ông Fry từ chối nhưng thuê Dyson về làm trợ lý giúp mình chế tạo một tàu sân bay có tên Sea Truck. Và chàng sinh viên thiết kế tóc dài, mặc áo mưa tím được làm việc với thiết bị hàn lần đầu tiên. Ông nhận được 300 Bảng cho thiết kế của mình. (Rotork kiếm được hàng triệu Bảng Anh từ việc bán Sea Truck).

that bai, thành công, James Dyson, chuyên gia,

Năm 1971, Dyson và vợ mua một trang trại 300 năm tuổi ở Cotswolds và cũng như bất kỳ công trình lâu đời nào, cần đại tu lại. Vì tài chính có hạn, Dyson tự tay sửa sang ngôi nhà và rất bực mình khi dùng chiếc xe cút kít để chở vật liệu. Bánh xe lún xuống khi đi vào vùng đất mềm, thùng chứa tràn ra quá dễ dàng, thậm chí còn làm đầu gối thâm tím và móp cửa nếu lỡ đập vào.

Mất một năm nghiên cứu, cuối cùng ông cũng tìm ra cách nâng cấp chiếc xe, nổi bật nhất là thay bánh xe bằng một quả bóng và đặt tên phát minh của mình là Ballbarrow. Vì đây không phải là lĩnh vực của Rotork nên Dyson quyết định rời khỏi công ty để theo đuổi ý tưởng của mình.

Lúc đầu, nhà sáng chế trẻ thử mang sản phẩm của mình đến các cửa hàng bán đồ làm vườn nhưng không ai có hứng thú. Vì thế, ông tự lập ra một công ty nhận đặt hàng và bán trực tiếp cho khách hàng. Bằng cách này, ông bán được 45.000 sản phẩm một năm và công ty chiếm 50% thị phần xe cút kít.

Công ty nhanh chóng mở rộng và vì thiếu kinh nghiệm kinh doanh, Dyson quyết định thuê thêm một ban quản lý và nhóm bán hàng chuyên nghiệp. Nhưng ông chưa kịp tận hưởng niềm vui vì sự phát triển của công ty thì tai họa ập đến.

Một nhân viên ăn cắp thiết kế sản phẩm và bán cho một công ty sản xuất đồ nhựa của Mỹ tên là Glassco để sản xuất dưới nhãn hiệu của riêng mình. Quá sốc và tức giận, Dyson quyết tâm đấu tranh cho phát minh của mình, và mất hàng năm và hàng trăm ngàn USD theo đuổi các vụ kiện về bằng sáng chế. Thật không may là ông thua kiện và công ty bị chìm thêm vào nợ.

 

Chính vì nguyên nhân này, công ty mời thêm cổ đông để thêm tiền đầu tư và cuối cùng Dyson chỉ còn một lượng cổ phần nhỏ. Không những thế, hội đồng quản trị mất niềm tin vào Ballbarrow và quyết định đá ông ra khỏi công ty. Năm 1979, ông bị đuổi khỏi chính công ty mà mình sáng lập.

Không những thế, ông nhận ra mình mắc một sai lầm chết người là đăng ký quyền sáng chế dưới danh nghĩa công ty và giờ đành ra đi với 2 bàn tay trắng.

Trong cuốn tự truyện Against the Odds (Chống lại số phận), Dyson chia sẻ:“Tôi mất hết quyền của chính phát minh mà mình mất bao công nghiên cứu mới tạo ra. Nó cũng giống như mất đứa con do mình sinh ra”.

Máy hút bụi và 5.126 lần thất bại

Suy sụp, chán nản, và ngập trong nợ nần … nhưng Dyson không từ bỏ. Trong thời gian bán Ballbarrow, Dyson và vợ chuyển đến một căn nhà có sàn bằng gỗ và 2 người quyết định mua một máy hút bụi hàng đầu, Hoover Junior.

Tuy nhiên, Dyson rất thất vọng vì máy hút không tốt, và gần như bỏ đi khi túi đựng rác không còn mới và nghĩ ra ý tưởng máy hút bụi không túi. Khi vẫn còn ở công ty đầu tiên, ông từng đưa ra ý tưởng này với đồng nghiệp nhưng không ai quan tâm. Một thành viên hội đồng quản trị còn nói “James, ý tưởng của anh không hay đâu. Nếu có một loại máy hút bụi tốt hơn, thì Hoover hoặc Electrolux đã phát minh ra rồi”.

Vì giờ không còn ai ngăn cản, ông quyết định theo đuổi ý tưởng của mình. Học theo nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edision ông kiên trì nghiên cứu, đập đi làm lại không biết mệt mỏi để chế tạo ra loại máy hút bụi không túi và có sức hút mạnh nhất. Mất 4 năm, thử đến 5.127 mẫu ông mới thành công với mẫu máy hút bụi khí cuốn không túi G-Force năm 1983.

that bai, thành công, James Dyson, chuyên gia,

May mắn vẫn chưa mỉm cười với Dyson! Trong 2 năm, ông đem sản phẩm giới thiệu đến hàng chục nhà sản xuất ở Anh, châu Âu và Mỹ nhưng đều bị từ chối. Công ty Hoover thậm chí còn không chịu nghe ông nói trừ khi ông ký một bản cam kết đồng ý rằng bất cứ điều gì nảy ra trong cuộc đối thoại đều thuộc về công ty này.

Trong cuốn sách của mình, Dyson so sánh việc này như “một tên trộm viết thư thông báo với bạn rằng hắn sẽ đến ăn trộm nhà bạn”. Trong khi đó, Electrolux nói rằng ông sẽ không bao giờ thành công trong việc bán máy hút bụi mà không có túi. (Túi dùng trong máy hút bụi được thiết kế để khách hàng phải liên tục đi mua và chỉ riêng bán túi cũng là một việc kinh doanh rất có lãi).

Amway, một công ty ở Michigan, Mỹ thậm chí còn đồng ý mua bản quyền nhưng khi lấy được thiết kế thì hủy hợp đồng và sau đó tự sản xuất. Dyson kiện Amway nhưng không thành công vì thiếu chứng cứ. Đến năm 1985, Dyson mới bán được giấy phép cho một công ty Nhật Bản tên Apex (công ty này bán G-Force với giá 2.000 USD), rồi sau đó cho một công ty Canada tên Iona. Lợi nhuận từ 2 thương vụ này đủ cho Dyson mở công ty Dyson Ltd. Trong vòng 2 năm, Dyson đã vượt mặt Hoover ngay tại thị trường Anh.

that bai, thành công, James Dyson, chuyên gia,

Tiếp đó là máy hút bụi robot trị giá 1.000 USD (17 năm, 1.000 mẫu thử) và gần đây nhất là máy sấy tóc siêu âm 400 USD (4 năm, 600 mẫu), được tung ra vào tháng 9/2016. Nhờ bài học xương máu đầu đời, Dyson tự đăng ký bằng sáng chế cho các sản phẩm mình làm ra.

that bai, thành công, James Dyson, chuyên gia,

Tính đến 2015, Dyson làm ra 58 sản phẩm, mang về 2,4 tỷ USD doanh thu và ước tính 340 triệu USD lợi nhuận ròng, ngay cả sau khi tái đầu tư 46% vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Nhà sáng chế 70 tuổi đang có kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển ít nhất 100 sản phẩm mới vào năm 2020. Ông không coi mình là một doanh nhân mà chỉ là một kỹ sư thiết kế luôn nỗ lực làm ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.


Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập358
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,018
  • Tổng lượt truy cập36,332,573
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây