Sinh vật biến đổi gene (GMO): Cơ hội lớn trở thành mối nguy hiểm

Thứ bảy - 25/10/2014 23:28

Sinh vật biến đổi gene (GMO): Cơ hội lớn trở thành mối nguy hiểm

Sinh vật biến đổi gene (GMO) đã được khẳng định là một thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại, giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực...
15:06 25-10-2014
Nguồn ảnh: www.letseathealthier.com

Nguồn ảnh: www.letseathealthier.com
Mới đây, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Agibiotech tổ chức tọa đàm Tiến trình phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gene ở Việt Nam. Một Thế Giới sẽ lần lượt thông tin về các ý kiến phát biểu tại tọa đàm này. 

Dưới đây là phần đầu bài phát biểu của GS.TS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam. Tên tiêu đề do Một Thế Giới đặt.
Nỗi sợ hãi gây ra bởi truyền thông
Sau 20 năm, nhất là hơn 10 năm gần đây giới truyền thông châu Âu và một số người làm báo ở Việt Nam đã vô tình tiếp tay tạo ra nỗi sợ hãi sinh vật biến đổi gene (GMO) vô cớ bao trùm toàn xã hội. Gần như tất cả những người được phỏng vấn đều trả lời cùng một ý: Không biết sản phẩm biến đổi gene là gì, nhưng nhất định không dùng!
Như vậy, một cơ hội lớn đã nghiễm nhiên trở thành mối nguy hiểm ăn sâu vững chắc trong tâm trí nhiều người. Thật là một “thành công” lớn, rất lớn, của truyền thông châu Âu cùng với một vài tổ chức quốc tế và một số nhà báo nước ta! 
Vì vậy, trong suốt những năm qua, đã có không ít những đề xuất “rất táo bạo”, không phải chỉ của các nhà báo mà cả một vài người có chức năng hoạch định chính sách, nhằm ngăn chặn “mối nguy hiểm tiềm ẩn khủng khiếp” của GMO. 
Chẳng hạn, người ta đề xuất cần lập một hệ thống phòng chống GMO từ trung ương đến cơ sở (huyện xã), sẽ tiêu tốn vài lần GDP của nước ta (mà chắc chắn sẽ không hiệu quả!). Trong khi, những thực phẩm có hại 100% hiện hữu trước mặt, không hề tiềm ẩn lại vẫn chưa thể và không có định hướng giải quyết. 
Nhiều người trẻ tuổi nói với tôi: “Chúng cháu chỉ mong thọ được như bác (tôi bước sang tuổi 75)”. Tôi ngạc nhiên: “Phải thọ hơn chứ!”. Họ nói: “Vì lúc trẻ bác được ăn thực phẩm sạch, còn bây giờ lấy đâu ra!”?!
Trở lại với “mối nguy hiểm tiềm ẩn khủng khiếp” của GMO, khủng khiếp đến mức một hãng sữa lớn của nước ta đã ghi ngoài bao bì hộp sữa đậu nành làm từ đậu nành nhập từ Mỹ là không có biến đổi gene (GMO free) để quảng cáo. Khi được hỏi bằng cách nào mà công ty biết đậu nành nhập từ Mỹ không biến đổi gene thì không có câu trả lời, sau khi mất vài giờ để thảo luận nội bộ.
Thiếu định hướng khiến nông dân phá sản
Về mặt pháp luật, suốt nhiều năm qua ở Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh được khung pháp lý để áp dụng sinh vật biến đổi gene. 
Trong một chương trình trên VTV1, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, ứng dụng một công nghệ mới như công nghệ biến đổi gene thì khung pháp lý không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, khi được hỏi bao giờ có được khung pháp lý này.
Mặc dù khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, nhưng từng phần của nó đã được công bố. Đầu năm 2014, một thông tư chính thức đã được công bố, theo đó trong tập hồ sơ xin phép để trồng một giống biến đổi gene ở nước ta cần có 5 giấy cho phép của 5 nước tiên tiến trên thế giới đối với giống đó. 
Câu hỏi đặt ra là vì sao cần 5 giấy phép, không phải 7 hay 1. Phải chăng người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ an toàn gấp 5 lần các dân tộc của các nước tiên tiến? Hay đơn giản đây chỉ là biện pháp cấm nửa chừng? Ngoài ra việc dán nhãn GMO, theo tình hình này, chắc chắn sắp tới sẽ ra quy định chính thức.
Trong khi đó, tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng NN&PTNT đã chính thức phê duyệt cho phép trồng 4 giống ngô biến đổi gene và sau đợt trồng thử nghiệm thành công các giống ngô này năm 2013, nông dân rất phấn khởi chấp nhận. 
Như vậy, một tình huống rõ ràng đã hình thành: Ngô biến đổi gene sẽ được nông dân trồng đại trà trong vụ tới. Vấn đề là sau đó bán cho ai? Khi mà nỗi sợ hãi đối với sinh vật biến đổi gene (GMO) đang bao trùm toàn xã hội Việt Nam? Chắc chắn người vô tội và còn rất nghèo là nông dân sẽ chịu thiệt hại lớn. 
Rõ ràng sau đó nông dân ta sẽ “cạch đến già” không dám động đến GMO nữa. Thế là một cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam sẽ bị trôi đi, chưa biết bao giờ quay lại, có thể sẽ vĩnh viễn bị đánh mất?
Thêm nữa, hiện nay việc cấm “động vật biến đổi gene” đang nằm trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mới, chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt. Trong khi đó, Chính phủ của nước láng giềng phương Bắc đã thông qua và đang thực hiện một đại dự án (mega project) về thực vật và cả động vật biến đổi gene cho giai đoạn 2006-2020 với mức đầu tư 2 tỉ USD. Đối tượng được biến đổi gene ưu tiên là lúa, lúa mì, ngũ cốc, bông, lợn, trâu bò và cừu. Mục tiêu nhằm tới là tạo ra các giống chịu bệnh, chống stress, chất lượng tốt hơn và năng suất cao hơn dùng cho phát triển bền vững. 
Câu hỏi ở đây là họ đúng hay ta đúng. Để trả lời cần sáng suốt và cầu thị.
 

Câu chuyện về Mark Lynas

05:58 26-10-2014
Sinh vật biến đổi gen: Câu chuyện về Mark Lynas
Đây là câu chuyện điển hình về sự thay đổi nhận thức của một con người đã từng đứng ra tổ chức phong trào chống thực phẩm biến đổi gen ở châu Âu một cách quyết liệt vào những năm giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước, nay lại trở thành một ủng hộ viên hết sức nồng nhiệt cho sinh vật biến đổi gen nói riêng và công nghệ sinh học nói chung.

Mark Lynas sinh năm 1973, là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động tích cực bảo vệ môi trường. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử và Chính trị, Đại học Edinburgh, hiện sống ở Oxford, nước Anh. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, trong đó cuốn Six Degrees: Our Future on a Hotter Planet (2007), đã đoạt giải thưởng danh giá của Hội hoàng gia Anh năm 2008 cho loại sách viết về đề tài khoa học.

Trong một bình luận tháng 7.2011, ông viết: “Hoạt động chống sinh vật biến đổi gen của bản thân tôi đã nguội dần ngay sau khi tôi bắt đầu đọc các tài liệu khoa học. Chắc chắn rằng sức mạnh soi sáng của thông tin là liều thuốc giải độc tốt nhất cho tính cuồng tín phản khoa học … chống lại các cây trồng biến đổi gen, cũng như chống lại bất kỳ thành tựu khoa học nào khác.”

Tháng giêng năm 2013, trong bài thuyết giảng tại hội nghị nông nghiệp Oxford, khi đề cập đến việc ông chuyển biến từ một người tổ chức phong trào phản đối thực phẩm biến đổi gen ở châu Âu thành một ủng hộ viên cho công nghệ này, ông nói: "...năm 2008, tôi còn vướng vào một bài viết dài lê thê cho tờ Guardian nhằm tấn công khoa học biến đổi gen, mặc dù lúc đó tôi chưa hề nghiên cứu về đề tài này và sự hiểu biết của tôi rất hạn chế. Tôi chưa bao giờ đọc một bài tổng quan nghiêm túc về công nghệ sinh học hay về khoa học thực vật…"  Ông đã xin lỗi về việc đã nhiều đêm tham gia phá hoại các cuộc thử nghiệm đồng ruộng của cây trồng biến đổi gen và tuyên bố rằng ông đã hoàn toàn sai lầm khi phản đối GMO.
Ngày 29 tháng 4 năm 2013 tại Đại học Cornell, Mark Lynas nói: “Tôi cho rằng cuộc tranh luận về GMO là thất bại lớn nhất của sự giao tiếp khoa học trong nửa thế kỷ qua. Hàng triệu, cũng có thể, hàng tỷ con người đã trở nên tin tưởng như đinh đóng cột vào thuyết âm mưu chống GMO, một học thuyết đã tạo ra nỗi hoảng sợ và sự hiểu nhầm về cả một hệ thống công nghệ mới với qui mô lớn chưa từng thấy trên toàn cầu”.
“Giờ đây tôi tin rằng nhiều người đã chết một cách vô ích vì những sai lầm mà chúng tôi đã phạm phải khi gây nên nỗi khiếp sợ đối với GMO (ý nói những người chết đói vì thiếu ăn do canh tác lạc hậu, trong khi thế giới đã có GMO). Vì thế, chỉ nói xin lỗi rồi bỏ qua là chưa đủ. Một sự đền bù nào đó cần được thực hiện”, Ông nói.
 

Tác giả bài viết: GS,TS Lê Đình Lương

Nguồn tin: (Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập85
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại244,410
  • Tổng lượt truy cập35,510,691
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây