10 phát minh "cười vỡ bụng" được nhận giải Ig Nobel 2014

Thứ bảy - 20/09/2014 10:19

10 phát minh "cười vỡ bụng" được nhận giải Ig Nobel 2014

Tại sảnh đường trường ĐH Harvard (Mỹ), Ig Nobel lần thứ 24 năm nay vẫn tiếp tục truyền thống trao giải cho những thành tựu khoa học theo tiêu chí "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ".
Nhiều nhà khoa học cảm thấy vô cùng thích thú trước lễ trao giải Ig Nobel - giải thưởng "nhái" lại giải Nobel danh giá. Buổi lễ trao giải này giống hệt Nobel, vinh danh đầy đủ thành tựu về các lĩnh vực khoa học và nghiên cứu. Chỉ khác là, Ig Nobel thiên về những phát hiện hài hước, gây bất ngờ tới mức... nhảm nhí.
 
Dưới đây là 10 giải thưởng Ig Nobel được trao trong năm 2014 này.
 
Ig Nobel Thần kinh học: lý giải vì sao nhiều người nhìn thấy Chúa Jesus trên bánh mì nướng
 

 
Giải này được trao cho nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên tạp chí Cortex tháng 4/2014. Theo đó, họ đã tiến hành chụp fRMI não của các tình nguyện viên khi được xem các khuôn mặt khác nhau. 
 

 
Kết quả thu được chứng minh rằng: con người có xu hướng nhìn theo kỳ vọng, nghĩa là ta sẽ nhìn thấy những gì ta muốn thấy. Khi nhìn thấy một hình thù không rõ ràng, não bộ kích thích hoạt động của một vùng thần kinh đặc biệt, cho phép ta tưởng tượng ra điều mà ta muốn nhìn thấy. Đó là lý do rất nhiều người luôn cho rằng họ nhìn thấy Chúa Jesus hay Đức mẹ Maria trên… mặt bánh mì nướng.
 

Ig Nobel Tâm lý học: cú đêm có xu hướng thích… tự sướng
 

 
Giải Ig Nobel thuộc hạng mục này được trao cho Peter K.Jonason, Amy Jones và Minna Lyons vì tìm ra một đặc điểm tính cách đặc biệt của các cú đêm. 
 
Theo đó, trong nghiên cứu của họ được đăng vào năm 2013 trên tờ Personality and Individual Differences, những người thức khuya có xu hướng dễ bị tâm thần hơn so với người thích dậy sớm. Ngoài ra, họ thường tự ngưỡng mộ và luôn yêu bản thân mình quá mức hơn so với những người hay dậy sớm.
 

Ig Nobel Y tế công cộng: nuôi mèo rất nguy hiểm 
 

 
Tại hạng mục Y tế công cộng, Jaroslav Flegr, Jan Havlicek và các đồng sự được trao giải Ig Nobel với nghiên cứu về tác hại của việc nuôi mèo. Công trình này được công bố năm 2013 trên tạp chí trực tuyến PLOS ONE.
 

 
Theo đó, các nhà nghiên cứu trên phát hiện ra việc bị mèo cắn có thể gây nên tình trạng trầm cảm ở con người. Ngoài ra, lông mèo có chứa một kí sinh trùng đáng sợ có tên Toxoplasma gondii. Nếu bị nhiễm kí sinh trùng này, chúng sẽ xâm nhập vào não và gây nên biến đổi trong trung ương thần kinh của vật chủ, dẫn tới các rối loạn tâm thần và các bệnh lý khác.
 

Ig Nobel Sinh học: Phát hiện chó “giải quyết nỗi buồn” theo từ trường Trái đất
 

 
Vlastimil Hart, Petra Novakova và các cộng sự đã được vinh danh tại hạng mục Ig Nobel về sinh học sau khi phát hiện ra một hành động vô cùng kì lạ chỉ thấy ở loài chó. Cụ thể, loài này khi “giải quyết nỗi buồn” thường quay mặt về cực Bắc và hướng vòng ba của mình về cực Nam theo đúng trục của từ trường Trái đất. 
 
Phát hiện này được kiểm chứng sau khi các chuyên gia tiến hành thử nghiệm trên 37 giống chó khác nhau. Kết quả là 100% đều có thói quen như vậy. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có nhà khoa học nào lý giải cơ chế giúp chó nhận biết được hướng từ trường để… đi vệ sinh cho đúng.
 

Ig Nobel Nghệ thuật: Nhìn một bức tranh xấu xí khiến con người… đau
 

 
Marina de Tommaso, Michele Sardaro và các đồng nghiệp của mình đã nhận được giải Ig Nobel trong lĩnh vực nghệ thuật với việc chứng minh nghệ thuật xấu xí có thể làm đau con người. 
 
Trong nghiên cứu của mình, các chuyên gia đã tiến hành đo mức độ đau của các tình nguyện viên khi chiếu laser vào bàn tay họ trong lúc ngắm các bức tranh khác nhau. Sau thí nghiệm, họ nhận thấy rằng: các tình nguyện viên cảm thấy đau hơn khi nhìn những tác phẩm xấu xí so với các tác phẩm đẹp đẽ.
 

Ig Nobel Vật lý: phát minh đi trên vỏ chuối


 
Giải Ig Nobel Vật lý đã thuộc về nhóm các chuyên gia Nhật Bản Kiyoshi Mabuchi, Kensei Tanaka, Daichi Uchijima và Rina Sakai. Nghiên cứu đạt giải của họ được đăng trên tờ Tribology năm 2012.
 
Theo đó, nhóm chuyên gia trên đã tiến hành thử nghiệm đặt 12 vỏ chuối khác nhau dưới sàn rồi cho tình nguyện viên đi giày lên trên bề mặt đó. Sau thí nghiệm, họ tính toán và thu được kết quả: ma sát giữa giầy và vỏ chuối chỉ bằng 20% so với ma sát giữa giày với sàn thông thường. 
 
Với kết quả trên, nhóm chuyên gia đã ví sàn “vỏ chuối” cũng tương tự như bề mặt tuyết với hệ số ma sát rất nhỏ. Trong tương lai, nghiên cứu này có thể mở ra một công nghệ sản xuất vật liệu bề mặt mới.
 

Ig Nobel Kinh tế: ý tưởng phát triển nền kinh tế từ việc thu hồi vốn kinh doanh
 

 
Các nhà khoa học Ý được vinh danh trong hạng mục Ig Nobel Kinh tế trong việc sáng tạo nhằm thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. 
 
Theo đó, ý tưởng này được thực hiện bằng cách thu hồi vốn kinh doanh từ dịch vụ mại dâm, buôn bán ma túy, buôn lậu hay các giao dịch tài chính bất hợp pháp khác.
 

Ig Nobel Y tế: Sử dụng thịt lợn để ngăn chặn chảy máu cam
 

 
Nhóm các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Ấn Độ đã được trao giải thưởng Ig Nobel Y học cho phát kiến sử dụng thịt lợn để ngăn việc chảy máu cam. 
 
Theo đó, các chuyên gia nhận thấy thịt heo có tác dụng tốt trong việc kiểm soát và ngăn chặn không cho máu cam bị chảy ra ngoài. 
 
Để rút ra được kết quả này, các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm với một cậu bé 4 tuổi hay bị mắc chứng chảy máu cam. Và đương nhiên, miếng thịt lợn được cuộn nhỏ, đưa vào trong mũi đã giảm thiểu hiện tượng này.
 

Ig Nobel Khoa học Bắc Cực: thử nghiệm cách tuần lộc phản ứng với con người khi cải trang thành gấu Bắc Cực
 

 
Với ý tưởng thử nghiệm mối tương tác giữa những chú tuần lộc với con người khi được cải trang thành gấu Bắc Cực, hai nhà khoa học Eigil Reimers và Sindre Eftestol được vinh danh ở hạng mục Khoa học Bắc Cực.
 
Sau khi cải trang thành gấu Bắc Cực, các chuyên gia đã nhận thấy ngay cả gấu Bắc Cực cũng ăn thịt cả đồng loại của mình.
 

Ig Nobel Dinh dưỡng: sử dụng vi sinh vật từ phân của trẻ sơ sinh để chế tạo xúc xích
 

 
Nhà khoa học Raquel Rubio, Anna Jofra, Belen Martin, Teresa Aymerich và Margarita Garriga đã được vinh danh với nghiên cứu sử dụng vi sinh vật trong phân của trẻ sơ sinh 1- 6 tháng tuổi để chế tạo ra những thanh xúc xích.
 
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, Lactobacillus gasseri và Enterococcus faecalis đóng vai trò quan trọng trong quá trình lên men nhiều thực phẩm, đặc biệt là xúc xích. Chúng có tác dụng tăng hương vị, màu sắc và độ an toàn cho xúc xích. Do đó, chúng ta không nên lãng phí một nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa trong chế biến thực phẩm như vậy.
 
(Nguồn: Livescience, HuffingtonPost)
 

 

Tác giả bài viết: thanh thanh van

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập357
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,857
  • Tổng lượt truy cập36,333,412
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây