Lời khuyên của mẹ Mỹ về cách giải quyết xung đột giữa các bé

Thứ tư - 21/01/2015 19:47

Lời khuyên của mẹ Mỹ về cách giải quyết xung đột giữa các bé

Vô tình chứng kiến cảnh hai đứa trẻ nhà tôi cãi lộn, xung đột, Julia, một người bạn người Mỹ tới chơi nhà tôi đã có những lời khuyên hết sức bổ ích để giảm thiểu tối đa những cơn đau đầu và giúp cuộc sống ở nhà hài hòa hơn.

Nêu gương tốt cho con

Đừng mong các bé sẽ giải quyết bất đồng một cách hợp lý nếu chúng thấy bạn và chồng la hét rồi đóng sầm cửa bất cứ khi nào cả hai xung đột. Cố gắng hành động như những người tử tế mà bạn muốn con mình như vậy. Nếu bạn mất bình tĩnh và cao giọng với chồng trong tầm nghe của các bé, chắc chắn chúng biết bạn đã phạm sai lầm. Đừng ngại khi để chúng thấy cảnh bạn và chồng xin lỗi rồi ôm nhau làm hòa.

Cố gắng không thúc đẩy sự cạnh tranh

Sự cạnh tranh có thể là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong các gia đình có con riêng hoặc con nuôi. Cha mẹ cố gắng giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn về vị trí của mình trong gia đình bằng cách tập trung vào thế mạnh của chúng càng nhiều càng tốt. Bạn có thể nói: “Mẹ biết con đang gặp khó khăn với chuyện học chữ, nhưng rồi con của mẹ sẽ làm được thôi mà. Còn rất nhiều điều con có thể làm ngay bây giờ nên con luôn đặc biệt trong mắt mẹ”.

 

Bạn không nên so sánh giữa các con. Kiểu nói cổ điển như: “Tại sao con không thể làm tốt hơn giống như chị hai?” sẽ gây tổn thương về cảm xúc cho bé. Thay vào đó, bạn nên đề cao thế mạnh độc đáo của mỗi đứa trẻ: “Nhím ơi, mẹ rất tự hào vì con đã đọc hết cuốn sách một mình!” hoặc “Bé Ty, mẹ thật vui khi có một cô con gái múa đẹp như con”. Ngoài ra, bạn nên phóng khoáng lời khen và thưởng cho các con cùng một lúc bất cứ khi nào có thể: “Chà! Mọi người đều nhớ đánh răng tối nay nhỉ!”.

Đừng cố phấn đấu đối xử bình đẳng

Đúng vậy, dù đó là ý định tốt. Khi các bậc cha mẹ cố gắng đối xử với con cái của mình như nhau, họ sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn mức có thể giải quyết. Tốt nhất, nên đối xử với con cái như những cá nhân riêng biệt.

Thay vì theo đuổi sự bình đẳng, nên cho các bé thấy rằng bạn đang cố hết sức để có sự công bằng và đó là điều tốt nhất bạn có thể làm. Khi một đứa rên rỉ: “Sao anh hai lại có nhiều trái nho hơn con”, bạn thử nói: “Con muốn thêm nho nữa không? Con nghĩ rằng con sẽ ăn thêm được mấy trái nào?”.

Khi chia phần, bạn nên để cho một bé cắt bánh và bé kia chọn phần trước. Đứa trẻ cắt bánh sẽ cố gắng chia các phần giống hệt nhau, thậm chí cả hai có thể tận hưởng sự mới lạ của trải nghiệm này.

Phân xử và đặt ra các giới hạn khi cần thiết

Nói chung, cha mẹ nên tránh tham gia vào cuộc tranh cãi của các con. Việc phớt lờ các cuộc cãi vã nhỏ nhặt để khuyến khích các nhóc tì tự giải quyết rắc rối của chúng. Tuy vậy, nếu những cảm xúc đang dâng cao và bạn thấy cơn giận dữ hoặc nước mắt sắp tuôn trào, có thể bọn trẻ rất cần sự giúp đỡ của bạn để chúng có thể trao đổi và hiểu nhau hơn.

 

Trong tình huống này, bạn nên bắt đầu cuộc trao đổi bằng cách mô tả sự tức giận của chúng đối với nhau: “Tí nè, con giận vì chị Ti không cho chơi đồ chơi chung đúng không?”. Bạn cần lắng nghe cả hai bên bày tỏ và không cho phép ai làm gián đoạn lời trình bày của người khác. Sau đó, tổng hợp các vấn đề, thừa nhận những khó khăn và yêu cầu các bé đề xuất giải pháp.

Bạn có thể để chúng một mình và nói rằng bạn tự tin về năng lực của các con trong việc giải quyết vấn đề đã nêu. Nếu điều đó không có kết quả hoặc nếu các trẻ đang khó chịu để có thể tự giải quyết mọi thứ, nhớ cho chúng một khoảng thời gian chừng nửa tiếng để dịu cơn giận dỗi và cố gắng làm lại lần nữa.

Tất nhiên, có những lúc đứa trẻ rõ ràng mắc lỗi. Đưa bé sang nơi khác và gợi ý vài tình huống cần thiết để tránh các va chạm trong tương lai. Bạn có thể nói với bé: “Đôi khi chị gái của con thích chơi chung với bạn bè của chị ấy. Lúc đó, con không thể ném đĩa CD của chị xuống cầu thang. Con có hai lựa chọn: Một là rủ bạn của con qua chơi, hai là tìm cái gì đó chơi một mình, con muốn chọn cái nào?”.

Nếu bé lớn hơn có lỗi, bạn đưa trẻ sang một bên để phân tích về hành vi của bé. Bạn sẽ nhận được kết quả tốt hơn nếu bạn tôn trọng sự riêng tư của mỗi đứa trẻ và không gây bối rối cho chúng bằng cách la mắng chúng trước mặt người khác.

Thiết lập các ranh giới về tài sản cá nhân

Những xung đột nhiều khi không thể tránh khỏi nhưng bạn có thể giảm thiểu bằng cách quy định một vị trí đặc biệt cho đồ đạc của mỗi trẻ, chẳng hạn như mỗi bé có một kệ riêng. Điều này đặc biệt quan trọng, đối với trẻ trước đây từng có phòng riêng và bây giờ phải chia sẻ không gian.

Điều quan trọng nên xác định mỗi trẻ có một số khu vực độc quyền. Nói với bé rằng trước khi muốn chạm vào bất cứ thứ gì trên kệ của anh/chị/em, chúng phải xin phép. Nên giúp các con đưa ra những dấu hiệu với tên của mỗi bé và các dòng chữ “Không đi vào” hoặc “Chỉ khi được cho phép”.

 

Ngay cả khi bé chưa biết đọc, bé vẫn được quyền có kệ riêng của mình và cần tôn trọng không gian cá nhân của anh/chị. Nếu các con bạn gần nhau về tuổi, nên cho trẻ chơi những đồ chơi giống hệt nhau, điều này giúp ngăn chặn một số cuộc xung đột có thể xảy ra.

Đừng khuyến khích việc mách lẻo

Khi con của bạn chạy tới mách mẹ chuyện em gái đã giật rồi quăng cuốn sách ra khỏi bàn hoặc anh trai không làm bài tập về nhà, nhớ nói với bé rằng bạn không muốn nghe từ bé những gì anh/chị/em của bé đang làm. Tuy nhiên, nếu bé muốn cho bạn biết những gì bé đang làm, bạn sẽ sẵn sàng lắng nghe.

Nên biểu lộ rõ ràng rằng bạn sẽ không can thiệp khi lũ trẻ đang cố gắng lôi nhau vào rắc rối, nhưng nhớ đảm bảo để chúng hiểu được một ngoại lệ quan trọng cho quy tắc này: Nếu ai đang có nguy cơ bị tổn thương hay làm tổn thương một ai đó, bạn phải được nghe về chuyện ấy ngay lập tức.

Thừa nhận cảm xúc của trẻ

Đôi khi nói về những cảm xúc của một đứa trẻ là cách kết thúc có hậu của một cuộc chiến. Nên bắt đầu một cuộc đối thoại bằng cách nói một điều gì đó như: “Mẹ biết con không vui khi chị hai không cho con chơi xếp hình cùng chị”. Để khuyến khích con nói ra cảm xúc của mình, bạn có thể chia sẻ với bé về khoảng thời gian bạn có cảm nhận giống như con lúc còn nhỏ khi chị gái không cho bạn chơi cùng.

Một cuộc chuyện trò gia đình hằng tuần có thể là một nơi tuyệt vời để thổ lộ các vấn đề của mỗi đứa trẻ và đưa ra các thỏa hiệp có thể xoa dịu tất cả mọi người. Điều này sẽ làm trong trẻo bầu không khí và giúp mỗi bé có cơ hội bày tỏ cảm xúc, đồng thời cũng dạy con ngoan biết cho và nhận một cách tự nhiên trong mối quan hệ hàng ngày.

Dành thời gian vui chơi cho cả gia đình

Cho dù là trò ném bóng quanh sân hoặc cùng bò ra xếp hình, bạn đang thể hiện cho các bé thấy chúng có thể vui chơi hòa thuận với nhau. Ngoài ra, trẻ nhỏ thường tranh giành để có sự chú ý của ba mẹ, các hoạt động chung là cách để chứng tỏ bé nào cũng được quan tâm như nhau.

Tác giả bài viết: Bảo Hân (TH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập988
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm986
  • Hôm nay14,574
  • Tháng hiện tại284,471
  • Tổng lượt truy cập36,339,026
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây