Tiền để làm gì?

Thứ bảy - 25/11/2017 08:26

Tiền để làm gì?

Tuần này do Quốc hội Việt Nam đang họp nên trên mặt báo có khá nhiều từ như “tham nhũng”, “lãng phí”, hay “trục lợi”.

 

Jesse PetersonGiáo viên 
(đang sống và làm việc tại Việt nam)

 

 

Dường như mấy từ này chỉ xoay quanh một tham vọng bất tận, là kiếm tiền cho bản thân.

Trong lúc đó, tôi đã phụ việc ở quán hủ tiếu của hàng xóm được mấy ngày. Lý do là nhân viên của họ có chút việc bận. Tất nhiên là tôi không lấy tiền, chỉ đơn giản do tôi vui vì được giúp bạn mình.

Làm ở đó khá vui và rất tốt cho việc học tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng có đôi vấn đề vì có vẻ như “thằng Tây bưng hủ tiếu” đã trở thành câu chuyện được bàn tán nhiều. Một số khách hàng hay nói chuyện với nhau về tôi trong khi tôi đang ở ngay kế bên. Họ nghĩ thằng bồi bàn da trắng ấy không hiểu được tiếng Việt. Tôi có cảm tưởng như mình là con khỉ cuối cùng trong sở thú.

“Sao ông Tây lại làm ở đây vậy? Ổng không dạy tiếng Anh nữa hả?”

“Trời ơi! Đẹp trai quá!”

“Lương phục vụ Tây bao nhiêu thế? Vậy giá hủ tiếu có tăng không?

Vào lúc đó tôi mới nhận ra, hầu hết các công việc tôi đã làm trong hơn một năm nay đều miễn phí. Và nó không phải là một tinh thần phổ biến lắm so với gánh nặng “cơm áo gạo tiền” ở đây.

Hơn một năm trước tôi mở lớp dạy học đầu tiên. Tôi quyết định dạy miễn phí vì muốn có trải nghiệm dạy lớp ngữ pháp. Điều kiện để được đăng ký là mỗi học viên phải viết thư xin phép tham gia lớp học và gửi cho tôi, cho đến hạn chót tổng số thư tôi nhận được là gần năm mươi lá.

Sau hai tháng lớp này kết thúc, tôi lại mở một lớp khác dạy tiếng Anh cho người mới bắt đầu. Đây là tâm huyết của tôi từ khi nghe một số học viên bảo rằng họ rất muốn học tiếng Anh nhưng lại không có điều kiện. Có lần một ai đó còn gọi tôi nói: “Thầy Jesse ơi! Tôi muốn học tiếng Anh lắm, nhưng lại không có tiền”.

Tôi không thể nào từ chối những yêu cầu như thế được. Tôi bảo cậu ta: “Em cứ đến học đi. Không tiền gì hết”.

Về sau, số học viên dần dần tăng lên; chàng trai thường hay chạy Grab cho tôi, chú bán cà phê muốn học tiếng Anh để thay đổi cuộc sống,... Chỉ cần có đam mê tôi đều mời đi học.

Mấy tháng sau tôi cho đóng lớp đó để mở lớp mới. Ngoài ra tôi vẫn tiếp tục ủng hộ những học viên cũ. Học viên chạy xe ôm bị cướp xe, tôi cho luôn xe của mình để em ấy có thể tiếp tục đi làm và kiếm tiền. Tôi phụ việc ở quán cà phê của chú học viên – cũng là hàng xóm của tôi. Tôi chọn quay phim ở đó, quảng bá cho quán của chú. Cuối cùng tôi mới làm phục vụ cho quán hủ tiếu của hàng xóm, tội nghiệp họ vì cứ phải chạy bàn vất vả do không đủ nhân viên.

Hơn sáu mươi phần trăm công việc tôi đã làm là miễn phí, nhưng tôi không hề giàu có gì cả. Thực sự cuộc sống của tôi luôn nằm ngay mép bờ vực, nghĩa là thu nhập của tôi chỉ vừa đủ sống và không bao giờ hơn.

Đó là lí do vì sao tôi có các ưu tiên khác nhau.

Tôi hiểu tại sao mọi người luôn cố gắng kiếm nhiều tiền, càng nhiều càng tốt, và hầu hết số tiền là nhằm phục vụ cho những mục tiêu cá nhân của họ. Đó là những ham muốn khác nhau nhưng đều dựa trên nền tảng của lối tư tưởng xưa cũ: kiếm tiền – mua nhà – cưới vợ. Nhà đất ở Việt Nam rất đắt so với mức lương trung bình. Tôi ngạc nhiên tại sao nhiều người Việt có khả năng mua được nhà đến thế.

Nhu cầu của chúng ta là ít, cơm đủ ăn, áo đủ mặc là cơ bản. Nhưng ham muốn thì không bao giờ là đủ. Nhiều người khi mua được nhà rồi vẫn thấy cuộc sống của họ thiếu thốn. Đồng hồ đắt tiền, chiếc ví hàng hiệu, xe hơi,… từng nhu cầu mới lần lượt được gọi tên, và nó chỉ dừng lại khi khả năng tài chính dừng lại.

Tôi là một trong những người may mắn vì chủ nhà rất tốt bụng, cũng quý tôi. Đó là nơi tôi thuê lâu nhất và vẫn đang ở, có lẽ tôi sẽ tiếp tục sống như thế lâu dài và tránh được khỏi cơn áp lực mua nhà.

Bạn bè vẫn luôn khuyên tôi: “Jesse vẫn nên có một khoản tiền lớn dự phòng trong ngân hàng, ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra như bỗng dưng bệnh nặng thì sao?”.

Cũng đúng, bị bệnh là một việc khá đáng sợ. Nhưng vì điều này tôi luôn luôn chú ý tập thể thao thường xuyên, chọn những thức ăn tốt cho cơ thể và để ý hơn về sức khỏe.

So với việc này thì những người tập trung vào các tờ giấy lộn mà đặt sức khỏe mình ra rìa còn đáng thương hơn nhiều. Kiếm tiền là một quy trình không thể vắng sự có mặt của cortisol (hormone gây stress) – nguyên nhân chính yếu khiến chúng ta mau yếu và lão hóa. Nhất là đàn ông không thể tránh việc đi nhậu, uống rượu với khách hàng. Rất ít đàn ông lớn tuổi thành công mà không vác theo cái bụng bự. Đặc biệt ở Nhật và Hàn – nơi nhịp sống chạy khá nhanh, đa số người dân làm việc quá sức gây ra thiếu ngủ. Nhịp sinh học, hormone bị đảo lộn dẫn đến tỷ lệ trầm cảm và tự tử rất cao ở hai đất nước này.

Con người thường tập trung cả cuộc đời vào việc kiếm tiền. Đến cuối cùng lại dùng chính tiền đó trang trải viện phí. Và đôi lúc, trong tham vọng bất tận nhằm kiếm tiền cho cá nhân, bạn còn có thể gây hại cho xã hội.

Với tôi, sống tốt rất quan trọng. Gần đây tôi có hai sở thích mới là Yoga và hài độc thoại “Stand up”. Yoga thì chắc ai cũng biết rồi. Stand up là khi một người biểu diễn trực tiếp trước các khán giả và kể chuyện cười độc thoại một mình.

Tôi đã và sẽ chọn một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Tôi làm công việc tôi yêu thích chứ không phải làm để kiếm tiền. Tôi giúp đỡ mọi người xuất phát từ lòng tốt của tôi chứ không phải mong họ trả công cho tôi.

Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng phải chiến đấu để có tiền, vì xã hội này đã được thiết kế như thế. Cứ đến cuối năm tôi phải làm gấp nhiều lần kiếm đủ tiền “mua visa” để tiếp tục sống ở Việt Nam. Tôi hiểu tại sao phải có luật như thế. Nhưng một luật quan trọng hơn tất cả, trong ưu tiên của tôi: Sức khỏe là vàng.

Nếu bạn tập trung vào cái gì, bạn sẽ trở thành nó.

Tác giả bài viết: Jesse Peterson,

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập124
  • Hôm nay10,366
  • Tháng hiện tại273,528
  • Tổng lượt truy cập35,919,873
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây