Từ trước đến nay rất nhiều người nghĩ rằng, nhân vật Ben-Hur, và một số thiên sử thi được đưa lên màn ảnh ở thập niên 50, là được lấy từ Kinh thánh. Nhưng trên thực tế không có một cái tên Ben-Hur nào tồn tại, kể cả trong kinh Cựu ước lẫn Tân ước.
Nhân vật Ben-Hur được hiện thực hóa bởi một vị anh hùng thời nội chiến Nam-Bắc Mỹ cuối thế kỷ 19 - tướng Lew Wallace. Ông là một luật sư thành công trong sự nghiệp, từng là thống đốc bang New Mexico và Indiana, trước khi thành danh trong binh nghiệp.
Năm 1876, Wallace quyết định viết một cuốn tiểu thuyết. Nó đáng lẽ phải bắt đầu bằng việc ba nhà thông thái lên đường đến Bethlehem để tìm đức chúa Jesus mới hạ sinh. Nhưng Wallace lại thêm vào truyền thuyết ba vua, và cũng hư cấu thêm nhân vật trung tâm là vị hoàng tử Do Thái, Judah Ben-Hur.
Sau gần 5 năm chấp bút, cuối cùng tác phẩm Ben-Hur: A Tale of the Christ (Ben-Hur - Câu chuyện về Chúa cứu thế) của tướng Lew Wallace cũng được xuất bản vào năm 1880. Ban đầu nó không thu được thành công, nhưng 2 năm sau cuốn sách vụt trở nên ăn khách và trở thành sách bán chạy lúc ấy.
Bộ phim đại vĩ tuyến 70 mm đầu tiên
Năm 1923, hãng phim MGM mua bản quyền cuốn sách và năm 1925 bỏ ra 4 triệu USD để sản xuất phim. Ben-Hur: A Tale of the Christ đã trở thành bộ phim tốn kém nhất, vĩ đại nhất và ăn khách nhất trong lịch sử phim câm.
Thập niên 1950, Hãng phim MGM danh tiếng ở bên bờ vực phá sản như các hãng phim khác vì sự tấn công mạnh mẽ của truyền hình. Năm 1954, ban lãnh đạo của hãng quyết định dốc hết vốn liếng chơi một canh bạc chót cực kỳ mạo hiểm, dựng lại Ben-Hur trên màn ảnh đại vĩ tuyến 70 mm.
Lý do những nhà điều hành MGM muốn quay bằng phim 70 mm (thực tế là 65 mm, gần gấp đôi cỡ phim thông dụng 35mm), để tạo ra sự khác biệt về hình ảnh nhằm kéo khán giả đến lại với rạp. Bộ phim sẽ được bấm máy theo quy trình được gọi là “MGM Camera 65”, với 4 chiếc máy quay Ultra Panavision 70, được chế tạo riêng lên đến 100.000 USD/cái.
Mọi thứ đều rất đắt đỏ và phải đồng bộ từ máy quay, phim (âm bản và dương bản), in tráng, hậu kỳ, đến màn ảnh rạp chiếu… Khi hoàn tất nó sẽ cho ra một bản phim rộng nhất từng được thực hiện là 2.76:1 – chiều rộng gần gấp ba lần chiều cao, tạo ra một tỷ lệ khung hình cực rộng – điều này cho phép quay những đại cảnh cực kỳ ngoạn mục. Để tăng thêm hiệu quả, Ben-Hur còn kèm theo âm thanh nổi 6 kênh.
Trở lại với Ben-Hur sau 34 năm
Sam Zimbalist, một trong những nhà sản xuất phim thành công nhất từ kỷ nguyên phim câm, đảm nhận trọng trách sản xuất. Ngay lập tức ông mời người bạn thân đã 2 lần đoạt giải Oscar, William Wyler làm đạo diễn. Wyler trước đó 34 năm từng làm trợ lý đạo diễn cho bộ phim câm Ben-Hur năm 1925.
Đã có nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Wyler có thích hợp với chiếc ghế đạo diễn đầy rủi ro này hay không, vì trước đó ông chưa từng thực hiện một bộ phim nào có quy mô vĩ đại như vậy. Một trong những người nêu câu hỏi đó, chính là… William Wyler!
Nhưng Zimbalist vẫn muốn có được Wyler bằng mọi giá, nên đã đưa ra lời đề nghị gây choáng váng Hollywood: Một triệu USD! – Số tiền lớn nhất mà một đạo diễn nhận được vào thời điểm đó. “Tôi sẽ làm một bộ phim thực sự thu hút khán giả bất kể họ theo tôn giáo nào”, Wyler hứa chắc như đinh đóng cột.
Một dự án có thể nói là vĩ đại nhất vào thời điểm ấy với khoản đầu tư kinh phí khổng lồ nhưng nhà sản xuất Zimbalist và đạo diễn Wyler lại quyết định thực hiện Ben-Hur tại phim trường lừng danh Cinecitta ở Italia để giảm chi phí.
Casting… trên toàn thế giới
Với độ dài của phim ước lượng khoảng 4 giờ và hàng ngàn vai diễn lớn nhỏ, ngay từ giữa năm 1957, Hãng MGM phải mở văn phòng tuyển chọn diễn viên tại Mỹ, Anh và Italia. Hơn 50.000 ứng cử viên từ khắp mọi nơi đã đến dự tuyển để chọn ra vài ngàn người.
Do gần như toàn bộ diễn viên trong phim đều là mắt xanh, nên đạo diễn Wyler quyết định rằng, vai tên quan La Mã độc ác Messala – kẻ thù không đội trời chung của Ben-Hur – phải là mắt nâu để phân biệt rõ giữa chính và tà. Đầu tiên Robert Ryan được cân nhắc, nhưng cuối cùng Stephen Boyd, một diễn viên trẻ đang lên người Ireland, đã vượt qua nhiều ứng cử viên khác để được chọn vào vai này.
Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim của Hollywood tập trung được một dàn diễn viên đa quốc gia: Stephen Boyd (Ireland), Haya Harareet (Israel), Jack Hawkins (Anh), Hugh Griffith (xứ Wales), Frank Thring (Australia), Marina Berti (Italia), Finlay Currie (Scotland)…
Khó nhất là việc chọn ai thủ vai chính Ben-Hur. Người đầu tiên mà hãng MGM muốn là Paul Newman, nhưng ông từ chối vì trước đó đã thất bại trong một bộ phim sử thi khác về Kinh thánh. Sau đó hàng loạt cái tên đã được nhắc đến, có cả những ngôi sao lớn như Marlon Brando, Kirk Douglas, Burt Lancaster, Rock Hudson…
Hãng MGM đã thực hiện một việc táo bạo mà lúc ấy chưa hãng phim nào làm: Tổ chức một cuộc thi tuyển vai chính trên khắp thế giới, bất cứ ai cũng có thể dự thi để đóng vai Ben-Hur. Miễn là họ phải nói được tiếng Anh và có một thân hình cường tráng khỏe mạnh.
Nhưng thật ra đây chỉ là một chiêu tiếp thị để tạo sự tò mò và gây tiếng vang cho bộ phim. Thực chất họ đã tìm được người thủ vai này thật hoàn hảo. Đó là C-harlton Heston, cao đến 1m98, có thân hình vạm vỡ và một gương mặt được sinh ra chỉ để đóng những nhân vật thần thánh và vĩ nhân.
Những con số gây choáng ngợp
Năm 1957, sau 2 năm chuẩn bị, đoàn kỹ thuật viên hùng hậu gồm 125 người đã đến Italia để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ cùng với hàng trăm kỹ thuật viên thiện chiến nhất của phim trường Cinecitta.
Nhà thiết kế Edward Carfagno, từ 15.000 bức phác họa được nghiên cứu hàng năm trời, đã cho tái tạo lại 300 bối cảnh, trải rộng trên 1,4 km². Tổng cộng, quá trình sản xuất đã sử dụng gần 12.200 m³ gỗ, gần nửa triệu ký thạch cao và 400 km ống kim loại. Các thợ chạm khắc đã tạo hơn 200 bức tượng để bổ sung cho hàng nghìn đạo cụ lấy từ nhà kho của phim trường Cinecitta.
Toàn thể ngôi làng vùng núi Arcinazzo được cải tạo lại thành Nazareth. Còn cư dân của ngôi làng đó thì tham gia đóng phim, trở thành dân Nazareth. Chỉ riêng việc tái tạo lại thành phố Jerusalem đã chiếm tới 10 khu phố, bao gồm nhà cửa và những khu vực buôn bán sầm uất cho hàng ngàn người sinh hoạt. Bên cạnh đó là cổng Joppa uy nghi, cao hơn 22m, nơi quay cảnh quân đội La Mã ca khúc khải hoàn.
Để tất cả các bối cảnh đạt đến sự hoành tráng như yêu cầu, các nhà thiết kế đã nghĩ ra một cách vừa tiết kiệm chi phí, mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Đó là vẽ thêm phông nền bối cảnh xung quanh, chứ không cần thiết phải xây dựng toàn bộ như thật. Thực tế chỉ có 40% đại cảnh là dàn dựng như thật, còn lại là ghép với những cảnh đã vẽ để tạo cảm giác chiều sâu và mức độ hoành tráng của bối cảnh. Như cảnh đoàn quân La Mã ca khúc khải hoàn trên đường phố Roma tráng lệ, thật ra chỉ có phần ở gần máy quay là thật, còn xung quanh là cảnh vẽ.
Khâu thiết kế trang phục mới thật sự phức tạp và tỉ mỉ. Các chuyên gia đã thiết kế hơn 8.000 mẫu và bản vẽ y phục, trong đó công phu và tốn kém nhất là vật liệu để thực hiện được đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới: Tơ lụa Thái Lan dùng để may quần áo cho các nhân vật chính, tất cả giày dép làm ở Italia, Đức chế tạo vũ khí, đăng-ten các loại đến từ Pháp, Thụy Sĩ thực hiện quần áo có đính trang sức, và mất một năm ở Anh để thêu trang phục và đóng đồ da…
Râu và tóc giả của hàng ngàn diễn viên phụ được kết từ tóc của phụ nữ Italia vùng Upper Piedmont. Cư dân vùng núi này từ hàng thế kỷ qua đã rất nổi tiếng về mái tóc đẹp và mịn màng, nó trở thành món hàng xuất khẩu được những người thợ làm tóc giả trên thế giới rất ưa chuộng. Phim Ben-Hur đã sử dụng trên 180 kg tóc của họ.
Trên 100.000 bộ trang phục các loại và hơn một triệu đạo cụ được chứa đầy trong 3 tòa nhà cao tầng của phim trường Cinecitta. Hơn 100 thợ chuyên môn phải túc trực thường xuyên, để giữ cho chúng luôn ở trong tình trạng tốt.
Trong suốt thời gian quay Ben-Hur, hơn 500 nhà báo và khoảng 25.000 du khách trên thế giới đã đổ xô đến phim trường Cinecitta để tham quan những hoạt động của đoàn phim. Họ đã bị thu hút trước những cảnh quan của quá khứ được tái tạo lại, bởi hầu như ai cũng ít nhiều biết đến thời kỳ này qua Kinh Thánh Tân Ước. Thế nhưng được nhìn thấy tận mắt những cảnh quan sống động như vậy thật là một điều quá sức tưởng tượng.
"Ben-Hur" & Cảnh hành động hay nhất mọi thời đại
Ben-Hur sẽ được nhân loại nhớ mãi với trường đoạn đua xe tứ mã kinh điển dài 11 phút, hoàn toàn được thực hiện bằng sức người... Hơn nửa thế kỷ đã qua, nó vẫn được tôn vinh là cảnh hành động ngoạn mục và vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh.
Sự chuẩn bị vĩ đại cho cảnh quay vĩ đại
Trường đua chiến xa là bối cảnh đơn lẻ lớn nhất từng xây dựng vào thời điểm ấy. Nó được hơn 1.000 công nhân bắt tay xây dựng từ đầu năm 1958, dài hơn 600 mét, rộng gần 20 mét và bao trùm trên một diện tích 73.000 m2. Hơn 40.000 tấn cát trắng đã được nhập từ Mexico để xây trường đua này.
Ngoài trường đua chính để quay, một đường đua giống hệt cũng được dựng ở bên cạnh để huấn luyện ngựa, những người lái chiến xa, và bố trí thử các góc máy. Đường đua được trải bằng đá vụn nghiền nát, rồi phủ một lớp đất dung nham nghiền nát dày hơn 25 cm. Lớp trên cùng là đá vàng được tán vụn dày hơn 20 cm, đủ cứng để có thể chịu được trọng lượng của các cỗ chiến xa và ngựa, và có tính đàn hồi để tránh cho các con ngựa bị khập khiễng.
18 cỗ xe tứ mã được chế tạo, một nửa được sử dụng cho bộ phim. Xuất hiện trong suốt cuộc đua là 36 con ngựa, nhưng phải nhập tới 82 con từ Nam Tư. Tất cả đều được chọn lựa kỹ càng để phòng khi xảy ra tai nạn và để chúng được luân phiên nghỉ ngơi. Đặc biệt những con bạch mã của Ben-Hur đến từ Lipica, Slovenia – nơi khởi nguồn của giống ngựa “Lipizzaner” trắng như tuyết. Chuyên gia Glenn H. Randall Sr. huấn luyện chúng nhiều tháng trước khi quay.
C-harlton Heston bỏ ra bốn tuần để học cách điều khiển chiến xa. Năm 1956, khi đóng phim The Ten Commandments (Mười điều răn), Heston đã từng có kinh nghiệm với các cỗ xe nhị mã nhỏ hơn, nên lần này anh tinh thông kỹ thuật điều khiển cỗ xe tứ mã nhanh hơn bất kỳ ai khác.
Stephen Boyd do được phân vai trễ nên chỉ có hai tuần học cách điều khiển chiến xa. Anh đã trải qua những giờ phút đầy khó khăn với đôi tay và cổ tay thường xuyên sưng rộp.
Andrew Marton – Linh hồn của cảnh quay vĩ đại
Đạo diễn William Wyler giao trọng trách thực hiện toàn bộ cảnh quay tốn kém và quan trọng này cho phó đạo diễn Andrew Marton. Diễn viên đóng thế lừng danh Yakima Canutt được mời điều phối tất cả các pha mạo hiểm và huấn luyện những người điều khiển chiến xa.
Andrew Marton được bố trí ba chiếc camera 65mm đắt tiền với những ống kính đặc biệt, để ông và ê-kíp có thể di chuyển tới gần những pha hành động nguy hiểm. Trong quá trình quay, có lúc 2 chiếc chiến xa bị mất đà tông thẳng vào chiếc máy quay, may là nó đã được bảo hộ kỹ càng.
Sau một vài ngày quay, Marton khám phá ra cách hiệu quả nhất để tạo hình ảnh có tốc độ và sống động, là phải cho máy quay cùng tham gia cuộc đua, nghĩa là phải cho nó di chuyển cùng với các cỗ xe tứ mã. Ngoài những chiếc xe pick-up có trang bị cần trục, một chiến xa sử dụng lốp xe cao su cũng được chế tạo đặc biệt để đặt máy quay.
Nhiệt độ cao ở Rome lúc ấy là điều trở ngại đáng sợ khi quay cảnh này. Các con ngựa chỉ có thể chạy nhiều nhất khoảng tám lần mỗi ngày. Vì vậy hầu hết các cảnh quay phải được biên đạo và tập dượt kỹ càng, để có thể hoàn tất ngay trong lượt quay đầu tiên. Một bệnh xá dã chiến được xây dựng bên cạnh trường đua. May mắn trong suốt thời gian quay những cảnh đua chiến xa nguy hiểm, hầu hết chỉ là những vết xây xước nhẹ hoặc da bị cháy nắng… chứ không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Đạo diễn Wyler quyết định cuộc đua chiến xa sẽ không thu âm thanh khi quay. Tất cả âm thanh sẽ được đưa vào trong giai đoạn hậu kỳ. Ngoài ra ông cũng quyết định sẽ không có bất kỳ âm nhạc nào trong suốt trường đoạn ấy.
Trong suốt 10 tuần quay cảnh này, 15.000 diễn viên quần chúng đã được thuê để phủ đầy các khán đài. Tổng cộng chỉ riêng cảnh đua chiến xa đã tốn khoảng 4 triệu USD, tức gần ¼ tổng kinh phí sản xuất cả phim. Thời ấy, cứ mỗi giờ lại có một chiếc xe chở khách du lịch đến tham quan trường đua vĩ đại này.
Những cảnh ngoạn mục nhất
Tất cả những gay cấn nhất của cuộc đua chiến xa được chuyên gia đóng thế các pha mạo hiểm hàng đầu Yakima Canutt dàn dựng. Khi xem trường đoạn này, khán giả cực sốc vì thấy có ít nhất 3 cái chết. Một chiến xa bị ép sát tường, kéo tên lính gác La Mã ngã ra đường đua, và bị chiếc xe sau cán qua người. Một chiến xa bị đổ vật giữa đường đua, hất người kỵ mã lăn ra ngoài. Anh tránh được chiến xa thứ nhất, nhưng bị chiếc thứ hai đè nghiến qua người. Và người đóng thế vai Messala của Stephen Boyd bị lôi với tốc độ cao và bị giẫm nát dưới chân ngựa…
Thực chất, 3 cảnh chết người rõ ràng ấy hoàn toàn là những hình nộm có trọng lượng bằng người thật. Chúng có những khớp nối ở tay và chân được chế tạo rất khéo léo để khi bị cán qua, những khớp nối ấy sẽ phản ứng lại như cơ thể của con người trong tình huống đó. Giống thật nhất trong số này là hình nộm thế thân cho Messala bị vướng dưới chân ngựa và bị giẫm đạp tới chết. Đó là kết quả của sự xếp đặt khéo léo và dựng phim lão luyện đã tạo nên cảnh chết người ghê rợn nhất trong phim ảnh tới thời điểm đó. Nó khiến cho khán giả xem phim bị sốc dữ dội, vì cứ đinh ninh là diễn viên chết thật!
Tuy nhiên, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đua lại đến từ một tai nạn suýt gây chết người. Đó là cảnh chiến xa của Ben-Hur bay vượt qua một chiếc khác đang ngã đổ trên đường đua. Trong thực tế, cú bay qua chướng ngại vật ấy đã được lên kế hoạch kỹ càng, nhưng tình huống nhân vật bị hất lên không trung thì không ai nghĩ tới.
Con trai của Yakima Canutt là Joe Canutt đóng thế cho C-harlton Heston. Anh điều khiển chiến xa lao với tốc độ rất cao về phía cỗ xe đổ nát chắn ngang đường mà không nghe thấy cha mình thét: “Nhanh quá! Nhanh quá!”. 4 con ngựa dễ dàng bay qua chướng ngại vật, chiếc chiến xa cũng thế, nhưng nó lại nảy mạnh lên khi tiếp đất và hất tung Joe bay khỏi cỗ xe lọt vào giữa hai con ngựa. Theo bản năng, anh nắm được thanh giằng trên chiếc chiến xa để tránh bị rơi xuống chân ngựa. Joe leo ngược trở vào chiến xa, nhưng vẫn bị kéo lê đến gần hai mét...
Joe may mắn thoát chết trong gang tấc và chỉ bị một vết cắt trên cằm, phải khâu bốn mũi! Ông bố Yakima Canutt mặt tái mét, bởi ông cũng như mọi người ai cũng đinh ninh rằng Joe Canutt cầm chắc cái chết! Trường đoạn này ngoạn mục tới mức nó được đưa toàn bộ vào phim, khiến ai xem cũng phải bật dậy tán thưởng. Andrew Marton đã gọi đó là pha mạo hiểm ngoạn mục nhất mà ông từng thấy trong đời!
Khi đạo diễn Wyler xem phiên bản dựng hoàn chỉnh của cảnh đua chiến xa, ông vô cùng thán phục những gì mà phó đạo diễn Andrew Marton và nhà biên đạo các pha mạo hiểm Yakima Canutt đã làm được. Wyler khẳng định rằng: “Đó là một trong những kỳ tích điện ảnh vĩ đại nhất” mà ông từng thấy!
Tất cả những nhà viết sử điện ảnh của thế giới đều cho rằng: Chỉ riêng cảnh này cũng đã xứng đáng với giải Oscar! Nó có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thế hệ đạo diễn sau này.
Xứng đáng với mọi lời khen tặng
Đến mùa Hè thì chi phí sản xuất đã vọt lên 10 triệu USD, cao hơn dự tính ban đầu gần 50%. Các nhà điều hành hãng MGM sốt ruột bay tới Rome mỗi tuần để kiểm tra tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, tổn thất bi đát nhất là cái chết của nhà sản xuất 54 tuổi Sam Zimbalist vì nhồi máu cơ tim, khi phim vẫn còn đang dang dở! Có lẽ trọng trách nặng nề phải làm phim Ben-Hur để cứu hãng MGM khỏi phá sản, chính là áp lực dẫn tới cái chết của ông. Đạo diễn Wyler nhận trách nhiệm thay bạn lèo lái bộ phim đến phút cuối cùng.
Trong 9 tháng quay Ben-Hur tại phim trường Cinecitta, đạo diễn Wyler đã duy trì một lịch trình làm việc khủng khiếp suốt 7 ngày trong tuần: 16 giờ/ngày. Trong suốt quá trình quay dài đằng đẵng ấy, Wyler chỉ bỏ lỡ có 2 ngày quay do bị cúm!
Sau khi quay, toàn bộ các bối cảnh được tháo gỡ (với chi phí 150.000 USD) – mục đích là để bán đi những gì có thể lấy lại tiền, thứ hai là nhằm bảo mật ngăn ngừa các nhà sản xuất phim Ý sử dụng lại những mẫu thiết kế và vật liệu tương tự cho các bộ phim sử thi khác.
Khi quá trình bấm máy hoàn tất, các phòng in tráng hậu kỳ của MGM ở London đã xử lý hơn… 381.000 mét phim màu Eastman Kodak 65mm, với chi phí 1 USD cho 0,384 mét. Cuộc đua chiến xa có một tỷ lệ cắt dựng là 263 lấy… 1! (trung bình khoảng 80 mét phim lấy được… 0,3 mét!) – Đây có lẽ là tỷ lệ cao nhất cho bất kỳ trường đoạn nào từng được quay bằng phim 65mm.
Ben-Hur hoàn tất với độ dài 212 phút, tốn kém đến 15 triệu USD. Nhưng canh bạc mạo hiểm này đã có đoạn kết có hậu khi công chiếu với 90 triệu USD doanh thu, và 11 giải Oscar năm 1959. Đây là bộ phim duy nhất trong thể loại phim tôn giáo do Hollywood sản xuất, có mặt trong danh sách những phim được Vatican hài lòng!.
Bá Vũ
C-harlton Heston, người từng đoạt giải Oscar với vai diễn Ben Hur trong bộ phim sử thi cùng tên, đã qua đời ở tuổi 84 tại nhà riêng ở Beverly Hills tháng Tư năm 2008. Năm trước, C-harlton Heston phát hiện ông bị mắc chứng Alzheimer. Vợ ông, bà Lydia, đã có mặt bên cạnh chồng lúc ông lâm chung.
Tổng thống Mỹ George W. Bush đánh giá C-harlton Heston là “một trong những diễn viên thành công nhất trong lịch sử điện ảnh”. C-harlton Heston tên thật là John C-harles Carter. Ông nổi lên với hình ảnh người hùng trên màn bạc những thập niên 50-60 thế kỷ trước, ngoài Ben Hur ông từng hóa thân thành Mose, Michelangelo, El Cid.
Các nhà sản xuất từng hứa hẹn rằng Ben-Hur phiên bản mới sẽ trung thành với nguyên tác văn học của câu chuyện, trong đó nhắc nhiều hơn tới chúa Jesus và khắc họa rõ hơn nhân vật Messala và mối quan hệ của hắn với nhân vật chính Judah Ben-Hur.
Với dàn diển viên sáng giá Jack Huston, Morgan Freeman, Toby Kebbell, Nazanin Boniadi và Rodrigo Santoro, bộ phim khởi quay ngày 2 tháng Hai, 2015 tại thành phố Matera miền Nam Italy.
Matera được chọn làm bối cảnh cho bộ phim vì những hang động cổ của thành phố này, được gọi là Sassi, nằm ngay trong khu trung tâm lịch sử của thành phố.
Sassi là khu vực đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới và trở nên nổi tiếng với việc được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim, trong đó có phim "The Gospel According to Saint Matthew" (Tin mừng theo Thánh Matthew) quay năm 1964 của đạo diễn Pier Paolo Pasolini và phim "The Passion of the Christ" (Nỗi khổ hạnh của Chúa) quay năm 2004 của đạo diễn Mel Gibson.
Bộ phim này sẽ được quay ở Matera trong vòng khoảng một tháng, sau đó sẽ chuyển đến quay tiếp ở Cinecitta của thủ đô Rome, và hoàn thành sau 6 tháng vào tháng Tám 2015.
Bộ phim dự chiếu ra mắt ngày 12 tháng Tám, 2016 với các phiên bàn 2D và 3D.
Tác giả bài viết: SIMON HOA
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn