Kỳ tích Nhật Bản (phần 1)

Chủ nhật - 10/05/2015 19:15

Kỳ tích Nhật Bản (phần 1)

Sao VN mình không mở mắt để học tinh thần của người Nhật nhỉ?? Thật đáng buồn Một đất nước không có “rừng vàng biển bạc” hay “những con sông chở nặng phù sa”, tài nguyên khan hiếm. Động đất xảy ra liên miên, được xem là đất nước gánh chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Nhưng Nhật Bản vẫn là một quốc gia giàu và văn minh hàng đầu thế giới
.
Tokyo, Nhật Bản. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu khoảng 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận.

Tokyo, Nhật Bản. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu khoảng 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận.

Điều gì đã làm nên kỳ tích Nhật Bản?

Nhật Bản có diện tích 379.954 km², dân số 128 triệu người, trong đó thủ đô Tokyo và một vài tỉnh xung quanh có 30 triệu người sinh sống.

Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên, các khoáng sản như quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì, bạc và các tài nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ, than đều phải nhập khẩu. Địa hình và khí hậu Nhật Bản khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, và vì quốc gia này chỉ trồng cấy được một số cây trồng như lúa gạo, nên khoảng một nửa số lương thực phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Mỗi năm Nhật Bản phải chịu khoảng 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận.
Vị trị địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới. Hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu khoảng 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận, tuy nhiên Nhật Bản được đánh giá là một cường quốc kinh tế. Kinh tế Nhật Bản đứng thứ ba trên toàn cầu tính theo tổng sản phẩm nội địa cũng như thứ ba theo sức mua hàng hóa (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) và là đất nước đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư cho quốc phòng; đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 6 thế giới về nhập khẩu.

tokyo 2

Tokyo, Nhật Bản

Điều gì giúp cho người Nhật Bản đạt được những thành tựu như vậy, có thể kể đến một số đặc điểm tiêu biểu như sau:

1. Sự kiên nhẫn của người dân Nhật

Khả năng chịu đựng giỏi, sự nhẫn nại, kiên trì của người Nhật cũng có nguồn gốc hình thành từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đức tính này đã được tôi luyện qua hàng trăm năm nước Nhật được điều hành bởi tầng lớp võ sĩ samurai, và vẫn được gìn giữ đến ngày nay trong xã hội công nghiệp hiện đại đòi hỏi khắt khe khả năng làm việc và cống hiến của mỗi con người.

Cả thế giới đã chứng kiến sự kiên nhẫn của người Nhật trong thảm họa ngày 11-3-2011, khi nước Nhật liên tiếp hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng: trận động đất lớn hy hữu với cường độ 9,1 độ richter, sóng thần cao hơn 10 mét khiến gần 3 vạn người chết và mất tích, và ngay sau đó là thảm họa rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đe dọa hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong vòng bán kính 30km.

Trong những ngày nước Nhật tan hoang, bối cảnh giao thông khó khăn, mất điện, không có nước sinh hoạt nhưng dân chúng vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhận nước, lên xe buýt hoặc chờ gọi điện thoại công cộng. Dù xếp hàng có lâu và dài đến mấy, cũng không ai chen lấn hay xô đẩy, giành giật nhau, tất cả đều im lặng và nhẫn nại. Nhưng những hàng người lặng lẽ xếp hàng ấy, không ai có ý định chen hàng và nài xin thêm khẩu phần được phát, mỗi người nhẫn nại chờ đến lượt của mình và chỉ lấy duy nhất một phần đồ ăn và nước uống. Tất cả người dân đoàn kết thành một khối kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn.

Chính vì vậy, mặc dù trải qua nhiều loại thảm họa, người Nhật trong cuộc dường như lại chính là người có thái độ bình tĩnh hơn người ngoài cuộc. Với những hình ảnh về sự kiên nhẫn của người Nhật được các phương tiện truyền thông đưa tin, có lẽ chúng ta cần học thực sự nghiêm túc học chữ “nhẫn” để có được những hành động, ứng xử điềm tĩnh và đầy ý thức để ứng biến trong bất kì hoàn cảnh nào như đất nước Nhật đã trải qua.

2. Tinh thần tập thể của người Nhật

Người Nhật từ xa xưa đã có tinh thần đoàn kết, làm việc theo nhóm, và tinh thần này lại được bồi đắp bởi sự tồn tại của kiểu gia đình với cuộc sống chung, lao động chung của vài thế hệ. Ý thức về “nhóm” ở người Nhật vô cùng mạnh mẽ và cũng được xem là khá khác biệt so với các dân tộc khác. Ở Nhật Bản, mỗi người đều thuộc “nhóm” của mình, nhóm nhỏ là gia đình, lớn hơn một chút là họ hàng, bạn bè thân hữu, đồng nghiệp trong công ty… cứ thế, cho đến “nhóm” lớn nhất chính là dân tộc Nhật Bản, đối lập với người bên ngoài (gaijin), nước ngoài (gaikoku). Người Nhật thích phân chia xã hội ra thành “người mình” (người trong nhóm – uchi) và “người lạ” (người ngoài nhóm -soto) và đối xử theo mức độ tương xứng.

nong dan nhat ban xua
Nông dân Nhật Bản xưa

hoang gia nhat ban

Bức ảnh hoàng gia Nhật: Hoàng đế Akihito 80 tuổi và hoàng hậu Michiko 79 tuổi được vây quanh bởi các con trai, con dâu và cháu của họ.

Mỗi một người Nhật cảm thấy mình là một phần của một nhóm người nào đó – của gia đình, hay của công ty nơi họ làm việc. Họ suy nghĩ và hành động cùng nhau, họ được giáo dục tuân theo lợi ích của tập thể và cư xử phù hợp với vị trí của mình trong tập thể. Trong trận thảm họa vừa qua, khi một người nước ngoài hỏi một người Nhật “Tại sao ở Nhật hầu như không có trộm cắp vào những lúc như thế này?”, người Nhật đó đã trả lời rằng:

“Nếu tôi lấy đi một chai nước để thỏa cơn khát, hay lấy trộm tiền để mong có cuộc sống sung túc hơn thì tôi cũng không thể cảm thấy hạnh phúc khi những người xung quanh tôi đang gặp khó khăn”, “tôi không thể có hạnh phúc một mình được”…

Thực tế đã cho thấy trong tình trạng thiếu lương thực và nước nghiêm trọng, các cửa hàng không hề có trục lợi, hàng hóa trên toàn nước Nhật không tăng giá. Thậm chí, trong các cửa hàng, hàng hóa đổ ngổn ngang nhưng không hề có kẻ trộm đồ hay hôi của, mà ngược lại, nhiều người mua hàng đã giúp sắp xếp lại đồ đạc lên giá, và để lại tiền mua hàng tại quầy bán không người thu tiền. Một số chủ quầy bán nước tự động đã phát miễn phí các chai nước uống, mọi người giúp đỡ nhau để cùng tồn tại.

Tinh thần tập thể, không mưu cầu hạnh phúc “cá nhân” và tấm lòng biết sẻ chia đã làm nên điều kỳ diệu khiến nước Nhật đã nhanh chóng khắc phục và đứng lên sau thảm họa.

 

 
 

Tác giả bài viết: Nhật Hạ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập56
  • Hôm nay13,833
  • Tháng hiện tại235,061
  • Tổng lượt truy cập35,501,342
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây