CON CHIM HOÀNG ANH CỦA ĐỨC TIN CÔNG GIÁO TRUNG QUỐC

Thứ hai - 04/05/2015 23:38

CON CHIM HOÀNG ANH CỦA ĐỨC TIN CÔNG GIÁO TRUNG QUỐC

Hạ tuần tháng 10 năm 1993, bà Vương Tiểu Linh, một phụ nữ công giáo Trung hoa đã đến Roma để giới thiệu một cuốn sách viết về cuộc bách hại kitô giáo của nhà nước Trung Quốc. Trong cuốn sách mang tựa đề “Con chim Hoàng Anh và con Rồng“, bà Vương đã kể lại cuộc đời 20 năm tù đày hành hạ tinh thần và thể xác mà bà đã phải chịu chỉ vì Đức Tin.
Bà Vương Tiểu Linh năm ấy 57 tuổi, sinh trưởng tại Thượng Hải trong một gia đình trưởng giả ngoại đạo. Cùng với người em gái Tiểu Tam (Xiaosan), bà được gia đình gửi đi học tại trường do các nữ tu điều khiển tại Thượng Hải. Ở trường học, cô bé Tiểu Linh say mê âm nhạc, hội họa và nhất là những ảnh tượng thánh mà cô bé thoáng thấy bên trong khu vực dành cho các nữ tu. Các ảnh tượng này đánh động óc hiếu kỳ của Tiểu Linh và thúc đẩy cô bé tìm hiểu về đạo công giáo.
 
Năm 1950, giữa khi cơn cuồng phong bách hại các tín hữu kytô nổi lên dữ dội, Tiểu Linh xin gia nhập giáo hội công giáo với tên thánh là Caterina. Người em gái Tiểu Tam (Xiaosan) cũng theo gót chân chị trên con đường lòng tin. Hai chị em cùng gia nhập hội Đạo Binh Đức Mẹ để hoạt động tông đồ. 
 
Nhưng bão táp đổ ập xuống chung quanh hai thiếu nữ kytô này. Năm 1955, Tiểu Linh bị Vệ binh Đỏ của Mao Trạch Đông bắt giam tạm trong một nhà tù khốn khổ suốt một năm trời mà chẳng xét xử chỉ vì nàng thuộc Đạo Binh Đức Mẹ. Được trả tự do tạm, Tiểu Linh vẫn cương quyết giữ và sống đạo nên năm 1959, nàng lại bị bắt và đưa vào trại cải tạo lao động. Mãi 20 năm sau đó, Tiểu Linh mới trả xong nợ máu với nhân dân và bước chân ra khỏi trại lao động cải tạo.. Nhưng vì không thay đổi tâm thức, người phụ nữ can cường này bị nhà nước trục xuất sang Hoa Kỳ. Cùng đi với Tiểu Linh, là người chồng và đứa con trai đầu lòng, chào đời sau hàng rào kẽm gai của nhà giam.
 
Trong tù, Tiểu Linh được bạn đồng cảnh ngộ tặng cho danh hiệu là con chim hoàng anh vì giọng hát lảnh lót và niềm vui sống của nàng. Những khổ ải đày đọa của cảnh tù tội không làm cho Tiểu Linh mất đi niềm hy vọng hay lay chuyển lòng tin sắt đá của nàng. Suốt 20 năm trời, con rồng đỏ cộng sản hung hăng vẫn không nuốt trửng được con chim hoành anh mảnh mai yếu ớt, mặc dù chung quanh nàng, bao nhiêu tín hữu kytô khác đã đầu hàng bạo lực. 
 
Mỗi sáng, loa phóng thanh cho phát đi các bản tự thú của những tín hữu này, trong đó có cả các GM, LM tu sĩ. Dưới sức ép tinh thần và thể xác, nhiều người đã phải tự xưng tội phản cách mạng. Bao nhiêu bạn bè chung quanh Tiểu Linh đã gục ngã trong tù ngục chỉ vì kiên vững gìn giữ đức Tin. Ngay cả Tiểu Tam (Xiaosan), em gái của chị cũng đã trút hơi thở cuối cùng trong nhà giam vì không chịu nổi những đày ải của bọn cai nhà giam.
 
Khi được hỏi về thời gian giam cầm, chị Vương Tiểu Linh hồi tưởng lại quá khứ và nói: Biết phải trả lời sao để quý vị hiểu được sức mạnh nào đã giúp tôi cầm cự với cảnh lao lực quần quật hằng ngày, cơm hẩm chấm muối, cảnh lạnh giá và cô đơn, cũng như những buổi học tập kiểm thảo để cải tạo tư tưởng dài lê thê? Đã biết bao nhiêu lần tôi gục đầu cầu xin Thiên Chúa cho tôi được chết đi. Tuy nhiên phải nói là sức lực sinh động nhất của tôi là lời cầu nguyện. Dĩ nhiên, trong ngục tù, làm gì tôi có được sách nguyện hay kinh bổn hay chuỗi hạt. Nhưng trước đó, đoán biết được cảnh tù ngục nên tôi đã học thuộc lòng một số kinh nguyện và trong tù, tôi đã nhẩm đọc các kinh đó mỗi ngày và mỗi khi có thể. Rồi mỗi tối trước khi thiếp ngủ, tôi luôn cố gắng đọc ba kinh Kính Mừng, chỉ ba kinh mà thôi vì tôi kiệt lực, không đủ sức đọc thêm nữa.
 
Mấy năm đầu của đời tù tội, tôi còn nương tựa được vào sự thông hiệp và bảo trợ tinh thần của cộng đoàn kytô của tôi, nhất là với đức cha Cung Phần Mai, sau này được tấn phong Hồng Y và phải sống cảnh lưu vong như tôi tại Hoa Kỳ. Nhưng về sau, các tín hữu người bị giam hãm như tôi, người gục ngã, người thì lại đầu hàng bạo lực nên dần dần chẳng còn mấy ai nữa. Nỗi đau khổ lớn nhất của tôi là không được lãnh nhận các bí tích và tôi có cảm tưởng như là mình bị bỏ rơi vậy..
 
Cũng trong thời gian tù tội, Vương Tiểu Linh lập gia đình với Giuse Hồ, một bác sĩ bị bắt vì tuyên xưng đức tin công giáo. Bác sĩ Hồ bị bắt giữa một cuộc giải phẫu và tội tuyên xưng đức tin quan trọng đến độ bác sĩ không được hoàn tất cuộc giải phẫu ấy nữa.
 
 Suốt ba tháng giam cầm đầu tiên, bác sĩ bị trói chặt tay đằng sau lưng, không được tắm rửa hay làm vệ sinh cá nhân. Để ăn, bác sĩ phải vục mặt vào bát cơm hẩm, ăn như chó ăn vậy. Về sau bác sĩ Hồ được phái về làm việc tại phòng chẩn bệnh nên đời sống có phần dễ thở hơn một chút. Tại đây, bác sĩ đã gặp Vương Tiểu Linh và hai người thành hôn năm 1969, tuy rằng vẫn bị giam hai nơi riêng biệt.
 
 
Bác sĩ Hồ kể lại nhiều giai thoại lý thú của đời tù, chẳng hạn như một lần, bác sĩ đã liều lĩnh chép trọn một cuốn sách kinh nguyện nhỏ, dấu kín dưới kho gạo của nhà giam. Tối tối, các bạn tù lần mò moi móc cuốn sách kinh ra để cùng nhau chia sẻ suy tư và đọc kinh chung. Đó là những năm sau cuộc cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng nên bầu khí tạm dễ thở hơn. Vì thế, mỗi lần có người tù nào hấp hối, bác sĩ cũng lén cho gọi Tiểu Linh đến để hoặc rửa tội, hoặc để cầu nguyện cho họ. Bác sĩ nhớ mãi một lần kia, sau khi nặn óc suy nghĩ để kiếm cách đưa vài Mình Thánh vào trong nhà tù, bác sĩ bỗng chợt nẩy ra sáng kiến dấu Mình Thánh đàng sau chân dung Mao chủ tịch. Thế là Mình Thánh Chúa an toàn vào ngục tù Trung quốc để làm của ăn tinh thần quý hơn vàng ngọc cho các tù nhân kytô đang can đảm chịu bách hại vì Đức Tin.
 
Sau hai năm thành hôn, vợ chồng bác sĩ Hồ và Vương Tiểu Linh được đoàn tụ với nhau trong một trại giam lao động khác, ngụy trang dưới lốt một nông trại lao động. Trên thực tế, thì án tù của hai vợ chồng bác sĩ đã mãn hạn từ lâu rồi, nhưng họ không được trả tự do vì tư tưởng chưa được cải tạo. Nói cách khác, lý do chính là vì cả hai đều trung thành gìn giữ đức tin công giáo của mình. Vì thế, họ phải làm việc lao động không công cho nhà nước. 
 
Ngoài thời gian quần quật lao động ruộng vườn, các tù nhân ở nông trại này phải để ra hai giờ mỗi ngày để học hỏi chính trị và tẩy não. Mỗi tuần có buổi tự kiểm thảo trước công chúng và cứ 15 ngày một lần, tất cả các tù nhân phải tụ họp nhau để công khai phê bình một bạn đồng tù. Trong buổi họp này, các tù nhân phải tranh thủ thi nhau bươi móc thói hư tật xấu của người bạn vô phúc đồng cảnh ngộ với mình. Thậm chí lắm khi phải bày đặt ra tội ác của họ vì nói cho ngay, trong cảnh tù tội khổ sở và lao động quần quật hằng ngày như thế, không ai còn đủ hơi sức thừa để có thói hư tật xấu nào cả. Không phê bình cũng không được vì không tố giác bạn, thì ngày hôm sau chính mình sẽ bị lôi ra kiểm thảo ngay.
 
Trại tù nông nghiệp này là một trong những trung tâm cải tạo mới của nhà nước cộng sản Trung quốc, trong đó, các tù nhân phải lao lực như nô lệ để sản xuất các dụng cụ và phẩm vật cho nhà nước bán đi lấy lợi. Cách đây mấy hôm, một thừa sai tại Hồng Kông đã lên tiếng báo động về vấn đề này, vì nhà nước Trung Quốc đang xây dựng lại nền kinh tế đổ nát của mình trên xương máu của tù nhân chính trị. 
 
Sau biến cố Thiên An Môn, khoảng hơn 30 ngàn sinh viên đã bị đưa vào các trại lao động làm nô lệ sản xuất với đồng lương chết đói 2 đến 3 quan một tháng. Số phẩm vật sản xuất này được hướng về thị trường quốc tế và nhà nước nhờ bóc lột sức lao động của con dân, thu về hằng triệu Mỹ Kim để bồi đắp cho nền kinh tế cùn mạt trong nước. Dư luận thế giới hồ hởi ca tụng tiến bộ kinh tế của Trung quốc, nhưng họ không thấy được mặt trái của các tiến bộ kinh tế này, đó là xương máu của những tù nhân.
 
Sau 7 năm sống trong trại tù nông nghiệp này, vợ chồng bác sĩ Hồ được trả tự do với đứa con đầu lòng đã lên 4. Sau đó ít lâu, nhà nước Trung quốc tống khứ cả gia đình sang Hồng Kông rồi sau đó, Hoa Kỳ. Con chim hoàng anh Vương Tiểu Linh lại cất tiếng lảnh lót hót cho dư luận quốc tế biết thảm cảnh của bao nhiêu tín hữu kytô Trung quốc vẫn đang oằn oại dưới búa liềm bách hại của cộng sản. 
 
Khi đến Roma giới thiệu cuốn sách nói về cuộc bách hại kéo dài 20 năm đã qua, bà Vương Tiểu Linh an bình nghĩ đến chuyến viếng thăm nhà nguyện Sistina, nơi mà bà hằng mong ước được chiêm ngưỡng tận mắt từ ngày còn bé thơ, và đến buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha sau đó.
 
Bà nói: Tôi muốn được gặp ĐTC để nói lên lòng chúng tôi, những kẻ từng chịu đau khổ vì Đức Tin, chúng tôi yêu mến người dường nào. Dù bị bách hại, chúng tôi vẫn trung thành với ĐTC. Tôi muốn thưa với ĐTC rằng người công giáo Trung quốc tuy ít ỏi về lượng, nhưng rất tốt về phẩm. Ngay cả trong giáo hội ái quốc, nhiều người gia nhập giáo hội này chỉ vì yếu đuối sợ sệt. Chúng tôi, những tín hữu thầm lặng của giáo hội hầm trú Trung quốc, chúng tôi sẵn sàng vâng theo ý muốn của ĐTC: nếu Ngài muốn, chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho những người cộng sản đã bách hại chúng tôi và tha thứ cho cả các anh chị em trong giáo hội ái quốc nữa. 
 
Đây là một hy sinh lớn đối với chúng tôi, nhưng nếu ĐTC muốn, chúng tôi sẵn sàng làm. Nghĩ cho cùng, chúng tôi chịu khổ vì Thiên Chúa và chỉ mong sao cho Danh Người rạng sáng. Chúng tôi không hề oán hận ai cả. Thiên chúa đã ban cho tôi bao nhiêu hồng ân, cả những năm dài tù đày trong đó, tôi đã được lớn mạnh hơn trong tinh thần và trong đức tin.

Tác giả bài viết: Mai Anh

Nguồn tin: Nguồn: nguoitinhuu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập791
  • Hôm nay11,286
  • Tháng hiện tại281,183
  • Tổng lượt truy cập36,335,738
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây