Balan cư trú ở cái lườn của con đường chính dẫn vào Quảng Trường Thánh Phêrô (Via della Conciliazione). Ông đã sống 20 năm trên hè phố và đang ở vào tuổi 51. Ông sống ở đây khoảng 7 tháng rồi. Hôm Thứ Năm, 26/3/2015, ông cũng thuộc về 150 khách vô gia cư được mời vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican lần đầu tiên, nhất là nhờ đó còn được trực diện với Đức Thánh Cha và bắt tay ngài nữa: "Đó là một kinh nghiệm mà tôi sẽ mang trong mình cho đến ngày cuối đời của tôi... Tôi cảm thấy sung sướng suốt đêm hôm qua".
Ngày hôm sau, nhóm vô gia cư của ông chẳng làm gì ngoài việc nói chuyện với nhau về ngày đặc biệt hôm qua. Đại diện cho họ là chính ông vì kiến thức của ông về người Ý. Ông cho biết:
"Chúng tôi được trong các nơi Bảo Tàng Viện rất lâu... Những nơi ấy rất ư là đẹp! Sau cùng chúng tôi đến Nguyện Đường Sistine rồi chúng tôi được bảo ngồi xuống. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có Lễ lậy, cầu nguyện gì chứ, một việc gì đó giống như vậy.... Thế nhưng, từ bên trong cánh cửa, vị phát chẩn Don Corrado (Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski) xuất hiện và bên cạnh vị này là Đức Giáo Hoàng. Trời đất ơi - My goodness!"
"Chúng tôi đã vỗ tay vang lừng. Ngài đã chào chúng tôi; chúng tôi đã cám ơn ngài. Sau đó chúng tôi cùng nhau đọc 'Kinh Lạy Cha'. Đức Giáo Hoàng thậm chí còn cho chúng tôi được chụp hình với ngài. Do đó có nhiều tấm hình chụp và Đức Don Corrado đã hứa mang lại cho chúng tôi. Thế rồi Đức Giáo Hoàng đã chào từng người chúng tôi. Ngài đã bắt tay tất cả 150 người bạn có biết không? Trời ơi là trời - My goodness..."
Khi được bắt tay Đức Giáo Hoàng, "tôi đã nói cùng ngài rằng: Xin cám ơn Đức Giáo Hoàng. Con chúc Đức Giáo Hoàng rất nhiều điều tốt đẹp, nhất là được mạnh khỏe. Ngài đã mỉm cười và nói 'cám ơn anh, cám ơn anh...'"
Được mạng điện toán toàn cầu Zenit hỏi "bạn có cảm động hay chăng?", câu trả lời lập tức được phát biểu rằng "làm sao lại không cảm động chứ. Tôi cũng đã chảy nước mắt ra. Các bạn của tôi cũng khóc, cho dù bấy giờ họ có vẻ khô cằn cứng cỏi... Tôi đã khóc vì tôi biết tôi được may mắn, ở chỗ không phải hết mọi người đều có thể gặp được Đức Giáo Hoàng sát ngay bên, được hôn tay của ngài, được ôm lấy ngài..."
"Tôi liền gửi một lời nhắn cho đứa con trai 23 tuổi của tôi đang sống và làm việc ở Balan, và tôi nói với cháu rằng: 'Eric ơi, bố đã được gặp Đức Giáo Hoàng! Bố đã sung sướng khóc ... Có ngày bố sẽ gửi cho con các tấm ảnh chụp nhé!"
"Tôi còn rất nhiều điều phải nói, phải nhớ...". Người đại diện nhóm anh chị em vô gia cư phát ngôn này cho biết ông vẫn còn giữ tấm vé mời thăm Bảo Tàng Viện Vatican ở trong túi: "Tôi muốn giữ nó như là một kỷ niệm..." Thậm chí ông xin lỗi không dám mang nó ra khoe với người phỏng vấn: "Tôi sợ rằng nó bị hư hại".
"Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thương chúng tôi. Ngài đang thực hiện nhiều sự cho chúng tôi: nào là phòng tắm, nào là hớt tóc, nào là dù che mưa, nào là thăm bảo tàng viện v.v. Tôi cũng nghe thấy rằng ngài đang muốn có một chiếc xe chuyên chở nhỏ để lo cho những ai cần chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi thực sự là sung sướng về hết mọi sự".
Liên quan đến phòng tắm: "Chúng tôi may mắn có được những phòng tắm này. Hằng ngày chúng tôi được tắm rửa và đi đây đó một cách lịch sự. Chúng tôi không còn cảm thấy xấu hổ bởi người ngợm xông mùi nữa".
Về vấn đề hớt tóc: "Thật vậy, tôi đã đến hớt tóc Thứ Hai vừa rồi. Giờ đây tôi sẽ đến đó một lần nữa, vì tôi muốn tóc tôi trọc lóc. Chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu nóng rồi... Thế nên tôi sẽ cạo trọc vì tôi không cần mua lược chải".
Tất cả những điều ấy "thực sự là những gì quan trọng đối với chúng tôi, chúng đều hữu ích. Đức Giáo Hoàng hiểu được điều ấy. Ngài yêu thương chúng tôi".
"Mỗi một buổi sáng chúng tôi giục nhau rằng 'chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào lúc 9 giờ sáng, các nữ tu đến với chúng tôi, đôi khi có cả 1 vị linh mục nữa, và họ giúp chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Chúng tôi bao giờ cũng cầu cho Đức Giáo Hoàng, cho sức khỏe của ngài, vì chúng tôi muốn ngài sống lâu dài. Dù sao chúng tôi cũng cầu cho tất cả mọi vị linh mục cũng như cho dân chúng... cho người tốt lành, những người làm lành cho chúng tôi. Nhiều lắm..."
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp