“Mấy cái việc rỗi hơi tối ngày tụng kinh gõ mõ, lốc cốc leng keng thì ai mà chẳng làm được. Vả lại, trụ trì chùa ấy có tỏ ra hiền lành đức độ thì khách thập phương mới tới cung phụng, chứ hung dữ thì chỉ có nước bỏ chùa đi khất thực”. Nghĩ vậy nên Tống Văn bèn tìm cách thử tài Phương trượng.
Một bữa nọ, quan Tri phủ bèn truyền gọi bốn tên tội phạm chuyên nghề đạo chích đến phủ đường rồi hạ lệnh:
– Nội trong đêm nay các ngươi phải lấy bằng được chiếc chuông lớn treo ở chùa Hàn Sơn đem về đây cho ta. Kẻ nào làm lộ việc sẽ nghiêm hình xử lý.
Bốn tên tội phạm chắp tay dạ ran:
– Chúng tội nhân xin vâng mệnh!
Vậy là canh ba đêm đó chiếc chuông quý của chùa Hàn Sơn đã ‘lặng lẽ’ được dời đi mà hết thảy chư tăng trong chùa không một ai hay biết.
Sớm hôm sau, chúng đệ tử nháo nhác tìm gặp sư phụ trình báo chuyện mất chuông và nhất loạt xin trụ trì báo lên quan phủ để truy lùng tội phạm.
Phương trượng trưởng lão chỉ điềm nhiên hỏi:
– Các con muốn báo quan để làm gì?
Các chư tăng nói:
– Bạch sư phụ, để trừng trị lũ táo tợn này, chúng quá to gan mà! Dám vào chùa ăn trộm chuông!
– Sư trụ trì vẫn hiền từ nói:
– Khi túng thiếu thì đến dinh quan Tri phủ bọn chúng cũng dám vào ăn trộm ấy chứ, nói gì tới ngôi cổ tự này!
– Tăng Giám tự bước lên thưa:
– Bạch sư phụ, nhưng chuông chùa đã mất, bây giờ chúng con nên phải đối đãi thế nào?
Trụ trì trưởng lão ôn tồn cười bảo:
– Chuông ấy vốn dĩ đâu phải Phật, cũng không phải Bồ Tát, hay La Hán gì. Nó chỉ là phương tiện điểm giờ cho dân gian hoặc tập hợp chư tăng mà thôi. Nay bản tự không có chuông thì có thể thay bằng vật dụng khác. Vả lại mấy tên trộm này ít ra cũng còn có chút hiểu biết…
– Chúng đệ tử lại đồng thanh hỏi:
– Bạch sư phụ, nếu chúng có chút hiểu biết thì lẽ ra không nên lui tới nơi thanh tịnh này, cớ sao lại gây tội nơi cửa Phật?
– Trụ trì khoát tay, ý chừng bảo chúng tăng hãy bình tĩnh. Rồi ngài chậm rãi giảng giải:
– Những người này biết rằng cửa Phật là chốn từ bi cho nên mới vào chùa ăn trộm. Chứ nếu họ đi nơi khác ăn trộm thì người ta sẽ báo cửa quan, rồi quan nha sẽ bắt và tra khảo… Chúng ta là khác với người đời ở chỗ đó. Nay bổn tự cũng trả thù, cũng kiện tụng, báo quan thì đâu còn gọi gì là người tu nữa!
Nói đoạn lão Phương trượng truyền lệnh dùng mõ báo giờ thay cho chuông. Chúng đệ tử đồng chắp tay thi lễ rồi lui ra, ai vào việc nấy.
Chuyện đó mau chóng tới tai phủ đường, Tống Văn Tri phủ vô cùng hổ thẹn. Ông tự thấy mình hồ đồ quá, vội vã thay quần áo rồi lập tức tới chùa tạ lỗi cùng Phương trượng.
Thế rồi ít lâu sau, quan Tri phủ Tống Văn đích thân bỏ tiền ra cho đúc một quả chuông lớn, nặng hơn hai tấn, chạm khắc vô cùng tinh xảo đem dâng tặng lên chùa Hàn Sơn. Kể từ dạo đó tiếng chuông chùa Hàn Sơn sớm tối ngân nga vang vọng, đánh thức bao nẻo đời lầm lạc.
Sau này, khi miêu tả thanh âm thánh thoát huyền ảo của tiếng chuông chùa Hàn Sơn, trong thi phẩm ‘Phong Kiều dạ bạc’ – Trương Kế, thi nhân nức tiếng thời Đường có viết:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
Dịch thơ:
“Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”
(Bản dịch Tản Đà)
Đường Phong
Trong kho tàng truyện cổ Phật gia có kể về một sa môn vốn xuất thân là một tên cướp khét tiếng hung tàn, sở thích của hắn là giết người chặt ngón út của tay trái nạn nhân làm vòng đeo. Hắn tổng cộng đã giết được 999 người, chỉ còn một người duy nhất nữa là hoàn thành tâm nguyện.
Một hôm, Phật Thích Ca cầm y bát vào thành Savatthi hóa duyên khất thực. Sau khi dùng bữa xong, trên đường trở về tịnh xá, Đức Phật gặp tên cướp Angulimāla. Tên cướp thấy Đức Phật đi một mình nên quyết định ra tay sát hại, hắn cầm đao nhằm về hướng đức Phật mà đuổi tới. Tuy nhiên, dù hắn có cố gắng ra sức chạy tới đâu cũng chẳng thể nào đuổi kịp Đức Phật.
Thấy quá lạ, tên cướp Angulimāla nghĩ: “Thật kỳ lạ, trước đây mình có thể đuổi kịp voi, ngựa, nai, thậm chí cả chiếc xe đang chạy, sao bây giờ không thể đuổi kịp một sa môn Cồ Đàm đi bình thường”. Nghĩ vậy nên hắn cất tiếng: “Này sa môn, hãy dừng lại! Hãy dừng lại, sa môn!” để gọi Đức Phật.
Đức Phật nghe vậy mới nhẹ nhàng đáp: “Ta đã dừng lại lâu rồi, chỉ có ngươi là chưa”.
Tên cướp nghe vậy, nghĩ bụng: rõ là đang đi sao lại nói dừng rồi? Hắn nghi hoặc: “Ông đi mà lại nói ‘Ta đã dừng rồi’, còn tôi đang dừng, ông lại nói tôi đang đi nghĩa là sao?”.
Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sanh, ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.
Lời nói của Đức Phật tựa như tiếng chuông chùa đổ vọng sớm hôm, như tiếng thức tỉnh nơi sâu thẳm tâm hồn của tên cướp. Bao năm nghiệp nặng chất chồng, liệu có thể hối cải quay đầu được chăng? Angulimāla nói: “Bao năm gây ác không ngừng, đâu có cách nào quay đầu hối cải?”.
Đức Phật biết cơ duyên đắc độ của Angulimāla đã đến nên đã thuyết đạo giảng Pháp cho Angulimāla nghe. Sau khi được Đức Phật cảm hoá, Angulimāla quyết định xuống tóc theo tăng đoàn cùng Đức Phật xuất gia tu đạo.
Đối với việc Angulimāla bỏ ác làm lành, đã khiến cho không ít người bất ngờ: từ một kẻ chuyên sát sinh hại mệnh, lấy trộm làm nghề, lấy cướp mưu sinh lại có thể đột ngột thay đổi, trở thành một người nói điều chân, làm điều thiện. Đây thực sự là một việc quá sức tưởng tượng của mọi người…
*****
Phật gia giảng: “Chúng sinh trên đời đều có thiện căn”, Mạnh Tử cũng từng nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người chúng ta khi sinh ra ai cũng mang trong mình sự thuần khiết, thiện lương. Nhưng năm tháng qua đi, đa phần chúng ta đều bị cái thùng thuốc nhuộm cuộc đời này nhiễm đục, để rồi tâm hồn trở nên bất thuần, bất thiện, bất chân. Nhiều người dần dần sống cuộc đời thân bất do kỷ, họ ngày một trở nên xấu xa, họ ngày một đánh mất chính mình.
Nhân vô thập toàn, đã là con người ai mà không từng sai phạm, ai mà không từng có lỗi lầm. Làm người, nếu như đối nhân xử thế chỉ nhìn vào điểm xấu của người khác thì chẳng thể nào hoà hợp với nhau, chẳng thể nào sống tốt hơn được. Kỳ thực, thiện lương không chỉ thể hiện ở việc không làm tổn thương người khác, có thể giúp đỡ người khác khi gặp nguy nan, mà còn ở chỗ không nhìn vào điểm xấu của người khác.
Có câu: “Người thiện lương không nhìn vào điểm xấu của người khác”. Kỳ thực, khi một người thường hay chú ý đến điểm xấu của người khác, điều đó cho thấy rằng bản thân người ấy cũng là người không hoàn thiện, và điểm xấu mà họ chú ý đến cũng chính là vấn đề tồn đọng của bản thân họ.
Ai trong đời cũng từng là người tốt, ai trong đời cũng từng xấu xa, vậy nên đôi khi để đánh giá một người, chúng ta không chỉ là nhìn vào bề mặt, nhìn vào hiện trạng của họ ngày nay mà còn cần phải xét từ góc độ xa hơn. Tên cướp Angulimāla cả đời đã gây ra vô số ác nghiệp, giết người vô số, chính vua Pasenadi cũng phải kinh sợ hắn. Ấy vậy mà Phật Thích Ca chỉ bằng sự từ bi lại có thể thu phục hắn, không những giúp hắn từ bỏ cái ác mà còn xuất gia tu đạo, trở thành một Tỳ kheo tôn kính.
Người làm sai không xấu, cái xấu là điều làm sai, có thể trong một lúc nào đó trong quá khứ hoặc hiện tại vì lý trí bị mê mờ mà gây ra tội, nhưng sau này không như thế nữa, sửa đổi thành người tốt, điều đó hoàn toàn có thể. Còn nếu như một người lấy cái ác để trị cái ác thì vẫn cứ là ác, cái ác nối tiếp cái ác, mãi mãi chẳng thể có ngày kết.
Tây Phong
Ô Sào thiền sư là một cao tăng đắc Đạo nổi danh vào đời Đường. Tên thật của ông là Đạo Lâm, xuất thân trong gia đình họ Phan ở núi Phú Dương – Hàng Châu. Từ lúc chín tuổi Đạo Lâm đã xuất gia. Năm 21 tuổi ông đến chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu thọ giới.
Khi đó ở phía bắc Tây Hồ, nơi núi Tần Vọng có một cây tùng cao lớn, cành lá sum suê, uốn quanh như cái lọng, cao tăng Đạo Lâm bèn tới thiền định và cất chòi ở luôn trên cây đó. Ít lâu sau thì có đôi quạ lớn tới làm tổ ngay nơi ông ngồi, nên người đời quen gọi ông là Ô Sào thiền sư (Ô sào tức là tổ quạ).
Quãng đời tráng niên tu hành ngộ Đạo của thiền sư trôi qua bình thản trong bóng mát của tùng lâm cổ kính. Cây cổ thụ chạng ba nơi có chiếc tổ quạ ngày xưa, theo năm tháng giờ đây đã to lớn lắm rồi. Từ khi lên núi Tần Vọng hành thiền nhập định, chưa một lần nhà sư rời khỏi căn chòi nhỏ xíu trên cây ấy.
Một hôm, có quan đại Thị lang Bạch Cư Dị – cũng là một thi hào nức tiếng đương thời đi ngang qua khu rừng đó. Trông thấy thiền sư đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây. Vốn không ưa gì hạng người “lánh nợ chợ đời” như thế, viên quan cau mày hỏi:
– Bộ hết chỗ rồi hay sao mà thầy lại lựa nơi vắt vẻo hiểm nghèo như thế để ngồi vậy?
Thiền sư bình thản đáp:
– Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn cả ngàn lần cái chỗ mà quan lớn ngài đang an tọa đó!
Quan thị lang ngẩn mặt nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên hỏi:
– Tại hạ là đại quan trọng yếu đương triều, địa vị trấn áp cả giang sơn, có gì mà nguy hiểm?
Thiền sư mỉm cười đáp:
– Củi lửa giao nhau, toan tính chẳng dừng. Quan trường thay đổi, tranh chấp triền miên. Chỗ ngồi của ngài là chỉ ở dưới vua, mà trên cả các quan và thần dân trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan gia ngài và thân quyến đều lệ thuộc vào lòng thương ghét của vua và sự tật đố tỵ hiềm của mọi người. Hỡi ôi, một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì không nguy hiểm sao được!
Bạch Cư Dị nghe vị thiền sư đang ngồi trên cây nói xong mà giật thót cả mình. Ông im lặng cúi đầu, hồi lâu sau vị đại quan viên mới cất tiếng hỏi:
– Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?
Ô Sào thiền sư liền chắp tay trước ngực rồi tụng lên một bài kệ:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”
Tạm dịch là:
“Các điều ác chớ làm
Các điều lành vâng giữ
Tự thanh lọc ý mình
Đó là lời Phật dạy”.
Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ: “Ngỡ là vị Thiền sư này sẽ khai thị đạo lý thâm sâu gì cho mình, không ngờ ông ta lại nói ra mấy điều đơn giản tầm thường đến thế”. Cảm thấy quá thất vọng, quan đại Thị lang nói:
– Mong thiền sư bớt giận, bổn quan thiết tưởng ngài sẽ chỉ giáo cho Pháp lý uyên thâm gì, chứ mấy đạo lý thế này thì đến đứa trẻ lên ba cũng biết!
Thiền sư Ô Sào chắp tay hợp thập, nhìn vị khách qua đường mỉm cười nói:
– Đúng thế! Thưa đại quan, đạo lý trên đứa bé ba tuổi là có thể nói ra được, nhưng ông lão 80 tuổi cũng chưa chắc đã làm xong. Ngài có thấy như thế không?
Bạch Cư Dị lập tức hiểu ra, ngài im lặng cúi đầu thi lễ.
Kể từ đó, người ta thấy một đại quan viên thường xuyên lui tới chân núi Tần Vọng, nơi có bóng tùng cổ thụ ngàn năm mà vị cao tăng Ô Sào và cặp quạ đen thường cư ngụ để tham thiền học đạo. Tương truyền, dưới sự chỉ điểm và giáo hóa của thiền sư Ô Sào, quan đại Thị lang Bạch Cư Dị mỗi ngày một thêm minh huệ bất hoặc, tiến tới đại ngộ. Ông cũng nhất mực tín tâm và trân quý Phật pháp hơn.
Đường Phong
Tác giả bài viết: Đường Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn