Truyện ngụ ngôn thấm thía: Hai vị vua trong vương quốc Giếng Cổ của loài ếch

Chủ nhật - 04/11/2018 04:13

Truyện ngụ ngôn thấm thía: Hai vị vua trong vương quốc Giếng Cổ của loài ếch

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một lũ ếch sống yên bình trong vương quốc Giếng Cổ nọ. Ngày qua tháng lại, mùa cạn mùa khô, chúng đã quá chán chường mệt mỏi với việc muôn dân bách tính tự chủ tự trị. Vả lại toàn ếch là ếch với nhau, ông nào có mở miệng ra thì cũng ‘ộp ộp’ với chả ‘oạp oạp’ suốt như thế cả. Cứ nghe hoài đâm ra đến nản!

Lũ ếch được tự do quá nên đâm ra hư hỏng, chúng chẳng làm gì, cứ ngồi chán chường ‘lời qua tiếng lại’, thế rồi chúng muốn có một thể chế:

– Chúng ta không thể vô chính phủ như thế này mãi được! – Lũ ếch nhao nhao tuyên bố.

Chúng ước ao có một ông vua đến cai quản cả vùng Giếng Cổ này, để bầy ếch được hưởng một cuộc sống cho đúng nghĩa là thần dân dưới quyền cai trị của đế vương hoàng tộc.

Nghĩ sao làm vậy, lũ ếch bèn thiết tha khẩn cầu đức Thần Jupiter:

– Hỡi đức Thần Jupiter tại thượng! Cầu xin Thần hãy rộng lòng ban cho chúng con một ông vua đến cai quản hết thảy thần dân vùng Giếng Cổ!

Thần Jupiter thấy chúng thật ồn ào và ngu ngốc. Nhưng chúng ộp oạp kêu xin nhiều quá. Đến phiền!

Vậy là để cho chúng không kêu gào nữa, và để cho lũ ếch biết là chúng cũng có một vị vua, Thần liền ném xuống Giếng Cổ một mẩu gỗ lớn:

Bủm! – Mẩu gỗ từ bất tận tầng trời cao rơi xuống. Nước văng tung tóe.

Bủm! – Mẩu gỗ từ bất tận tầng trời cao rơi xuống. Nước văng tung tóe. (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Lũ ếch vừa hoảng sợ vừa mừng vui khấp khởi: đứa giấu mình dưới nước, đứa nấp vào sau mô bùn đất, đứa chui tọt vào cửa hang, đứa ngấp nghến sau đám rêu bèo giương cặp mắt lên quan sát. Tất cả bọn chúng đều biết rằng chúng đã có một ông vua! Ôi chúng đã có một ông vua mới thật quyền uy và đáng sợ làm sao!

Nhưng chẳng bao lâu sau lũ ếch phát hiện ra vua Mẩu Gỗ của chúng thật cù lần và ít nói.

– Ngài ấy ỳ trệ và vô dụng chẳng khác gì cục đất! – Một con ếch trong bọn nói.

Vậy là chẳng được mấy ngày sau lũ ếch trẻ con đã dùng vua Mẩu Gỗ như một cái bệ nhảy mỗi khi phóng mình xuống nước chơi trò đuổi bắt. Lũ ếch bà, ếch mẹ thì dùng Mẩu Gỗ như một bến nước tuyệt vời, nơi mà mọi người có thể giặt giũ phơi phóng tùm lum hoặc túm năm tụm ba ộp ộp oạp oạp bàn tán đủ thứ chuyện về gia đình, chồng con, dưa cà mắm muối… Còn mấy gã ếch già lại dùng Mẩu Gỗ để làm nơi hội họp của các bậc bô lão, ở đó chúng lớn tiếng phàn nàn với nhau về vị vua mới của vương quốc Giếng cổ. 

Thần Jupiter đương nhiên là không hài lòng. Nhưng lũ ếch ngu ngốc kêu ca, bàn tán đến là ầm ỹ! Cuối cùng cả bọn ếch đồng thanh cầu khẩn:

– Đoái xin thần Jupiter! Xin Ngài hãy ban cho chúng con một vị vua khôn khéo và hoạt bát!

Lũ ếch quả là phiền toái và đáng ghét! –  Thần Jupiter nổi giận nghĩ.

Vậy là Ngài liền phái một con vịt xuống để làm vua lũ ếch. Vị Vua Vịt này tỏ ra hoạt bát và quyết đoán lắm, khác hẳn so với vua Mẩu Gỗ trước đây. Nó bơi lội suốt ngày vòng vòng quanh giếng và lớn tiếng quát tháo, ra lệnh bắt lũ ếch phải quay phải quay trái, nhảy ngược nhảy xuôi, lên bờ xuống nước, luật trước lệ sau… Ôi! Đến là hoa mắt chóng mặt!

Thi thoảng có đứa ếch hoặc chậm chễ, hoặc lắm mồm, hoặc cãi bướng, hoặc bất tuân… liền bị Vịt ta vặt cổ xơi tái! Lũ ếch bị khủng bố tinh thần ghê gớm, đứa nào đứa nấy đều sợ hãi xanh xám hết cả mặt mày. Đã thế ngày ngày chúng đều phải lồi hết cả mắt ra mà xem chừng thái độ và lựa lựa mà tuân theo chỉ lệnh của Vua Vịt, nếu không muốn mất mạng.

Lũ ếch ngày nào cũng phải lồi mắt ra mà xem chừng thái độ và lựa lựa mà tuân theo chỉ lệnh của Vua Vịt. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Còn Vua Vịt thì có thèm đếm xỉa gì đến thái độ của lũ ếch nơi Giếng Cổ này đâu. Nó suốt ngày bơi lội, tắm mát, ăn chơi, ra lệnh…  thi thoảng đói mề, Vua Vịt lại kết liễu thêm vài chú ếch con và thản nhiên kêu:

– Mặc… mặc… m… ặc!…

Lũ ếch chịu hết nổi những mệt mỏi, khổ đau và mất mát. Chúng khóc than nhiều lắm, khóc đến sưng lồi cả hai mắt. Chúng ộp ộp kêu la, rên rỉ sáng ngày tối đêm khiến cho miệng chúng đã biến thành rộng ngoác đến tận mang tai. Thế rồi chúng lại đồng thanh cầu xin, van nài Thần Jupiter:

– Cúi xin Thần Jupiter! Chúng con tha thiết van xin Ngài hãy mang vị Vua Vịt ‘hoạt bát’ và tàn bạo này đi, nếu không thì tất cả lũ ếch chúng con trong vùng Giếng Cổ này sẽ đều bị chết hết!

Thế nào! – Thần Jupiter la lớn, tiếng Ngài rền vang như sấm sét, chấn động khắp cả vùng Giếng Cổ:

– Bây giờ các ngươi vẫn chưa hài lòng sao? Lũ ếch các ngươi đã muốn gì có nấy! Vậy thì dẫu có khổ thế nào cũng ráng mà gánh chịu…

Đường Phong

(Tài liệu tham khảo: Truyện cổ Aesop)


Câu chuyện nghìn lẻ một đêm và nàng Scheherazade kể bằng âm nhạc đầy lôi cuốn

Tổ khúc giao hưởng Scheherazade của Rimsky Korsakov là một câu chuyện bằng âm nhạc kể về “người kể chuyện vĩ đại nhất trong lịch sử” – nàng Scheherazade và những câu chuyện cổ tích đầy lôi cuốn của nàng.

Ở lĩnh vực sáng tác cho dàn nhạc, mỗi nhà soạn nhạc đều có sở trường và sở đoản của mình. Một trong những sở trường của nhà soạn nhạc Nga Nikolai Rimsky-Korsakov (1844 – 1908) là hòa âm giàu màu sắc và vô cùng sáng tạo.

Người đồng hương Tchaikovsky (1840 – 1893) đã từng viết thư gửi Rimsky-Korsakov với những lời lẽ chân thành: “Trong âm nhạc, tôi chỉ là một thợ thủ công còn anh sẽ là một nghệ sĩ với nghĩa đầy đủ nhất của từ này.” Những tổng phổ màu sắc rực rỡ của không ít nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới về sau một phần nào đó cũng chịu ảnh hưởng từ Rimsky-Korsakov.

Rimsky-Korsakov (Ảnh: wikipedia.com)

Và trong vô số câu chuyện được các nhà soạn nhạc thêu dệt bằng âm nhạc từ xưa đến nay, tổ khúc giao hưởng Scheherazade của Rimsky-Korsakov thật sự là một báu vật. Đây là một câu chuyện bằng âm nhạc kể về “người kể chuyện vĩ đại nhất trong lịch sử” – nàng Scheherazade và những câu chuyện cổ tích đầy lôi cuốn của nàng.

Rimsky-Korsakov soạn tổ khúc giao hưởng Scheherazade Op. 35 vào mùa hè năm 1888, lấy cảm hứng từ cuốn sách Ngàn lẻ một đêm. Tự bản thân những câu chuyện trong Những đêm Arab (tên gọi khác của Ngàn lẻ một đêm) đã được truyền miệng ở thế giới Arab từ nhiều thế kỉ trước khi Anotine Galland giới thiệu với châu Âu.

12 tập Ngàn lẻ một đêm, dưới hình thức bản dịch sang tiếng Pháp của Anotine Galland, được xuất bản lần đầu từ năm 1704 đến năm 1717. Sợi chỉ xuyên suốt những câu chuyện trong đó là câu chuyện về hoàng hậu Scheherazade, người đã chinh phục được đức vua Shahryar bằng tài kể chuyện của mình.

Sau khi bị một người vợ lừa dối, đức vua Shahryar quyết định mỗi ngày sẽ cưới một người vợ mới rồi cho hành hình ngay sáng hôm sau. Nàng Scheherazade đã cứu được mình và những cô gái trẻ tiếp theo khỏi số phận nghiệt ngã này.

Cách thức của Scheherazade là kể cho đức vua nghe những câu chuyện và luôn kết thúc mỗi đêm ở những đoạn hồi hộp nhất. Đức vua không thể ra lệnh hành hình nàng vào sáng hôm sau vì rất tò mò muốn biết phần kết câu chuyện. Sau 1001 đêm, đức vua đã mủi lòng và bãi bỏ quyết định trước đây.

Ảnh: dkn.vn

Scheherazade của Rimsky-Korsakov bộc lộ rõ kĩ năng biến đổi màu sắc dàn nhạc, sử dụng dàn nhạc kiểu Brahms chuẩn mực có bổ sung thêm piccolo, harp và một số nhạc cũ gõ. Và mặc dù đề tài được dựa trên những câu chuyện Arab, tác phẩm vẫn mang đậm phong cách Nga ở tính đa cảm và hương vị âm thanh phương Đông với 4 chương nhạc :

Chương I – Biển và con tầu của thủy thủ Sinbad có hai chủ đề đối nghịch. Mở đầu là những hợp âm rền vang của bộ đồng – đại diện cho đức vua Shahryar cứng rắn và uy nghiêm. Tiếp theo là giai điệu uốn lượn của đàn violon độc tấu được hòa âm bộ gỗ mào đầu – đại diện cho nàng Scheherazade đang đan dệt những câu chuyện của mình.

Rồi hai chủ đề trên lùi xa, nhường chỗ cho một giai điệu (ở nhịp barcarolle) nhấp nhô như sóng biển. Thi thoảng những âm thanh từ bộ đồng dội lên mô tả hình ảnh bão tố trên biển cả và con tầu vỡ tan. Những đoạn chen (interlude) như gợi nhắc sự việc Sinbad và thủy thủ đoàn trú ẩn trên đảo. Chương nhạc kết thúc với hình ảnh gió yên biển lặng.

Chương II – Câu chuyện về hoàng tử Kalender kể về một hoàng tử cải trang thành ăn mày để kiếm tìm sự thông thái. Sau lời dẫn của nàng Scheherazade do violon trình bày, chủ đề về nỗi sầu muộn của chàng hoàng tử được các nhạc cụ gỗ solo thể hiện. Rồi dàn dây tham gia vào, hối thúc hơn khi hoàng tử bắt đầu hành trình.

Rimsky-Korsakov gợi ý rằng “người nghe có thể thấy một cuộc đấu tranh” khi một biến thể hùng dũng của chủ đề đức vua Hồi gia nhập vào, vây quanh là những dao động bồn chồn của dàn dây. Ở đoạn tiếp theo, hòa âm kèn gỗ dập dờn và đàn dây bật ngón (pizzicato) gợi nhắc “con chim khổng lồ trên hành trình của Sinbad”.

(Ảnh dẫn từ nld.com.vn)

Chương III – Hoàng tử và công chúa, với những giai điệu và hòa âm biến ảo, sẽ dẫn thính giả tới thăm một cung điện phương Đông lộng lẫy.

Chương IV – Ngày hội ở Baghdad. Biển. Tầu lại vỡ tan vì va vào đá và được các chiến binh cứu vớt. Kết thúc: như tiêu đề pha trộn của chương nhạc đã gợi ra, tác phẩm kết thúc bằng việc mở rộng những cảm xúc phức tạp của chương II, khi Sinbad quay trở về từ cuộc hành trình nhiều năm dòng. Kết thúc tuyệt diệu nhất là dành cho nàng Scheherazade.

Ảnh: vnmusic

Với Rimsky-Korsakov, những tiêu đề chương nhạc trên chỉ có ý “hướng dẫn qua loa cho sự tưởng tượng của thính giả trên con đường du hành tưởng tượng của chính tôi.” Tuy nhiên về sau ông vẫn hối tiếc về việc đã đặt những tiêu đề chương nhạc mang tính miêu tả như vậy. Lẽ ra ông chỉ nên đặt tiêu đề cho các chương nhạc là “Prelude”, “Ballade”, “Adagio” và “Finale” để tránh những gợi nhắc như kiểu âm nhạc chương trình mà Berlioz đã thực hiện với Symphonie Fantastique.

Ông nhấn mạnh rằng những chủ đề của mình chỉ là chất liệu thuần túy cho việc phát triển âm nhạc tự do, đan kết và thống nhất các chương nhạc. Chúng “xuất hiện mỗi khi nhân vật xuất hiện dưới những tâm trạng khác nhau, những motif và chủ đề giống thế tương ứng với mỗi lần, mỗi hình ảnh, mỗi hành động”.

Câu hỏi “Nhà soạn nhạc định miêu tả gì?” không quan trọng bằng “âm nhạc của tác phẩm gợi cho thính giả điều gì?”. Vì thế bạn cứ quên đi những đề dẫn, để trí tưởng tượng của mình thỏa sức bay bổng khi thưởng thức tổ khúc giao hưởng tuyệt diệu này.

Mời quý vị thưởng thức câu chuyện 1001 đêm của nàng Scheherazade và 3 nhạc phẩm xuất sắc nhất khác của Rimsky-Korsakov là Capriccio Espagnol, The Flight of the Bumble Bee và Russian Easter Festival Overture, Op.36

Thứ tự các nhạc phẩm như sau:

Scheherazade:
0:00 The Sea and Sinbad’s Ship
9:59 The Story of the Kalander Prince
22:52 The Young Prince and the Young Princess
33:31 Festival at Baghdad – The Sea – Shipwreck

Capriccio Espagnol:
46:36 Alborada – Vivo e strepitoso
47:47 Variazioni: Andante con moto
52:34 Alborada. Vivo e strepitoso (II)
53:45 Scena e Canto Gitano: Allegretto
55:20 Fandango Asturiano
1:01:22 The Flight of the Bumble Bee
1:02:45 Russian Easter Festival Overture, Op.36

(Ảnh: pixabay.com)

Có thể nói âm nhạc của Korsakov là âm nhạc của thiên tài, chứa đựng tình yêu to lớn và tinh thần vĩ đại, với cấu trúc tương phản mạnh mẽ trong sự lãng mạn tuyệt vời. Âm nhạc của ông sống động như những bộ phim điện ảnh lôi cuốn, kịch tính, làm sống dậy những giá trị cao đẹp mà Nghìn lẻ một đêm và những tác phẩm khác muốn miêu tả…

Ảnh: pinterest.com

 


Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập345
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,787
  • Tổng lượt truy cập36,332,342
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây