Nhân quả

Thứ bảy - 25/11/2017 08:14

Nhân quả

"Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả. Nhân là cái mầm. Quả là cái hạt do mầm ấy phát sinh. Trong nhân có quả và trong quả có nhân. Chính trong Nhân hiện tại có hàm chứa cái Quả tương lai. Nhân thế nào thì Quả thế ấy.

 

“Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái” (Mt 25,33).

 

"Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả.  Nhân là cái mầm.  Quả là cái hạt do mầm ấy phát sinh.  Trong nhân có quả và trong quả có nhân.  Chính trong Nhân hiện tại có hàm chứa cái Quả tương lai.  Nhân thế nào thì Quả thế ấy.  Thưởng phạt ngày sau đều tùy thuộc vào những hành động tốt hoặc xấu của chúng ta thực hiện ngày hôm nay.  Nói chung, ai trong chúng ta cũng muốn được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau.  Chúng ta biết con đường lên thiên đàng là thiên đàng mà.  Nếu chúng ta muốn được hưởng an lạc ngày sau, chúng ta phải sống vui tươi và an bình ngày nay.  Biết rằng cuộc đời ai cũng có những sự chen lẫn giữa vui sướng và khổ sầu.  Sự khổ đau trong cuộc sống không phải luôn luôn là sự tiêu cực.  Vì sự đau khổ cần thiết như là những thử thách để giúp ta tinh luyện cho cuộc đời sáng thêm.  Ví như lửa thử vàng, gian nan thử đức vậy.

 

Kết thúc Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng Đại Lễ Chúa Kitô Vua, Vua Các Vua, Chúa Các Chúa.  Chúa Giêsu là trung gian giao hòa giữa trời với đất.  Ngài đã nhập thể để rao truyền tin mừng cứu độ.  Chính Ngài là trung tâm và là cốt lõi của tất cả mọi sự hiện hữu.  Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui hạnh phúc Nước Trời.  Con đường Chúa đi là con đường yêu thương trong khổ giá.  Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải dõi theo lối bước của Ngài.  Hai giới răn nồng cốt tóm kết tất cả lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, và yêu thương anh chị em như chính mình.  Đức yêu thương được thể hiện qua sự giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng và sống tình bác ái với nhau.  Con đường đức ái là con đường tuyệt hảo dẫn vào quê trời.

 

Chúa Giêsu dẫn bước chúng ta vào cuộc sống thật ngày sau qua dụ ngôn phân định Chiên và Dê.  Chiên và Dê chỉ là hình ảnh tượng trưng gởi theo một sứ điệp nói về sống bác ái vị tha.  Chiên Dê, phải trái, bên này bên kia, hay thiên đàng hỏa ngục là ranh giới để phân biệt tốt xấu, lành dữ và thưởng phạt.  Phúc thay những ai được xếp vào hàng bên phải: Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ (Mt 25, 34).  Không phải tự nhiên hùa theo đám đông mà được ơn cứu độ.  Mỗi người phải phấn đấu từng ngày để nên trọn lành.  Chúng ta có thể quan sát hình ảnh một thửa ruộng trong đó có lúa và cỏ dại.  Khi chủ ruộng vun xới chăm sóc cả hai lúa và cỏ đều được hưởng phân bón và tưới gội đồng đều.  Lúa và cỏ cùng chung hưởng nắng ban mai, sương sớm và mưa nguồn.  Phát triển tốt nhưng kết quả thì khác nhau, lúa trổ sinh bông hạt, và được thu hoặch cho vào kho lẫm.  Còn cỏ dại bị người ta chà đạp và thu gọn đem thiêu đốt.

 

Theo giáo lý Nhà Phật, nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy.  Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có.  Nếu không có Nhân thì không có Quả và nếu không có Quả thì không có Nhân.  Cũng chính trong cái Quả hiện tại, đã có hình bóng của Nhân quá khứ.  Vì thế, mỗi vật đều có thể gọi là nhân hay quả: Đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân.  Nhân và quả tiếp nối nhau và đắp đổi nhau như những vòng trong sợi dây chuyền.  Nhân quả đi đôi và ảnh hưởng tới nhau như gieo gió thì gặt bão.  Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi.  Đôi khi chúng ta tự hỏi rằng tại sao những người làm ác mà họ vẫn sống phây phây lại giầu có sung sướng, trong khi những người hiền lành, đạo đức lại rơi vào cảnh túng quẫn và khổ đau.  Câu trả lời là đời sống tạm này chưa kết thúc, chúng ta chưa thể kết luận thế nào là hạnh phúc thật.

 

Một Nhân không thể sinh ra Quả, mà phải nhờ vào môi trường vạn vật chung quanh.  Sự vật trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên.  Cho nên không có một Nhân nào có thể tự tác thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều Nhân khác.  Sự liên đới trùng trùng điệp điệp giữa muôn loài làm thành bước tiến của thiên nhiên vạn vật.  Không có thụ tạo nào đứng riêng biệt một mình trong vũ trụ.  Nói rằng hạt lúa sanh ra cây lúa, là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sanh ra gì được cả, nếu để một mình nó giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất nước và nhân công.  Có biết bao nhiêu yêu tố để hình thành một chuỗi Nhân Quả.  Trong bất cứ một loài thụ tạo nào cũng có mỗi liên hệ chằng chịt với thế giới hiện hữu chung quanh.

 

Về phương diện tinh thần, những tư tưởng và hành vi trong quá khứ, tạo cho ta những tính tình tốt hay xấu trong hiện tại.  Tư tưởng và hành động quá khứ là Nhân, tính tình và nếp sống trong hiện tại là Quả.  Tính tình và nếp sống hiện tại là Nhân, để tiếp tục tạo ra hành động trong tương lai là Quả.  Nhân Quả tiếp nối không ngừng qua những hành vi chúng ta thực hiện hằng ngày.  Chúng ta có thể thay đổi và sửa sai những lầm lỡ trong qúa khứ để tạo thành Nhân tốt.  Không bao giờ trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại.  Mỗi ngày chúng ta có thể tạo nhân tốt, hậu quả sẽ tốt.  Sống trong xã hội, con người phải tương trợ và có ảnh hưởng lẫn nhau.  Tục ngữ nói: Gần mực thì đen, gần đèn thị rạng.  Một người làm phúc, muôn người đều được hưởng nhờ.  Một cây trổ hoa, cả vườn cây thơm hương.

 

Sống bác ái vị tha là một bổn phận cao quý của con người.  Chúng ta thường gặp thấy các Tăng Ni Phật Giáo đi khất thực.  Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không.  Khất thực là xin vật thực của người đời để nuôi thân mà cũng còn có bổn phận nhắc nhở chúng sinh làm việc phúc đức.  Trong Đạo Công Giáo, Kinh Bổn có dạy thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn.  Cho kẻ khát uống.  Cho kẻ rách rưới ăn mặc.  Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.  Cho khách đỗ nhà.  Chuộc kẻ làm tôi.  Chôn xác kẻ chết.  Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người.  Mở dạy kẻ mê muội.  Yên ủi kẻ âu lo.  Răn bảo kẻ có tội.  Tha kẻ dể ta.  Nhịn kẻ mất lòng ta.  Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.  Đây là những mối phúc quan trọng giúp đỡ tha nhân về vật chất và tinh thần.  Thật ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nói về ngày phán xét.  Ngài phán xét về thực hành đức yêu thương hơn là về những sa ngã phạm tội khác.  Được thưởng hay bị phạt đều tùy thuộc vào việc thực hành mười bốn mối này.

 

Con người không thể nên tốt một mình, nhưng phải tương trợ lẫn nhau mà sống.  Người ta thường nói: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa.  Ba yếu tố kết thành sự thành công.  Chúng ta cần có tha nhân để cùng chia sẻ nâng đỡ, cần có cuộc sống xã hội để cộng tác xây dựng và cần có người đồng hành để chung vai sát cánh gánh vác công việc.  Ngày phán xét sau cùng, thẩm phán sự sống sẽ hỏi chúng ta về sự liên đới Nhân Quả giữa người với người.  Với những người tạo Nhân tốt qua việc bác ái, sẽ được nghe những lời an ủi: Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước (Mt 25, 35).

 

Bất cứ vị thánh nào cũng có trái tim yêu thương rộng mở.  Các Ngài biết chia sẻ và dâng hiến.  Hiến dâng cuộc đời cho Chúa và phục vụ tha nhân.  Không có sự liên đới với tha nhân, chúng ta khó có thể nên trọn lành.  Tha nhân tốt hoặc xấu vẫn có thể sẽ giúp chúng ta nên tốt lành.  Chúng ta có thể tìm tựa nương đức ái nơi những người khốn cùng, nghèo đói, cô đơn, bệnh hoạn, tù đầy và thất vọng.  Họ chính là hình ảnh của Đấng đã dám thí mạng vì yêu.  Giúp đỡ những kẻ bé mọn và cùng khốn nhất là chúng ta đang làm cho chính Chúa, Chúa Giêsu đã phán: “Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 36).

 

Thật đáng phải run rẩy và sợ hãi khi chúng ta phải đối diện với sự phán xét sau cùng.  Thiên Chúa nhân từ nhưng công bằng vô cùng.  Giờ phán xét sẽ không có một ai khác chống lưng cho chúng ta.  Chúng ta cũng không còn điểm tựa nào khác để biện hộ.  Sự thật phơi bầy trước tôn nhan chói lòa của Tạo Hóa.  Chúng ta gieo Nhân nào thì sẽ được gặt Quả đó.  Trong cuộc lữ hành trần thế, biết bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau khổ, đói khát và cùng quẫn của anh chị em, giờ đây chúng ta phải đối diện: Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng” (Mt 25,41).

 

Ngày phán xét, Chúa sẽ không chất vấn chúng ta về bao nhiêu việc vĩ đại đã thực hiện.  Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).  Thiên Chúa không đếm bao nhiêu giờ chúng ta đã đọc kinh, cầu nguyện, lần hạt, tụ họp sinh hoạt…  Chúa sẽ nhìn xem trái tim của chúng ta đã mở rộng yêu thương đến mức nào.  Chúng ta đã chia sẻ gì cho những kẻ bé mọn nhất của Chúa.  Thiên Chúa tạo dựng chúng ta qua ý muốn của Chúa, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Chúa lại dành quyền cho chúng ta lựa chọn.  Hạnh phúc thay những ai được Chúa cho đứng về phía bên phải: “Còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu” (Mt 25,46).

 

Lạy Chúa, đã rất nhiều lần chúng con đã thưa rằng: Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu? (Mt 25,44).  Chúa trả lời: Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta (Mt 25,40).  Xin Chúa khơi dậy lòng yêu thương bác ái nơi tâm hồn, để chúng con biết cùng chia sẻ.  Chúng con cảm tạ danh Chúa muôn ngàn đời.  Amen.

 

 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập145
  • Hôm nay15,658
  • Tháng hiện tại236,886
  • Tổng lượt truy cập35,503,167
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây