YÊU NHƯ THẦY YÊU

Chủ nhật - 19/05/2019 00:58

YÊU NHƯ THẦY YÊU

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Ra đi là chết trong lòng một ít” (Partir c’est mourir un peu). Sự ra đi nào cũng để lại những vấn vương và lưu luyến cho người ở lại, nhiều khi còn mang vẻ bi thương và tang tóc nữa. Cuộc ra đi thụ nạn của Chúa Giêsu cũng thế. Chính vì vậy, trong giờ phút ly biệt đầy xốn xang và ngậm ngùi,

 Chúa Giêsu đã để lại những lời tâm huyết cuối cùng cho các học trò.  Những lời dặn dò thân tình ấy được Giáo hội đọc lại cho chúng ta trong phụng vụ hôm nay, giống như một di chúc thiêng liêng.  Các nhà chú giải vẫn gọi đó là “diễn từ biệt ly.”  Trong những lời trăng trối sau cùng ấy, Chúa nói với các môn đệ: “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau.  Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

 

Điều răn mới.

 

Ai cũng biết, yêu thương là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người.  Ngày xưa triết gia Aristotle đã nói cho các học trò của ông: “Tính ích kỷ và đầu óc hẹp hòi biến con người trở nên như thú vật, nhưng khi con người đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, họ sẽ trở nên như thần thánh.”  Nói chung, tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, và chẳng tôn giáo nào lại dạy con người làm những chuyện thất đức.  Tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ” của triết lý Đông phương cũng tương tự như thế.  Thế thì, giáo huấn của Chúa Giêsu có gì là mới lạ?  Và tại sao Chúa lại gọi đây là điều răn mới?  Chúng ta phải đi sâu vào tư tưởng thần học của Thánh Gioan mới có thể khám phá ra tính cách mới mẻ và độc đáo của giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu gửi trao như một di chúc thánh thiêng.

 

Ngay từ thời cựu ước, Đức Chúa Giavê cũng đã ban truyền thập giới trên núi Sinai qua Moisê, và 10 giới răn đó cũng được tóm kết qua 2 điều luật căn bản, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.  Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó khi trả lời cho vị luật sĩ (Lc 10,27) hay cho vị kinh sư (Mc 12,28) hoặc cho chàng thanh niên giàu có (Mt 19,18-20).

 

Tuy nhiên các luật sĩ và biệt phái thời xưa chỉ giữ luật một cách máy móc và vụ hình thức.  Chúa tuyên bố rằng Ngài đến không để bãi bỏ lề luật, nhưng mặc cho nó một chiều kích mới, đó là chiều kích nội tâm.  Giới răn mới mà Chúa nói hôm nay cũng chính là việc thực hành tình yêu, nhưng đi vào cốt lõi căn bản, nhắm đến chiều sâu nội tâm hóa của giới luật yêu thương.  Để huấn luyện các học trò hiểu thấu giới răn ấy, Chúa Giêsu lấy chính Ngài làm chuẩn mẫu: “Anh em hãy yêu thương nhau ‘như’ Thầy đã yêu thương anh em.”  Tính cách mới mẻ mà Chúa khởi dẫn chính ở điểm căn bản này.

 

Kinh nghiệm của Thánh Gioan.

 

Khi nói về mình, Gioan giới thiệu rất đơn giản bằng thuật ngữ “người môn đệ được Chúa yêu mến.” Gioan là người học trò duy nhất được tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly để lắng nghe từng nhịp đập nơi con tim thổn thức của vị Thầy khả ái.  Ngài cũng đứng dưới chân Thập giá cùng với Đức Maria để mục kích trái tim Chúa bị đâm thâu và mở toang ra, tuôn đổ những giọt nước và máu của tình yêu cho đến vô tận.  Tất cả những chi tiết này đều là những hình ảnh mà Thánh Gioan ghi lại để biểu thị bài học về tình yêu nơi Chúa Giêsu mà Gioan đã cảm thấu một cách tường tận.  Trong Tin mừng thứ tư, thánh ký quảng diễn rất nhiều về tình yêu mà Chúa Giêsu đã diễn bày, nhất là qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, biết các con chiên trong đàn, đi tìm kiếm con chiên lạc, và hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.  Thánh Gioan cũng dành ra suốt từ chương 13 đến hết chương 17 để viết lại diễn từ biệt ly, và điểm nhấn quan trọng nhất trong diễn từ chính là nói về tình yêu.  Trong diễn từ này, Chúa Giêsu lập đi lập lại điệp khúc tình yêu qua chính mẫu gương của Ngài.  “Không có tình yêu nào cao quý bằng mối tình của người hiến ban mạng sống cho bạn hữu.”  “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương.”  “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau…”  Vì thế trong 3 lá thư Thánh Gioan để lại, đặc biệt trong thư thứ nhất, Ngài đã định nghĩa Thiên Chúa bằng một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,16).  Những chân lý về tình yêu, về giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, cũng được lặp lại rất nhiều lần trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan.

 

Yêu như Thầy đã yêu.

 

Nhiều người ngoại giáo thường hỏi chúng ta, đạo nào cũng hay, cũng đẹp, thế đạo Công giáo có cái gì đặc sắc mà các anh muốn quảng bá?  Thánh Gioan hôm nay đã trả lời thay cho chúng ta.

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương giống như Ngài đã yêu thương.  Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia, không phải là một nhà mô phạm lý thuyết, nói một đàng làm một nẻo.  Cái chết của Chúa Giêsu lột tả trọn vẹn tình yêu mà Ngài muốn diễn bày.  Ngài đã đi đến tận cùng của giai điệu yêu thương khi bị treo thân trên Thập giá như một tên tội phạm và quảng diễn rất cụ thể điều Ngài đã nói với các môn sinh: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu.”  Trong bữa tiệc ly, Chúa còn cúi xuống rửa chân cho các học trò như một người tôi tớ.  Bằng nhiều cách, Chúa đã cố gắng cắt nghĩa giới răn mới mà người muốn truyền thụ lại bằng chính cuộc sống gương mẫu của Ngài.

 

Kết luận

 

Thánh Phanxicô Salê, vị Tiến sĩ đức ái, đã viết trong khảo luận về Đức Ái của Ngài: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tình yêu là sự hoàn thiện của con người.  Đức ái chính là sự hoàn thiện của tình yêu.”  Sống sung mãn ơn gọi tình yêu, chính là con đường dẫn đến hoàn thiện và đó cũng là lộ trình nên thánh mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước.  Nhưng chúng ta thực hành giới răn mới đó như thế nào?  Một nhà xã hội học đã chua chát nhận xét: “Ngày nay, con người đã rất tiến bộ và thành công vượt bậc.  Người ta đã lên được tới mặt trăng, đã nghiên cứu đến tận sao hỏa, đã chế tạo các phi cơ với vận tốc khủng khiếp...  Nhưng có một điều rất đơn giản là học cách sống tử tế với vợ mình, mà nhiều người học mãi cũng chẳng xong.”

 

Nói về tình yêu trên lý thuyết rất dễ, nhưng sống và thực hành theo gương Chúa Giêsu không phải là một chuyện giản đơn.  “Hãy yêu như Thầy đã yêu” là bài học mà chúng ta phải nghiền gẫm và phải phấn đấu để thực hành cho đến suốt đời.

 

 

 

 

Yeu Nhu Thay Yeu.jpg

Tác giả bài viết: Lm. GB. Trần Văn Hào

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay9,642
  • Tháng hiện tại342,253
  • Tổng lượt truy cập32,325,976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây