Giới lập pháp Mỹ yêu cầu rút hoặc hoãn việc dỡ bỏ cấm vận võ khí cho VN

Thứ hai - 27/10/2014 00:52

Giới lập pháp Mỹ yêu cầu rút hoặc hoãn việc dỡ bỏ cấm vận võ khí cho VN

Một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ vừa gửi thư cho Tổng thống Barack Obama yêu cầu rút hoặc hoãn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vì thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio
 
Thư đề ngày 23/10 của 4 Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, John Cornyn, John Boozman, và David Vitter khẩn thiết kêu gọi chính quyền của ông Obama cân nhắc và bảo đảm rằng việc Mỹ nới lỏng một phần lệnh cấm vận phải gắn liền với các tiến bộ cụ thể về nhân quyền và cải tổ chính trị ở Việt Nam.

Tác giả kiến nghị thư nói họ ủng hộ Hoa Kỳ giúp các đối tác và đồng minh giải quyết những lo ngại về các tuyên bố chủ quyền lấn lướt của Trung Quốc ở vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương nhưng sự hợp tác an ninh với một nước có thành tích nhân quyền tệ hại dai dẳng như Việt Nam nên được căn cứ vào những tiến bộ trong việc tôn trọng các quyền tự do căn bản của công dân.

Thượng nghị sĩ John CornynThượng nghị sĩ John Cornyn

Các nhà lập pháp trong Thượng viện Mỹ nhấn mạnh dù Việt Nam có biểu hiện một ít cải thiện trong vài lĩnh vực giới hạn kể từ khi Quốc hội Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Hà Nội năm 2006, nhưng chưa thực hiện lời hứa lúc đó rằng quan hệ kinh tế mở rộng hơn sẽ dẫn tới cởi mở chính trị hơn tại Việt Nam.

Những người đồng ký tên trong thư nhắc nhớ rằng quốc gia độc tài-độc đảng Việt Nam hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do lập hội, tự do quan điểm, tự do báo chí, và tự do Internet giữa lúc nạn tra tấn bạo hành của lực lượng công quyền ngày càng đáng báo động.

Thư nói trong khi Mỹ nỗ lực cải thiện quan hệ với Hà Nội từ năm 2011-2013, số người bị bắt giam vì các hoạt động ôn hòa tại Việt Nam lại càng cao, số tù nhân không ngừng gia tăng, và số lượng được thả không theo kịp số mới bị bắt.

Bấm vào nghe bài tường trình
 

Thư nêu rõ đa số các vụ phóng thích tù nhân lương tâm trong năm nay đều được thực hiện dựa trên điều kiện thỏa thuận với Mỹ và hầu như tất cả những người được thả đều trong tình trạng sức khỏe suy kém giữa lúc hơn 150 người khác bị phạt tù vì hành xử quyền tự do ngôn luận trong những năm gần đây vẫn còn bị giam cầm, kể cả trường hợp của luật sư nhân quyền nổi tiếng Lê Quốc Quân, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, linh mục Nguyễn Văn Lý, và blogger Tạ Phong Tần.

Với những lý do và dẫn chứng cụ thể trình bày trong thư, 4 Thượng nghị sĩ Cộng hòa ký đơn kêu gọi Tổng thống Mỹ coi lại hoặc trì hoãn việc chuyển giao bất kỳ dịch vụ và thiết bị an ninh nào cho Việt Nam cho tới khi nào Hà Nội cải thiện đáng kể các chính sách vi phạm nhân quyền.

Thư được gửi đi giữa lúc Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền Lao động Tom Malinowski và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael F-roman đang thăm và làm việc tại Việt Nam trước chuyến công du dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tới Hà Nội vào tháng sau.

Một trong những nhà hoạt động hàng đầu thúc đẩy nhân quyền Việt Nam tại hải ngoại nhận định văn thư này có tác dụng quan trọng giữa bối cảnh Việt-Mỹ đang tìm cách thắt chặt quan hệ thương mại-quân sự, đặc biệt là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng trước sự giương oai diễu võ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, phát ngôn nhân của Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do Và Dân Chủ gần đây đã mở ra nhiều cuộc vận động lớn về nhân quyền Việt Nam nhắm vào chính giới Hoa Kỳ, nói với VOA Việt ngữ:

“Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sắp đi Việt Nam. Thư này sẽ yểm trợ cho tiếng nói của ông để nối kết vấn đề quốc phòng và vấn đề nhân quyền, cho Việt Nam thấy cần phải nhượng bộ về nhân quyền khi muốn mở rộng quan hệ với Mỹ về mọi mặt. Đây là lúc rất quan trọng để đưa ra thông điệp vừa rồi từ 4 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Thể thức ở Thượng viện cho phép dù chỉ 1 Thượng nghị sĩ thôi cũng có thể cản chặn đựơc những đạo luật. Cho nên, hành pháp Hoa Kỳ luôn rất quan tâm đến tiếng nói của các Thượng nghị sĩ, dù chỉ một người.”

Thư của 4 Thượng nghị sĩ gửi Tổng thống Obama nói nỗ lực giúp Việt Nam cải thiện khả năng quốc phòng hàng hải sẽ bền vững nếu kèm theo chứng tỏ tôn trọng nhân quyền từ phía Hà Nội, mà thể hiện cụ thể nhất là phóng thích vô điều kiện tất cả tù nhân lương tâm, hủy bỏ các điều luật hình sự hóa những tiếng nói bất đồng chính kiến ôn hòa, và trả lại tài sản tước đoạt của các giáo hội và cộng đồng tôn giáo.

Nếu đảng Cộng Hòa chiếm được đa số ở Thượng Viện sau cuộc bầu cử ngày 4/11, Thượng nghị sĩ Rubio ký tên trong thư có thể trở thành Chủ Tịch Tiểu Ban Á Châu-Thái Bình Dương của Thượng Viện Hoa Kỳ.

Trong 3 người ký tên còn lại, Thượng nghị sĩ Cornyn là tác giả Dự Luật Chế Tài Những người Vi Phạm Nhân Quyền ở Việt Nam và Thượng nghị sĩ Boozman là người đưa Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam vào Thượng Viện đầu năm nay.

Cùng ngày 23/10, 8 dân biểu ở Hạ viện đã gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Michael F-roman, thúc giục áp lực Việt Nam thể hiện tiến bộ cụ thể về nhân quyền trước khi có thể gia nhập Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Hai bên Việt-Mỹ mong muốn có thể đúc kết thỏa thuận TPP trước cuối năm nay, nhưng nhà hoạt động Nguyễn Đình Thắng cho rằng có rất ít hy vọng đạt được điều đó. Và thời gian kéo dài cuộc thương thảo, vẫn theo lời ông, là cơ hội giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhân quyền cho Việt Nam.

Hà Nội một mực khẳng định luôn tôn trọng và thăng tiến các quyền căn bản của công dân.

Tác giả bài viết: Trà Mi-VOA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập137
  • Hôm nay19,838
  • Tháng hiện tại110,525
  • Tổng lượt truy cập35,033,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây