Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 04/11/2014 08:51
Theo Tiếng nói nước Nga, Hoa Kỳ cố tìm cách khai thác sử dụng nguồn nhân lực ở Trung và Nam Mỹ, đang ngày càng cạnh tranh mạnh hơn trong bối cảnh tăng mức tiền công lao động ở châu Á.
Photo: AP Tại vùng ven biên của Hoa Kỳ và Mexico đã thành lập các khu công nghiệp, tích hợp điện giá rẻ và lao động giá rẻ. Theo dự đoán của các chuyên viên, hàng hóa Trung Quốc rồi sẽ bị đẩy bật ra khỏi thị trường khổng lồ của nước Mỹ, để các nhà sản xuất địa phương lên ngôi.
Công ty Mỹ The Boston Consulting Group đã tiến hành cuộc khảo sát trong các doanh nghiệp lớn. Hóa ra là ngay từ cuối năm 2013, hơn một nửa số công ty Mỹ với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD đã chuyển dây chuyền sản xuất của mình trở về Mỹ, hoặc đang dự kiến làm như vậy. Các chuyên viên của Tập đoàn Tư vấn Boston đi đến kết luận rằng quá trình đưa sản xuất ở nước ngoài trở về nguồn ban đầu đang trở thành xu thế đối với những nền kinh tế phát triển.
Nhưng yếu tố gì đã gây ra xu thế này? Theo phân định của các chuyên viên, có một số lý do, trong đó chính yếu nhất, là đà tăng giá của lực lượng lao động ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhiều thập kỷ liên tục có giá thành sản xuất thấp do tiền công lao động rẻ đã là lợi thế cạnh tranh chính để hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Nhưng bây giờ mức sống ở Trung Quốc đang tăng lên, và tương ứng, sức lao động cũng đắt tiền hơn.
Trong một số lĩnh vực của ngành công nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc, giá công lao động đã ngang với chi phí ở Trung và Đông Âu. Ngoài ra, do bùng phát những vấn đề môi trường sinh thái, giá năng lượng điện ở Trung Quốc cũng mỗi ngày một đắt thêm.
Trong khi đó ở nước Mỹ lại là quá trình ngược lại. Đẩy mạnh khai thác khí đá phiến sét làm hạ giá điện. Còn thất nghiệp gia tăng ở các nước Mỹ Latinh lại là hứa hẹn nhân công giá rẻ cho Hoa Kỳ. Vì vậy, đối với người Mỹ reshoring - đưa sản xuất ở nước ngoài trở về nguồn – là quyết định kinh doanh hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở đây cũng có những nguyên nhân khác, lý giải tại sao doanh nghiệp nước ngoài bỏ chạy khỏi Trung Quốc, ông Nikita Maslennikov cố vấn của Viện Phát triển đương đại nhận xét.
“Đe dọa rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp nước ngoài là tính chất mong manh của hệ thống tài chính Trung Quốc, đầy rẫy nguy cơ suy sụp và những khoản nợ không trả nổi của chính quyền địa phương. Cả nhịp độ thấp về tự do hóa nền kinh tế cũng không gây niềm lạc quan. Hành động của những nhà quản lý tiền tệ thì không rõ ràng. Họ hoặc là kích cầu tiếp xung lực tăng trưởng kinh tế, hoặc giải quyết những vấn đề đã tích tụ không ít”.
Quả thực, khối lượng tiền tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc đã là hơn 200% GDP. Để so sánh hãy xem những trường hợp khác: Nhật Bản sa vào cuộc suy thoái khi chỉ số tương tự là 230%. Còn cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp ở Mỹ nổ ra năm 2008 khi khối nợ trong nền kinh tế đã là gánh nặng 249% GDP. Vì vậy, nỗi e ngại của các doanh nhân nước ngoài ở Trung Quốc chẳng phải là vô căn cứ. Theo cố vấn Viện Phát triển đương đại Nikita Maslennikov, điều đó buộc các nhà đầu tư phải có khoảng tạm dừng và suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo với hệ thống tài chính và nền kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, quá trình đưa sản xuất ở nước ngoài trở về nguồn Mỹ đang giáng đòn đau làm thương tổn định hướng xuất khẩu của Trung Quốc, mà Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại và đầu tư chính. Hoạt tính sản xuất tại Trung Quốc đang giảm sút, điều đó thể hiện qua các dữ liệu của bán niên thứ nhất. Theo thông tin của Tổng cục thống kê CHND Trung Hoa, trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Sáu mức tăng trưởng công nghiệp là dưới 7%, tức là thấp nhất trong hai năm lại đây.
Bản thân Trung Quốc sẽ xoay sở thế nào trong tình huống này? Rõ ràng là cần đặt cược vào thị trường nội địa. Nhưng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế không phải là quá trình mau lẹ dễ dàng. Các chuyên viên lưu ý: trong điều kiện khi xuất khẩu hàng hoá sản xuất bị chững lại, giải pháp tạm thời cho vấn đề này có thể là phát triển xuất khẩu dịch vụ. Đã có những thành tựu đầu tiên trong lĩnh vực này. Tỷ lệ dịch vụ trong GDP của Trung Quốc năm 2013 lần đầu tiên đã vượt hơn tỷ lệ sản xuất công nghiệp. Với bất động sản, thương mại bán lẻ và tài chính chiếm 46% GDP, trong khi đóng góp của sản xuất công nghiệp chỉ là 44%. Nhưng vẫn còn có thể tăng thêm. Bởi ở các nước phát triển, lĩnh vực dịch vụ đảm bảo tới 70% khối lượng nền kinh tế.