|
Một chiếc máy bay giám sát P-3 Orion, loại máy bay mà Washington có thể sẽ bán cho Hà Nội. Ảnh: Aviation Spectator |
"Bộ Ngoại giao vừa thực hiện các bước đi nhằm cho phép việc chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo.
Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết trong một cuộc họp báo khác rằng quyết định trên sẽ nới lỏng lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được áp đặt từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và vào thời điểm này, nó chỉ hướng đến mục đích an ninh hàng hải.
Các trang thiết bị mới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tuần tra và phòng thủ trên Biển Đông, giữa những thách thức ngày càng gia tăng, các quan chức này nói. Tuy nhiên, trong tương lai, các vũ khí được bán có thể bao gồm cả hệ thống phòng không và tàu thuyền. Bất kỳ đề nghị của Việt Nam về loại vũ khí đặc biệt nào cũng sẽ được đánh giá theo một từng trường hợp một.
Các nguồn tin Mỹ cho rằng Washington có thể sẽ bán cho Việt Nam các máy bay giám sát P-3 Orion đã qua sử dụng, do hãng Lockheed Martin sản xuất. Các phi cơ này hiện được thay thể bằng thế hệ máy bay P-8A mới hơn của hãng Boeing.
P-3, niềm tự hào của hải quân Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nêu ra những hệ thống vũ khí cụ thể có thể bán cho Việt Nam hay thời điểm đưa ra thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng đầu tiên.
Họ cũng cho biết Washington không mong đợi phản ứng gay gắt từ Trung Quốc vì Mỹ sẽ chủ yếu cung cấp cho Việt Nam các hệ thống phòng thủ. "Đây không phải là một động thái chống Trung Quốc", một trong các quan chức khẳng định.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bình luận rằng việc Mỹ tiến tới bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam là bước đi bình thưởng, bởi quan hệ ngoại giao hai nước đã bình thường hóa gần 20 năm. Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể tức giận trước diễn tiến này.
"Nếu chúng tôi không mua từ Mỹ, chúng tôi có thể mua từ nước khác", ông Minh nói. "Trung Quốc đâu cần phiền lòng về điều đó".
Mỹ đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với công nghiệp quốc phòng, nhất là trong bối cảnh chính sách tái cân bằng chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương đang được thúc đẩy.
Bình luận của các chuyên gia về dỡ bỏ lệnh cấm
|
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry. Ảnh: AP |
Ông Phạm Bình Minh đang có chuyến thăm chính thức tới Mỹ. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Kerry, đôi bên nhất trí triển khai các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 2015, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện. Ông Minh đề nghị Mỹ linh hoạt với Việt Nam trong đàm phán TPP và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định, sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.
Ngoại trưởng Kerry nhất trí tiếp tục đối thoại về các vấn đề còn khác biệt giữa đôi bên, thúc đẩy việc thành lập trường Đại học Fulbright tại Việt Nam, phối hợp thực hiện các sáng kiến về khu vực hạ nguồn Mekong, trong đó có việc đảm bảo an toàn nguồn nước. Hai ngoại trưởng cũng đề cập vấn đề Biển Đông, thống nhất các bên cần tuân thủ DOC và không có hành động leo thang tranh chấp gây bất ổn ở khu vực.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh trước đó có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, với chủ đề quan hệ Việt - Mỹ trong giai đoạn mới.
Anh Ngọc
Tác giả bài viết: bartvu39
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn