Đối lập với những cánh đồng đang xanh trở lại dọc con đường dẫn tới thành phố Fukushima, ngôi làng Iitate cho tới nay vẫn là một ngôi làng “chết”.
Dọc hai bên con đường đi qua trung tâm của ngôi làng, những bao tải đựng đất nhiễm xạ cao thấp thoáng xuất hiện dưới ánh sáng đèn ô tô. Những ngôi nhà không ánh đèn chìm trong bóng tối im lìm khi màn đêm xuống.
Người dân nơi đây chỉ về làng vào ban ngày để canh tác, đêm đến, họ quay trở lại thành phố, ông Shigeyuki Koide, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Khoa học Nhật Bản vừa nói vừa chỉ tay về phía những chiếc máy cày đậu lặng lẽ trên cánh đồng.
Nhiều máy đo bức xạ trong môi trường được đặt cạnh các con đường trong thành phố Fukushima. (Ảnh: Lê Văn)
Giống như hàng trăm ngàn người khác ở Fukushima, gần 7 ngàn người dân tại ngôi làng nằm cách nhà máy điện hạt nhân gần 40 km về phía tây bắc hiện vẫn chưa thể quay về ngôi nhà của họ.
Hệ quả của sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima không chỉ có một ngôi làng bỏ hoang như Iitate. Ở những nơi người dân đã quay trở lại với cuộc sống thường nhật, “dư chấn” của thảm họa 3 năm trước vẫn đeo bám họ.
Tại Minamisoma, một thành phố nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima chỉ 20 km, những máy đo bức xạ được đặt rải rác dọc những con đường của thành phố. Hơn 3 năm kể từ sau sự cố, người dân vẫn chưa thôi lo lắng về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.
Một khảo sát vừa được tiến hành trong tháng 8 vừa qua cho thấy, phần lớn người dân của Minamisoma vẫn lo lắng về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ trong môi trường và thức ăn, GS Ryugo Hayano, Khoa Vật lý, Đại học Tokyo cho biết.
Bệnh viện thành phố Minamisoma, bệnh viện duy nhất trong số 5 bệnh viện của thành phố còn hoạt động sau thảm họa, đã phải thiết lập một chương trình kiểm tra bức xạ trên cơ thể (whole-body-counter - WBC) dành cho các cư dân của thành phố để đảm bảo liều bức xạ trên có thể họ trong mức an toàn.
Mặc dù, ở thời điểm hiện tại liều bức xạ trên cơ thể cư dân đo được đều ở mức rất thấp, song người dân vẫn muốn tiếp tục thực hiện các kiểm tra liều bức xạ trên cơ thể, đặc biệt là tại các khu vực nhiễm xạ cao, Masaharu Tsubokura, bác sĩ tại bệnh viện thành phố Minamisoma cho biết.
TS Tomoyoshi Oikama, Phó giám đốc bệnh viện Minamisoma Vẫn còn rất nhiều vấn đề ở khu vực của chúng tôi. Cho tới tận hiện nay, thảm họa vẫn đang tiếp diễn. |
Ám ảnh nặng nề nhất với người dân Fukushima có lẽ là nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ đối với con em họ. Ông Makoto Ohmori, Giám đốc sản xuất Đài truyền hình TV-U Fukushima nói rằng, tới nay, tại nhiều nơi, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa dám cho con ra ngoài chơi vì lo lắng sẽ bị phơi nhiễm phóng xạ.
Để làm yên lòng người dân nơi đây, từ tháng 3/2012, GS Hayano và các đồng sự của mình đã tạo ra chiếc máy kiểm tra bức xạ dành riêng cho trẻ em có tên là Babyscan.
Đã có 3 chiếc máy được triển khai tại 3 thành phố với hơn 1 ngàn trẻ em được kiểm tra, song không có bất cứ nguồn phóng xạ Cesium nào được phát hiện, GS Hayano cho biết. “Tuy vậy, hiện chúng tôi vẫn còn hơn 1.000 yêu cầu được kiểm tra tại Minamisoma”, ông cho biết thêm.
Máy đo bức xạ cơ thể Babyscan dành cho trẻ em tại Bệnh viện thành phố Minamisoma, Fukushima. (Ảnh: Lê Văn)
Thực tế, "bóng ma” phóng xạ không chỉ ám ảnh người dân Fukushima. Nhiều người Nhật cho tới nay vẫn không dám sử dụng gạo và nông sản từ Fukushima do sợ nhiễm xạ, bất chấp việc nhiều thị trường trên thế giới đã bắt đầu chấp nhận nông sản từ vùng thảm họa này.
"Vẫn còn rất nhiều vấn đề ở khu vực của chúng tôi. Cho tới tận hiện nay, thảm họa vẫn đang tiếp diễn”, TS Tomoyoshi Oikama, Phó giám đốc bệnh viện Minamisoma nói.
Bài học về niềm tin
Những lo lắng của người dân là có lý do khi giờ đây, người dân Fukushima dường như đã mất niềm vào chính phủ, cũng như giới truyền thông Nhật Bản.
Ông Shigeru Fukaya, nguyên phó thị trưởng thị trấn Miharu, thị trấn cách nhà máy điện hạt nhân 48 km kể lại rằng, vào thời điểm xảy ra sự cố, chính quyền thị trấn liên tục yêu cầu chính quyền tỉnh cung cấp thông tin về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân, song họ đã không nhận được bất cứ thông tin nào từ cấp trên.
"Họ luôn nói là họ không biết bất cứ thông tin gì”, ông Fukaya nói. “Chúng tôi đã buộc phải đọc các thông tin từ truyền thông nước ngoài để cập nhật tình hình”, vị cựu phó thị trưởng cho biết thêm.
Ông Shigeru Fukaya, nguyên phó thị trưởng thị trấn Miharu. (Ảnh: Lê Văn)
Ngay sau đó, chính quyền thị trấn Miharu đã có một quyết định đầy táo bạo: Phát các viên nén i-ốt kali (viên nén có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm i-ốt phóng xạ được phát cho những nơi có nguy cơ nhiễm xạ cao) cho người dân dù không có lệnh của chính quyền tỉnh.
Sự “chống đối” của chính quyền thị trấn Miharu là một bằng chứng về sự mất niềm tin của người dân cũng như chính quyền cơ sở trước sự lúng túng và thiếu minh bạch của chính quyền trung ương vào thời điểm xảy ra sự cố.
Việc chính quyền thị trấn Miharu tiếp cận nguồn thông tin từ báo chí nước ngoài để cập nhật tình hình cũng cho thấy, các hãng thông tấn của Nhật cũng không được người dân tin tưởng.
GS Hayano, Đại học Tokyo: Sẽ cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực để lấy lại niềm tin của người dân |
Một nghiên cứu của hai tác giả tại Đại học Doshisha đăng tải trên Tạp chí Procedia Environmental Sciences vào năm 2013 đã chỉ ra rằng, đài NHK, đài truyền hình lớn nhất tại Nhật có xu hướng đưa thông tin ủng hộ chính phủ cũng như Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO).
"Việc lựa chọn thông tin của NHK bị chi phối rất lớn bởi những thông cáo của chính phủ”, nghiên cứu viết. “Trong khi đó, việc thu thập thông tin ở các nguồn khác của NHK có xu hướng ủng hộ các chính sách của chính phủ”.
Quan điểm ủng hộ chính phủ cũng như sự mất cân bằng trong việc thu thập nguồn tin của một hãng thông tấn có độ phủ lớn như NHK có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến người dân tại Miharu buộc phải cập nhật tình hình từ các hãng thông tấn nước ngoài.
Việc người dân mất niềm tin đang để lại những hệ quả nghiêm trọng. Tới nay, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, các nhà khoa học, cũng như giới truyền thông, phần đông người dân Nhật Bản dường như đã không còn tin vào sự an toàn của điện hạt nhân nữa.
GS Hayano, Khoa Vật lý, Đại học Tokyo. (Ảnh: Lê Văn)
Một cuộc khảo sát được chính quyền Nhật thực hiện mới đây cho thấy, có tới 60% người dân Nhật được hỏi đã phản đối việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân dù chính quyền nước này đã đưa ra những quy định an toàn mới rất ngặt nghèo.
GS Hayano nói rằng, thực tế chiếc máy Babyscan cũng như chương trình kiểm tra bức xạ trên cơ thể thực tế là không cần thiết song nó lại là một công cụ truyền thông quan trọng để lấy lại niềm tin đã bị đánh mất nơi người dân.
"Sẽ cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực để lấy lại niềm tin của người dân”, ông nói thêm.
Người ta cần rất nhiều thời gian để xây dựng lòng tin nhưng cũng không thứ gì mất nhanh hơn lòng tin, đó là bài học mà chính phủ cũng như truyền thông Nhật Bản giờ đây đang thấm thía. Đó cũng sẽ là kinh nghiệm xương máu cho những quốc gia đang dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam.
Tác giả bài viết: Theo Lê Văn
Nguồn tin: (Vietnamnet)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn