Sáng 17-4-2018, lực lượng phòng không Syria tuyên bố Israel đã thực hiện một vụ tấn công vào 2 căn cứ không quân của họ, vũ khí được sử dụng nhiều khả năng là tên lửa hành trình siêu thanh Sky Sniper.
Đây là loại tên lửa có vận tốc tối đa lên tới Mach 3,5 và bay ở độ cao cực thấp, tính năng vượt trội mọi loại vũ khí mà Israel đã sử dụng để oanh kích lãnh thổ Syria từ trước tới nay.
Thế nhưng thật đáng ngạc nhiên là hệ thống phòng không Syria đã lập nên chiến công khó tin là bắn hạ 9 tên lửa này loại này bằng tổ hợp Pantsir-S1.
Thậm chí cả "mảnh vỡ" của "tên lửa Israel" cũng được phía Syria công bố sau đó như để minh họa cho thành tích chiến đấu của mình.
Nhưng thật bất ngờ, đến chiều cùng ngày chính Quân đội Syria lại phải lên tiếng bác bỏ thông tin trên, họ khẳng định không có một vụ tấn công nào do Israel thực hiện.
Điều đó cũng đồng nghĩa với thành tích bắn hạ tới 9 tên lửa siêu thanh Sky Sniper mà phòng không nước này tự hào công bố trước đó chỉ là bánh vẽ.
Một chỉ huy của liên minh quân sự ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa cho hãng tin Reuters biết, sự cố xảy ra là do cảnh báo nhầm chứ không phải do bị tấn công từ bên ngoài đã kích hoạt hệ thống phòng thủ của Syria.
Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cũng cho rằng, lỗi kỹ thuật này gây nên bởi hoạt động "tấn công điện tử chung" giữa Mỹ và Israel nhằm vào hệ thống radar của Syria.
Điều này trực tiếp dẫn tới sự nghi ngờ về tuyên bố bắn rơi tới 71 tên lửa hành trình của liên quân Mỹ - Anh - Pháp sau cuộc tấn công đêm 14/4.
Thậm chí theo con số mới nhất mà Bộ Quốc phòng Nga vừa đưa ra thì chỉ có 48 tên lửa bị bắn hạ, đã giảm khá nhiều so với tuyên bố ban đầu nhưng vẫn bị nhận định là quá cao.
Điều này cũng dễ hiểu vì chỉ cần dính một đòn tác chiến điện tử đơn giản mà phòng không Syria đã tự nã đạn vào hư vô thì chẳng có gì bảo đảm họ chống trả lại được cả một tổ hợp phức tạp hơn nhiều.
Phía Mỹ cho biết trong cuộc tấn công trên đã tiến hành đòn nghi binh khi không cho tàu chiến từ Địa Trung Hải phóng tên lửa mà sử dụng chiến hạm từ biển Đỏ và Vịnh Ba Tư.
Ngoài ra còn có cả sự tham gia của máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler cất cánh từ một địa điểm bí mật, đáng nói hơn là loại phi cơ trên đã bị loại biên từ năm 2015.
Tiếp đó, phân tích những bức ảnh tên lửa Syria khai hỏa trong đêm, các chuyên gia quân sự nhận xét nó chỉ bay vu vơ mà chẳng nhắm vào một đối tượng cụ thể nào, thậm chí phóng lên khi cuộc tấn công đã kết thúc.
Đến hôm nay, sự kiện vừa diễn ra rõ ràng đã khiến uy tín của cả lực lượng phòng không Nga lẫn Syria bị tổn hại nghiêm trọng.
Trước mắt thì chắc chắn giới chức quân sự Syria sẽ phải đau đầu tìm cách trả lời câu hỏi họ đã bắn vào cái gì để tuyên bố diệt thành công 9 mục tiêu.