Đây là một chủ trương tôi nghĩ là khôn ngoan, thậm chí là một tính toán hết sức chiến lược để thu hút nhân tài của người Hoa ở khắp nơi trên thế giới.TS. Trần Công Trục
Thông báo của Bộ Công an Trung Quốc được tờ báo nhà nước China Daily đăng tải cho hay bên cạnh số Hoa kiều đã có quốc tịch ở nước sở tại, mọi công dân nước ngoài khác, cho dù không phải là công dân Trung Quốc trước đây nhưng chỉ cần có bố, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ, bất kể bao nhiều đời, là người Trung Quốc và có giấy tờ chứng minh, thì sẽ được xem là người “gốc Hoa” và được hưởng chính sách ưu đãi thị thực trên.
Tranh giành nhân tài
Nhận định về chính sách mới này, một chuyên gia về Trung Quốc ở Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng đây là một trong những chính sách chiến lược nhằm thu hút nhân tài của Bắc Kinh.
Ông nói: “Đây là một chủ trương tôi nghĩ là khôn ngoan, thậm chí là một tính toán hết sức chiến lược để thu hút nhân tài của người Hoa ở khắp nơi trên thế giới”.
ABC News dẫn lời một số doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc cho biết họ hoan nghênh chính sách mới về visa vì tiết kiệm được thời gian và tiền bạc so với trước đây, khi họ liên tục phải xin gia hạn thị thực trong thời gian làm việc hay kinh doanh ở Trung Quốc.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng chính sách mới là một phần trong chiến lược “quyền lực mềm” nhằm giúp Trung Quốc tiếp cận được với nguồn lực nhân tài trên thế giới để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc về khoa học và kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng tạo ra một “cuộc tranh giành nhân tài” trên toàn cầu.
Chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa
Tuy nhiên, một số học giả quốc tế khác lại tỏ ra thận trọng khi nhận định về chính sách thị thực mới.
Tiến sĩ Chongyi Feng của trường Đại học Kỹ thuật Sydney, Úc, nói với ABC News rằng ông nghi Bắc Kinh sẽ có sự “phân biệt” trong việc cấp visa cho người nước ngoài gốc Hoa, trong đó những người bị xem là “bất đồng chính kiến” sẽ bị loại ra khỏi chính sách ưu đãi này.
TS. Feng nói: “Nếu đây là một chính sách mới, thì nên được áp dụng cho tất cả mọi người, chứ không nên chỉ nhắm vào những người được gọi là ‘yêu nước’, hoặc các lãnh đạo cộng đồng [Hoa kiều] đang tham gia vào sự phát triển của đất nước Trung Quốc”, theo ABC News.
Nó là chính sách nằm trong cốt lõi của chủ nghĩa bành trướng của người Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới và các nước cụ thể có những bước tiến làm ảnh hưởng tới quốc gia của họ, trong đó có Việt Nam.TS. Hà Hoàng Hợp
Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), cho rằng chính sách mới của Bắc Kinh “không có gì mới”, nếu đặt trong bối cảnh lịch sử mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Ông nói:
“Trước năm 1975, người Trung Quốc đã áp dụng cách đó và nhiều cách khác để nhằm che chở và bảo vệ người gốc Hoa, bất kể họ là công dân hay không là công dân Trung Quốc. Đấy là một chính sách không có gì mới. Nó là chính sách nằm trong cốt lõi của chủ nghĩa bành trướng của người Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới và các nước cụ thể có những bước tiến làm ảnh hưởng tới quốc gia của họ, trong đó có Việt Nam”.
Lịch sử cận đại đã chứng kiến làn sóng di cư của hàng chục triệu người Hoa ra các nước trên thế giới để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Việt Nam cũng là điểm đến của một số nhỏ trong làn sóng này.
TS. Hà Hoàng Hợp cho biết thêm:
“Sau năm 1975, đã xảy ra rất nhiều chuyện làm cho người Hoa phải bỏ đất nước này mà đi. Đặc biệt ở miền Bắc, chính quyền miền Bắc rất cảnh giác với người gốc Hoa, đến nỗi để xảy ra chuyện năm 1979, một trong những nguyên nhân khiến cho lãnh đạo Trung Quốc, lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, đưa quân vào đánh, xâm lược các tỉnh miền Bắc của Việt Nam trong bốn mươi mấy ngày với lý do trừng phạt Việt Nam vì phân biệt đối xử đối với người Hoa”.
“Sau khi có bình thường quan hệ giữa hai nước vào năm 1991, người ta cũng có cách để làm sao vừa đảm bảo sự phát triển giữa quan hệ con người với con người, giao lưu văn hóa, tác động về mặt xã hội, hợp tác phát triển, mà vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia của các phía”.
TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng việc cấp visa 5 năm chỉ là một bước nhỏ trong tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Ông dự đoán trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những bước đi mạnh hơn nữa để thực hiện tham vọng này.
Tác giả bài viết: Tru Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn