Chuyện gì xảy ra khi Chính phủ Mỹ đóng cửa?

Thứ hai - 22/01/2018 03:59

Chuyện gì xảy ra khi Chính phủ Mỹ đóng cửa?

Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa sau khi Tổng thống Donald Trump và Quốc hội không thể thống nhất thông qua dự luật chi tiêu tạm thời. Vậy Chính phủ Mỹ đóng cửa là như thế nào và những ai bị ảnh hưởng?

Chính phủ đóng cửa nghĩa là gì?

Chính phủ liên bang đóng cửa khi luật chi tiêu hết hạn còn Quốc hội và Tổng thống không thể thống nhất dự luật chi tiêu tạm thời. Kết quả là không có ngân sách, Chính phủ liên bang ngừng hoạt động.

Chuyện gì xảy ra khi Chính phủ Mỹ đóng cửa? - 1

Đài tưởng niệm Lincoln ngừng hoạt động do chính phủ đóng cửa. Ảnh: Reuters

 

Theo Điều 1, khoản 9 Hiến pháp Mỹ, tiền sẽ không được rút từ kho bạc, trừ trong trường hợp được phân bổ theo luật. Tức là một số hoạt động liên bang cần thiết vẫn có tiền để tiếp tục.

 

Đóng cửa chính phủ có hay xảy ra không?

Chính phủ Mỹ đóng cửa 18 lần từ năm 1976. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các lần đóng cửa thay đổi mạnh mẽ từ năm 1980.

Trước năm 1980, nhiều cơ quan liên bang tiếp tục hoạt động khi không có ngân sách dựa trên giả định là tiền sẽ sớm được chi và Quốc hội không có ý định đóng cửa Chính phủ.  

Tuy nhiên, năm 1980 và 1981, Bộ trưởng Tài chính khi đó Benjamin Civiletti đã yêu cầu lãnh đạo các cơ quan dừng hoạt động cho đến khi có tiền. Hoạt động duy nhất được tiếp tục là những thứ liên quan tới an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản.

Một số lần đóng cửa Chính phủ sau năm 1980 không phải do đấu đá hai đảng nên nhanh chóng Chính phủ được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, giữa những năm 1990, khi Tổng thống Bill Clinton tranh cãi với đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, Chính phủ đã bị đóng cửa 5 ngày hồi tháng 11/1995 và 21 ngày từ tháng 12/1995 tới 1/1996.

Sau 17 năm không bị đóng cửa, Tổng thống Barack Obama, phe Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện và phe Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện đã không thể thống nhất về dự luật chi tiêu, khiến Chính phủ đóng cửa 2 tuần năm 2013.

 

Ai làm việc, ai nghỉ khi chính phủ đóng cửa?

Trong lần đóng cửa năm 2013, có tới 850.000 nhân viên nghỉ phép mỗi ngày, chiếm 40% lực lượng lao động liên bang (không tính quân nhân tại ngũ và nhân viên Sở Bưu chính Mỹ).

Khoảng 6,6 triệu ngày công đã bị mất năm 2013 do chính phủ đóng cửa. Tình trạng phải nghỉ phép ảnh hưởng tới nhân viên hầu hết các cơ quan Chính phủ.

Hướng dẫn của Bộ trưởng Civilletti năm xưa vẫn được áp dụng, tức là những nhân viên làm các công việc liên quan tới an ninh công cộng và bảo vệ tài sản tiếp tục làm việc.

Ai làm, ai nghĩ sẽ tùy thuộc vào vị trí công việc và do lãnh đạo cấp cao hoặc cố vấn pháp lý tại từng cơ quan quyết định. 

Những người làm việc theo hợp đồng với Chính phủ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những nhân viên buộc phải nghỉ phép không được đi làm trong thời gian Chính phủ đóng cửa cho dù có muốn.

 

Nhà Trắng hoạt động ra sao?

Chính phủ của ông Trump cho biết hơn 1.000 trong số 1.715 nhân viên tại Nhà Trắng sẽ phải nghỉ phép.

Tổng thống Trump vẫn có thể dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: ABC

Tổng thống sẽ được hỗ trợ đủ để thực hiện nhiệm vụ theo hiến pháp. Sẽ có đủ nhân viên cần thiết để phục vụ ông dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tuần tới.

 

Quân đội bị ảnh hưởng ra sao?

Quân nhân tại ngũ luôn được yêu cầu làm việc trong các lần Chính phủ đóng cửa. Binh sĩ không được rời vị trí làm việc, tàu hải quân không được về cảng.

Nhiều nhân viên dân sự ở Bộ Quốc phòng vẫn được lệnh làm việc trong thời gian đóng cửa. Các nhân viên dân sự mà giữ những vị trí không cấp thiết sẽ ngừng làm việc.

Năm 2013, Chính phủ cho nghỉ phép một nửa nhân viên dân sự, tức 400.000 người.

 

Người Mỹ bình thường bị ảnh hưởng ra sao?

Trong khi đóng cửa, một số chức năng của Chính phủ có thể vẫn tiếp tục nhờ Quốc hội đã thông qua một dự luật chi tiêu cho một cơ quan nào đó hoặc nhờ cơ quan đó không phụ thuộc vào ngân sách do Quốc hội phân bổ, hoặc nhờ cơ quan đó cần thiết cho tính mạng và tài sản.

Tuy nhiên, rất nhiều hoạt động bị ngừng lại và sẽ ảnh hưởng tới nhiều người Mỹ có việc cần tới các cơ quan Chính phủ:

- Bệnh nhân mới không được tiếp nhận vào bộ phận nghiên cứu lâm sàng tại Viện Y tế Quốc gia, đường dây nóng trả lời về bệnh dịch ngừng hoạt động.

- Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh ngừng theo dõi dịch bệnh.

- Ngừng tuyển dụng, kiểm tra quan chức thực thi pháp luật liên bang.

- Các khu vực của Cơ quan Công viên quốc gia, bảo tàng và tượng đài quốc gia đóng cửa.

- Dịch vụ cấp hộ chiếu visa ngừng.

- Kiểm dịch thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng và an toàn nơi làm việc không được tiến hành.

- Cơ quan Thuế ngừng xác minh thu nhập và số an sinh xã hội trong năm 2014, khiến 1,2 triệu yêu cầu xác minh bị ứ lại, làm chậm các khoản cho vay và thế chấp.

 

Đóng cửa chính phủ gây thiệt hại thế nào?

Theo các nhà kinh tế, đóng cửa Chính phủ lãng phí rất nhiều tiền thuế của dân, làm gián đoạn hoạt động Chính phủ và cho thấy một sự quản lý tồi.

Theo báo cáo chi tiết nhất về lần đóng cửa năm 2013, tiền bồi thường cho nhân viên phải nghỉ phép là 2,5 tỷ USD; số việc mới trong lĩnh vực tư giảm 120.000 trong nửa đầu tháng 10; mất 500 triệu USD từ du khách do đóng cửa các công viên quốc gia; doanh thu các công viên quốc gia và Viện Smithsonian mất 11 triệu USD; trả tiền lãi lên tới hàng tỷ USD cho các bên thứ ba; tốn kém nguồn lực chi cho các hoạt động trực chiến hoặc duy trì trạng thái nhàn rỗi… 

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế bộ phận phân tích của hãng Moody cho biết lần đóng cửa Chính phủ năm 2013 khiến tăng trưởng GDP quý 4 của Mỹ giảm 0,5 điểm phần trăm, tức 20 tỷ USD. Hãng Standard & Poor’s còn ước tính kinh tế thiệt hại tới 24 tỷ USD.

Tóm lại, đóng cửa Chính phủ sẽ tốn kém hơn là số tiền bỏ ra để duy trì Chính phủ hoạt động.

 

 

Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại104,752
  • Tổng lượt truy cập34,737,471
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây