Trung Quốc sắp khủng hoảng kiểu Nhật

Thứ hai - 15/09/2014 10:12

Trung Quốc sắp khủng hoảng kiểu Nhật

Bắc Kinh đang theo đuổi các chính sách tương tự Tokyo trước khi Nhật Bản rơi vào thập kỷ mất mát đầu thập niên 90.
  • Mô hình kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách Đông Á áp dụng 60 năm qua đã mang lại cho họ cả thành công và thất bại, tạp chí Time cho biết. Xét trên phương diện tích cực, “mô hình phát triển châu Á” này đã khiến quá trình tăng tài sản và giảm nghèo diễn ra trên quy mô chưa từng có. Các ngành công nghiệp cũng phát triển thần tốc.

Tuy nhiên, tăng trưởng dựa trên đầu tư có trợ cấp cũng khối nợ phình nợ, gây dư thừa công suất và làm yếu hệ thống tài chính. Việc này đã gây ra một số cuộc khủng hoảng trầm trọng, như khủng hoảng thập niên 90 ở Nhật Bản (thập kỷ mất mát), khiến nước này đến giờ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Mô hình phát triển châu Á đã khiến Trung Quốc, Nhật Bản phải phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu để tăng trưởng. Thập niên 80, khi xuất khẩu của Nhật Bản gặp khó do đồng yen mạnh lên và kinh tế toàn cầu đi xuống, Tokyo đã phản ứng bằng cách ào ạt bơm tín dụng giá rẻ vào nền kinh tế, tạo ra bong bóng giá tài sản.

Bắc Kinh cũng đang đi theo con đường tương tự. Để chống lại ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc bơm tín dụng vào nền kinh tế để bù đắp suy giảm nhu cầu bên ngoài. Việc này đã giữ được tăng trưởng, nhưng cũng khiến khối nợ gia tăng, gây dư thừa sản xuất và thổi phồng bong bóng bất động sản.

china-6052-1410757286.jpg

Trung Quốc đang lặp lại các sai lầm chính sách như Nhật Bản gần 30 năm trước. Ảnh: AFP

Sau đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lặp lại đúng các lỗi Nhật Bản đã mắc khi giải quyết các vấn đề này, chiến lược gia Naoki Kamiyama và David Cui tại Bank of America-Merrill Lynch nhận xét. Với Nhật Bản, Ngân hàng trung ương vội vàng nâng lãi suất để kiềm chế giá tài sản, bóp nát bong bóng nhà đất và khiến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng hao hụt. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế giá bất động sản, khiến các chiến lược gia của Merrill Lynch lo ngại bong bóng nhà đất sẽ vỡ.

Trên thực tế, mô hình tăng trưởng của Bắc Kinh chịu nhiều kiểm soát của nhà nước hơn so với Tokyo. Nhưng dù vậy, việc này cũng đang làm dấy lên câu hỏi liệu Trung Quốc có rơi vào số phận như Nhật Bản hay không?

Kamiyama và Cui cho biết câu trả lời có thể là “Có”. “Rất không may là tăng trưởng của Trung Quốc rất giống với kịch bản của Nhật 30 năm trước. Hậu quả là Trung Quốc ngày nay đang đối mặt với các vấn đề tương tự nước Nhật cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90. Đó là tăng trưởng mất cân đối, Chính phủ tung quá nhiều kích thích, dư thừa sản xuất, thị trường nhà đất quá nóng và hệ thống tài chính thiếu vốn trầm trọng”, họ cho biết trong một báo cáo.

Bên cạnh đó, hai nhà phân tích cũng chỉ ra tình hình tại Trung Quốc còn nguy hiểm hơn Nhật Bản. “Tăng trưởng của Trung Quốc mất cân đối và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài hơn. Các chính sách của nước này cũng lỏng lẻo hơn, nợ tăng nhanh, dư thừa sản xuất và giá tài sản cũng tăng cao hơn”, báo cáo cho biết.

Điều đó có nghĩa hậu quả lên hệ thống tài chính Trung Quốc có thể còn trầm trọng hơn. “Chúng tôi nghi ngờ rằng tỷ lệ nợ xấu của nước này cao hơn Nhật Bản. 10 năm sau khi bong bóng bất động sản vỡ, nợ xấu của Nhật chạm 8%. Còn tại Trung Quốc, với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, chúng tôi có thể kết luận nợ xấu tại đây phải lên tới hai chữ số”, họ cho biết.

Họ cũng lo ngại các lãnh đạo Trung Quốc không áp dụng các biện pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề này. Các ngân hàng cần được tăng cường vốn mới để củng cố hoạt động và chuẩn bị cho cơn bão nợ xấu. Dù vậy, Bắc Kinh chưa chắc sẽ thực hiện các biện pháp này sớm.

Về mặt này, tạp chí Time cho rằng hai nhà phân tích nhận xét khá đúng. Giới chức Trung Quốc có vẻ khá hài lòng với tốc độ cải tổ hiện tại. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường từng cho biết trước các lãnh đạo doanh nghiệp rằng “các biện pháp cải tổ chúng ta đang thực hiện cho đến nay vẫn tốt, và Trung Quốc ít có khả năng hạ cánh cứng”. Tuy nhiên, trên thế giới ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng tốc độ cải tổ của Trung Quốc hiện tại là quá chậm. Jörg Wuttke - Chủ tịch Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc phàn nàn dù các lãnh đạo nước này “đã cho thấy sự sốt sắng phải cải tổ, đã đến lúc họ hiện thực hóa các tuyên bố của mình”.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn chưa thay đổi được nhiều bản chất nền kinh tế nước này. Đã gần 2 năm kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và chính quyền của ông nhận chức, và gần một năm kể từ khi nước này công bố kế hoạch cải tổ mạnh tay nhất từ thập niên 90. Nhưng ngoại trừ một vài ngân hàng tư nhân được bật đèn xanh hoạt động, vài bước đầu tiên cải tổ doanh nghiệp nhà nước, kinh tế Trung Quốc gần như không có tiến triển nào trong việc theo định hướng thị trường và phân phối nguồn lực - tài chính hợp lý.

Tại một số lĩnh vực, nước này có vẻ còn đi lùi. Ví dụ, môi trường kinh doanh tại đây đang ngày càng nội địa hóa. Nhiều công ty nước ngoài than phiền chuyện phân biệt đối xử, khi liên tục bị điều tra chống độc quyền và phải nộp phạt hoặc giảm giá sản phẩm. Phòng thương mại Mỹ mới đây cho biết các động thái của Trung Quốc “có vẻ nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước”.

Thế giới đang lo ngại khả năng Trung Quốc có thể thực hiện các cải tổ cần thiết lên mô hình tăng trưởng, để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế như Nhật Bản. Nghiên cứu của Merrill Lynch cũng đã đưa ra các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang lặp lại đúng các sai lầm của nước láng giềng. Một số người phản đối cho rằng Trung Quốc “khác” và sẽ không phải chịu các hậu quả như những nền kinh tế trước đây. Nhưng hãy nhớ, đó cũng chính là những gì các chuyên gia từng nói về Nhật Bản.

 

Tác giả bài viết: Hà Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập943
  • Hôm nay12,212
  • Tháng hiện tại282,109
  • Tổng lượt truy cập36,336,664
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây