Nước Mỹ đứng trước áp lực phải giảm mạnh phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm. Hôm qua, 14/01/2021, hai thượng nghị thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã đề xuất một dự luật theo hướng này.
Hai thượng nghị sĩ đệ trình dự luật là Tom Cotton (bang Arksansas), đảng Cộng Hòa và Mark Kelly (bang Arizona), đảng Dân Chủ. Theo thông báo của thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton, “việc chấm dứt sự phụ thuộc của nước Mỹ vào đảng Cộng Sản Trung Quốc, về khai thác và tinh luyện các nguyên liệu này trở nên cấp thiết, nếu chúng ta muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, bảo vệ nền an ninh quốc gia của chúng ta”. Dự luật có mục tiêu “bảo vệ nước Mỹ khỏi nguy cơ việc cung ứng đất hiểm bị cản trở”, “thúc đẩy việc sản xuất đất hiếm tại Mỹ”.
Dự luật do thượng nghị sĩ lưỡng đảng đề xuất tại Thượng Viện Mỹ yêu cầu bộ Quốc Phòng và bộ An Ninh Nội Địa thiết lập “dự trữ chiến lược” các kim loại hiếm, từ đây đến 2025, đủ để đáp ứng các nhu cầu của quân đội, lĩnh vực các ngành công nghệ và các cơ sở hạ tầng căn bản, đủ dùng “trong một năm trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn”.
Theo thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Kelly, “dự luật của lưỡng đảng sẽ tăng cường vị thế lãnh đạo của nước Mỹ về công nghệ, giảm phụ thuộc vào các đối thủ như Trung Quốc”.
Dự luật nhấn mạnh đến việc giới hạn sử dụng các loại đất hiếm từ Trung Quốc trong các thiết bị quốc phòng “tối tân”, đòi hỏi nâng cao tính minh bạch về nguồn gốc các linh kiện có sử dụng kim loại hiếm, khuyến cáo bộ Thương Mại điều tra về “các hoạt động thương mại không công bằng” của Trung Quốc trong thị trường này, và sẵn sàng nâng thuế nhập khẩu trong trường hợp có vi phạm.
Theo USGS, cơ quan thăm dò địa chất Mỹ, trong năm 2019, 80% các loại đất hiếm mà nước Mỹ phải nhập khẩu là từ Trung Quốc. Đất hiếm và các kim loại quý rất cần thiết cho những ngành công nghệ mũi nhọn, từ sản xuất điện thoại di động, đến xe chạy điện hay trong các ngành công nghiệp quân sự. USGS cho biết Trung Quốc hiện tại sở hữu các mỏ đất hiếm quan trọng nhất thế giới, với khoảng 44 triệu tấn. Các mỏ này có điều kiện khai thác thuận lợi, cũng như các tiêu chuẩn về môi trường ít chặt chẽ hơn tại các nước phương Tây.
Bắc Kinh đã từng sử dụng đất hiếm như phương tiện để gây áp lực về chính trị. Năm 2010, Trung Quốc đã đột ngột xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản để trả đũa Tokyo về các tranh chấp lãnh thổ.
Nguồn tin: Trọng Thành
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn