Trong năm 2021, Trung Quốc đã đẩy mạnh công việc xây dựng các khu định cư dọc theo vùng biên giới đang tranh chấp với Bhutan, với mục tiêu được cho là nhằm áp đặt các yêu sách lãnh thổ đối với Bhutan, đồng thời tăng cường năng lực giám sát hoạt động của quân đội Ấn Độ. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 12/01/2022, các hình ảnh mới nhất mới nhất cho thấy hơn 200 cấu trúc, bao gồm cả các tòa nhà hai tầng, đang được Trung Quốc xây dựng tại sáu địa điểm khác nhau dọc theo biên giới phía tây của Bhutan. Hai chuyên gia phân tích dữ liệu đã xác định rằng cả sáu nơi có công trình xây dựng có vẻ đều nằm trong khu vực đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan - trong đó có một vùng tranh chấp rộng khoảng 110 km vuông - với rất ít tài nguyên hoặc dân cư. Theo Reuters, công ty phân tích dữ liệu HawkEye 360 của Mỹ đã đối chiếu các hình ảnh vệ tinh chụp vào nhiều thời điểm khác nhau và đã kết luận rằng các hoạt động liên quan đến xây dựng ở một số địa điểm đã được tiến hành kể từ đầu năm 2020. Từ những công trình làm đường mòn và khai hoang ban đầu, công việc xây dựng đã tăng tốc vào năm 2021, với nhiều cấu trúc nhỏ hơn được dựng lên - có thể là nơi chứa thiết bị và vật tư - tiếp theo là việc đặt nền móng và sau đó là xây dựng các tòa nhà lớn hơn. Yêu sách biên giới của Trung QuốcTheo Reuters, giới chuyên gia và một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ nhận định rằng các hoạt động kể trên cho thấy là Trung Quốc đang cố gắng áp đặt các yêu sách biên giới bằng cách cụ thể hóa các tham vọng. Theo hai trong số các chuyên gia, các khu định cư mới cũng mang lại cho Bắc Kinh một số giá trị chiến lược, vì chỉ cách vùng Doklam ở ngã ba biên giới Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc từ 9 đến 27 km. Doklam là nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu nhau trong hơn hai tháng vào năm 2017. Theo một chuyên gia và nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, các khu định cư sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát và giám sát tốt hơn các khu vực xa xôi, đồng thời có thể dùng các nơi này để thiết lập các cơ sở tập trung vào an ninh. Về phần mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã khẳng định rằng công việc xây dựng đó “hoàn toàn nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân địa phương”, và Trung Quốc hoàn toàn có quyền “thực hiện các hoạt động xây dựng bình thường trên lãnh thổ của mình”. |
Nguồn tin: Trọng Nghĩa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn