Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 07/01/2022 07:44
Hàng triệu người Australia coi trọng công bằng và tuân thủ quy định tiêm vaccine Covid-19. Đúng lúc đó, Djokovic xuất hiện với một tờ giấy miễn trừ tiêm chủng. Novak Djokovic, tay vợt số một thế giới, mất cả ngày 5/1 bay từ Dubai tới Australia để bảo vệ chức vô địch giải đơn nam Australia mở rộng. Ngôi sao quần vợt từng 20 lần vô địch giải này mang theo giấy miễn trừ tiêm chủng để có thể tới thi đấu ở Australia - quốc gia bắt buộc người nhập cảnh phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine nếu không có lý do miễn trừ chính đáng. Nhưng khi tới sân bay Melbourne, anh bị giữ lại suốt đêm do thị thực bị hủy và những tranh cãi về bằng chứng anh được miễn trừ tiêm vaccine Covid-19 vì lý do y tế. Sau 10 tiếng căng thẳng, giới chức Australia cuối cùng ra lệnh cho anh rời đất nước.
Djokovic tại sân bay Melbourne hôm 5/1. Ảnh: ESPN Theo bình luận viên Matthew Futterman của NYTimes, sự việc của Djokovic mở ra cuộc đối đầu giữa một siêu sao thể thao với lãnh đạo và dư luận của một trong số những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, nơi quan chức chính phủ, người dân, truyền thông, thậm chí một số tay vợt chỉ trích lệnh miễn trừ y tế của anh. Đại dịch đã tàn phá mọi lĩnh vực thể thao suốt hai năm qua. Thế vận hội mùa hè Tokyo bị hoãn lại một năm. Các sự kiện lớn diễn ra trong sân vận động vắng khán giả. Vận động viên nổi tiếng bị cách ly ngay trước thềm cuộc thi đấu sau khi xét nghiệm dương tính nCoV. Bởi vậy, giấy miễn trừ tiêm chủng của Djokovic nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc tranh luận về vaccine và cách đối phó đại dịch hiện nay, đặc biệt tại Australia - quốc gia say mê môn quần vợt nhưng cũng coi chủ nghĩa quân bình là nguyên tắc thiêng liêng. Australia là một trong những nước chống Covid-19 thành công nhất thế giới, nhưng quốc gia này cũng phải trả giá đắt khi người dân sống trong cảnh phong tỏa suốt nhiều tháng, biên giới quốc tế bị đóng cửa, số ít người nhập cảnh phải tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt và đắt đỏ trong hai tuần. Suốt một thời gian dài, ngay cả đi lại giữa các bang cũng bị cấm. Australia chỉ bắt đầu mở lại biên giới từ cuối năm ngoái và tới nay ghi nhận hơn 30.000 ca nCoV mỗi ngày. Trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng vọt, sự xuất hiện của Djokovic gây nhiều tranh cãi, khi anh hôm 4/1 thông báo trên Twitter rằng mình được nhập cảnh vào Australia mà không cần tiêm phòng hay cách ly 14 ngày. Ngôi sao này chưa bao giờ ngại ngần bày tỏ quan điểm phi truyền thống về khoa học và y học. Anh từng ủng hộ niềm tin rằng cầu nguyện và đức tin có thể lọc sạch nguồn nước nhiễm độc. Djokovic cũng nhiều lần phản đối tiêm chủng bắt buộc, cho rằng tiêm hay không là quyền lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, anh vẫn chưa tiết lộ bản thân đã tiêm phòng vaccine Covid-19 hay chưa. Trong khi đó, chính phủ Australia đang nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, sau khởi đầu chậm chạp hồi năm ngoái. Nước này đến nay đã tiêm chủng cho gần 50% dân số. Nhiều thành phố coi tiêm chủng là chìa khóa để dần nới lỏng các hạn chế và trở lại cuộc sống bình thường. Bởi vậy, quyết định miễn trừ tiêm chủng cho Djokovic, một người được cho là không ủng hộ vaccine, bị chỉ trích như một "cái tát vào mặt gần 20 triệu người Australia đã tiêm đủ liều vaccine". Hashtag "Loại Djokovic" trở thành xu hướng trên Twitter hôm 5/1, khi nhiều người Australia sục sôi bày tỏ nỗi tức giận với quyết định miễn trừ tiêm chủng cho ngôi sao quần vợt. Một số người chỉ ra rằng ngay cả khán giả đến xem giải Australia Mở rộng cũng phải tiêm chủng. Một số người lo ngại quyết định cấp quyền miễn trừ cho ngôi sao nổi tiếng như Djokovic sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" cho làn sóng ngần ngại tiêm chủng, bài xích vaccine ở Australia cũng như trên thế giới. "Tôi không quan tâm anh ta là tay vợt giỏi thế nào. Nếu từ chối tiêm chủng, anh ta không được phép nhập cảnh. Quyết định miễn trừ này có thể phát đi thông điệp kinh khủng tới hàng triệu người Australia đang chung tay nỗ lực đối phó Covid-19. Tiêm chủng thể hiện sự tôn trọng, Novak", Stephen Parnis, cựu phó chủ tịch Hiệp hội Y tế Australia, bình luận. Craig Tiley, giám đốc điều hành Tennis Australia, giải thích rằng giấy miễn trừ tiêm chủng của Djokovic do hội đồng độc lập của Sở y tế Victoria thông qua, sau quá trình xét duyệt "công bằng và độc lập". Nhưng dư luận và chính phủ Australia lại cho rằng dù là tay vợt số một thế giới, Djokovic cũng không thể được hưởng bất cứ biệt đãi nào. Khi Djokovic bay tới Melbourne, Thủ tướng Australia Scott Morrison lập tức can thiệp, yêu cầu quan chức có thẩm quyền từ chối cho anh nhập cảnh. "Bất kỳ ai tới Australia đều phải tuân thủ quy định nhập cảnh", ông nói. "Chúng tôi đợi anh ấy trình bày và đưa bằng chứng hỗ trợ nhập cảnh. Nếu không đủ bằng chứng, anh ấy sẽ không được đối xử khác biệt với mọi người và sẽ phải lên máy bay về nước. Không có quy định ngoại lệ đặc biệt nào cho Djokovic cả". Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews cũng tuyên bố chính phủ Australia mới có quyền chấp nhận thị thực nhập cảnh tại sân bay. "Không một cá nhân nào thi đấu tại Australia Mở rộng được hưởng đãi ngộ đặc biệt nào", bà nhấn mạnh. Trên thế giới, phong trào bài vaccine đã bùng nổ ở một số quốc gia, cản trở đáng kể nỗ lực chống dịch toàn cầu. Chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ gần như giẫm chân tại chỗ suốt nhiều tháng qua, khi vấp phải làn sóng bài xích vaccine của hàng chục triệu người, khiến giới chức y tế Mỹ coi Covid-19 giờ đây là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng". Tại châu Âu, các phong trào bài vaccine cũng đang trỗi dậy, với nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Pháp, Hà Lan hay Đức. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi những người bài vaccine là "ngu dốt", trong khi Đức đối diện sóng Covid-19 mới khi hàng triệu người từ chối tiêm chủng. Lực lượng Biên phòng Australia (ABF) hôm nay xác nhận Djokovic không cung cấp đủ bằng chứng phù hợp đáp ứng yêu cầu nhập cảnh vào Australia và đã bị hủy thị thực. ABF cam kết "tiếp tục đảm bảo những người tới biên giới tuân thủ luật pháp và yêu cầu nhập cảnh của đất nước".
Slobodan Bendjo, một người hâm mộ Djokovic, vẫy cờ Serbia tại sân bay Melbourne hôm 6/1, trong khi chờ tin tức mới nhất về ngôi sao quần vợt. Ảnh: AFP Đồng nghiệp của Djokovic phản ứng khác nhau trước sự kiện này. "Nếu tôi không tiêm vaccine, chắc chắn là không được quyền miễn trừ", Jamie Murray, tay vợt người Anh, nói. Tennys Sandgren, tay vợt chuyên nghiệp người Mỹ, người phản đối tiêm chủng bắt buộc, cho rằng "Australia không xứng đáng tổ chức một giải Grand Slam". Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bênh vực Djokovic và chỉ trích cách chính quyền Australia đối xử với ngôi sao thể thao lớn nhất Serbia. Djokovic chưa rời khỏi Australia, đội ngũ hỗ trợ anh đã đệ đơn kiện chống lại quyết định trục xuất của ABF, phiên tòa sẽ được tổ chức vào ngày 10/1.