Thách thức chờ đợi Biden sau chuyến công du châu Âu

Thứ bảy - 19/06/2021 23:15
unnamed (3)
unnamed (3)

 

Trở về nước sau hơn một tuần công du châu Âu, Biden sẽ đối diện hàng loạt nhiệm vụ khó khăn, khi nội bộ đảng Dân chủ lục đục.

Chuyên cơ Không lực Một đưa Tổng thống Mỹ Joe Biden trở về Washington ngay sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sĩ, kết thúc, khép lại 8 ngày công du châu Âu. Giờ đây, chờ đợi ông là hàng loạt thách thức lớn ở trong nước.

Ông sẽ phải quay lại với tình thế bất phân thắng bại 50-50 ở Thượng viện, sự cản trở của các thành viên đảng Cộng hòa và sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ có thể đe dọa những kế hoạch đầy tham vọng của ông nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng nước Mỹ, giải quyết cuộc khủng khoảng khí hậu và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.

Nhà Trắng tuần trước bác bỏ những nhận định rằng chương trình nghị sự ở trong nước của Tổng thống Biden đang gặp rắc rối trong lúc ông tới châu Âu. Dù các thách thức chính trị ở Washington vẫn còn ngổn ngang, hy vọng về việc giải quyết thách thức lập pháp của ông chủ Nhà Trắng thực tế đã được cải thiện chút ít khi ông ở nước ngoài.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trước các binh sĩ Mỹ đóng tại căn cứ không quân Mildenhall tại Suffolk, Anh, ngày 9/6. Ảnh: AP.

Đã có những biến chuyển tích cực, chẳng hạn việc một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng hôm 16/6 gặp nhau tại Đồi Capitol để tìm cách đạt được một thỏa thuận về gói ngân sách cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD do Biden đề xuất. Tuy nhiên, họ thừa nhận vẫn còn cả chặng đường dài phải đi.

Thượng nghị sĩ bang Nam Dakota John Thune, thành viên số hai của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho biết nhóm đã cho thấy thiện chí khi cố gắng giải quyết những mối quan tâm của cả hai đảng về tham vọng cơ sở hạ tầng này, nhưng "còn rất nhiều khoảng trống cần được khỏa lấp".

Dấu hiệu tích cực khác cho Tổng thống Mỹ là việc thượng nghị sĩ Joe Manchin, một thành viên bảo thủ của đảng Dân chủ và là trở ngại lớn đối với giấc mơ tạo đột phá của Biden, đang có dấu hiệu thay đổi và đã đề xuất bổ sung hai dự luật mới về quyền bỏ phiếu.

Những dự luật này được đảng Dân chủ kỳ vọng sẽ giúp họ chống lại các động thái cản trở từ phía đảng Cộng hòa nhằm khiến quá trình bỏ phiếu của cử tri trở nên khó khăn hơn.

Song những đốm sáng đó không đủ khỏa lấp các nhiệm vụ khó khăn mà Biden phải vượt qua như việc giữ đoàn kết nội bộ đảng Dân chủ hay đối phó với thực tế rằng đảng Cộng hòa có thể hãm phanh các kế hoạch mà ông đưa ra bởi quy định của Thượng viện yêu cầu phải đạt đủ 60 phiếu ủng hộ thì một điều luật quan trọng mới được thông qua.

Nếu muốn thông qua dự luật cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD của mình, Biden sẽ phải thuyết phục được ít nhất 10 thượng nghị sĩ Cộng hòa và cả 10 thượng nghị sĩ đang phân vân từ đảng Dân chủ đồng tình với nó.

Dự luật này gây tranh cãi bởi nó tập trung vào phát triển các dự án truyền thống như xây cầu đường, nhưng lại loại bỏ các khoản chi tiêu xã hội mà Biden đã nêu ra trong chương trình nghị sự ban đầu.

Một vấn đề khác là lấy ngân sách từ đâu cho gói kích thích này, khi đảng Cộng hòa từ chối rút lại biện pháp cắt giảm thuế được cựu tổng thống Donald Trump đưa ra hồi năm 2017.

Làm phức tạp thêm thách thức của Biden là việc các đảng viên Dân chủ tiến bộ không tin những động thái nhượng bộ tại Thượng viện có thể hiện thực hóa các ưu tiên của họ. Họ cũng cảnh báo sẽ không "thỏa hiệp lùi" nếu không đạt được cam kết thông qua những dự luật về chăm sóc sức khỏe tại nhà hay các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu vốn có trong dự luật cơ sở hạ tầng gốc.

"Chúng ta đã lãng phí ba tuần thảo luận của lưỡng đảng mà không đi đến đâu cả", nghị sĩ Pramila Jayapal từ Washington nói.

Trong những tháng đầu nhiệm kỳ của Biden, dù nội bộ đảng Dân chủ xuất hiện nhiều rạn nứt, các đảng viên đã duy trì được bầu không khí đoàn kết mong manh, ngay cả khi các thành viên cấp tiến liên tục kêu gọi Tổng thống quyết liệt hơn, táo bạo hơn với mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và bất bình đẳng thu nhập. Đây là hai đề xuất mà Biden đưa ra trong dự luật cơ sở hạ tầng ban đầu.

Các đảng viên Dân chủ cấp tiến cũng đang đấu tranh cho hai văn kiện pháp lý là "Đạo luật vì Người dân" và "Đạo luật Thúc đẩy Quyền bỏ phiếu John Lewis". Họ coi việc thông qua hai đạo luật trên là điều rất quan trọng nhằm đảo ngược những đạo luật được coi là cản trở quyền bỏ phiếu mà nghị viện ở các bang do phe Cộng hòa kiểm soát đưa ra.

Tuy nhiên, một số đảng viên Dân chủ ôn hòa không thoải mái với các điều khoản của hai đạo luật này, trong khi đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối. Điều đó có nghĩa chúng không thể được thông qua với nội dung hiện tại nếu không đạt đủ 60 phiếu tại Thượng viện.

Manchin từng tuyên bố sẽ không ủng hộ hai dự luật, song hôm 16/6, ông đã đưa ra các thay đổi và đề xuất bổ sung, khẳng định ông sẽ tham gia cùng với những đảng viên Dân chủ khác khi họ lập chiến lược nhằm vượt qua rào cản 60 phiếu cần thiết để giúp đạo luật được thông qua.

Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, Manchin cũng đã liên lạc với một số thượng nghị sĩ Cộng hòa để xem liệu họ có thể đạt được đồng thuận hay không. Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc ở quốc hội Mỹ thường chỉ là khúc dạo đầu dẫn đến nỗi thất vọng, giới quan sát đánh giá.

Đảng Cộng hòa đang hướng tới nỗ lực lấy lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, với mục tiêu ngăn cản chương trình nghị sự của Biden. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Barrasso tuần qua tuyên bố ông "muốn biến Joe Biden trở thành một tổng thống nửa nhiệm kỳ".

"Và tôi muốn làm điều đó thông qua việc đảm bảo rằng họ sẽ không còn kiểm soát Hạ viện, Thượng viện và cả Nhà Trắng", Barrasso nói.

 

Nguồn tin: Vũ Hoàng (Theo CNN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập39
  • Hôm nay9,004
  • Tháng hiện tại341,615
  • Tổng lượt truy cập32,325,338
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây