Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi tuần trước giành chiến thắng áp đảo trước đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử ở nước này. Ông đắc cử Tổng thống trong bối cảnh đất nước đang trải qua nhiều biến động, từ đại dịch Covid-19 cho tới mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Raisi, 60 tuổi, người nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ phe bảo thủ và cứng rắn, sẽ vẫn giữ chức Bộ trưởng Tư pháp cho tới đầu tháng 8, khi quá trình chuyển giao quyền lực từ người tiền nhiệm Rouhani hoàn tất.
Ebrahim Raisi phát biểu trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở thủ đô Tehran, Iran, ngày 15/6. Ảnh: Reuters.
Truyền thông cũng dự đoán sau khi giữ chức Tổng thống Iran, Raisi có thể kế vị lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người sẽ bước sang tuổi 82 vào tháng tới.
Raisi sinh ra ở Mashhad, phía đông bắc Iran, một thành phố lớn và là trung tâm tôn giáo của người Hồi giáo dòng Shiite, nơi có đền thờ Imam Reza, lãnh tụ tinh thần thứ 8 của đất nước.
Lớn lên trong một gia đình giáo sĩ, Raisi được giáo dục về tôn giáo từ bé và bắt đầu gia nhập trường dòng Qom khi mới 15 tuổi. Tại đây, ông theo học nhiều học giả nổi tiếng, trong đó có cả lãnh tụ Khamenei.
Khi vấn đề trình độ học vấn của ông được đưa ra trong các cuộc tranh luận tổng thống, Raisi phủ nhận thông tin rằng ông chỉ học tới lớp 6 theo hệ thống giáo dục truyền thống, khẳng định bản thân có bằng tiến sĩ luật, bên cạnh việc học ở trường dòng.
Thời điểm ông gia nhập trường dòng ở Qom, vài năm trước cuộc cách mạng Hồi giáo Iran 1979, nhiều người dân đã tỏ thái độ bất bình với vua Mohammad Reza Shah Pahlavi, người sau này bị phế truất.
Raisi được cho là đã tham gia vào một số cuộc biểu tình và hoạt động trong cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ vua Pahlavi và lập nên chế độ tôn giáo mới dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh tinh thần đời đầu tiên Ayatollah Ruhollah Khomeini.
Sau cuộc cách mạng, Raisi làm việc tại văn phòng công tố ở Masjed Soleyman, phía tây nam Iran. Ông tiếp tục tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp với vai trò công tố viên ở vài lĩnh vực khác trong 6 năm tiếp theo.
Bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông diễn ra khi Raisi chuyển tới thủ đô Tehran vào năm 1985, sau khi được bổ nhiệm làm phó công tố ở thành phố này. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc Raisi tham gia vào cái gọi là "ủy ban tử thần" giám sát việc bắt giữ và hành quyết bí mật hàng nghìn tù nhân chính trị sau khi cuộc chiến tranh 8 năm Iran - Iraq kết thúc vào năm 1988.
Raisi sẽ trở thành tổng thống Iran đầu tiên bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì các cáo buộc liên quan đến nhân quyền.
Ông tiếp tục thăng tiến trong khu vực tư pháp kể từ khi Khamenei trở thành lãnh tụ tối cao của Iran vào năm 1989. Raisi sau đó giữ chức tổng công tố Tehran, lãnh đạo Tổ chức Thanh tra Tổng hợp, rồi đảm nhận chức vụ thứ trưởng tư pháp trong một thập kỷ cho đến năm 2014.
Năm 2006, ông lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Chuyên gia, cơ quan có nhiệm vụ chọn người thay thế lãnh tụ tối cao trong trường hợp ông này qua đời. Raisi hiện vẫn giữ vai trò này.
Ông được bầu làm Bộ trưởng Tư pháp Iran vào năm 2014 và giữ chức vụ đến năm 2016 khi ông một lần nữa thăng tiến trên con đường sự nghiệp, nhưng lần này nằm ngoài hệ thống tư pháp, trở thành người giám hộ Astan-e Quds Razavi, một quỹ quản lý đền thờ Imam Reza và tất cả các tổ chức liên kết.
Ở vị trí này, Raisi quản lý khối tài sản nhiều tỷ USD và thiết lập được mối quan hệ với giới tinh hoa tôn giáo và kinh doanh của Mashhad, thành phố lớn thứ hai Iran.
Raisi cũng là con rể của Ahmad Alamolhoda, một lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng ở Mashhad, người nổi tiếng về các bài phát biểu cứng rắn cùng những ý tưởng gây tranh cãi.
Năm 2017, Raisi tranh cử tổng thống lần đầu tiên và trở thành ứng viên chính đối đầu với lãnh đạo Rouhani, một người ôn hòa ủng hộ đàm phán với phương Tây và thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Raisi và đồng minh Mohammad Bagher Ghalibaf, người năm 2020 trở thành chủ tịch quốc hội Iran, lúc bấy giờ thất bại trước Rouhani. Tuy nhiên, Raisi chỉ ít hơn đối thủ chưa đầy 16 triệu phiếu.
Sau một thời gian ngắn Raisi rút lui, lãnh tụ tối cao Khamenei năm 2019 lại bổ nhiệm ông vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Trên cương vị này, ông nỗ lực củng cố hình ảnh một người kiên quyết chống tham nhũng. Raisi tổ chức các phiên tòa công khai và truy tố những quan chức thân cận với chính phủ và hệ thống tư pháp.
Ông đồng thời bắt đầu chiến dịch tranh cử mới một cách hiệu quả, đi vận động ở tất cả 32 tỉnh của Iran. Trong những chuyến đi này, Raisi thường truyền đi thông điệp về việc ông đã giúp vực dậy một nhà máy lớn trên bờ vực phá sản, thể hiện bản thân là một quan chức chăm chỉ, cần mẫn, luôn muốn hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đang bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Raisi tiếp tục phương hướng đó trong chiến dịch tranh cử năm 2021 và tương đối thành công, đến mức nhiều người nói rằng kết quả cuộc bầu cử đã được định đoạt nghiêng về phía ông trước cả khi cuộc bầu cử diễn ra.
Raisi từng phản đối thỏa thuận hạt nhân 2015 nhưng về sau đã thay đổi quan điểm, tuyên bố ủng hộ nó song sẽ thành lập một chính phủ "mạnh mẽ" nhằm giúp đưa thỏa thuận đi đúng hướng.
Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018 rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng nó không ngăn được Tehran sở hữu bom hạt nhân. Nếu Washington và Tehran quay trở lại thỏa thuận, Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Iran, đổi lại Iran phải thu nhỏ chương trình hạt nhân của mình. Tehran hiện làm giàu uranium ở mức 63%, cao nhất từ trước tới nay.
Giới chuyên gia hy vọng thỏa thuận hạt nhân có thể được khôi phục trước khi Raisi nhậm chức.
Trong lúc đó, 83 triệu người dân Iran đang phải hứng chịu lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao giữa lúc chính phủ rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách đáng kể và gặp khó khăn khi đối phó với đại dịch Covid-19.
Raisi cam kết giải quyết lạm phát, tạo ra thêm ít nhất một triệu việc làm mỗi năm, xây nhà ở mới và dành các khoản vay đặc biệt cho những vợ chồng mới cưới lần đầu mua nhà. Ông cũng hứa sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với mục tiêu minh bạch tài chính nhà nước và chống tham nhũng.
Theo Hamed Mousavi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tehran, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra hiện nay là Raisi sẽ chỉ định ai tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Một ứng viên được nhiều người dự đoán là Saeed Jalili, cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân dưới chính quyền tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một trong 7 ứng viên được chấp thuận trong cuộc đua tranh cử năm 2021 nhưng đã rút lui để ủng hộ Raisi.
Theo nhà nghiên cứu Natasha Lindstaedt từ Đại học Essex, Anh, những tác động có thể xảy ra sau chiến thắng của Raisi đối với mối quan hệ Iran - Mỹ hiện chưa rõ ràng. "Nhưng thái độ cũng như những phát ngôn Tổng thống Raisi đưa ra đôi khi ảnh hưởng đến cách Mỹ phản ứng", bà lưu ý.
"Tôi thấy việc Raisi đắc cử giống như sự trở lại của Ahmadinejad, một tổng thống theo chủ nghĩa dân túy, cứng rắn hơn và đây sẽ là thời kỳ mà mối quan hệ Mỹ - Iran thực sự căng thẳng", Lindstaedt đánh giá.
Nguồn tin: Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn