Tính toán của Mỹ - Philippines khi giữ thỏa thuận quốc phòng

Thứ hai - 02/08/2021 10:13
unnamed
unnamed

 

Việc duy trì thỏa thuận thăm viếng quân sự giúp Mỹ giữ lợi thế chiến lược ở Biển Đông, còn Philippines hưởng thêm lợi ích hợp tác quốc phòng.

Sau chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Philippines bất ngờ thông báo thay đổi hoàn toàn lập trường về Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA), vốn là cơ sở pháp lý để Mỹ triển khai quân đồn trú luân phiên trên lãnh thổ quốc gia đồng minh này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte năm ngoái tuyên bố sẽ chấm dứt VFA sau khi Mỹ hủy visa, từ chối cho thượng nghị sĩ Ronaldo dela Rosa, một đồng minh thân cận của Duterte, nhập cảnh. Duterte còn cáo buộc Mỹ lợi dụng VFA nhằm tiến hành các hoạt động bí mật như gián điệp và tích trữ vũ khí hạt nhân, khiến Philippines trở thành mục tiêu của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin làm việc cùng người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana tại Manila vào ngày 30/7. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp báo cùng Austin ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố thư thông báo chấm dứt VFA đã được thu hồi. "VFA có đầy đủ hiệu lực như trước. Không có thông báo chấm dứt thỏa thuận nào đang chờ xem xét nữa và chúng ta trở lại như xưa", Lorenzana nói.

Theo giới phân tích, động thái bất ngờ của Tổng thống Duterte sau một năm nhiều ồn ào với Mỹ ẩn chứa nhiều tính toán chính trị, chiến lược của cả hai bên.

Theo giới quan sát, một khi VFA được duy trì, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines sẽ được đảm bảo và Lầu Năm Góc có thể dành nhiều sự tập trung hơn cho những hình thức hợp tác mới, điển hình như kho hậu cần quân sự và mở rộng sử dụng các căn cứ quân sự Philippines.

"Quyết định này mang lại sự rõ ràng cho tương lai, cho phép chúng tôi lên kế hoạch dài hạn, thực hiện nhiều kiểu diễn tập khác nhau và kết hợp nhiều năng lực hơn", Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tại cuộc họp báo với Lorenzana.

Theo Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Philippines mang lại nhiều lợi thế địa chiến lược cho quân đội Mỹ.

Quốc gia này vừa là đồng minh quân sự chính thức của Mỹ với Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951, vừa nằm giữa hai vùng biển quan trọng với cạnh tranh Mỹ - Trung là eo biển Đài Loan và Biển Đông.

VFA là cơ sở để Mỹ và Philippines ký Thỏa thuận Củng cố Hợp tác Quốc phòng (EDCA) năm 2014. Do hiến pháp Philippines cấm quân đội nước ngoài đồn trú lâu dài, thỏa thuận này là một cách "lách luật", cho phép Mỹ triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ Philippines trong thời gian dài theo cơ chế luân phiên.

"Chấm dứt VFA sẽ giết chết thỏa thuận EDCA và vô hiệu hóa cả Hiệp ước Phòng thủ Chung", Poling nhận xét. "Sau khi đảm bảo an toàn cho VFA, Mỹ và Philippines có thể trở lại với nhiệm vụ cấp bách hơn: củng cố quan hệ đồng minh ứng phó những mối đe dọa chung, đặc biệt là vấn đề Biển Đông", ông nhấn mạnh.

Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc cùng nhiều đồng minh Mỹ đi qua Biển Đông. Mỹ có trách nhiệm an ninh đối với các đồng minh khu vực và khó chấp nhận để cho vùng biển này bị Trung Quốc biến thành "ao nhà".

Chen Xiangmiao, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, cho rằng việc duy trì VFA và tiếp tục triển khai lực lượng tại các căn cứ quân sự ở Philippines có ý nghĩa rất lớn với Mỹ trong nỗ lực kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất, kéo dài từ Nhật Bản tới Đài Loan, Philippines và bán đảo Malay. Theo Chen, chiến lược của Mỹ là kiểm soát chuỗi đảo này để chặn đường tiến ra tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.

Chuyên gia Trung Quốc này dự đoán sau khi đảm bảo được VFA, Mỹ sẽ tìm cách "mở rộng đáng kể" 5 căn cứ mà họ đang sử dụng tại Philippines, vốn là nòng cốt cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng được Lầu Năm Góc quan tâm. Trong nửa đầu năm 2021, các tàu sân bay Mỹ đã dành tổng cộng 197 ngày ở Thái Bình Dương, chiếm hơn một nửa tổng thời gian điều động toàn bộ lực lượng tàu sân bay của nước này, theo thống kê của Viện Hải quân Mỹ.

Chính quyền Biden cũng đã đề xuất chi ngân sách 5,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe tại Thái Bình Dương, cao hơn con số dành cho các mục tiêu an ninh tại châu Âu.

Zhang Xiangjun, chuyên gia tại Đại học Phúc Châu, cũng cho rằng ngoài củng cố vị thế ở Biển Đông và khu vực, VFA giúp Mỹ có sự chuẩn bị tốt hơn cho nguy cơ nổ ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.

"Nếu Bắc Kinh quyết định thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực trong tương lai, Mỹ có thể điều phối các lực lượng trong khu vực hiệu quả hơn và ngăn cản Trung Quốc, vì Philippines nằm gần Đài Loan", bà lưu ý.

Việc duy trì VFA cũng mang lại cho Philippines không ít lợi ích. Các nhà phân tích dự đoán Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines sau quyết định khôi phục toàn diện VFA.

Theo chuyên gia Chen Xiangmiao, sự hỗ trợ quân sự của Mỹ sẽ giúp hải quân Philippines cải thiện đáng kể năng lực, đồng thời thúc đẩy khả năng đảm bảo an ninh hàng hải cho Manila.

Sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ vào lúc này là rất cần thiết với Philippines, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông và gây sức ép ngày càng lớn với Manila, bất chấp lập trường "thân thiện" của Tổng thống Duterte.

Giới chỉ huy quân đội Philippines ngày càng lo ngại về sức mạnh của hải quân, hải cảnh Trung Quốc và coi VFA cũng như sự hỗ trợ của Mỹ là lá chắn quan trọng nhằm ngăn các hành động quyết liệt của Bắc Kinh.

Hồi tháng 3, Philippines cáo buộc hàng trăm tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu dài ngày gần bãi Ba Đầu nằm trong khu vực lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này.

Xuồng cao su của tuần duyên Philippines áp sát các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu vào tháng 4. Ảnh: Reuters.

Xuồng cao su của cảnh sát biển Philippines áp sát các tàu Trung Quốc tại bãi Ba Đầu vào tháng 4. Ảnh: Reuters.

Philippines nhiều lần gửi kháng thư phản đối, nhưng Trung Quốc không rút đội tàu. Đến đầu tháng 4, Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt tiến vào Biển Đông, đồng thời đưa ra các tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc. Đội tàu Trung Quốc sau đó giải tán và tỏa đi các nơi khác.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng việc duy trì VFA không phải là sự đảm bảo quan hệ giữa Manila và Washington sẽ "trời yên biển lặng" trong thời gian tới. Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Austin, Tổng thống Duterte vẫn gửi tín hiệu xem trọng quan hệ với Bắc Kinh, khi đích thân tham dự lễ khởi công một dự án có vốn đầu tư Trung Quốc.

Trong bài phát biểu thông điệp quốc gia cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, Duterte cũng tỏ ra hoài nghi về cam kết an ninh từ Mỹ. Ông lo ngại Mỹ sẽ không kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Chung và hỗ trợ quân sự trong vấn đề tranh chấp trên biển giữa Philippines với Trung Quốc.

Mỹ tới nay chỉ cam kết bảo vệ Philippines nếu tàu chiến, tàu công vụ Philippines bị tấn công, nhưng chưa thể hiện rõ lập trường trong trường hợp tàu cá của ngư dân nước này bị Trung Quốc đe dọa.

"Điều này đặc biệt khó xử. Trong trường hợp tàu cá Philippines bị đánh chìm, Hiệp ước Phòng thủ Chung vẫn không được kích hoạt. Những người như ông Duterte khó chấp nhận thực tế đó", Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cho RAND, lưu ý.

Bản thân Tổng thống Philippines cũng là một chính khách khó lường. Ông từng nhiều lần đe dọa hủy VFA nhưng chùn tay phần nào vì những sức ép chính trị nội bộ và dư luận, đặc biệt từ giới quân đội.

Tổng thống Philippines từng yêu cầu Mỹ phải "chi trả" nhiều hơn để duy trì thỏa thuận quân sự và chính quyền Biden cần cung cấp thêm vaccine Covid-19 cho nước này. Quyết định duy trì VFA được công bố khoảng một tháng sau khi Mỹ tặng Philippines hơn ba triệu liều vaccine Johnson & Johnson.

"VFA được khôi phục không đồng nghĩa sẽ không xảy ra bất kỳ thay đổi nào về chính sách trong tương lai, đặc biệt với một người khó đoán như Duterte. Dẫu vậy, ít nhất ở giai đoạn hiện tại, có thể nói quan hệ hai nước đã trải qua một tuần tốt lành", Hunter Marston, chuyên gia về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định.

 


 

Nguồn tin: Trung Nhân (Theo SCMP/Nikkei Asia/ABC)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập68
  • Hôm nay13,181
  • Tháng hiện tại357,147
  • Tổng lượt truy cập36,003,492
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây