Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 22/06/2021 10:11
WASHINGTON, Mỹ (NV) – Mỹ đang chuẩn bị thành lập một bộ phận tiền phương “sẵn sàng chiến đấu” để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Ely Ratner, một chuyên gia về Trung Quốc, người đang được đề cử làm phụ tá bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, điều trần tại quốc hội giữa tuần qua là cần phải có “lực lượng tiền phương đáng tin cậy” để “ngăn chặn, nếu cần thiết, bác bỏ một kịch bản đã rồi” xảy ra trên Biển Đông. Hai mẫu hạm USS Reagan và USS Nimitz tập trận phối hợp trên Biển Đông Tháng Bảy 2020. (Hình: US Navy) Tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông lộ diện nhanh chóng theo nhịp độ phát triển võ khí tối tân đủ loại nhiều như “gà đẻ trứng” mỗi ngày. Ông Ratner điều trần ở quốc hội khi báo chí Mỹ tiết lộ cho hay Ngũ Giác Đài đang tính thành lập một lực lượng tiền phương với khả năng hiện diện thường trực tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các nhà lập pháp cũng như các cấp chỉ huy quân sự Mỹ tin rằng sự hiện diện thường trực của một lực lượng hùng hậu như thế, gồm có hải quân Mỹ, Nhật, Úc và Nam Hàn, sẽ làm Trung Quốc lưỡng lự hơn từ việc chiếm Đài Loan, cướp quần đảo Senkaku tại biển Hoa Đông hay nuốt trọn Biển Đông. Thủ tướng Úc Scott Morrison có vẻ tán thành ý tưởng đó. Báo chí Úc cho rằng nếu một lực lượng như thế thành hình, nước Úc khó tránh phải can dự. Ông Ratner điều trần tại Quốc hội là một lực lượng như vậy cần phải “theo các quan niệm hoạt động mới, hiện đại và sẵn sàng chiến đấu thuộc thành phần của các đồng minh và đối tác đủ năng lực, hiệu quả trong vai trò tác chiến”. Khi ông Ratner điều trần tại quốc hội Mỹ thì nhóm tàu do mẫu hạm USS Ronald Reagan vừa tập trận cùng với chiến hạm Úc trên vùng biển Philippines trước khi tập trận trên Biển Đông rồi qua Ấn Độ Dương tham gia chiến dịch rút quân ra khỏi Afghanistan. Cũng vào dịp này, Bắc Kinh đưa tới 28 chiến đấu cơ các loại bay trên vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Suốt từ đầu năm tới nay, Trung Quốc tập trận liên tục, có khi kéo dài cả tháng, tại một số khu vực thuộc Biển Đông. Tập trận ban ngày, tập trận ban đêm gồm cả đổ bộ chiếm đảo, phóng hỏa tiễn diệt hạm và mẫu hạm. Họ còn đưa thêm tàu trinh sát và máy bay trinh sát đến đồn trú tại đảo nhân tạo Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ và các nước ở khu vực. Thành lập lực lượng tiền phương ở Tây Thái Bình Dương đòi hỏi điều chuyển nhiều tàu chiến, trang bị kỹ thuật, lính và nói chung là cần ngân khoản thực hiện. Nó cũng đồng nghĩa với việc phải có một bộ đầu não quân sự được chỉ định rõ rệt nhiệm vụ đối phó với Trung Quốc. Mẫu hạm USS Reagan tập trận trên Biển Đông cùng chiến hạm Nhật Bản hồi Tháng Bảy 2020. (Hình: US Navy) Khi ông Ely Ratner điều trần tại quốc hội Mỹ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tới Quốc Hội Liên Âu ở Strasbourg, Pháp, hô hào tất cả mọi nước trên thế giới hợp sức với nhau chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. “Họ gia tăng ngân sách quốc phòng thật lớn lao,” ông Kishi nói. “Cộng đồng quốc tế cần phải nói chung một tiếng nói để đối phó với Trung Quốc.” Theo các tài liệu của Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện có nhiều hơn 1,250 hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm xa từ 500km đến 5,500 km, xa hơn cả những gì Mỹ đang có. Hoa Kỳ hiện không có hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất, theo dữ kiện hiện nay, sau khi ký hiệp định kiểm soát võ khí với Nga, trong khi không có hiệp ước tương tự với Trung Quốc. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh mới đây còn hô hào phải tăng gấp bội số đầu đạn nguyên tử để tăng khả năng đe dọa Mỹ và đồng minh.