Đông Nam Á : Biến thể Delta hoành hành, hiệu quả vac-xin Covid Trung Quốc bị nghi ngờ

Thứ tư - 30/06/2021 05:20
download
download

Vac-xin ngừa Covid-19 do hãng dược Trung Quốc Sinopharm sản xuất. AP - Istvan Filep

Trọng Nghĩa
5 phút

Từ hơn 2 tháng nay, số ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nước Đông Nam Á, từ Indonesia, Philippines, cho đến Thái Lan, Việt Nam đều tăng vọt do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Theo một số chuyên gia được hãng tin Anh Reuters ngày 28/06/2021 trích dẫn, sự bùng phát dữ dội này có thể đến từ 2 nguyên nhân: Người dân khu vực ít được tiêm chủng, và nếu có thì chủ yếu dùng vac-xin Trung Quốc, mà hiệu quả có dấu hiệu không cao nhất là với các biến thể của SARS-Cov-2.

Dấu hiệu cụ thể cho thấy tính chất nghiêm trọng của tình hình là một số quốc gia trong khu vực đang áp đặt các hạn chế mới về việc di chuyển, trong bối cảnh họ đã chuẩn bị, từ nhiều tháng qua, việc mở cửa trở lại để tận dụng tối đa sự phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ và châu Âu. Đà lây lan nhanh chóng của biến thể Delta như đã bẻ gẫy các kế hoạch mở cửa này.

Theo nhận định của ông Steve Cochrane, trưởng nhóm chuyên gia phân tích kinh tế phụ trách vùng châu Á - Thái Bình Dương của hãng Moody's Analytics : “Số ca nhiễm mới lên đến mức rất cao ở Indonesia và Philippines, tăng vọt ở Thái Lan và tăng ở mức độ thấp hơn tại Việt Nam. Ngay cả Singapore, quốc gia đi đầu trong khu vực về tiêm chủng, cũng đang phải vật lộn để ngăn chặn các ổ lây nhiễm nhỏ”.

Tình hình tại Indonesia là một ví dụ cụ thể về những khó khăn chống dịch mà Đông Nam Á đang gặp phải. Giới bác sĩ đã kêu gọi chính phủ khôi phục chế độ phong tỏa nghiêm ngặt trong 2 tuần ở quần đảo và đặc biệt là ở Java, đảo đông dân nhất, nơi có thủ đô Jakarta. Lý do là cuối tuần qua, quốc gia này đã ghi nhận một mức tăng kỷ lục các ca nhiễm, với hơn 21.000 ca nhiễm vào thứ Bảy 26/06, điều chưa từng thấy ở một đất nước chưa hề chứng kiến số ca nhiễm cao hơn 5.000 trường hợp mỗi ngày vào năm 2020.

Nghi ngờ về hiệu quả của Sinovac

Một vấn đề được các chuyên gia nêu bật để giải thích “thảm họa” mà Indonesia phải gánh chịu là sự lệ thuộc quá lớn vào vac-xin Trung Quốc, cụ thể là Sinovac. Loại vac-xin này có dấu hiệu hiệu quả kém cỏi. Hiệp Hội Bác Sĩ Indonesia IDI tiết lộ là 10 trong số 26 bác sĩ nước này tử vong hồi tháng 6 vì Covid đều đã được tiêm 2 liều vac-xin Trung Quốc.

Tình hình nước láng giềng Malaysia cũng rất đáng ngại, Kuala Lumpur vừa tuyên bố sẽ kéo dài vô hạn định việc phong tỏa được đưa ra cách đây hai tuần. Chính phủ cảnh báo rằng các hạn chế, lẽ ra đã kết thúc vào hôm nay, sẽ chỉ được dỡ bỏ, khi số ca mắc mới hàng ngày xuống dưới 4.000, so với mức trung bình hiện tại là 5.300. Giống như Indonesia, Malaysia lệ thuộc vào vac-xin Sinovac của Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng.

Cho dù dịch bệnh tái bùng phát mạnh mẽ tại Đông Nam Á không hoàn toàn bắt nguồn từ việc thuốc chủng ngừa Covid kém hiệu quả, nhưng thực tế là ngoài vùng Đông Nam Á, những nơi mà Covid-19 hoành hành dữ dội nhất hiện nay đều là những nước đã ồ ạt sử dụng vac-xin Trung Quốc.

Theo tuần báo Pháp L’Express ngày 28/06, Brazil, quốc gia sử dụng nhiều vac-xin Sinovac của Trung Quốc, đã trở thành nước có số ca nhiễm mới tuyệt đối cao nhất thế giới trong tuần này. Còn theo tỷ lệ dân số, quốc gia có nhiều ca bệnh mới nhất trong tuần này là Mông Cổ, kế đến là đảo quốc Seychelles.

Đây là hai nước thuộc diện đi đầu thế giới về tiêm chủng, với 52% và 68% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Có điều là Seychelles sử dụng vac xin Sinopharm (và AstraZeneca), trong khi Mông Cổ chủ yếu dùng Sinopharm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập18
  • Hôm nay22,795
  • Tháng hiện tại267,433
  • Tổng lượt truy cập35,533,714
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây