Lấp sông Đồng Nai: Vì sao chuyện thành 'nhạy cảm'?

Chủ nhật - 29/03/2015 21:05

Lấp sông Đồng Nai: Vì sao chuyện thành 'nhạy cảm'?

Phản ứng “nóng”của dư luận về sự kiện lấn sông Đồng Nai cũng là điều dễ hiểu, cho thấy tính nhạy cảm của câu chuyện. Không đơn thuần như những tuyên bố của tỉnh là “không gây ảnh hưởng xấu” gì cả (?!).
Khi người ta xây phố trên sông

Lấp sông Đồng Nai: Phần ‘xương xẩu’ để lại cho ai?

Lấp sông Đồng Nai: Ai hưởng lợi?

Ai cho phép Đồng Nai bức tử con sông?

LTS: Dù bị dư luận lên tiếng phản ứng, Đồng Nai vẫn kiên quyết thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai với lập luận "không có vấn đề về môi trường" "đúng quy trình và luật pháp". Để thông tin được đa chiều,  chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Lê Anh Tuấn, Khoa Quản lý Môi trường, ĐH Cần Thơ.

Có thật là "không hề ảnh hưởng"?

Sau khi phát đi thông cáo vào đầu tuần qua, các quan chức tỉnh Đồng Nai liên tiếp khẳng định dự án của công ty Toàn Thịnh Phát lấn sông Đồng Nai là “hoàn toàn không ảnh hưởng đến dòng chảy”, “không gây ảnh hưởng xấu”, “vụ này không có gì ghê gớm”,… Có thật vậy không? 

Cần khẳng định rõ, việc khởi đầu xây dựng của dự án này là hoạt động “lấn sông” hay “lấp sông” khi chiều rộng mặt nước ở vị trí công trình là 805 m sẽ bị thu hẹp khoảng 12%? Nói chính xác thì đây là việc làm vừa lấn sông, vừa lấp sông: lấn trên mặt thoáng dòng sông và lấp một phần mặt cắt lòng dẫn của dòng sông.

Nếu trên mặt, ở vị trí lấn dòng xa nhất là 100 m thì ở phần đáy sông đoạn chạy lấn ra phía sông phải được lấp bằng đất đá với chiều rộng lớn hơn vài ba lần so với mặt thoáng. Nếu không có được một mái dốc nghiêng và được gia cố cần thiết, thì khu vực có xây dựng trên đó khó tránh khỏi những cung trượt tiềm ẩn làm mất ổn định công trình về sau. Dự án làm thu hẹp sông này nằm ở phía phần lõm của mặt cắt dòng chảy, nghĩa là phần chịu xói lở của đoạn sông nên tính chất thủy lực dòng chảy phức tạp hơn nhiều. 

lấp sông Đồng Nai, môi trường, xã hội, kinh tế
Bất chấp dư luận, Đồng Nai vẫn đang hối hả lấp sông. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Dòng chảy sông ngòi tự nhiên không phải vô cớ mà có đoạn bên lở, bên bồi, nơi mở rộng, nơi thu hẹp.

Vận tốc chảy trên sông có quan hệ chặt với mặt cắt ngang của dòng chảy. Khi mặt sông và đáy sông bị thu hẹp thì vận tốc chảy sẽ tăng lên và mực nước ở phía trên đoạn thu hẹp sẽ dâng cao. Tất cả đều theo quy luật cân bằng năng lượng dòng chảy của động lực học sông ngòi. Khi dòng chảy tăng tốc độ thì nước sẽ bào mòn bờ sông mạnh hơn, lấy đi một phần đất đá hai bên bờ sông gây sạt lở. Mức độ sạt lở này lớn nhỏ, kéo dài tuỳ thuộc vào cường độ nước lũ từ thượng nguồn đổ về hằng năm tương ứng với lượng mưa rơi trên khu vực và sau đó tập trung đổ vào lòng sông. 

Các số liệu thuỷ văn trên sông Đồng Nai cho biết, đây là con sông nội địa lớn nhất khu vực Đông Nam bộ, một phần Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ chảy qua, có diện tích lưu vực hơn 36.000 km2, nguồn nước sông Đồng Nai cung cấp cho 11 tỉnh thành. Ước tính khoảng 17 triệu người sử dụng nước để sản xuất, vận chuyển, dịch vụ và sinh hoạt từ con sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai thực sự là mạch máu chính cho quá trình phát triển kinh tế và xã hội của khu vực năng động nhất nước này. Lưu vực sông Đồng Nai đóng góp trên 65% GDP công nghiệp cho cả nước.

Tuy nhiên, lưu vực sông Đồng Nai có tổng lượng nước chia đều trên đầu người mỗi năm thuộc loại thấp nhất VN. Mặt khác chất lượng nước đang suy giảm theo chiều xấu đi vì con sông đang “gánh” nhiều công trình thuỷ điện, các cụm sản xuất công nghiệp, các vùng canh tác nông nghiệp và các khu dân cư phát triển dày đặc dọc sông. Trong khi đó, rừng đầu nguồn sông Đồng Nai ngày càng suy kiệt khiến diễn biến lũ lụt ngày một hung tợn, nhất là trong bối cảnh có sự gia tăng các yếu tố thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

Vì điều này nên sông Đồng Nai trở nên “nhạy cảm” hơn trong cái nhìn của các nhà khoa học và dân chúng. Phản ứng “nóng”của dư luận về sự kiện lấn sông Đồng Nai cũng là điều dễ hiểu, cho thấy tính nhạy cảm này, không đơn thuần như những tuyên bố là “không gây ảnh hưởng xấu” gì cả (?!)

Người nghèo lĩnh đủ

Dự án lấn sông để xây công trình khách sạn, chung cư chắc chắn không phải là những hạng mục tạm thời mà ít nhất sẽ có tuổi đời 50 năm và phần sông bị san lấp gần như là vĩnh cửu.

Mặt cắt dòng sông ban đầu khó mà hoàn nguyên nếu không có những quyết tâm đột phá, nhưng cũng phải trả giá khá cao. Đánh giá những tác động lên tự nhiên, môi trường, xã hội và văn hoá của công trình này không đơn giản mà phải có tầm nhìn dài hơi.

Phản ứng của thiên nhiên rất nhanh, có thể sau 1 – 2 mùa lũ, mà cũng có thể diễn ra từ từ sau 5 – 10 năm nhưng thiệt hại không hề nhỏ.

Bài học gần đây của Thái Lan có thể minh hoạ điều này. Dòng sông Chao Phraya chảy qua Bangkok đã bị thu hẹp, đất cho hai bên bờ sông đều dành cho những dự án cao ốc văn phòng, chung cư, khu thương mại. Vùng phía bắc của dòng sông là hai công trình thuỷ điện và hàng chục KCN. Vùng phía Nam là khu đô thị tăng trưởng đang khát nước. Tất cả những bản thuyết minh dự án đều vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp và đều khẳng định không có tác động gì đến dòng sông.

Trận lũ năm 2011 đã cho thấy cơn thịnh nộ của thiên nhiên lớn dường nào, thiệt hại do dòng chảy bị thu hẹp dồn mạnh về Bangkok khiến nơi này gặp tổn thất nghiêm trọng, mức thiệt hại kinh tế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử lũ lụt của Thái.

Xưa kia Hàn Quốc đã biến những dòng sông chảy qua thủ đô Seoul và các thành phố lớn khác thành những cống hộp để dành không gian của mặt sông cho quá trình đô thị hoá. Sau khoảng 2 - 3 thập niên, người Hàn thấy những mất mát từ dòng sông quá lớn nên họ đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đô la để trả lại dòng chảy sông ngòi xưa kia. Mỹ và Hà Lan là những quốc gia rất giỏi về trị thuỷ, họ đã có nhiều công trình chỉnh trị sông to lớn.

Hiện nay, xu hướng của Mỹ, Hà Lan và nhiều quốc gia khác đều hướng theo giải pháp mở rộng diện tích mặt cắt dòng chảy của sông, vừa để bảo tồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, vừa để phòng chống thiên tai lũ lụt. Nhiều chương trình nghiên cứu và áp dụng “Room for the rivers” (không gian cho những dòng sông) đang được triển khai. Các công trình ven sông phải phải dỡ bở, đặt lùi xa ra hơn hai bên bờ sông. Ở Việt Nam, sông ngòi là một phần không gian sống của người dân và nguồn cảm hứng cho thi ca, văn hoá.

Đầu năm 2015 ở Đà Nẵng, một dự án mang tên Tháp Hải Đăng đề xuất xây một khối công trình cao tầng ở khoảng 30 m bờ phía Đông trên sông Hàn, phần đáy tháp có diện tích chỉ 400 m2.

Dự án này có diện tích lấn sông nhỏ hơn dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát nhưng bị người dân và các nhà khoa học phản bác. Cuối cùng Đà Nẵng đã quyết định huỷ bỏ. Hồi năm 2004, dự án xây khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh nhìn ra sông Hương ở Huế, dù dự án hoàn toàn nằm trên bờ, chỉ “nhìn ra” chứ không “xâm lấn’ mét nào vào sông Hương nhưng vẫn bị phản bác vì những quan ngại về ô nhiễm, thay đổi cảnh quan.  

Việc lấn sông ở Đồng Nai, chưa xem xét về mặt pháp lý thôi đã có những dấu hiệu đáng lo ngại có cơ sở về mặt thuỷ học, môi trường và xã hội.

Chúng ta có thể tưởng tượng dự án trên sông này giống như xây dựng một khối công trình lấn ra đường giao thông, có thể là không lớn nhưng rất khó được cộng đồng chấp nhận. Tàu xe khi đi đến công trình này đều phải đi vòng tránh, khi mật độ dòng chảy hay giao thông tăng lên thì các công trình  này dễ trở thành những nút cổ chai. Các tỉnh miền Trung khi cho phép xây dựng hàng loạt resorts dọc bờ biển, dự án nào cũng khẳng định là tạo cảnh quan, nơi vui chơi cho người dân nhưng thực tế người dân muốn đến những chỗ này đều phải mua vé vào cửa…

Nhiều diễn đàn nhân dân trên thế giới đã cảnh báo tình trạng “land and water grabbing”(chiếm đoạt nguồn đất và nước) của những nhà đầu tư tài chính đang diễn ra ở nhiều nơi. Họ dùng tiền như là một sức mạnh quyền lực, dĩ nhiên có sự đồng tình của các quan chức sở tại, để chiếm lĩnh được quyền sở hữu tài nguyên đất đai và nguồn nước của cả xã hội. Lợi ích chính dĩ nhiên sẽ rơi vào tay của nhà tài phiệt. Còn hệ quả thiệt hại, mất mát tài nguyên và gia tăng bất bình đẳng xã hội sẽ do cộng đồng và người nghèo ở đáy xã hội nhận lấy. 

  • TS Lê Anh Tuấn

Tác giả bài viết: thotho vu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập116
  • Hôm nay18,571
  • Tháng hiện tại448,904
  • Tổng lượt truy cập32,432,627
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây