Xà bông Cô Ba.

Thứ ba - 19/04/2016 09:55

Xà bông Cô Ba.

Một bữa gần đây, chúng tôi được người bạn cư ngụ tại quận 5, gần chợ Kim Biên, tặng mấy cục Xà Bông Cô Ba. Chúng tôi xúc động dù chỉ là mấy cục xà bông, nhưng đây là Xà Bông Cô Ba chứ không phải những cục xà bông nào khác.
Sau ngày 30 tháng 4, 1975, chúng tôi đã nghĩ, trong sinh hoạt hàng ngày, không còn bao giờ gặp lại Xà Bông Cô Ba nữa. Cục xà bông thơm hình trái xoan hay hình chữ nhật, màu xanh, ở giữa có hình in nổi một phụ nữ búi tóc: cô Ba - điển hình người đẹp Nam Bộ, nhãn hiệu xà bông thơm của hãng sản xuất xà bông mang tên “Trương Văn Bền và các con.”

Cục xà bông nhãn hiệu Cô Ba.
Ông Trương Văn Bền là người Việt gốc Hoa, sinh ra tại Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XIX, thuộc gia đình khá giả. Ông có điều kiện sang Pháp thường xuyên nhưng không theo học một trường chuyên nghiệp nào. Tham gia thương trường, là người linh lợi nhạy bén, ông Trương Văn Bền mau chóng trở thành thương gia nổi tiếng trong lĩnh vực xay xát lúa gạo, sản xuất dầu thực phẩm và dầu công nghiệp. Năm 1932, ông Trương Văn Bền lập xưởng sản xuất xà bông mang tên Xà Bông Việt Nam, trong đó có loại xà bông thơm lấy tên là Xà Bông Cô Ba.
Xà Bông Cô Ba ra đời đã mau chóng vượt hẳn xà bông thơm nhập cảng từ nước Pháp lúc đó. Người tiêu dùng nhận thấy chất lượng của Xà Bông Cô Ba không thua kém xà bông của Pháp, trong khi giá cả lại rẻ hơn nhiều. Chúng tôi còn nhớ, sau ngày di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn, đi trên đường Quai de Cambodge (đường Hậu Giang sau này) nhìn thấy cơ sở bề thế của hãng xà bông Trương Văn Bền, đối diện chợ Kim Biên.
Hãng xà bông của ông Trương Văn Bền tạo uy tín vững vàng trong thương trường, được hầu hết người dân Sài Gòn-Chợ Lớn và các nơi ưa chuộng. Mặc dầu vậy, ông Trương Văn Bền vẫn không ngừng tìm hiểu và học hỏi thêm kinh nghiệm trong sản xuất xà bông qua những lần ông sang Pháp.
Xà Bông Cô Ba trở thành thân thuộc đối với người dân Sài Gòn và các nơi, kể cả các nước lân cận như Lào, Cambodia. Xà Bông Cô Ba còn xuất khẩu sang Hồng Kông và một một số nước thuộc địa của Pháp.
Ông Trương Văn Bền qua đời năm 1956, các con ông tiếp tục duy trì sản xuất của hãng xà bông Trương Văn Bền và các con, trong đó có xà bông thơm hiệu Cô Ba. Chúng tôi được biết, khi máy giặt được nhập cảng vào Việt Nam, bột giặt của hãng Xà Bông Trương Văn Bền và các con tức thời được sử dụng với máy giặt, có sức cạnh tranh ngang ngửa các loại bột giặt nhập cảng.
Nhắc nhớ tới Xà Bông Cô Ba, chúng tôi cũng nhớ lại một kỷ niệm khó quên: ngày đám tang ông Trương Văn Bền, trong năm 1956. Năm ấy người viết bài này mới 11 tuổi. Thổ Mộ Họ Trương tại đường Bình Thới, quận 11 là một khuôn viên khá rộng, tiếp giáp phía sau vườn của căn nhà chúng tôi cư ngụ. Ðám tang ông Trương Văn Bền rất lớn, những người trong ban tổ chức tang lễ mở rộng cửa khuôn viên Thổ Mộ Họ Trương cho mọi người vào. Ðông đảo cư dân ở đường Bình Thới và những đường lân cận thuộc quận 11 tới dự. Mọi người được mời dùng bánh và uống nước xá xị. Phải thấy là đám thiếu nhi chúng tôi mừng rỡ chừng nào, khi được ăn bánh và mỗi đứa được uống trọn một chai xá xị!
Thêm một chuyện nữa về Thổ Mộ Họ Trương ở đường Bình Thới, quận 11. Những năm trước 30 tháng 4, 1975, một người cháu của ông Trương Văn Bền từ Pháp trở về, cùng vợ là một phụ nữ Nga. Họ sinh sống tại ngôi nhà gỗ giữa khuôn viên thổ mộ. Ngôi nhà gỗ rộng lớn xinh đẹp trang nghiêm, thiết kế toàn bằng danh mộc. Mỗi sáng chúng tôi được ngắm người phụ nữ Nga xinh đẹp, rũ tóc sau khi gội đầu, ở ban-công phía trên cao của ngôi nhà. Một lần chúng tôi sang bên thổ mộ, làm quen người phụ nữ Nga này. Trong câu chuyện trao đổi bằng tiếng Pháp, bà người Nga tóc vàng ấy bảo: “Muốn sang Việt Nam sống một thời gian, để tìm hiểu và tận mắt nhìn thấy Cô Ba Sài Gòn!”
Sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi không thấy vợ chồng người cháu ông Trương Văn Bền nữa, hình như họ trở lại Pháp. Bà con khu xóm Thổ Mộ Họ Trương cho biết, người cháu của ông Trương Văn Bền đã cho cải táng những phần mộ tại đây tới nơi khác, trong đó có mộ ông Trương Văn Bền; cầm cố trọn khu đất thổ mộ. Ngôi nhà gỗ biến mất sau đó, thay thế là những nhà cửa lô xô chen chúc hiện nay, tại nơi nguyên là Thổ Mộ Họ Trương.
 Tới lúc nhà nước “mở cửa thị trường” thì các loại xà bông, từ trong nước lẫn nước ngoài, ồ ạt xuất hiện. Thế nhưng chúng tôi không hề thấy Xà Bông Cô Ba, và nghĩ chẳng còn bao giờ gặp lại. Hóa ra không phải vậy.
Người bạn tặng mấy cục Xà Bông Cô Ba cho biết, sau 30 tháng 4, hãng xà bông của Trương Văn Bền và các con hoạt động dưới hình thức công tư hợp doanh. Tuy nhiên từ lúc đó tới nay, Xà Bông Cô Ba chỉ sản xuất và phân phối giới hạn, cầm chừng, vì gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các loại xà bông khác trên thị trường.
Xà Bông Cô Ba hiện thuộc nhóm sản phẩm của công ty thương mại Phương Ðông, cơ sở đặt tại số 40 đường Kim Biên, phường 13, quận 5.

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập171
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại244,357
  • Tổng lượt truy cập35,510,638
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây