những kết quả thử nghiệm phân bón

Thứ tư - 11/05/2016 21:59

những kết quả thử nghiệm phân bón

Không được phép, vẫn chứng nhận, kiểm nghiệm phân bón Tại một hội nghị về vấn đề chất lượng phân bón do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam khi nói về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan hiện nay đã khẳng định:"Tình trạng này có nguyên nhân từ quản lý yếu kém của nhà nước"

 

'Phân bón giả làm mất mùa, lúa, ngô không đậu hạt'

Phân bón giả làm mất mùa, lúa, ngô không đậu hạt

.

Điều này được thể hiện khá rõ qua kết luận thanh tra của Bộ NN&PTNT tại 11 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định là cơ sở chứng nhận, thử nghiệm phân bón vừa qua.

Điển hình nhất trong các đơn vị này là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (gọi tắt Trung tâm vùng Nam Bộ). Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, Trung tâm này là tổ chức được chứng nhận khi chưa đủ năng lực theo Luật Tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật. Đáng nói, Trung tâm này khi được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón đã "không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm.

Với những yếu kém, sai từ gốc như vậy, Trung tâm này đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm doanh nghiệp với mức độ sai phạm được cho là "rất nghiêm trọng".

Cụ thể: Trung tâm trên đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục qui định của Bộ NN-PTNT, vi phạm qui định Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (CLSPHH). Nghiêm trọng hơn nữa, Trung tâm vùng Nam Bộ còn chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi Trung tâm này không hề được chỉ định chức năng trên (chỉ được chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy". Đây là hành vi "chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định" mà Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm. Sau khi chứng nhận xong, Trung tâm cũng không hề lưu mẫu.

Tất cả điều này dẫn đến hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, chứng nhận sai, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép...nhưng đã được đóng dấu "hợp quy", bán tràn lan trên thị trường.

Giả mạo hồ sơ, gian dối trong chứng nhận hợp quy

'Lấy mẫu kiểm tra phân bón ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai)'

Lấy mẫu kiểm tra phân bón ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai)

Không chỉ có Trung tâm vùng Nam Bộ, 10 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định là đơn vị thử nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón đều có mức độ sai phạm nghiêm trọng khác nhau.

Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hoá xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) khi được thanh tra không có tài liệu chứng minh có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón, không có giấy đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận.

Tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2), đoàn thanh tra khẳng định trung tâm này không đủ kinh nghiệm, không thực hiện đánh giá, giám sát với sản phẩm phân bón đã chứng nhận hợp quy...Cơ sở này đã chứng nhận hợp quy không độc lập, không đảm bảo khách quan và cấp chứng nhận cho 17 sản phẩm. Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (Vietcert), Công ty TNHH Kencert, Trung tâm chất lượng nông lâm sản vùng 2 và nhiều đơn vị khác cũng có những sai phạm tương tự như Quatest 2.

Theo kết luận thanh tra, nhiều đơn vị được thanh tra còn có những sai phạm nghiêm trọng khác như: Không thực hiện chứng nhận chất lượng sản phẩm phân bón nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hợp quy để các sản phẩm này lưu thông ra thị trường; sử dụng phòng thử nghiệm chưa được chỉ định để phân tích chỉ tiêu phân bón và sử dụng các kết quả phân tích không có giá trị sử dụng để cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp.

Nhiều đơn vị được kết luận đã giả mạo hồ sơ để đăng ký chỉ định tổ chức chứng nhận; gian dối trong chứng nhận hợp quy cho sản phẩm khi chưa được lưu hành trên thị trường; lập khống hồ sơ chứng nhận hợp quy, khi ban hành quyết định chứng nhận hợp quy phân bón không có hồ sơ đánh giá chứng nhận. Có một số cơ sở còn có dấu hiệu giả mạo chữ ký để lập hồ sơ chứng nhận hợp quy phân bón; gian lận trong đánh giá chứng nhận hợp quy...

Những sai phạm của toàn bộ 11 đơn vị được thanh tra trên, theo đánh giá của đoàn thanh tra, có phần trách nhiệm lớn của Cục Trồng trọt. Theo đánh giá chung của cơ quan thanh tra, nhiều năm qua, Cục này không kịp thời tham mưu ban hành các văn bàn để tạo hành lang pháp lý, kỹ thuật cho hoạt động chứng nhận hợp quy; không thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức mà Cục này đã chỉ định hoạt động thử nghiệm, hợp quy. Thậm chí, năm 2014, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục này kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động của các tổ chức chứng nhận phân bón được chỉ định, xử lý, thu hồi giấy phép các đơn vị sai phạm nhưng đến nay Cục này vẫn chưa thực hiện.

Huỷ toàn bộ quyết định chỉ định với 11 cơ sở

'Một cơ sở kinh doanh phân bón giả số lượng lớn bị bắt giữ'

Một cơ sở kinh doanh phân bón giả số lượng lớn bị bắt giữ

Đây là một trong những đợt thanh tra hiếm hoi có quyết định khá mạnh với sai phạm của một đơn vị cấp Cục của Bộ NN-PTNT. Đoàn thanh tra này, sau khi khẳng định cả 11 cơ sở đã thanh tra đều sai phạm và vạch ra những sai phạm lớn của Cục Trồng trọt đã kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo rút, hủy toàn bộ các quyết định chỉ định DN, đơn vị tổ chức chứng nhận phân bón và Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm phân bón đối với 11 đơn vị được thanh tra; yêu cầu các tổ chức chứng nhận phân bón thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận hợp quy đã cấp không đúng quy định.

Đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu Cục Trồng trọt tổ chức kiểm điểm với những công chức có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện đánh giá chỉ định, giám sát tổ chức chứng nhận phân bón và phòng thử nghiệm, các công chức đã thẩm định hồ sơ, trình ký quyết định chỉ định...

Thậm chí, theo đoàn thanh tra, những sai phạm khi tham mưu, chỉ định Trung tâm vùng Nam Bộ được thử nghiệm và chứng nhận chất lượng phân bón khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật là hành vi "lợi dụng vị trí công tác để cố ý làm trái"- một tội danh hình sự.

Tuy nhiên, Đoàn thanh tra này cũng chỉ kiến nghị "tổ chức kiểm điểm", "rút kinh nghiệm"...với các cá nhân một số cơ quan, tổ chức liên quan và cả với cán bộ, công chức ở Cục Trồng trọt...

Kết luận thanh tra này vẫn để một lỗ hổng rất lớn về việc kiến nghị, xử lý thế nào về hậu quả với hàng ngàn sản phẩm phân bón của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh phân bón được cấp chứng nhận không đúng, lưu hành sản phẩm không được kiểm soát chất lượng ra thị trường.

Trao đổi với Dân trí tối ngày 11.5, một quan chức ngành Khoa học-Công nghệ cho rằng, hậu quả của tình trạng thử nghiệm, chứng nhận sai với số lượng lớn sản phẩm phân bón như vậy là vô cùng nghiêm trọng vì điều này là một nguyên nhân dẫn đến sản phẩm phân bón kém chất lượng không được kiểm soát.

"Sản phẩm phân bón kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả lại được chứng nhận, lưu hành không chỉ ảnh hưởng rất xấu đến kết quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng cây trồng, đến thu hoạch, đời sống của nông dân. Phân bón giả, kém chất lượng còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn nước ngầm và làm thoái hoá chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, có thể lên đến cả trăm năm", quan chức này nhận định.

 

 


 

Tác giả bài viết: Mạnh Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay9,775
  • Tháng hiện tại330,264
  • Tổng lượt truy cập35,976,609
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây