Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ 1/1/2022. Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết một trong 6 điểm mới cơ bản trong nghị định là đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải quản lý giá theo quy định của Luật Giá.
Theo đó, các chủ sở hữu trang thiết bị y tế (gồm tổ chức, cá nhân cung cấp trang thiết bị y tế bằng tên riêng của mình hoặc bằng bất kỳ nhãn hiệu, thiết kế, tên thương mại...) phải kê khai và công khai giá.
Nội dung kê khai gồm giá vốn nhập khẩu đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu, hoặc chi phí sản xuất đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; lợi nhuận dự kiến; giá bán tối đa tương ứng với từng cấu hình, tính năng kỹ thuật theo đơn vị tính; giá linh kiện, phụ kiện (nếu có); chi phí bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì, đào tạo...
Thông tin về giá bán, giá trúng thầu trang thiết bị y tế công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Cơ quan quản lý nhà nước được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định, công khai giá thiết bị y tế sẽ đảm bảo minh bạch thị trường, tránh hiện tượng mua bán lòng vòng rồi thổi giá, dẫn đến mất kiểm soát, mất ổn định thị trường như thời gian qua. Khi sản phẩm đến được với người thụ hưởng thì giá thành cao, giá dịch vụ y tế tăng trong khi điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang rất khó khăn.
"Việc kê khai, công khai giá sẽ giúp quản lý được giá trị của trang thiết bị y tế, từ đó đảm bảo giá dịch vụ phù hợp, góp phần để người dân được tiếp cận các trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe", ông Lợi nói.
Trước đây, các trang thiết bị y tế không phải mặt hàng quản lý giá mà vận hành theo thị trường. Giá mặt hàng được các doanh nghiệp tự xác định do nhu cầu, khả năng cung ứng, tình hình bệnh tật tại từng thời điểm. Tuy nhiên, thực trạng loạn giá thời gian qua khiến Chính phủ phải đưa trang thiết bị y tế trở thành mặt hàng quản lý giá.
Trước băn khoăn việc chủ sở hữu có thể đăng ký giá cao hơn giá trị thực của sản phẩm, ông Lợi nói vấn đề này sẽ được hậu kiểm. Tuy nhiên trước mắt, việc kê khai, công khai sẽ tránh đẩy giá thành qua các khâu. Khi chủ sở hữu đã kê khai "giá trần", đơn vị phân phối không thể bán cao hơn. Câu chuyện này tương tự như điện thoại, nhà sản xuất đã tính tất cả cấu thành giá, công bố giá, khi đó các nhà phân phối dù ở Hà Nội hay TP HCM sẽ không bán cao hơn giá trần mà nhà sản xuất đưa ra, thậm chí còn có xu hướng thấp hơn giá trần.
Ông Lợi cũng cho rằng Nghị định có hiệu lực sẽ góp phần ổn định thị trường mua sắm trang thiết bị y tế, không còn tình trạng các cơ sở y tế "không dám mua sắm", hay "ngại mua sắm". Giá cả tường minh sẽ là yếu tố thuận lợi để các đơn vị xây dựng kế hoạch mua sắm, có cơ sở để tự tin, yên tâm giải trình với cơ quan chức năng.
"Xu hướng hiện nay là phân cấp phân quyền, minh bạch nhưng phải gắn với trách nhiệm giải trình với xã hội. Khi việc kê khai tường minh thì người mua cảm thấy yên tâm mà người bán cũng thoải mái", ông nhấn mạnh.
Ngoài quy định nêu trên, Nghị định 98 còn có một số điểm mới như cắt giảm 16/30 thủ tục hành chính; đổi mới phương thức quản lý, tăng cường phân cấp, giao nhiều nội dung Bộ Y tế quản lý cho các sở y tế; thay đổi cơ bản cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; số lưu hành trang thiết bị y tế khi được cấp sẽ có thời hạn vĩnh viễn, thay vì có giá trị 5 năm như hiện nay.
Nguồn tin: Hoàng Thùy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn