Vụ án khởi đầu có vẻ như chỉ là một vụ án hình sự về kinh tế đơn thuần, mặc dù nó khiến cho dư luận xã hội ghê sợ vì độ tàn nhẫn, bất nhân của những kẻ phạm tội. Thế nhưng, bất ngờ, vụ án ngày càng thu hút sự quan tâm, bất bình và nghi vấn ngày một tăng của dư luận xã hội bởi tính phức tạp chằng chịt của nó. Vụ án khiến cho ngành tư pháp rồi đây sẽ phải nhìn lại năng lực xét xử của mình. Cơ quan chức năng phải tiếp tục vào cuộc bởi những phát hiện của báo chí. Và hệ thống chính trị một lần nữa phải xem xét những “lẩn khuất” cần làm sáng tỏ xung quanh vụ việc này.
Từ buôn thuốc giả thành buôn lậu?
Đó là vụ án “Buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” đang được xét xử. Những bị cáo của vụ án này là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma); Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc VN Pharma); Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco); Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) và 4 bị cáo khác nguyên là cán bộ của Công ty cổ phần VN Pharma.
Sự chấn động nhân tâm xã hội chính ở là chỗ, những kẻ kinh doanh có tí chức quyền này nhẫn tâm tổ chức, chỉ đạo và thực hiện việc làm giấy tờ giả để hợp pháp hóa 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng du nhập vào Việt Nam thông qua Công ty cổ phần VN Pharma, một công ty dược lớn nhất nước. Đáng chú ý, 9.300 hộp thuốc “dỏm” này dùng để chữa trị cho những người không may mắc bệnh… ung thư.
Xưa nay, ung thư là loại bạo bệnh. Ai không may mắc phải coi như bị kết án tử hình. Sự phát triển kinh tế và mặt trái của nó là ô nhiễm môi trường khó kiểm soát, khiến cho tỷ lệ người mắc các loại bạo bệnh, trong đó có ung thư, ở Việt Nam tăng cao.
Mặt khác, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong xã hội hiện nay cũng đồng thời cho thấy, một bộ phận nhà giàu, nếu không may mắc bệnh, sẵn sàng bằng mọi cách đi chữa trị ở nước ngoài. Số đông còn lại… đành lòng vậy, cầm lòng vậy chấp nhận chữa trị ở trong nước, thông thường là người nghèo, người không giàu.
Tính toán làm giấy tờ giả, hợp pháp hóa hồ sơ, nhập loại thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng để chữa căn bệnh ung thư với giá đắt, không cần biết đến “cuộc chia ly sinh tử” của đồng loại, những kẻ kinh doanh này quá táng tận lương tâm, đến mức dư luận xã hội gọi là tội ác cũng không ngoa. Xét cho cùng, những kẻ đó vẫn đi đúng con đường mà K. Marx đã từng tổng kết: Nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm.
Ở đây, chưa biết những kẻ đó đã là “nhà tư bản” chưa, nhưng chắc chắn họ là những “nhà tư bản”… vô lương.
Thế nhưng, ngay lập tức, cái “vụ án buôn lậu” đã bị dư luận xã hội phản bác, chỉ ra những bất cập và vô lý khi định tội danh này. Theo luật gia Huỳnh Bách (báo Người lao động ngày 26.8): Lô thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc. Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào. Ngoài hàng loạt những thứ giả khác như FSC (giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới), GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) do Bộ Y tế Canada cấp, con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… Bộ Ngoại giao còn có công văn trả lời A83 (Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an) nêu rõ không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc, tồn tại ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto Ontario Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược. Cơ quan điều tra khẳng định lô thuốc H-Capita 500mg caplet của VN Pharma là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Những yếu tố nêu trên cho phép khẳng định lô thuốc H-Capita 500mg caplet trong vụ án này là thuốc giả theo quy định tại khoản 24 điều 2 Luật Dược 2005 và khoản 33 điều 2 Luật Dược 2016. Nếu bị kết tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, khung hình phạt cao nhất là tử hình và điều đặc biệt là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản!
Vì sao tội buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh đã rất rõ ràng, nhưng cáo trạng của Viện kiểm sát lại định tội danh là … buôn lậu? Những câu hỏi này chỉ VKS mới có thể trả lời nổi!
Hàng trăm bệnh nhân ung thư đã uống phải thuốc giả, thực chất đã bị rút ngắn thêm lần nữa sự sống bởi những “nhà tư bản” vô lương này.
Sự tàn phá thật của lợi ích nhóm
Không chỉ có buôn thuốc giả, vụ án này bộc lộ hàng loạt đường dây “lợi ích nhóm” - loại tế bào ác tính khủng khiếp đang tàn phá cơ thể xã hội. Điều kinh khủng nhất, nó tàn nhẫn bám chặt vào cơ thể xã hội, ăn tiền trên số phận những người nghèo mắc bệnh vô phương cứu chữa đã đành, trong khi nhiều người nghèo còn vô tiền…. chữa bệnh.
1 - Nhóm lợi ích đầu tiên - đó là đường dây chỉ đạo, tổ chức, làm giả hồ sơ buôn thuốc giả, cầm đầu là Nguyễn Minh Hùng cấu kết chặt chẽ với Võ Minh Cường, cùng các bị cáo đang phải đứng trước vành móng ngựa. Những việc làm tàn nhẫn, có tổ chức khiến cả xã hội “sốc” nặng vì quá phi nhân tính.
2 - Nhưng ngoài nhóm lợi ích đang phải đứng trước vành móng ngựa thì còn có một nhóm lợi ích khác cũng tàn bạo không kém. Đó là sự cấu kết giữa VN Pharma, giữa những kẻ tay trong còng số 8 đứng trước tòa án, với những vị bác sĩ vẫn đang khoác áo “từ mẫu” với blouse trắng ở các bệnh viện, thông qua việc chi 7,5 tỉ đồng tiền hoa hồng để các bác sĩ này… hướng dẫn bệnh nhân mua thuốc.
Theo Vietnamnet, ngày 23.8, tại tòa, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma), Ngô Quốc Anh, Nguyễn Trí Nhật (đều là nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) khai nhận: “Muốn bán được thuốc (H-Capita 500mg Caplet) tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Tổng cộng gần 7,5 tỉ đồng. Thì trong thực tế, cũng theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, VN Pharma không chỉ chi hoa hồng cho các bác sĩ trong vụ án này mà trước đó, VN Pharma còn dùng hàng trăm tỉ đồng để chi hoa hồng cho các bác sĩ rồi qua các bác sĩ tuồn thuốc vào các bệnh viện (?).
Áo blouse trắng tự lúc nào đã… vấy bẩn đến vậy, giữa thời kim tiền này?
3 - Ngoài hai nhóm lợi ích đã “đóng dấu” giữa thanh thiên bạch nhật, còn có nhóm lợi ích khác cần được đặt trong vòng nghi vấn. Mới chỉ là dạng nghi vấn nhưng những sự phát triển, thăng tiến và thành công đến bất ngờ của Công ty VN Pharma đã khiến xã hội đặt nhiều câu hỏi. Báo Tuổi Trẻ ngày 26.8 dưới đầu đề: "Vì sao VN Pharma phát triển thần tốc, đấu đâu thắng đó?" đã đưa ra những thông tin mà bất cứ công ty cổ phần nào cũng phải… thèm muốn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, sức mạnh thần thông nào đã biến đổi công ty này thần kỳ đến vậy, giúp công ty nhanh chóng có “những chiếc vòi bạch tuộc”?
Xin hãy đọc trích ngang lý lịch của công ty này: Thành lập tháng 10.2011, Công ty cổ phần VN Pharma phát triển thần tốc, đẻ một loạt chi nhánh và "đấu đâu thắng đó” với các hợp đồng chục tỉ, trăm tỉ cung ứng thuốc cho bệnh viện.
- Tháng 8.2013, VN Pharma nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau (ngày 5.7.2014), doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty đạt 971 tỉ đồng và (lúc đó) dự kiến năm 2014 doanh thu bán hàng của VN Pharma đạt 1.077 tỉ đồng...
- Tuy chỉ là một công ty cổ phần ra đời mới hơn 2 năm, nhưng tháng 5.2014, VN Pharma đã làm nhiều người trong ngành dược ngạc nhiên vì trúng thầu 46 mặt hàng thuốc trị giá hơn 267 tỉ đồng.
- Cùng thời điểm này, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh do ông Nguyễn Minh Hùng làm Phó tổng giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208 tỉ đồng. Đây là mặt hàng do liên danh Công ty dược Nam Anh và Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 1 trúng thầu. Tổng cộng hai công ty nói trên (do ông Hùng làm Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc) đã trúng thầu cung ứng 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng…
Đọc những con số chưa đầy đủ nhưng đã đủ chóng mặt.
Những con số đầy “quyền uy” đó cho thấy, hoặc là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) khi công ty được thành lập, mới 33 tuổi, phải rất “tuổi trẻ tài cao”; hoặc công ty này có phép biến hóa của “Tề thiên đại thánh”.
Dù vậy, bạn đọc cũng mới chỉ lăn tăn vì không hiểu công ty này, đâu là tài thật, đâu tài… rởm, thì mới đây, báo Pháp luật TP.HCM ngày 24.8 đưa tin, trả lời qua điện thoại với phóng viên, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phủ nhận dư luận trên các trang mạng xã hội đưa tin con trai bà, rồi em chồng bà Bộ trưởng có vị trí quan trọng ở Công ty VN Pharma, nên công ty mới “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến vậy. Bà Bộ trưởng cũng phủ nhận thông tin can thiệp vào đấu thầu thuốc để VN Pharma trúng thầu thuốc ung thư rởm… khi khẳng định: “Đó là các thông tin bịa đặt, vu khống, dựng chuyện”.
Khỏi phải nói, dư luận xã hội lại một phen xôn xao, bởi trong thế giới phẳng, một câu nói của quan chức phủ nhận “tin xấu đồn xa” của bản thân họ giờ đây vốn… nhẹ như lông hồng, khi mà hiện tượng lợi ích nhóm, hiện tượng quan chức cấp cao và doanh nghiệp là “sân sau” của nhau, hiện tượng cấu kết “tư bản thân hữu” là những cảnh báo nguy hiểm được gióng lên từ lâu. Trong khi, nếu muốn thật tâm rửa sạch tin đồn, bà Bộ trưởng hoàn toàn có thể xử lý vụ khủng hoảng truyền thông này bằng sự công khai minh bạch với chứng cứ cụ thể.
Chưa biết vụ án xét xử Nguyễn Minh Hùng và những kẻ đồng phạm cuối cùng sẽ cho kết quả thế nào. Nhưng chỉ một vụ án kinh tế đơn thuần đã cho thấy sự bám rễ của các lợi ích nhóm ghê gớm thế nào. Nó không chỉ tận diệt niềm tin của người dân mà đáng bất bình hơn, nó chất chứa những “gốc tự do” tàn phá môi trường xã hội đang rất cần ổn định.
Lời tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
Hãy cùng chờ xem, củi tươi vào cũng phải cháy.
Kỳ Duyên