04:57 PM - 24/10/2017 Thanh Niên Online
Máu lưu thông kém đến cơ bắp sẽ khiến cơ dễ bị chuột rút khi vận động
Shutterstock
Phần lớn các trường hợp chuột rút là do vùng cơ bắp nào đó trong cơ thể vận động nhiều. Nếu bạn không vận động nhiều mà vẫn bị
chuột rút thì có thể do những nguyên nhân sau:
1. Ở một tư thế trong thời gian dài
Tình trạng phổ biến nhất là tay hoặc chân phải chống đỡ một vật gì đó trong thời gian dài. Trạng thái này khiến cơ bị căng và dẫn đến chuột rút.
“Làm một động tác gì đó mà cơ thể không được tập luyện để làm sẽ gây ra những kích thích liên tục lên cơ bắp. A xít lactic tích tụ sẽ kích hoạt cơ co thắt”, bác sĩ trị liệu người Mỹ ông Houman Danesh nói với Health24.
Thông thường, loại chuột rút này sẽ dần dần thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu nó vẫn kéo dài đến tận ngày hôm sau thì hãy đi khám bác sĩ, ông nói thêm.
2. Dây thần kinh bị chèn ép
Trong cơ thể chúng ta có một hệ thống các dây thần kinh chạy từ não đến tủy sống. Bất kỳ tình trạng nào khiến dây thần kinh bị chèn ép, từ hệ quả của bệnh thoát vị đĩa đệm đến
bệnh viêm khớp, đều có thể gây chèn ép các dây thần kinh. Tình trạng trên có thể gây chuột rút.
Một liều thuốc kháng viêm sẽ giúp tình hình thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu chuột rút vẫn tiếp tục gây cản trở sinh hoạt và công việc hằng ngày thì cần phải đến bác sĩ ngay, bác sĩ Danesh cho biết.
3. Mất nước
Cơ bắp được kích thích hoạt động bằng các tín hiệu điện não. Sự mất nước làm thay đổi các tín hiệu này. Từ đó, nó khiến cơ bắp gặp khó khăn trong việc xử lý các tín hiệu trên. Hệ quả là gây chuột rút, theo Health24.
4. Máu kém lưu thông đến cơ
Một trong những nguyên nhân nữa khiến chuột rút là máu không lưu thông đủ đến cơ bắp. Nguyên nhân có thể là do sự tích tụ cholesterol trong mạch máu làm cản trở máu lưu thông, hoặc một khối u nào đó đang chèn ép động mạch, bác sĩ Danesh nói.
Trong những trường hợp này, người bị chuột rút nên đi thăm khám bác sĩ ngay và kiểm tra lượng cholesterol trong máu, ông nói thêm.