Mới đây, truyền thông nhà nước đưa tin bác sĩ chuyên khoa hô hấp hàng đầu của Nga, giáo sư Alexander Chuchalin đã rời khỏi Hội đồng Y đức tại Bộ Y tế, với lý do vaccine Sputnik V "vi phạm nghiêm trọng đạo đức y khoa".
Trước đó, hôm 11/8, Nga thông báo đã phê duyệt loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Nước này dự kiến cho sản phẩm ra mắt thị trường vào cuối tháng 8, đối tượng ưu tiên sử dụng là bác sĩ, trên cơ sở tự nguyện.
Vaccine Sputnik V được thử nghiệm tại Viện Gamaleya, Moskva, ngày 6/8. Ảnh: Reuters
Tên gọi "Sputnik V" gợi nhớ đến vệ tinh đầu tiên mà Liên Xô phóng vào vũ trụ năm 1975. Vaccine được điều chế theo công nghệ vector virus, dùng mầm bệnh vô hại để đưa một phần nCoV vào cơ thể, giúp kích hoạt hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, phản ứng của dư luận không giống với sự kiện lịch sử trong cuộc đua vào không gian trước đây. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về độ hiệu quả và an toàn của vaccine, đặc biệt là khi quá trình thử nghiệm trên người kéo dài chưa đầy hai tháng.
Một số công dân Nga cho biết họ quá lo sợ khi dùng thử vaccine, trong khi số khác nhận định sự nghi hoặc đến từ các chuyên gia nước ngoài là do "đố kỵ".
Nga phê duyệt vaccine trước khi thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trên hàng nghìn người. Đây được coi là khâu quan trọng và cần thiết để đảm bảo vaccine thực sự an toàn, hiệu quả ở cộng đồng lớn, có sự khác biệt về lứa tuổi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vaccine do Viện Gamaleya, Moskva phát triển là an toàn và hiệu quả. Con gái ông cũng đã sử dụng liều tiêm đầu tiên. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko bác bỏ những lo ngại về chất lượng sản phẩm. Chuyên gia y tế nước này lên tiếng: ""Viện Gamaleya đã tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Trong giới dịch tễ, Viện này được ví như Mercedes của ngành ôtô".
Tác giả bài viết: Thục Linh (Theo Reuters, Times of India)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn