Mỗi nữ sinh sẽ được trả 900 USD để ăn 3 quả chuối.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates và bị trì hoãn bấy lâu bởi sự lo ngại của cộng đồng. Tuy nhiên, giáo sư Wendy White đại diện cho Đại học Iowa khẳng định, họ sẽ vẫn tiến hành cuộc thử nghiệm ngay trong năm nay.
Trong khi có vẻ là một điều vô lý, việc trả tiền cho các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu khoa học đã có tiền lệ. Thậm chí đó là những mức bồi thường đến cả ngàn USD, theo CenterWatch, một trang web chuyên theo dõi hoạt động thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ.
Trước đây, một thử nghiệm thuốc mỡ mắt ở California đã trả cho mỗi ứng viên 1.840 USD. Trong khi đó, một sản phẩm thuốc lá được thử nghiệm ở Florida cũng giúp mỗi tình nguyện viên nhận được 1.980 USD.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, các cuộc thử nghiệm loại này cần phải được dự trù chặt chẽ về rủi ro. Thù lao dành cho tình nguyện viên không phải là một lợi ích, nó được coi là động lực tuyển dụng.
Chuối biến đổi gene được phát triển tại Đại học Công nghệ Queensland.
Loại chuối biến đổi gene sử dụng trong nghiên cứu được phát triển tại Đại học Công nghệ Queensland, Australia, dưới sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates. Nó được điều chỉnh để chứa một lượng lớn beta carotene, một chất dinh dưỡng giúp cơ thể sản xuất vitamin A.
Các nhà nghiên cứu muốn nhắm đến mục đích trồng loại chuối này ở Châu Phi. Nó sẽ giúp một số quốc gia giải quyết vấn đề người dân bị thiếu vitamin A trầm trọng, điển hình là Uganda.
"Tại đây và các nước Châu Phi khác, thiếu vitamin A chịu trách nhiệm cho tỷ lệ lớn trẻ em tử vong do bệnh truyền nhiễm. Sẽ là rất tuyệt vời nếu những quả chối có thể ngăn chặn những đứa trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chết vì tiêu chảy, sốt rét hoặc bệnh sởi", giáo sư White nói.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nghiên cứu lại được thực hiện tại Mỹ?
Lí do được đưa ra bởi Uganda là một thành viên đã ký Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Trong đó, một phần thỏa thuận giữa 127 quốc gia không cho phép một thử nghiệm "có tính rủi ro đối với sức khỏe con người".
Hoa Kỳ không tham gia vào nghị định thư này. Và thực tế, họ có một cơ chế quản lí khá lỏng lẻo đối với thực phẩm biến đổi gene. Sự an toàn của cây trồng biến đổi gene tại Mỹ mới chỉ được xác định bằng cách chứng minh nó chứa hàm lượng chất dinh dưỡng và độc tố tương đương cây trồng bình thường.
Hoa Kỳ có chính sách khá lỏng lẻo với công nghiệp thực phẩm biến đổi gene.
Tại Châu Âu, các quốc gia cũng yêu cầu thử cây trồng biến đổi gene với động vật trước khi được chấp thuận dùng cho con người. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không có một sự phân biệt rõ ràng nào giữa thực phẩm thông thường với biến đổi gene.
Cuộc thử nghiệm chuối biến đổi gene đã được lên lịch từ năm 2014. Khi đó, nhóm nghiên cứu của giáo sư White đã gửi một email tới toàn bộ sinh viên Đại học Iowa. Trong đó, nói rằng họ đang tìm kiếm tình nguyện viên nữ cho nghiên cứu. Mỗi tình nguyện viên tham gia sẽ được trả 900 USD để ăn thực đơn gồm 3 quả chuối. Chỉ cần một trong số đó là chuối biến đổi gene.
Chế độ ăn uống sau đó của họ được kiểm soát chặt chẽ. Nghiên cứu tiến hành trong 3 giai đoạn kéo dài mỗi 4 ngày. Tình nguyện viên sẽ có trách nhiệm cung cấp mẫu máu cho xét nghiệm. Giáo sư White cho biết hơn 500 tình nguyện viên đã đăng ký chương trình thử nghiệm và họ đã chọn được 12 người phù hợp.
Tuy nhiên, thông tin về cuộc thử nghiệm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Các nhà hoạt động đã gửi một bức thư ngỏ tới Quỹ Bill & Melinda Gates, người đứng đầu nghiên cứu và cả Ban đánh giá Nhân quyền Bang Iowa. Điều này khiến cuộc thử nghiệm bị trì hoãn cho tới bây giờ.
Trong bức thư ngỏ, các nhà hoạt động cho rằng nghiên cứu không được minh bạch, nhất là trong vấn đề kiểm soát rủi ro. Họ đã thu thập được hơn 57.000 chữ ký ủng hộ để tiếp tục gây áp lực cho Đại học Iowa.
"Chúng tôi ký tên dưới đây, yêu cầu người đứng đầu trường Nông nghiệp và Khoa học cuộc sống thuộc Đại học Iowa, tiến sĩ Wendy Wintersteen, trả lời các câu hỏi về cuộc thử nghiệm chuối biến đổi gene trên người", bức thư viết.
Các câu hỏi bao gồm "Làm thế nào các vấn đề an toàn đã được giải quyết. Những rủi ro cho tình nguyện viên khi họ đồng ý tham gia và nghiên cứu là gì? Ai sở hữu hoặc sẽ sở hữu công nghệ chuối biến đổi gene này?".
Có vẻ họ lo ngại nhiều mối đe dọa xuất hiện quanh những quả chuối biến đổi gene, hơn là giải quyết vấn đề thiếu hụt vitamin A ở Châu Phi.
Cuộc thử nghiệm có nhiều thông tin thiếu minh bạch.
Trong khi những sự phản đối dành cho cuộc thử nghiệm diễn ra suốt hai năm qua, phía Đại học Iowa đơn giản là bỏ qua mọi tiếng nói từ phía dư luận. Một cuộc họp được tổ chức năm ngoái bởi các nhà hoạt động không mời được bất cứ người đứng đầu nào của Đại học Iowa tham gia.
Đây là một ví dụ điển hình cho ngành nông nghiệp biến đổi gene, được hỗ trợ rất hào phóng bởi Quỹ Bill & Melinda Gates. Các nhà phát triển sẽ phớt lờ bất kỳ mối quan tâm nào hướng về mặt tiêu cực trong chương trình của họ.
Chuối biến đổi gene có vẻ đang được phát triển để mọi người ở Uganda có thể nhận được nhiều vitamin A hơn. Tuy nhiên, dự án bị nhiều người nghi ngờ rằng ẩn chứa động cơ lợi nhuận và độc quyền cung cấp lương thực. Các đơn vị phát triển chỉ giả vờ quan tâm đến sức khỏe của người dân ở các nước đang phát triển, trong khi đó bỏ qua sự nguy hiểm trong những thử nghiệm của họ.
Nhìn vào thực trạng nông nghiệp biến đổi gene, chúng ta cũng sẽ thấy bóng dáng của những mối đe dọa. Chất diệt cỏ họ sử dụng liên quan đến ung thư. Trong khi đó, thực tế là các loài côn trùng cũng bị tiêu diệt gây xáo trộn cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái.
Câu chuyện về nhận 900 USD để ăn 3 quả chuối là không hề đơn giản.
Có một điều rõ ràng có thể thấy, chuối biến đổi gene không phải là phương pháp duy nhất để cải thiện thiếu hụt vitamin A ở Uganda. Sự thiếu minh bạch từ các phản ứng của Đại học Iowa cũng dấy lên rất nhiều nghi ngờ xung quanh chương trình này.
Theo NPR: "Dù loại chuối này có bất kỳ tác động gì, chính phủ các nước rồi cũng sẽ phải chấp nhận nó. Người nông dân sẽ phải trồng nó và người tiêu dùng thì được thuyết phục ăn những quả chuối màu da cam (ám chỉ màu của beta carotene)".
Nếu đúng vậy, nông nghiệp biến đổi gene dường như đang đi lệch với lợi ích của con người, vật nuôi và môi trường nói chung.
Ngành công nghiệp này đang được xây dựng để tạo ra lợi nhuận và nô dịch các dân tộc? Có vẻ câu chuyện về nhận 900 USD để ăn 3 quả chuối là không hề đơn giản.
Tác giả bài viết: Thanh Nguyen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn