Chiếc ghế cuối nhà thờ…

Chủ nhật - 20/09/2015 09:50

Chiếc ghế cuối nhà thờ…

Mình còn nhớ trước ngày chịu chức linh mục, cha linh hướng của mình dạy rằng, “sau khi con chịu chức, con đừng quên chiếc ghế phía cuối nhà thờ mà thỉnh thoảng con vẫn ngồi… hãy quay lại ngồi vào chiếc ghế đó một vài lần trong tháng trước giờ lễ.” Mãi về sau mình mới hiểu sự sâu sắc của lời khuyên đó.
Sau ngày chịu chức, các linh mục của Chúa được ngồi trên cung thánh, mọi người đều hướng về linh mục, và người linh mục trở thành trọng tâm của tất cả sự chú ý. Vị trí ngồi trên cung thánh nói lên vai trò của người linh mục, là người mục tử dẫn dắt cộng đoàn, cử hành phụng vụ dâng lên Chúa. 
 
Tuy nhiên, đó cũng là vị trí ẩn đầy cám dỗ và nguy hiểm. Một khi ngồi ở vị trí trên cùng, người ta dễ xa cách người khác vì vị trí cao trọng của mình, đôi khi người ta làm mọi sự để bám lấy vị trí đó, và nghĩ rằng ở bất cứ nơi đâu mình cũng phải được ngồi trên cùng, phải được chú ý, phải là người quan trọng nhất.

Thật ra trong đời theo Chúa, vị trí quan trọng nhất là của Chúa, và người linh mục chỉ là một công cụ của Ngài. Việc duy nhất mà người linh mục làm là giúp cho người ta nhận biết lòng thương xót của Chúa và tình yêu của Ngài.
 
Vậy tại sao phải thường xuyên ngồi vào chiếc ghế ở góc cuối nhà thờ? vì nơi đó là nơi xa cung thánh nhất, vì nơi đó vô tình thường được chọn bởi những ai đang ngại bước lên trên họ muốn ẩn mình trong một thánh lễ có lẽ vì tâm hồn họ đang bị tổn thương và mặc cảm. 
 
Có thể nơi chiếc ghế đó cũng thường là chiếc ghế của những ai đang vội vàng muốn trở về nhà sớm, hay những ai đến muộn, hoặc của những ai đang mệt mỏi bởi phải nghe những bài giảng dông dài của một linh mục, cũng có thể nơi đó là nơi mà những ai có tâm hồn đang dần xa cách Chúa. 
 
Khi chúng ta tập ngồi ở những chiếc ghế đó, chúng ta tập đi vào cuộc đời của tất cả những anh chị em trên, chúng ta tập đặt câu hỏi tìm hiểu xem, họ đang cần gì nhất nơi Chúa… và mong đợi gì nhất từ người linh mục của Ngài. Nhưng hơn bao giờ hết, biết đâu nơi chiếc ghế cuối nhà thờ, chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa đang ẩn mình trong những tâm hồn đau khổ chờ đợi ta.
 
Một trong những nguyên tắc phải có của người đi chữa lành tâm hồn, là người phải biết thấu cảm, và biết ngồi ở hai chiếc ghế khác nhau, chiếc ghế của mình, và chiếc ghế của bệnh nhân mình.
 
 Chỉ khi nào mình hiểu được nỗi lo âu, sự đau khổ của người bệnh, của người giáo dân nơi chiếc ghế họ đang ngồi thì mình mới có khả năng chữa lành cho họ một cách hiệu quả. Và một trong những nguy cơ lớn của người linh mục là vì họ được nâng lên trên cao, trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, họ không còn hiểu được vị trí thấp bé ngày nào họ đã từng ngồi nữa, trái tim của họ dần dần xa cách những tâm hồn bé nhỏ mọn hèn, họ lo sợ cho bảo vệ chiếc ghế của mình vì thế không còn khả năng để hiểu được tâm hồn của anh chị em giáo dân mình, thay vào đó là sự nóng nảy, cứng nhắc, và kiêu ngạo.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là linh mục của Chúa, biết tập vẽ lại cuộc đời của mình như chính cuộc đời Chúa, để cũng như trái tim Chúa thổn thức trước nỗi đau của bà goá mất con, nhân hậu và đầy lòng thương xót trước người bệnh phong hủi, bao dung và thứ tha với người tội lỗi đứng phía cuối đền thờ, thẳng thắn và cương trực trước sự bất công và giả dối. Can đảm và hy sinh chọn cho mình vị trí yếu hèn nhất … như là thập giá Chúa đã chọn, để chúng con luôn là nhân chứng của tình yêu trái tim Chúa trong thế gian.
 
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2015

Tác giả bài viết: J Toai MI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập147
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,474
  • Tổng lượt truy cập35,916,819
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây