Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung về mạng 5G ‘đang nóng lên từng ngày’.

Thứ năm - 21/03/2019 10:17

Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung về mạng 5G ‘đang nóng lên từng ngày’.

Cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Trung Quốc và Mỹ về mạng không dây 5G đang ngày càng trở nên kịch tính, theo ông James Grundvig, tác giả cuốn sách “Master Manipulator” (Kẻ thao túng lão luyện), đăng trên The Epoch Times gần đây.
Trong thần thoại Bắc Âu, Thần một mắt Odin đã nhìn thấy tất cả các sự kiện hàng ngày của loài người khi ông ngồi trong vương quốc của mình mỗi đêm, lắng nghe các báo cáo từ 2 con quạ, Hugin và Munin (Suy nghĩ và Trí nhớ), trong đó một con khẽ báo cáo về những gì nó đã trông thấy và con kia giải thích ý nghĩa của chúng.
Theo ông Grundvig, trong năm 2019, Trung Quốc tin rằng phải mất hàng chục năm để đạt được công nghệ tương đương với tầm nhìn toàn thế giới của Thần Odin, có được tin tức về các hoạt động của con người, bất kể công việc làm thường ngày hay là rải rác, phân tán.
Theo tờ China Daily [Trung Quốc Nhật báo], để truyền mạng dữ liệu rộng khắp, Trung Quốc sẽ cần kiểm soát cơ sở hạ tầng viễn thông thế hệ thứ năm (5G), một công nghệ mới sẽ trở nên phổ biến trong việc kết nối thế giới trong 5 năm tới. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 220 tỷ đô la vào 5G cho đến năm 2025.
Ông Grundvid cho rằng 5G hiện là tâm điểm của các siêu cường quốc, ganh đua quyền lực tối cao toàn cầu. 5G làm cơ sở cho cuộc chiến tranh lạnh mới, thay thế cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Liên Xô, bằng chiến tranh thông tin lĩnh vực điện từ.
Tập đoàn khổng lồ Huawei của Trung Quốc đối mặt với làn sóng tẩy chay của thế giới 
 
Trung tâm của sự thúc đẩy ganh đua là công ty viễn thông toàn cầu Huawei của Trung Quốc, trong đó Huawei đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, “thách thức Dự luật chi tiêu quốc phòng, ngăn chặn các cơ quan chính phủ sử dụng các thiết bị viễn thông của họ”, như tờ New York Times đã đưa tin.
Đó là một cách để [Huawei] thổi phồng sự cạnh tranh khốc liệt trong việc cố gắng trở thành nhà xây dựng mạng 5G, và thương mại hóa chúng trên toàn thế giới.
 
‘Chiến tranh kỹ thuật số không giới hạn’
Theo ông Grundvig, cách tiếp cận ‘tiêu thổ’ [phá hủy bất cứ cái gì có lợi cho kẻ thù] của Trung Quốc để có được quyền bá chủ toàn cầu, bắt nguồn từ học thuyết của Bắc Kinh về chiến tranh không giới hạn, được nêu rõ trong một cuốn sách cùng tên. Được viết bởi 2 vị đại tá quân đội Trung Quốc trong năm 1999, cuốn sách vạch ra 26 lĩnh vực chiến tranh, bao trùm những lĩnh vực, từ quân sự và ‘xuyên quân sự’, như chiến tranh mạng và buôn lậu, cho đến chiến tranh phi quân sự trong thương mại, truyền thông và tài chính, trong số những lĩnh vực bất ổn khác.
Bằng cách quan sát các chiến thuật và vũ khí thông minh của quân đội Mỹ được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, các đại tá quân đội Trung Quốc phát hiện ra rằng thông tin là mấu chốt để đạt được chiến thắng toàn diện và nhanh chóng.
Trong một báo cáo năm 2014 của Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ (USAWC) với tiêu đề: “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Chiến tranh Thông tin”, Tiến sĩ Larry M. Wortzel, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược của USAWC, viết: “Quân đội Trung Quốc đã dành hơn một thập kỷ để xem xét các ấn phẩm của quân đội Mỹ về chiến tranh, tập trung vào không gian mạng, và sự phát triển của học thuyết Mỹ về chiến tranh thông tin. Trong chiến tranh vùng Balkans và chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất, quân đội Trung Quốc đã nhận thấy hiệu quả của các hoạt động thông tin hiện đại trên chiến trường và trên trường quốc tế”.
Ông Grundvig cho rằng nếu tiến sỹ Wortzel cập nhật báo cáo của mình ngày hôm nay, ông có thể đề cập đến cuộc chiến mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Chìa khóa trong việc chiếm đoạt tỉnh Tân Cương, nơi sinh sống của 12 triệu người bản địa, ĐCSTQ đã sử dụng 3 công cụ xấu xa, bao gồm: pháp lý, dư luận xã hội và chiến tranh tâm lý. Kết quả cuối cùng là một sự ỉm tin của các phương tiện truyền thông và sự câm lặng của công chúng về những tội ác chống lại loài người, ngay cả trong thế giới Hồi giáo.
 
Phòng thí nghiệm Chiến tranh 5G đối với người Duy Ngô Nhĩ
Theo ông Grundvig, kể từ năm 2017, Trung Quốc đã dựng lên các trại tập trung, nơi họ giam cầm hơn một triệu người dân tộc thiểu số, tước bỏ quyền con người và bản sắc tôn giáo của người dân. Hàng ngàn người bất đồng chính kiến đã bị biến mất. Nhưng công cụ thực sự cho sự thống trị hoàn toàn, đi kèm với gián điệp lan tràn được xây dựng trên các mạng không dây 5G, đã biến người Duy Ngô Nhĩ thành nô lệ bằng kỹ thuật số, kể cả đối với những người không ở trong các trại tập trung.
Mỗi phút mỗi ngày, người Duy Ngô Nhĩ đều bị theo dõi qua điện thoại thông minh của họ, và bị theo dõi xung quanh các thị trấn và thành phố bằng hàng ngàn camera nhận dạng khuôn mặt. Họ bị quét khuôn mặt, bị truy lùng và bị thẩm vấn tại các điểm kiểm tra an ninh. Cảnh sát lấy mẫu DNA và dấu sinh trắc học của họ trong khi kiểm tra các ứng dụng và hình ảnh di động trên điện thoại thông minh của họ, để tìm nội dung bất hợp pháp. Luồng thông tin sau đó được truyền đến cơ sở dữ liệu để chính quyền lưu trữ, kiểm soát và tiến hành đàn áp.
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) phản đối Cảnh sát Chống bạo động Trung Quốc, trong một cuộc đàn áp của chính phủ đối với sắc tộc thiểu số này. (Ảnh: Radio Free Europe/Radio Liberty)
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) phản đối Cảnh sát Chống bạo động Trung Quốc, trong một cuộc đàn áp của chính phủ đối với sắc tộc thiểu số này. 
Vậy tại sao Tân Cương khô cằn, bụi bặm lại quan trọng đối với những kế hoạch của ĐCSTQ? Ông Grundvig đặt câu hỏi.
Được biết, Tân Cương nằm trên dấu vết của ‘Con đường Tơ lụa’ cũ. Không lâu nữa, vùng đất huyền thoại sẽ kết nối Pakistan trong ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc’ với các tuyến đường thương mại tới Trung Đông và Châu Âu. Mục tiêu là để loại bỏ Mỹ và các đồng minh Tây Âu khỏi mô hình thương mại mới. Ngoài việc xây dựng đường ống và những đường vận chuyển, các mạng 5G của Trung Quốc sẽ theo dõi các lô hàng và chuỗi cung ứng, đo lường năng suất của công nhân và đảm bảo rằng không có ai hoặc đối tác của Dự án ‘Một vành đai Một con đường’, là không phù hợp với quan điểm hoặc các chính sách của ĐCSTQ.

Trung Quốc có thể đáng tin cậy với mạng 5G?

Với tốc độ tải xuống dữ liệu nhanh hơn 200 lần so với công nghệ 4G, mạng 5G sẽ triển khai trí thông minh nhân tạo (AI) trên dữ liệu được thu thập được từ hàng trăm tỷ thiết bị cảm biến được gắn trên con người, các thiết bị, kiốt, máy ảnh, robot, máy móc, các giao dịch, các sổ cái phân tán (blockchain ledger) và các hợp đồng. Công nghệ 5G-Nhân tạo (5G-AI) sẽ cho phép máy móc liên lạc với máy móc, trong các thiết bị không người lái, các phương tiện và vũ khí, chuyển thế giới Analog sang kỹ thuật số, trên mạng internet đồ sộ.
Trong tương lai với siêu kết nối này, vô vàn dữ liệu sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu để phân tích và hành động theo ‘thời gian thực’ (real time).
Theo ông Grundvug, mặc dù rất nhiều các bác sỹ và các nhà khoa học nêu ra những rủi ro sức khỏe do bức xạ 5G, có 3 lĩnh vực khác của mạng 5G mà các nhà lãnh đạo phương Tây cần quan tâm. Đó là Trung Quốc xuất khẩu hệ thống giám sát, tận dụng các lỗ hổng an ninh mạng và thực hiện các ứng dụng quân sự.
Ông Grundvug cho rằng trung tâm của cuộc chiến 5G chính là Huawei. Được thành lập vào năm 1987 bởi ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), một cựu chiến binh Trung Quốc, người đã nổi lên như một nhà nghiên cứu về công nghệ thông tin quân sự, Huawei đã đang thua trận chiến tranh truyền thông gần đây.
Huawei đang bị điều tra về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, đánh cắp robot được công ty viễn thông Mỹ T-Mobile sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh. Vụ bắt giữ nổi tiếng giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu, con gái của ông Nhậm và là người kế vị rõ ràng của Huawei, đã tốn rất nhiều giấy mực của giới báo chí.
Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của ông Nhậm Chính Phi – kỹ sư công trình trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). (Ảnh: Zhongyangshe)
Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của ông Nhậm Chính Phi – kỹ sư công trình trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). 
 
Đã có những cáo buộc về việc đổ dữ liệu cho ĐCSTQ qua ‘cửa hậu’ (backdoor) trong thiết bị của Huawei, trong khi do thám người Mỹ tại nhà và nơi làm việc của họ. Vì thế người ta cần kiểm tra kỹ càng hơn những lỗ hổng an ninh tiềm tàng.
Lấy viễn cảnh trong đó thiết bị của Huawei được cài đặt vào tất cả mọi thứ được cho là ‘thông minh’, từ các dụng cụ đo đạc, thiết bị, nhà cửa và các tòa nhà, cho đến các phương tiện tự xử lý và những lưới điện của các thành phố thông minh, thì Trung Quốc có thể đóng cửa bất kỳ bộ phận nào của hệ thống bất cứ lúc nào, kể cả việc làm mất điện của các nhà máy điện hạt nhân và bệnh viện, hoặc cho phép các tin tặc xâm nhập vào cuộc sống của người dân hoặc đánh cắp bí mật thương mại của các doanh nghiệp.
Ông Grundvig nhận định vì 5G sẽ ở cả mặt đất và trên các vệ tinh quay quanh Trái đất, quân đội Trung Quốc sẽ có thể theo dõi người dùng ngoài mạng của Huawei, chẳng hạn như các nước nghèo không có cơ sở hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự là đến từ việc sử dụng 5G cho mục đích quân sự trong tương lai gần, trong đó Trung Quốc có thể làm rối loạn giao thông đường bộ, đường biển và trên không, tạo ra chiến tranh thiết bị không người lái, điều khiển bằng máy móc hoặc loại bỏ các mạng ăng-ten 5G hoặc vệ tinh 5G trong không gian.
Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ hôm 1/3 với chủ đề “Kẻ hủy diệt Thế kỷ 21: Trung Quốc đã sử dụng 5G và Trí tuệ Nhân tạo để chiếm lĩnh thế giới như thế nào”, ông Gordon Chang, tác giả cuốn sách ‘The coming collapse of China’ (Tạm dịch: ‘Trung Quốc sắp sụp đổ’), đã nêu rõ: “Cuộc chạy đua cho 5G sẽ được quyết định trong 2 đến 3 năm tới, và thực sự sẽ quyết định số phận của thế giới trong nửa đầu thế kỷ này. Tốt hơn hết là không phải Huawei, nếu chúng ta muốn được tự do”.
trung quốc
Ông Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách “The coming collapse of China” tại New York vào ngày 30 tháng 9, năm 2015. 
 
Liệu Trung Quốc có thể tin cậy được không sau khi họ bất chấp luật pháp quốc tế bằng việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo san hô ở Biển Đông? Trung Quốc có thể tin cậy được không sau khi nô dịch người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc thiểu số khác bằng tội ác của chính họ? Liệu các công ty công nghệ Trung Quốc, như ZTE và Huawei, có thể tin cậy để bảo mật và không lạm dụng dữ liệu của bạn?
“Các câu trả lời là không, không và không”, ông Grundvig khẳng định.
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Simon Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập32
  • Hôm nay17,610
  • Tháng hiện tại40,193
  • Tổng lượt truy cập34,962,675
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây