Nghẹn đặc, sặc lỏng ở người già

Chủ nhật - 21/08/2016 05:07

Nghẹn đặc, sặc lỏng ở người già

Sặc, nghẹn với người khỏe mạnh là chuyện bình thường, nhưng đối với người tuổi cao sức yếu, một cơn sặc hoặc nghẹn có thể đe dọa tính mạng nếu không biết cách giải quyết.
Nguyên nhân và cách xử trí nghẹn ở người cao tuổi
 
  • Xử trí nghẹn ở người cao tuổi    
  • Người cao tuổi nên ăn chậm, từng miếng nhỏ. Ảnh: corbis 

Chết sặc

Bình thường, hệ thần kinh vùng hầu - họng hoạt động rất nhuần nhuyễn, “kẻ mở - người đóng” để hít thở và ăn uống không “lấn sân” nhau. Cụ thể, khi thực hiện động tác nuốt thức ăn, nước uống thì bộ phận lưỡi gà ở vòm họng co lên, bịt kín đường thông lên mũi. Như vậy, thức ăn, nước uống nhẹ nhàng trôi vào thực quản. Chỉ cần các phản xạ này chậm lại hoặc hít thở khi nuốt là xảy ra sặc, nghẹn. Khi có tuổi thì hệ thần kinh cảm giác vận động vùng họng bị lão hóa nên phản xạ chậm lại, thức ăn dễ tràn vào thanh quản, khí quản gây sặc nghẹn…
Ngoài ra, khi bước vào tuổi “hoàng hôn”, phần lớn người cao tuổi bị mất nhiều răng, hậu quả là sức nhai yếu, dễ dẫn đến trường hợp nhai “trệu trạo” rồi nuốt hoặc “nuốt trọng”, gây nghẹn hoặc sặc. Không chỉ thiếu răng, khi tuổi đời chồng chất, cơ toàn thân nói chung và cơ vùng hầu họng nói riêng sẽ mất dần độ đàn hồi khiến độ co thắt của thực quản nhằm đẩy thức ăn xuống dạ dày bị yếu dần. Do đó, người cao tuổi dùng các món ăn cứng, to, dính hoặc uống nước quá nhanh dễ bị sặc, nghẹn.
Thức ăn nằm ở ngã tư đường ăn - đường thở sẽ chèn ép vào thanh quản gây sặc (thanh quản phản xạ lại bằng cách ho để không cho thức ăn vào phổi). Hiện tượng sặc nhẹ, nhất là sặc lên mũi, kích thích niêm mạc vùng hạ họng, khí quản làm bệnh nhân sặc, nước mắt giàn giụa, khó thở, mặt tím tái. Thông thường, triệu chứng này sẽ mất đi trong vòng một-hai phút, khi bệnh nhân khạc ra được thức ăn, xương… hoặc chất lỏng. Trường hợp nặng, thức ăn hoặc chất lỏng lọt vào đường thở, trở thành dị vật đường thở với những triệu chứng: khó thở, ho liên tục. Trường hợp nặng phải vào bệnh viện để nội soi gắp dị vật ra.
Đề phòng sặc, nghẹn
Để không bị sặc nghẹn, đầu tiên là nhai thật kỹ khi ăn. Càng cao tuổi càng phải nhai kỹ, vừa “đỡ đần” cho hệ tiêu hóa, vừa phòng sặc nghẹn. Trường hợp bị mất răng, nên trồng răng giả. Nếu không thể trồng răng giả hoặc không thể chịu đựng sự vướng víu của răng giả, chỉ còn cách là dùng các món mềm, lỏng, cắt nhỏ thức ăn…, không ăn các món có xương.
BS Võ Quang Phúc, Phó giám đốc BV Tai - Mũi - Họng TP.HCM nhắc nhở: “Đã có không ít trường hợp tử vong khi ăn những món mềm nhưng có độ dính như: xôi, bánh ú, bánh ít, bánh tét… Những thức ăn có độ dính cao khi nuốt sẽ di chuyển chậm hoặc không di chuyển, nếu nằm ở đường thở sẽ gây khó thở, tử vong”.
Ngoài ra, có những trường hợp đặc biệt, bệnh nhân bị nuốt nghẹn kéo dài có thể do các nguyên nhân sau:
- Liệt dây thần kinh, liệt họng.
- Có một khối u, có thể là u ác tính ở vùng hạ họng hoặc thanh quản. Những khối u này khi phát triển sẽ cản trở đường đi của thức ăn vào trong thực quản gây nôn, nghẹn, sặc. Như vậy, những trường hợp nghẹn đặc, sặc lỏng thường xuyên trong thời gian dài cần đến chuyên khoa tai mũi họng hoặc tiêu hóa để khám, phát hiện bệnh sớm.
Khi bước vào tuổi xế chiều, ngoài tầm soát bệnh và nhai kỹ khi ăn, người già còn phải thay đổi một số sinh hoạt:
- Không nên vừa ăn vừa nói, vì sự hoạt động đóng mở vùng này không còn nhịp nhàng và nhanh nhạy theo sự điều khiển của hệ thần kinh, dẫn đến khi cần đóng lại mở, khiến thức ăn nước uống đi lạc chỗ.
- Không vừa xem phim, kịch hài vừa ăn, vì đã có trường hợp bật cười khi đang nuốt nên bị chết sặc.
Phương Nam
 
Xử trí nghẹn ở người cao tuổi

Khi nuốt thức ăn, sự phối hợp các chức năng ở họng của người cao tuổi hay bị mất nhịp nhàng, làm cho thức ăn dễ rơi nhầm.

Người già, niêm mạc của ống tiêu hóa teo dần, thành biểu mô của niêm mạc miệng cũng mỏng hơn, lợi co rút lại, khiến khả năng nhai giảm nên dễ bị nghẹn, nhất là khi lơ đãng.
Nguyên nhân gây nghẹn…
Khi nuốt thức ăn, sự phối hợp các chức năng ở họng của người cao tuổi hay bị mất sự điều hành nhịp nhàng, làm cho thức ăn dễ rơi nhầm vào khí quản gây ho sặc sụa và nghẹt thở. Mặt khác, phản xạ về nuốt của cơ vòng đầu thực quản ở người cao tuổi rất chậm. Chính vì vậy, chỉ lơ đãng một chút, mải suy nghĩ hoặc ăn nhanh, ăn vội, nuốt miếng thức ăn lớn sẽ rất dễ bị tắc nghẽn thức ăn ở đoạn hẹp của thực quản do sinh lý hoặc bệnh lý.
… và các triệu chứng
Nghẹn thức ăn có thể gây tắc ở cổ họng, ở thực quản, khí quản hoặc cả hai. Nếu thức ăn làm bít tắc thực quản, đang ăn bỗng thấy nuốt khó, cố nuốt, nấc nôn oẹ. Miếng thức ăn sẽ di chuyển vào khí quản do phản xạ, của thanh môn mở ra. Lúc này, người bị nghẹn ho sặc sụa, nói không ra tiếng, khó thở tùy từng mức độ, có thể bị nghẹt thở.
 
Nếu thức ăn làm tắc khí quản, người bị nghẹn đột nhiên thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt. Nếu không được xử trí kịp thời và thỏa đáng, chỉ trong vài phút, tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng, cấp tính này sẽ dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, xử trí ban đầu khi người cao tuổi bị nghẹn là rất cần thiết và quan trọng.
 
 Động tác xử trí nghẹn
Xử trí thế nào khi bị nghẹn?
 
 
 
Trường hợp nạn nhân vẫn tỉnh táo, hãy để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người trên ra phía trước. Động viên họ gắng sức ho mạnh. Khi ho, sẽ tạo ra dòng khí nhằm đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp hoặc ít ra cũng tạo được khe hở cho việc thở.
 
Người cấp cứu đứng ở phía sau, dùng khuỷu tay đập mạnh 4 cái vào vùng lưng giữa hai xương bả vai. Nếu tình huống cho phép, người cấp cứu đứng đằng sau, để nạn nhân hơi cúi về phía trước, ôm ngang bụng nạn nhân, hai tay khóa chặt, dùng ngón cái xiết mạnh vào bụng trên 4 lần theo chiều lên miệng nạn nhân. Làm vài lần để đẩy thức ăn ở khí quản, ở cửa thanh môn ra, hoặc tạo khe hở để phục hồi chức năng hô hấp (xem hình).
Nếu nạn nhân trong tình trạng bất tỉnh, cho nạn nhân nằm nghiêng. Người cấp cứu một mặt lấy ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, một mặt dùng khuỷu tay đánh mạnh 4 cái vào vùng lưng chỗ giữa hai xương bả vai.
 
Hoặc có thể để nạn nhân nằm ngửa, đầu ngả ra sau, người làm cấp cứu tỳ chặt khuỷu tay (có thể hai tay đan chặt) vào bụng nạn nhân, hích 4 cái hướng vào trong lên trên. Mục đích vẫn là tạo dòng không khí từ phổi, đẩy phần tắc nghẽn ra, tạo thông đường thở.
 
Nếu nạn nhân bị nghẹn bởi thức ăn có tính chất đặc, dính như bánh trôi, bánh gatô… thì ngoài cách cấp cứu nêu trên, phải để nạn nhân nằm nghiêng, dùng hai ngón tay móc hoặc kẹp thức ăn bị tắc ra. Chỉ cần lách được khe hở là có thể giữ được tính mạng nạn nhân.
 
Khi đã áp dụng các phương pháp trên mà tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện, phải tích cực ép ngực làm hô hấp nhân tạo: để nạn nhân nằm ngửa trên nền nhà (trên nền cứng), nắm hai tay nạn nhân ép xuống ngực nạn nhân rồi nhấc lên cao quá vai, làm liên tục. Sau đó nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh nguy cơ tử vong. 
Theo BS Lê Duy Cường - Sức khỏe va Đời sống

Tác giả bài viết: Trụ Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập362
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,908
  • Tổng lượt truy cập36,332,463
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây