Những câu chuyện mùa Giáng Sinh: Một chuyện tình phụ tử rất Á Đông

Thứ sáu - 12/12/2014 00:12

Những câu chuyện mùa Giáng Sinh: Một chuyện tình phụ tử rất Á Đông

Pearl Sydenstricker Buck (26 tháng 6 -1892 - 6 tháng 3 - 1973), có tên Tàu là Sai Zhenzhu (Trại Chân Châu,) là một nhà văn Mỹ đoạt giải văn chương Nobel 1938 nhờ ở những tác phẩm cổ võ sự cảm thông giữa các nền văn hoá, đặc biệt là giữa hai nền văn hoá Đông Phương và Tây Phương.


Buổi sáng Giáng sinh (Christmas Day in the Morning) Pearl S. Buck
 
 



Là con gái của một mục sư Tin Lành, bà sống qua thời thanh thiếu niên ở Trung Quốc. Khi hoạt động xã hội, bà mở cô nhi viện ở Nam Hàn, đặt văn phòng xã hội ở Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Bà cho biết từng mê say đọc Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử và Hồng Lâu Mộng, và học viết văn theo cái nhìn nghệ thuật cuả người Trung Hoa. 

Những câu chuyện cuả bà phát huy cái tinh thần mà bà mô tả khi nhận giải thưởng Nobel, bà nói " Ở Trung Quốc, quan niệm viết văn khác với nghệ sĩ phương Tây: 'viết cho nông dân, họ sẽ nói về đất, viết cho người lớn tuổi, nói về hòa bình, cho phụ nữ, nói về con trẻ, và cho thanh niên, nói về tha nhân' ". 

Dù văn chương không 'hoa mỹ' như các tác giả Mỹ đương thời, bà vẫn là người Mỹ đầu tiên lãnh giải văn chương Nobel, bà kết luận khi nhận giải như sau: "Tôi được dạy để viết cho đại chúng. Nếu có hàng triệu người đọc một tờ báo, thì, tôi muốn câu chuyện của tôi in ở đó thay vì in ở trong một tạp chí thượng lưu chỉ có một vài người đọc."

Câu chuyện 'Buổi sáng Giáng sinh (Christmas Day in the Morning) ', sáng tác năm 1955, là một câu chuyện ấm cúng, đầy tính chất Á Đông, nói về một món quà cuả một đứa con trai tặng cho ông bố trong khung cảnh miền quê cuả Hoa Kỳ.


Buổi sáng Giáng sinh (Christmas Day in the Morning) Pearl S. Buck




Ông ta đột nhiên thức giấc và thấy mình tỉnh ngủ ngay lập tức. Mới chỉ có 4 giờ sáng thôi, là giờ mà cha cuả ông vẫn thường gọi ông dậy để giúp việc vắt sữa bò. Cái thói quen dậy sớm vẫn cứ bám theo ông ta mãi ! 50 năm rồi còn gì, và người cha cũng đã mất 30 chục năm qua, thế mà ông ta vẫn thức dậy vào lúc 4 giờ sáng. Thông thường thì ông ta sẽ xoay mình rồi ru giấc ngủ trở lại, nhưng hôm nay là buổi sáng Giáng sinh, ông không muốn ngủ nữa.

Tại sao ông ta cảm thấy mình tỉnh táo như thế? Dĩ vãng chợt trở về với ông, một việc dễ dàng vào lúc lớn tuổi như thế này. Lúc đó ông mới có 15 và còn sống trong trang trại với cha. Ông yêu cha cuả ông. Nhưng đó là điều mà ông không biết cho đến một ngày kia, một vài ngày trước lễ Giáng Sinh, ông tình cờ nghe ông bố nói chuyện với bà mẹ.

"Mary, tôi không muốn gọi thằng Rob dậy sớm như thế này. Nó đang ở tuổi lớn nhanh và cần ngủ nhiều. Bà thử nhìn nó mà xem, cứ để nó ngủ! Tôi sẽ cố làm một mình."

"Ôi, ông không làm được đâu, ông Adam." Giọng nói của bà mẹ có vẻ dứt khoát. "Nó không còn là một đứa bé nữa. Bây giờ là tới phiên nó lo việc gia đình."

"Ừa," người cha nói cách chậm rãi. "Nhưng tôi chẳng muốn đánh thức nó dậy tí nào."

Khi nghe vậy, một cái gì đó nói cho ông biết: cha cuả ông yêu ông lắm! Ông chưa hề nghĩ ra điều đó, thường cho rằng tình phụ tử là thường tình. Và cả hai người, cha và mẹ ông, cũng chẳng bao giờ nói lên sự yêu thương con cái của họ - Họ có thời giờ đâu mà nói. Ở trang trại thì luôn luôn có rất nhiều việc phải làm lắm.

Từ khi ông biết người Cha yêu thương mình, thì ông không còn ngập ngừng mỗi buổi sáng hoặc để gọi dậy lần thứ hai. Ông bật dậy ngay, dù ngã lên ngã xuống trong cơn ngái ngủ, và mặc quần áo vào, dù đôi mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng đã thức.

Rồi sau đó vào một đêm trước Giáng sinh lúc ông đi ngủ, khi ông mới lên mười lăm, ông đã nằm suy nghĩ ít phút về việc cuả ngày hôm sau. Nhà ông nghèo, hầu như mọi sự vui nhộn thì chỉ quanh quẩn ở cái việc ăn thịt con gà tây mà họ đã nuôi và cái bánh nướng nhân thịt mà bà mẹ làm. Các cô em sẽ tặng vài món quà do họ tự đan lấy và bà mẹ và ông bố chỉ mua một cái gì đó mà họ cần, có lẽ là một chiếc áo ấm, nhưng cũng có thể là một cái gì khá hơn, như một cuốn sách chẳng hạn. Và ông thì cũng để dành cho mỗi người một cái gì đó.

Ông đã ước ao rằng, lúc Giáng Sinh 15 tuổi đó, là ông có một món quà tốt hơn cho cha mình. Thông thường thì, ông sẽ đi đến các cửa hàng tạp hoá bán những món đồ 10 xu và tìm mua một cái cà vạt. Và như vậy thì cũng đủ, cho đến lúc này, một đêm trước Giáng sinh, khi ông nằm suy nghĩ. Ông nhìn ra cửa sổ cuả chiếc phòng ở trên gác lửng dành cho con trai, các ngôi sao chiếu sáng thật là sáng.

"Bố à", ông nhớ đã từng hỏi hồi còn rất bé, "Máng cỏ là gì vậy?"

"Chỉ là một cái chuồng," Cha của ông trả lời, "giống như cuả nhà mình."

Chuá Giêsu đã sinh ra trong một cái chuồng, và đám mục đồng đã đến đó...

Tư tưởng về cái chuồng chợt xuyên qua trái tim ông giống như một lưỡi dao sáng bàng bạc. Tại sao ông không tặng cho cha mình một món quà đặc biệt, ngay tại cái chuồng? Ông có thể dậy sớm, sớm hơn bốn giờ sáng, và ông có thể lén vào cái chuồng và vắt hết sữa bò. Ông muốn làm điều đó một mình thôi, từ việc vắt sữa đến lau chùi, để sau đó, khi cha ông đi vắt sữa thì mọi việc đã xong xuôi rồi. Và cha ông sẽ biết là ai làm việc đó. Ông cười đắc ý một mình trong khi nhìn lên những vì sao. Quyết định như thế rồi, ông lại lo không để cho mình ngủ quên.

Ông thấp thỏm thức dậy tới 20 lần, mổi lần bật que diêm nhìn đồng hồ - nửa đêm, rồi 01:30, rồi 02:00 giờ.

Vào lúc 2:45g ông đứng dậy mặc quần áo. Rón rén xuống cầu thang, cẩn thận không đạp vào miếng gỗ thường kêu cót két, và lén ra khỏi nhà. Những con bò nhìn ông ta, mắt còn buồn ngủ nhưng ngạc nhiên. Bây giờ còn quá sớm cho cả chúng nữa.




Ông chưa hề vắt sữa một mình bao giờ, nhưng lần này sao mà dễ dàng thế. Ông cứ suy nghĩ về việc cha ông sẽ ngạc nhiên như thế nào. Này, ông ấy sẽ tới phòng ngủ gọi ông dậy, nói rằng ông ấy sẽ đi chuẩn bị trước trong lúc Rob mặc quần áo. Ông bố sẽ đi ra chuồng bò, mở cửa, và sau đó, đi tìm hai chiếc thùng rỗng. Nhưng những chiếc thùng không còn ở đấy và cũng không còn rỗng, chúng đã được đặt ở nhà sữa và đã đầy.

"Mèn đéc ơi... " ông ta sẽ nghe được ông bố kêu lên như thế.

Ông tủm tỉm cười và vắt sữa đều đặn, hai dòng suối sữa đổ xô vào thùng, xùi bọt và bốc mùi thơm.

Công việc trôi chảy một cách dễ dàng hơn ông nghĩ. Vắt sữa lần này không chỉ là một việc vụn vặt. Nó còn là một cái gì khác, một món quà cho người cha, người yêu ông. Ông kết thúc, hai thùng đã đầy, ông đậy nắp lại và đóng cửa căn nhà sữa cẩn thận, xem xét kỹ lưỡng cái chốt cửa.

Về đến phòng thì ông chỉ còn có ít phút để cưởi quần áo và nhảy vào giường trong bóng tối, ngay sau đó thì ông nghe tiếng chân người cha đi lên. Ông kéo chăn phủ lên đầu và cố nín những hơi thở dồn dập. Cánh cửa mở.

"Rob!" Cha ông gọi. "Thức dậy thôi, con, dù là Giáng sinh."

"Ơ ơ-phải," ông nói giọng ngái ngủ.

Cánh cửa đóng lại và ông vẫn cứ nằm im, cười một mình. Chỉ vài phút nữa thì cha ông sẽ biết. Tim cuả ông nhảy múa như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.

Những giây phút trôi qua hầu như dài vô tận - mười, mười lăm, ông không biết là bao nhiêu - rồi ông nghe tiếng chân của cha một lần nữa. Cửa mở và ông vẫn nằm im.

"Rob!"

"Vâng, thưa bố--"

Cha ông cười, một tiếng cười thổn thức kỳ lạ.

"Bay tưởng Bay lừa được Ta hả?" Cha ông đã đứng cạnh giường, lục lọi tìm ông, kéo tấm chăn ra.

"Quà Giáng sinh mà bố!"




Ông cảm thấy cha ông ôm chặt lấy ông, da riết. Ông cảm thấy cánh tay của người cha vòng quanh ông. Trời tối nhưng họ vẫn nhìn thấy nhau.

"Con à, cảm ơn con. Không có ai làm một việc đẹp như vậy--"

"Oh, bố, bố phải biết - Con muốn tốt!" Những lời nói phát ra tự nhiên. Ông không biết nói gì. Trái tim cuả ông tràn trề thương yêu.

Ông đứng dậy và mặc quần áo một lần nữa và họ cùng đi xuống cây Giáng sinh. Thật là một Giáng sinh, và tim của ông lại gần như bùng nổ một lần nữa vì e thẹn và tự hào khi cha ông kể lại cho bà mẹ và các đứa em nghe rằng ông, Rob, đã tự dậy một mình.

"Đây là món quà Giáng sinh đẹp nhất cuả bố, bố sẽ nhớ mãi, con à, nhớ hằng năm vào sáng Giáng sinh, suốt đời."

Họ nhớ mãi, bây giờ thì cha ông đã chết, ông vẫn còn nhớ một mình: cái bình minh đầy ân sủng cuả ngày Giáng Sinh ấy, chỉ một mình với những con bò trong chuồng, ông đã tạo ra món quà đầu tiên cuả một thứ tình yêu đích thực.

Giáng sinh này, ông định viết một tấm thẻ cho vợ ông và nói với bà ấy là ông yêu bà ấy nhiều lắm, kể ra thì lâu lắm rồi ông chưa nói với vợ như vậy, mặc dù ông yêu vợ đặc biệt, còn nhiều hơn cả lúc còn trẻ. Ông cũng có cái may mắn là có bà vợ yêu thương ông. A, niềm vui đích thực của cuộc sống, khả năng yêu. Tình yêu vẫn còn sống trong ông, vẫn còn đó.

Đột nhiên ông khám phá ra rằng tình yêu cuả ông sống được bởi vì nó đã sinh ra trong cái ngày khi ông biết rằng cha mình yêu mình. Đúng thế: Chỉ tình yêu mới có thể đánh động được tình yêu. Và ông vẫn có thể tặng món quà tình yêu một lần nữa và một lần nữa. Vậy thì sáng hôm nay, buổi sáng Giáng sinh này, ông sẽ tặng quà cho người vợ yêu quý của ông. Ông sẽ viết nó xuống một lá thư cho bà ấy đọc và giữ mãi mãi. Ông đi đến bàn của ông và bắt đầu viết bức thư tình cho vợ ông: Em yêu quí của anh.. .

Thật là hạnh phúc, một Giáng Sinh hạnh phúc!

Hết.
 
----------------------
 
 
 
11/12/2014
bauxitevn vào lúc 07:25
 
 
                             AI CAN THIỆP ĐỂ BỌ LẬP CÓ TRIỂN VỌNG "TẠI NGOẠI HẦU TRA"?
                                                       Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
 
 
(VNTB) - Tin tức hết sức bất ngờ vừa được Cổng thông tin của Công an TP.HCM tung ra vào tối khuya ngày Quốc tế nhân quyền 10/12/2014: “Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội” (PV11).
 
 
“Đề cao vai trò của Chủ tịch nước”
 
Theo kinh nghiệm và “thông lệ” của những trường hợp tương tự tin tức về số phận nhà văn Nguyễn Quang Lập, người ta có thể suy ra là chủ trang Quechoa nổi tiếng này rất có thể sẽ được phóng thích chỉ trong ít ngày tới. Nếu suy đoán này biến diễn thành hiện thực, có thể nói đây là một trong số hiếm hoi trường hợp trí thức phản biện được “tại ngoại hầu tra” chỉ sau ít ngày bị bắt khẩn cấp.
 
Vào đầu năm 2011, blogger Cô gái Đồ Long (Hương Trà) đã được thả sau khi bị bắt và giam giữ tại trại giam B34 nổi tiếng “10 người vào 1 kẻ ra” của Bộ Công an. Tuy nhiên, Hương Trà đã phải “chăn kiến” ít nhất vài tháng ở nơi kín cổng cao tường ấy.
Còn lần này, lại một lần nữa, dư luận và giới quan sát sôi trào. Rất có thể nhiều người sẽ bàng hoàng vì trong khi còn chưa giải đáp được câu hỏi vì sao Bọ Lập bị bắt thì lại phải đối diện với ẩn số do đâu ông có triển vọng được thả.
 
Cần nhắc lại, nhà văn Nguyễn Quang Lập bị Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP.HCM bắt vào ngày 6/12/2014 khi bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”. Vụ bắt giữ đột ngột này xảy ra sau một tuần vụ bắt giáo sư Hồng Lê Thọ - chủ trang blog Người Lót Gạch, cũng được thực hiện bởi PA92.
 
Liên tiếp hai vụ bắt giữ trên đã khiến dư luận dậy sóng. Một số cách nhìn, phân tích và giả thiết đã được nêu ra trên diễn đàn trong nước, hải ngoại và quốc tế về những lý do trực tiếp như “bắt để răn đe giới đấu tranh dân chủ", "bắt trước hội nghị trung ương", hoặc về nguồn cơn sâu xa hơn là "bắt vì chống Trung Quốc"…
 
Nhưng khác hẳn với hiện tượng hàng loạt bài viết ồ ạt xuất hiện trên báo đảng và các tờ báo nhà nước khác “lên án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh” sau khi “đối tượng” này bị bắt khẩn cấp liên quan điều 258 vào đầu tháng 5/2014, vào lần này báo chí nhà nước chỉ đưa tin theo thông báo của Cổng thông tin Bộ Công an mà không kèm theo bình luận nào. Thậm chí cả Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân hay Công An Nhân Dân - những tờ báo đảng danh giá và kiên định nhất - cũng im lặng một cách đầy khó hiểu trước “kẻ phản động” Nguyễn Quang Lập.
 
Trong khi đó, nguyentandung.org - một trang tin luôn trở nên nhạy bén với những nguồn tin từ ngành công an và đặc biệt liên quan đến các vụ bắt bớ nhân sĩ trí thức, đã "tường thuật" một tin tức (cũng có thể hiểu như một nhận định, hoặc khái quát hơn nữa là mang tính "báo cáo"): "Trong một thời gian dài, ông Nguyễn Quang Lập đã viết và đăng tải lên mạng rất nhiều bài gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như xúc phạm, bôi nhọ uy tín của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng lại đề cao vai trò của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang…".
 
Tuy nguyentandung.org chưa bao giờ được thừa nhận như một cơ quan báo chí chính thống, nhưng theo cách nhìn của VNTB, vài dòng tin tức ngắn ngủi trên rất đáng được chú ý và phân tích trên phương diện vừa đa dạng chính trường vừa chiều sâu chính khách, không chỉ như "căn cứ" để có thể khởi tố vụ án và dẫn đến truy tố bị can, mà còn biểu tả một cách đầy sâu lắng nguồn cơn bắt người.
 
Tất cả lồng trong bối cảnh trước hội nghị trung ương cuối năm 2014 - được dư luận đánh giá là đặc biệt quan trọng về công tác nhân sự để chuẩn bị cho đại hội đảng 12 vào năm 2016.
 
 
Ai can thiệp?
 
Nếu giả thiết nhà văn Nguyễn Quang Lập rơi vào bàn cờ chính trị là đúng, giả thiết có tính logic tiếp theo mà có thể dẫn đến việc ông Lập được “tại ngoại hầu tra” một cách ngoạn mục là đã có một sự can thiệp đủ “mạnh” từ một cấp lãnh đạo rất cao chỉ mới xảy ra trong vài ngày qua.
 
 
Ai?
 
Và nếu quả thực sắp tới nhà văn Nguyễn Quang Lập được phóng thích, bàn cờ chính trị vẫn giữ nguyên thế ngang ngửa một cách kỳ quặc. Vẫn chưa một con mã nào thực sự “sang sông”. Và có thể một số ai đó có ý muốn đưa người “muốn dùng con thuyền để chuyên chở sự thật” ra tòa án, hoặc chí ít cũng cầm giữ ông bằng vài ba lệnh tạm giam loại 4 tháng, sẽ không thể mãn nguyện.
Chính trị không đơn giản và hanh thông như ai đó thường muốn, nhất là khi nền chính trị đó đậm đà sắc tố phân hóa.
Những tín hiệu ngược dòng qua lại xung quanh vụ Bọ Lập đang hứa hẹn hội nghị trung ương cuối năm 2014 tuôn trào kịch tính.
 
 
 
-----------------------------------
 
 
 
 
11/12/2014
bauxitevn vào lúc 07:25
 
                                                   Tham nhũng là do Mỹ và phương Tây?
                              Công tác thanh tra tại Việt Nam được tiến hành khá thường xuyên.
                                                                          Minh Sơn
 
 
Nhân Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng 9/12, chương trình Chuyển động 24h của VTV đã làm một phóng sự về “Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng của khu vực châu Á” trong thời gian vừa qua.
 
 
Việt Nam đứng ngoài?
 
Trong khi vấn đề tham nhũng ở Việt Nam (cũng thuộc châu Á) còn đang nan giải nổi bật là vụ việc của cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thì chương trình lại tập trung vào công tác phòng chống của một số nước khác.
 
Trung Quốc thì có chiến dịch “Đã hổ diệt ruồi” và tiến hành hợp tác với Mỹ.
 
Thủ tướng Ấn Độ ngay sau khi nhậm chức cũng đề ra một loạt biện pháp như “lập 75 triệu tài khoản ngân hàng cho người dân để họ có thể nhận được đầy đủ các khoản phúc lợi xã hội hay lập đường dây nóng để người dân có thể liên hệ trực tiếp”.
 
Indonesia thì “nhận thức việc chi tiêu chính phủ cũng có những tác động tương đương với việc tham nhũng tiền”, tân Tổng thống Widodo đã “cắt giảm chi phí hội họp du lịch và yêu cầu các quan chức không tham dự những bữa tiệc xa hoa”.
 
Không thấy nhắc tới Việt Nam, phải chăng chương trình gián tiếp thừa nhận nước ta không có giải pháp hiệu quả nào, hay công cuộc phòng chống tham nhũng của chính phủ quá bí mật nên không ai có thể tiếp cận?
 
VTV24 đã quên phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhậm chức: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay” hay chiến dịch “Đánh chuột giữ bình” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với hàng loạt các vụ tham nhũng nổi cộm ở Việt Nam gần đây mà người dân nào cũng biết, VTV24 chỉ biết đưa ra những cái tên của quan chức tham nhũng ở nước ngoài.
 
Hay là Việt Nam không có tham nhũng để được nói tới trong ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng? Hoặc một giả thuyết khác: hôm nay là ngày “Quốc tế phòng chống tham nhũng” chứ không phải ngày “Việt Nam phòng chống tham nhũng”.
 
 
Do Mỹ và phương Tây?
 
Bộ trưởng Y tế VN mới đây gửi công văn hỏa tốc nhờ Bộ Công an và Sứ quán Hoa Kỳ điều tra nghi án hối lộ cả triệu USD.
Chuyển động 24h dẫn báo cáo của Tổ chức minh bạch Thế giới về chỉ số nhận thức tham nhũng 2014: “Ba nước trong sạch nhất trong năm nay vẫn là Đan Mạch, New Zealand và Phần Lan trong khi Somali, Triều Tiên đứng cuối bảng xếp hạng. Trung Quốc thì tụt tới 20 bậc xuống đứng thứ 100” – chương trình nhấn mạnh.
 
Nhưng VTV24 lại tiếp tục bỏ qua một đất nước xa xôi nằm ở Nam Bán cầu (tuy có nằm sát Trung Quốc) và chắc chắn nằm trong bảng xếp hạng: Nước Việt Nam tụt 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 117 (thấp hơn cả Trung Quốc).
 
Chương trình tiếp tục đưa ra thông tin: “Các nước đang phát triển bị đánh giá là những nơi tham nhũng nhiều nhất trên thế giới”, nhưng “đa số những kẻ đưa hối lộ đều đến từ những quốc gia phát triển”.
 
“Mỹ thì luôn được đánh giá là một trong những nước có ít tham nhũng trên thế giới” nhưng “doanh nhân Mỹ lại dính dáng nhiều nhất đến các vụ tham nhũng vượt xa các quốc gia phát triển khác” nên “theo các chuyên gia để ngăn chặn tình trạng tham nhũng thì không chỉ các quốc gia đang phát triển cần nỗ lực mà các quốc gia phát triển cũng phải đảm bảo việc không xuất khẩu tham nhũng ra nước ngoài” – VTV kết luận.
 
Kỳ lạ là các nước không có hoặc ít “tài nguyên tham nhũng” lại có thể xuất khẩu thứ đó ra nước ngoài. Thế có khác nào bắt Nhật xuất khẩu dầu thô hay ép Iran xuất khẩu gạo?
 
Không có công ty nào trên thế giới muốn phải chi thêm tiền đồng thời lo lắng về hậu quả sau này. Họ bắt buộc phải làm điều đó vì nếu không biết “văn hóa” làm ăn tại các nước sở tại thì nên cuốn gói ngay từ đầu. Đó là điều ai cũng biết, chắc chỉ trừ có VTV.
Đành rằng là trích dẫn từ một “chuyên gia” nào đấy, nhưng trách nhiệm của người làm báo là phải biết lọc những thông tin, những ý kiến đánh giá chính xác, xác đáng nhất trong rất nhiều những thông tin và luồng tư tưởng.
 
Nếu không thấy đúng thì nên có thể phản bác. Còn đã đưa lên như một lời khẳng định chắc nịch, thì đó chính là quan điểm của chương trình rồi.
 
Cứ theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” thế này, công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam xem ra vẫn còn xa vời vợi.
 
 
 
 
---------------------------------
 
 
 
                     MỸ NÓI "ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN TRÊN BIỂN ĐÔNG" LÀ "BẤT  HỢP PHÁP"
 
NV - Trung Quốc vừa lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ xem thường các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, sau khi Hoa Kỳ khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Ðông là “bất hợp pháp.”
 
Cuối tuần trước, lần đầu tiên, Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ, công bố một báo cáo, khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, thể hiện qua một đường gấp khúc với chín đoạn, chiếm khoảng 80% diện tích biển Ðông là “bất hợp pháp,” bởi theo luật pháp quốc tế, các yêu sách về lãnh hải phải bắt nguồn từ các cấu trúc ở đất liền. Việc Trung Quốc sử dụng “đường chín đoạn” nhằm đòi hỏi chủ quyền mà không dựa trên các cấu trúc ở đất liền hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế.
 
Người dân Philippines trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đòi bác bỏ đường 9 đoạn (hay lưỡi bò) mà Trung Quốc tự vạch ra trên biển Ðông. (Hình: Getty Images)
 
Trước đây, Hoa Kỳ chỉ khẳng định sẽ ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và trên không. Ðồng thời kêu gọi các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và cho biết, Hoa Kỳ sẽ trung lập, không ủng hộ bên nào.
 
Tuy nhiên gần đây, sự thể đã khác.
 
Bất chấp các khuyến cáo của Hoa Kỳ về việc nên giữ nguyên trạng biển Ðông, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh việc biến nhiều bãi đá ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành đảo nhân tạo nhằm hỗ trợ cho yêu sách về chủ quyền của mình tại biển Ðông.
Hồi cuối tháng 11, Quốc Hội Trung Quốc công báo kế hoạch khai thác chín mỏ dầu ở Bột Hải và biển Ðông từ 2014-2020 để “bảo đảm nguồn năng lượng” cho Trung Quốc cả ở hiện tại lẫn tương lai.
 
Bột Hải vốn thuộc chủ quyền của Trung Quốc (hợp thành bởi ba vịnh nhỏ thuộc Trung Quốc: Vịnh Lai Châu ở phía Nam, vịnh Liêu Ðông ở phía Bắc và vịnh Bột Hải ở phía Tây thông với Hoàng Hải) nhưng kế hoạch vừa kể vẫn được quan tâm một cách đặc biệt vì đó là lần đầu tiên, Trung Quốc công bố kế hoạch khai thác dầu với quy mô lớn tại biển Ðông. Trung Quốc ước tính, trong các năm từ 2014-2020, các mỏ dầu ở biển Ðông sẽ cung cấp 10 triệu tấn dầu mỗi năm.
 
Vài ngày sau, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết 714, thúc giục Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh những hành động khiêu khích, khiến căng thẳng gia tăng như Trung Quốc đã từng thực hiện tại biển Hoa Ðông và biển Ðông. Nghị quyết 174 của Hạ Viện Hoa Kỳ được xem là hiếm có vì trước nay, thường chỉ có Thượng Viện Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm và thông qua những nghị quyết liên quan đến đối ngoại.
 
Ðáp lại, ít ngày sau, Trung Quốc tuyên bố Tòa Trọng Tài về Luật Biển vô năng. Tuyên bố này được đưa ra một tuần, trước khi hết hạn nộp hồ sơ phản biện theo yêu cầu của Tòa Trọng Tài về Luật Biển. Hồi đầu tháng 6, Tòa Trọng Tài về Luật Biển từng yêu cầu Trung Quốc phải nộp hồ sơ phản biện trước ngày 15 tháng 12, khi xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc.
 
Ðầu năm ngoái, Philippines khởi kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển, sau khi Trung Quốc cưỡng đoạt bãi Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines yêu cầu Tòa Trọng Tài về Luật Biển phán xét yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Ðông sau khi Trung Quốc đòi chủ quyền khoảng 80% diện tích biển Ðông, theo một bản đồ do Trung Quốc tự vẽ hồi thập niên 1950.
 
Ngoài việc phủ nhận vai trò của Tòa Trọng Tài về Luật Biển, một viên chức của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn nhận định, vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển chỉ nhằm gây áp lực chính trị với Trung Quốc.
 
Ðại diện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói với Reuters rằng, mục tiêu của Philippines không phải là tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp về chủ quyền mà chỉ nhằm gây sức ép chính trị đối với Trung Quốc, cản trở quyền hợp pháp của Trung Quốc ở biển Ðông. Tuy nhiên Philippines sẽ không thay đổi được lịch sử và thực tế về chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo ở Biển Ðông cũng như các vùng biển lân cận. Vụ kiện cũng sẽ không thể làm lung lay quyết tâm cũng như chính sách của Trung Quốc đối với lợi ích và việc giải quyết tranh chấp ở biển Ðông.
 
Ngay sau khi các viên chức ngoại giao của Trung Quốc tuyên bố như thế, ông Albert del Rosario, ngoại trưởng Philippines nói với Reuters, chuyển các tranh chấp về chủ quyền trên biển Ðông cho Tòa Trọng Tài về Luật Biển phân xử là con đường duy nhất để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Các tuyên bố của Trung Quốc chỉ đẩy nhanh tiến độ của vụ kiện và quyết định có thể sẽ được thông qua trong quý 1 năm tới.
 
Các chuyên gia quốc tế đã nhiều lần cảnh báo rằng, việc Trung Quốc bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, ồ ạt đưa tàu đánh cá và các loại tàu công vụ vào biển Ðông, gọi thầu và loan báo kế hoạch thăm dò-khai thác dầu tại biển Ðông, biến nhiều bãi đá thành đảo nhân tạo rồi xây dựng các căn cứ quân sự ở đó nhằm đặt cộng đồng quốc tế trước chuyện đã rồi đối với yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Ðông. Có vẻ như báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, khẳng định yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Ðông là bất hợp pháp nhằm phá vỡ ý đồ đó.
 
(G.Ð)
Nguồn: Người Việt - 9.12.2014
at 12/10/2014
 
 
---------------------------------------
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập963
  • Hôm nay14,988
  • Tháng hiện tại284,885
  • Tổng lượt truy cập36,339,440
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây