Trời lạnh khiến nhiều người méo miệng vì liệt dây thần kinh số 7

Thứ năm - 11/12/2014 22:18

Trời lạnh khiến nhiều người méo miệng vì liệt dây thần kinh số 7

Thời tiết chuyển sang mùa lạnh không có khả năng gây bệnh như có thể gia tăng nguy cơ khiến bạn dễ bị cảm cúm, nhiễm lạnh. Khoảng 75% bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, miệng méo xệch vì trời lạnh với nguyên nhân chính là cơ thể bị nhiễm lạnh
liet day than kinh so 7
 
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể do nhiều nguyên nhân như: viêm tai giữa, tai biến mạch máu não, nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh… Tuy nhiên, nguyên nhân do nhiễm lạnh đến khoảng 75%. Theo ThS.BS Đỗ Tân Khoa, Trưởng Khoa Khám Bệnh, tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TP. HCM, khi thời tiết chuyển mùa, hay vào mùa lạnh, bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 cũng tăng lên đáng kể.
liet day than kinh so 7

Biểu hiện của bệnh

Liệt thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Bệnh thường đến rất bấtchợt, với những biểu hiện như: có cảm giác tê tê vùng mặt, co giật, nặng một bên đầu, co giật cơ quanh mắt, quanh miệng (trong Đông y còn gọi là nhiễm phong), cơ thể có những cảm giác như bị cảm cúm... 
Liệt thần kinh số 7 ngoại biên có thể xảy ra bên phải hay bên trái. Nếu liệt bên nào thì nếp nhăn trán, nếp nhăn mũi - má bên đó mờ. Nhân trung lệch về bên lành. Nếu ăn cơm sẽ đọng lại bên bệnh. 
liet day than kinh so 7
Uống nước, nước sẽ chảy ra bên bệnh. Nếu là tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh, mắt bị bệnh sẽ nhắm không kín. Những lúc như thế này bệnh nhân nên tìm đến sự giúp đỡ của lương y, bác sĩ để không có các biến chứng nặng hơn như bị giật méo miệng hay xệ một bên mắt (cũng có trường hợp mắt bị trợn ngược).

Châm cứu:

Phương pháp điều trị hiệu quả: Tiên lượng của bệnh tùy thuộc vào thời gian, điều trị càng sớm, khả năng phục hồi càng nhanh. Nếu điều trị không đúng cách hoặc không kịp thời, bệnh có thể chuyển thành mãn tính. 
Nếu để từ 6 tháng trở lên, thời gian điều trị lâu hơn. Nếu một năm, khả năng phục hồi sẽ rất khó. Hiện nay, chữa trị nhanh và đạt hiệu quả tốt nhất là phương pháp châm cứu của Đông y.
Châm cứu rất đa dạng như: Nhĩ châm; Diện châm; Đầu châm; Thể châm; Tỵ châm; Thủ túc châm; Xích y châm; Thủy châm (các bác sĩ thường dùng những loại vitamin B như B12 với khoảng 1.000mg để châm).
liet day than kinh so 7
  • Châm cứu: Châm huyệt giáp xa xuyên sang huyệt địa thương. Huyệt dương bạch xuyên huyệt ngư yêu. Huyệt thái dương châm xuyên sang huyệt đồng tử liêu. Toản trúc xuyên sang huyệt tịnh minh. Quyền liêu xuyên sang huyệt đồng tử liêu. Châm thêm các huyệt thính cung, nghinh hương, ế phong (bên bị bệnh) và huyệt nhân trung. Châm thêm huyệt hợp cốc bên lành. Nếu mới mắc bệnh:
  • Châm tả. Nếu bệnh trên 6 tháng:
  • Châm bổ. Liệu trình mỗi ngày 1 lần.Đối với những bệnh nhân có bệnh đái tháo đường hoặc không chịu đau được, có thể dùng phương pháp khác để chữa trị như: Châm cứu ấm bằng ống điếu ngãi, bấm huyệt bằng tay.

Thời gian: Tùy thuộc vào bệnh nhân Thời gian châm cứu chữa trị tùy theo sức khỏe, tuổi tác, tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân. Có thể trong khoảng 1 tuần đối với những bệnh nhân nhẹ. Từ 4-8 tuần đối với bệnh nhân tình trạng bệnh nặng hơn hoặc có kèm theo các bệnh lý khác như: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp…

Khả năng phục hồi là 100% đối với những bệnh nhân có sức khỏe, tình trạng bệnh ở dạng nhẹ và được chữa trị sớm. Những bệnh nhân không kèm theo bất kỳ bệnh lý nào khác sẽ nhanh chóng phục hồi hơn so với người cao tuổi, có thêm các bệnh lý khác. Bệnh nhân lớn tuổi, nếu chữa trị chậm trễ, điều trị mà bỏ ngang, cơ hội phục hồi sẽ không cao.

Phòng bệnh và ngăn ngừa tái phát

Bệnh nhân cần chú ý: Tắm từ phần chân trở lên, để cơ thể từ từ chịu được nhiệt. Không nên thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, nên làm nóng cơ thể trước khi tắm bằng cách chà nóng khăn hay dùng tay massage để cơ thể ấm dần lên trước khi tắm. 
liet day than kinh so 7
Không tắm khuya.Trong ăn uống, chúng ta cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để mau chóng phục hồi, ăn thật nhiều trái cây, rau củ. Hạn chế uống nước lạnh, ăn kem.
Không nên để cơ thể nhiễm lạnh hoặc bị mắc mưa.Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, không nên ngồi trực tiếp dưới máy lạnh hoặc dùng máy lạnh với nhiệt độ quá thấp trong khi bên ngoài đang rất nóng.Hạn chế suy nghĩ nhiều, làm việc quá sức.

Những bài thuốc thông dụng

Kinh phòng bại độc tán: Khương hoạt 15g, độc hoạt 15g, sài hồ 20g, tiền hồ 15g, chỉ xác 10g, xuyên khung 10g, kinh giới 20g, phòng phong 15g, bạch linh 15g, cát cánh 15g, sinh khương 3 lát, tế tân 10g. Sắc uống ngày 1 thang kết hợp chườm nóng vùng mặt bị bệnh. Hoặc có thể dùng bài thuốc: Ké đầu ngựa 12g, kê huyết đằng 12g, ngưu tất 12g, nghệ 8g, quế chi 8g, vỏ quýt 8g, bạch chỉ 8g, củ ấu 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Huỳnh Châu

 

Đề phòng chứng nổi mề đay do giá rét

 
noi me day

Khi bị dị ứng với nhiệt độ lạnh, bạn sẽ bị nổi mề đay hoặc phát ban lạnh. Bệnh có thể gây phản ứng nghiêm trọng dẫn đến ngất, sốc và tử vong.

Khi bị dị ứng với nhiệt độ lạnh, bạn sẽ bị nổi mề đay hoặc phát ban lạnh. Bệnh có thể gây phản ứng nghiêm trọng dẫn đến ngất, sốc và tử vong. Mùa đông, nhất là những ngày giá rét, những người bị dầm mưa, dầm nước… có nguy cơ mắc bệnh cao.

Ai dễ bị nổi mề đay do lạnh?

Nguyên nhân gây ra mề đay do lạnh rất phức tạp: một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền: bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh; do nhiễm virut và một số bệnh lý khác. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như lạnh ẩm đột ngột. 
Một số loại thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán; do dùng một số loại thuốc Đông y hoặc Tây y. Mề đay nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). 
Khi bạn bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác.

Tình trạng nổi mề đay do lạnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên, có các đối tượng dễ mắc bệnh hơn, đó là: trẻ em, thanh thiếu niên. Bệnh cũng hay tái phát ở những người này. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nhiễm virut, mycoplasma, viêm phổi… cũng dễ bị nổi mề đay khi nhiễm lạnh.

Người mẫn cảm với lạnh có thể nổi mề đay ở vùng da tiếp xúc với lạnh hoặc khắp thân mình. Nếu bị ngâm nhúng một phần chân tay trong nước lạnh có thể gây ra các triệu chứng toàn thân nặng hoặc bị sốc.

Triệu chứng nổi bật

Triệu chứng nổi mề đay bắt đầu ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột nhiệt độ không khí hoặc nước lạnh. Đặc trưng của bệnh là các mảng sẩn đỏ trên da, đường kính từ vài mm đến vài cm hoặc bị sẩn cả mảng rất to. 
Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của bệnh: ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa, có khi bệnh nhân gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ ngứa. Da của bệnh nhân thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì. 
Các triệu chứng mề đay lạnh thường nặng hơn trong thời gian tái làm ấm da tiếp xúc. Đa số các phản ứng nổi mề đay lạnh xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, từ 4 - 10oC, nhưng cũng có một số người nổi mề đay với nhiệt độ ấm hơn. Điều kiện lạnh ẩm và gió có thể làm tăng nguy cơ nổi mề đay.
noi me day
 Ảnh: Triệu chứng nổi mề đay do lạnh

Triệu chứng ngứa phát ban (wheals) trên diện tích da tiếp xúc với lạnh, thường kéo dài khoảng nửa giờ. Sưng tay khi đang cầm nắm các vật lạnh. Sưng môi khi ăn thức ăn lạnh. Sưng lưỡi và họng, có thể gây khó thở do phù nề hầu họng hay đường hô hấp. Bệnh nhân có thể bị bất tỉnh; nhịp tim nhanh; sưng chân tay hoặc thân mình; đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy; phù não; khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Phương pháp điều trị

Điều trị mề đay do lạnh gồm: tránh phơi nhiễm với nhiệt độ. Dùng thuốc ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng: thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa và nổi mề đay như loratadine, fexofenadine, cetirizine… Nếu mề đay do lạnh vì một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thì cần dùng thuốc điều trị bệnh nền đó như: cảm cúm, nhiễm virut, mycoplasma, viêm phổi…

Lời khuyên của bác sĩ

Mề đay do lạnh đôi khi rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, vì vậy, mọi người cần chú ý phòng tránh. Nếu bạn chưa bị nổi mề đay do lạnh, bạn nên thử xem mình có bị mẫn cảm với nhiệt độ lạnh hay không. Bạn dùng một viên nước đá áp vào da cẳng tay trong 4-5 phút rồi bỏ ra, quan sát vùng da đó trong 10 phút. Kết quả: khi da ấm trở lại, nếu có một vòng mề đay xuất hiện kèm theo ngứa là bạn thuộc người có cơ địa dễ dị ứng với lạnh. 
Bạn cần tránh nhiễm lạnh, không ngâm tay chân trong nước lạnh, không lội qua sông, qua suối khi trời lạnh vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không có cách nào để tránh bị nổi mề đay do lạnh ở lần đầu tiên, nhưng có thể giúp ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, đặc biệt là để vùng da hở tiếp xúc với lạnh.
Mọi người đều có thể bị nổi mề đay do lạnh, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, vùng, miền. Vì vậy, ai cũng cần đề phòng mắc bệnh, nhất là trong mùa đông giá rét. Việc ăn, uống cũng góp phần quan trọng trong việc phòng bệnh mề đay tái phát. Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh như tôm, cua, ốc, lạc, dứa… 
Không nên uống rượu, bia bởi các thức uống này là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát. Tránh để lạnh xảy ra đột ngột, khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, cần mặc đủ ấm, nhất là khi ra khỏi nhà và không nên nằm ngủ trong phòng có gió lùa lạnh. Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp trên miệng, mũi, hầu họng để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn, virut. 
Hàng ngày, nên đánh răng sau bữa ăn và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước muối sinh lý. Khi bị nổi mề đay, bạn cần hạn chế gãi để tránh gây xây xát, chảy máu tránh bội nhiễm da, mưng mủ dễ gây biến chứng nặng.

 

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Phú Vinh/Theo SKĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập126
  • Hôm nay14,450
  • Tháng hiện tại277,612
  • Tổng lượt truy cập35,923,957
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây