Thế nào là ‘nghèo khổ’?

Chủ nhật - 09/09/2018 09:24

Thế nào là ‘nghèo khổ’?

Ta vẫn hay quen miệng nói “nghèo khổ” hay “nghèo hèn”, lâu dần, ta không còn biết đến một cảnh giới mà chỉ có nghèo nhưng không khổ, nghèo nhưng không hèn. Đó là cảnh giới của Trang Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca và các cao nhân đắc Đạo.

Trang Tử bận áo vải mà vá, giầy cột bằng dây gai. Gặp Ngụy Vương, Ngụy Vương nói: “Tiên sinh khổ não thế ư?”.

Trang Tử trả lời:

“Nghèo, chứ không khổ. Kẻ sĩ có đạo đức không bao giờ khổ. Áo rách giầy hư là nghèo, không phải khổ. Đó chẳng qua vì không gặp thời mà thôi. Phàm con khỉ con vượn nhảy nhót được thong thả là nhờ gặp được rừng cây to cành dài, trơn tru dai dẻo. Dù cho bậc thiện xạ như Phùng Mông cũng không sao hạ nó được. Nếu nó rủi gặp phải cành cây khô, gai góc thì sự hoạt động ắt khó khăn chậm chạp. Cũng thời một con thú mà sự cử động dễ khó khác nhau, chẳng qua vì gặp phải hoàn cảnh không thuận làm cho nó không tự do dùng tận sở năng của nó. Nay, sinh không nhằm thời, trên thì hôn ám, dưới thì loạn tặc, lại không muốn cực nhọc vất vả có được không?”.

***

Ta vẫn hay quen miệng nói “nghèo khổ” hay “nghèo hèn”, ấy là vì ta vẫn đồng nhất chúng với nhau. Đã nghèo là phải khổ, nghèo là phải hèn. Chúng ta có vẻ rất quả quyết về điều ấy. Nên thay vì chỉ nói “nghèo” thì ta tự ý thêm cho nó “khổ” hoặc “hèn”. Lâu dần, ta không còn biết đến một cảnh giới mà chỉ có nghèo nhưng không khổ, nghèo nhưng không hèn. Đó là cảnh giới của Trang Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca và các cao nhân đắc Đạo.

Thế nào là ‘nghèo khổ’? Câu chuyện của Trang Tử làm thay đổi quan niệm bao người
Những người ở cảnh giới tinh thần cao thì nghèo nhưng không khổ. (Ảnh: youtube.com)

Người ta còn khổ vì cái nghèo là bởi họ không chịu được sự thiếu thốn của vật chất, sự giày vò của xác thịt, sự dằn vặt của cái tâm chấp trước vào danh lợi, vào hình thức con người trong đó có sĩ diện của bản thân (danh)… hay sự trói buộc của cái tình yêu ghét của con người thế gian đối với cảnh nghèo của họ. Có người không thấy nghèo là khổ, nhưng bị người thân, vợ con dằn vặt mà khổ lây, ấy cũng là bị tình làm động tâm. Cho nên, chấp vào Danh, Lợi, Tình thì mới thấy nghèo là khổ, nghèo là hèn.

Tất nhiên, đối với thường nhân chúng ta, nghĩ thế cũng không sai. Nhưng chúng ta đừng quên rằng vẫn có những bậc Thánh nhân xem thường Danh, Lợi, Tình dù họ không lấy khổ hạnh làm mục đích. Những bậc ấy xem thường sự khổ, thậm chí lấy khổ làm vui, nhưng mục đích cuối cùng là thoát ra khỏi cái khổ của con người thế gian. Thời nào cũng có những người như vậy.

Ngụy Vương, một quân vương đứng đầu một nước, trên cả muôn người nhưng vẫn là một thường nhân, lại từ cái khổ của “bụng ta” suy ra cái khổ của “bụng người” tức là của Trang Tử thì suy thế nào được. Chẳng phải như con chim cưu, con ve sầu mãi mãi không hiểu được con chim Bằng ở bể Bắc cánh lớn đến mấy nghìn dặm sao phải bay đến chín ngàn dặm cao để thấy màu xanh của vô cùng thăm thẳm?

Cũng như lý luận thô thiển của Bắc Kinh rằng họ đã giúp Tây Tạng, giúp người Tạng hiện đại hóa. Nếu không có họ thì người dân Tây Tạng làm gì có đường nhựa, đường sắt mà đi, làm gì có cao ốc mà ở, làm gì có các tiện nghi vật chất như bây giờ. Nên chính quyền Bắc Kinh đã giúp cho Tây Tạng phát triển, người dân Tây Tạng bớt khổ, người Tạng phải biết ơn chứ sao lại chống đối? Họ hoàn toàn không cần xét đến người dân Tây Tạng, một dân tộc thuần tín ngưỡng Mật giáo, có cần đến sự “phát triển”, “hiện đại hóa” ấy hay không? Có coi cuộc sống thiếu vắng những tiện nghi ấy là khổ hay không? Có đặt mục tiêu cuộc đời là hưởng thụ những tiện nghi vật chất hay không?

Cái người dân Tây Tạng cần là Bắc Kinh phải tôn trọng tín ngưỡng của họ, tôn trọng quyền tự do của họ, đừng đập phá chùa chiền, đánh đập sư tăng, hãy trả lại cho họ đất trời, thiên nhiên và văn hóa của dân tộc Tạng.

Thế nào là ‘nghèo khổ’? Câu chuyện của Trang Tử làm thay đổi quan niệm bao người
Cũng giống như câu chuyện người dân Tây Tạng, điều họ mong muốn chính là hạnh phúc trong tâm hồn. (Ảnh: youtube.com)

Hãy quay lại câu chuyện giữa Trang Chu và Ngụy Vương về chữ “nghèo”. Bậc trí giả đã thông hiểu lẽ huyền diệu của tạo hóa, tỏ tường thiên cơ, nắm rõ thịnh suy của xã hội, của đời người thì còn đặt mục tiêu trở thành “phú gia địch quốc” để hưởng cái sung sướng ngắn ngủi chật hẹp của kiếp người nữa chăng? Đã không mong giàu thì ắt họ không thể giàu.

Nhưng dù bậc trí giả chẳng cầu sự giàu sang thì đấng minh quân biết trọng người hiền cũng phải rước họ về làm thầy mà đãi vào bậc thượng khách để mong họ ra sức cho nước nhà cường thịnh. Người hiền, kẻ tài cao chí cả sống trong nước của vua mà vua chẳng thèm ngó ngàng gì tới thì nói gì đến dân thường? Có phải vua mới chính là kẻ nghèo trí tuệ hay không? Người tài mà lại phải mất thời gian lo cơm ăn áo mặc thì sao có thì giờ đóng góp cho quốc gia? Ấy là lãng phí. Mà người tài bị lãng phí thì có phải đất nước sẽ nghèo đi không? Không phải lỗi của nhà cầm quyền như Ngụy Vương thì lỗi của ai?

Rõ là như lời Trang Chu: “Sinh không nhằm thời, trên thì hôn ám, dưới thì loạn tặc lại không muốn cực nhọc vất vả có được không?”.

Ấy, hoàn cảnh như thế, thời thế như vậy, muốn không nghèo cũng khó. Cũng đành như con vượn con khỉ sống ở nơi cành khô dễ gãy, gai góc khó trèo, như hạt giống gieo vào sa mạc mà thôi.

Tỉnh Thức


Buông bỏ muộn phiền

Đời người nếu như cứ mải đắm chìm trong được mất và vui buồn oán giận, thì rất dễ trở nên mệt mỏi chán nản. Trong cuộc sống hiện đại xô bồ và vội vã, muốn hạnh phúc ắt phải học cách buông bỏ nhiều thứ, có như vậy mới khiến chúng ta có được thân cường, tâm thản.

Có câu chuyện kể rằng, có một chàng trai vác trên mình một bao vải rất nặng, gắng hết sức cất từng bước trèo lên đỉnh núi cao. Chàng muốn đi tìm gặp Viên Thành đại sư, bởi chàng nghe nói rằng ông có thể giải quyết bất kỳ khó khăn nào cho mọi người.

Sau bao ngày vất vả trèo đèo lội suối, cuối cùng chàng trai trẻ cũng có thể tới được đỉnh núi cao, anh ta đã gặp được đại sư Viên Thành. Anh nói với đại sư: “Thưa đại sư, con cảm thấy rất cô đơn tịch mịch, nhưng lại chẳng thể tìm thấy nguyên nhân tại sao? Còn thường phải đón nhận những tổn thương một cách vô duyên vô cớ, điều đó khiến con bây giờ cảm thấy cuộc đời chả còn gì vui, đối với cuộc sống chẳng chút gì hi vọng. Vậy nên con đặc biệt muốn đến đây xin đại sư khai thị cho con”.

Viên Thành đại sư vừa nghe vừa lần tràng hạt niệm chú, hai mắt nhắm khẽ. Sau khi nghe chàng trai nói xong mới hỏi: “Thí chủ, xin hỏi trong bao vải kia của thí chủ đựng những gì vậy?”.

Chàng trai đau khổ trả lời: “Đó là những phiền phức sinh ra sau mỗi lần con thấy cô đơn, và cả nước mắt và sự ủy khuất sau mỗi lần con cảm thấy mình bị tổn thương. Vì sự tồn tại của nó nên khiến cho cuộc sống của con trở thành tuyệt vọng như thế này”.

Sau khi nghe chàng trai đáp, đại sư đứng dậy bảo chàng trai cùng đi với mình đến một nơi. Đại sư dẫn chàng trai đến bên một hồ nước, ở đó có một chiếc thuyền. Đại sư bảo chàng trai cùng lên thuyền với mình rồi chèo sang bờ bên kia. Sau khi lên bờ, đại sư yêu cầu chàng trai gánh thuyền lên vai rồi đi. Chàng trai lúc này thực sự không hiểu dụng ý của đại sư, cảm thấy thật khó hiểu bèn hỏi đại sư: “Thuyền nặng như thế này, sao vác nổi đây?”.

Đại sư nhìn bộ mặt vừa nghi hoặc vừa khổ não của chàng trai, cười nói: “Ta biết thí chủ sẽ gánh không nổi, thuyền nặng thế này đối với hai chúng ta là không cách nào có thể vác nổi. Chúng ta phải dựa vào nó mới có thể sang được bờ bên này, sang được bờ bên này rồi thì phải bỏ chiếc thuyền này lại đi. Nếu chúng ta không bỏ nó đi mà lại vác nó trên vai để mà đi bộ tiếp, chẳng phải thuyền đã trở thành gánh nặng cho chúng ta hay sao?”.

Chàng trai nghe xong, dường như cũng cảm ngộ được ra điều gì đó, tuy nhiên lại không thực sự minh bạch rõ ràng. Đại sư thấy vậy, giải thích tiếp: “Điều này cũng giống như những cô đơn lạnh lẽo, nước mắt và thống khổ của thí chủ vậy. Cuộc sống của thí chủ cũng nhờ đó mà đa dạng sắc màu, nó là bàn đạp giúp thí chủ trưởng thành thêm. Tuy nhiên nếu như thí chủ cứ mãi một mực chìm đắm trong sự đau khổ, cô đơn này thì ngược lại, những thứ đó lại trở thành gánh nặng cho mình”.

Những lời của đại sư đã khiến chàng trai như bừng tỉnh cơn mê, chàng trai nhẹ nhàng chậm rãi bỏ chiếc bao vải trên lưng mình xuống. Một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái như được thoát cái xác nặng nề mà trước nay mình chưa từng được cảm nhận.

***

Trong cuộc đời của mỗi người, điều chúng ta làm, việc chúng ta thấy và người chúng ta gặp sẽ là nhiều không kể xiết, trong đó có chuyện vui, có chuyện buồn, có người tốt kẻ xấu. Nếu bất cứ việc gì, bất cứ ai chúng ta cũng đều giữ chặt trong tâm, ắt sẽ trở thành gánh nặng trong lòng, khiến chúng ta không thể hạnh phúc.

Buông bỏ muộn phiền: Bí quyết thăng hoa đến bến bờ hạnh phúc
Nếu chuyện gì chúng ta cũng đều giữ chặt trong tâm, ắt sẽ trở thành gánh nặng trong lòng. (Ảnh: pinterest.com)

Cuộc sống xưa nay vốn rất đơn giản, có chăng chỉ là lòng người phức tạp mà thôi. Cuộc sống muôn dạng sắc màu ấy mới là cuộc sống, và đời người chúng ta cũng lại như thế, chúng ta thử tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu như thế gian này chỉ có hai màu trắng đen.

Cuộc đời của chúng ta cũng lại như vậy, nếu như không có khổ đau sẽ chẳng hiểu thế nào là hạnh phúc, không có thất bại sao hiểu cảm giác thành công.

Vậy nên, làm người điều quan trọng là có thể nhìn thông, nghĩ thấu, tỏ tường đạo lý nhân sinh, việc gì nên bỏ, điều gì nên giữ. Làm được như vậy thì còn có gì có thể khiến chúng ta không thể hạnh phúc!

 

 
 

Tác giả bài viết: Tây Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập138
  • Hôm nay15,276
  • Tháng hiện tại236,504
  • Tổng lượt truy cập35,502,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây