Thụy Sĩ "keo kiệt" trong mắt người Trung Quốc.

Thứ hai - 06/08/2018 10:23

Thụy Sĩ "keo kiệt" trong mắt người Trung Quốc.

Ước gì người VN học được một bài học. Tinh thần tiết kiệm của họ thực sự lành mạnh, thực sự có lý trí. Một quốc gia, một dân tộc như vậy nhất định sẽ có tương lai sáng sủa.

Trong 2 nhiệm kỳ làm đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Thụy Sĩ, tổng cộng tôi đã ở đất nước này 5 năm rưỡi.

Ai cũng biết đây là quốc gia giàu nhất thế giới xét về thu nhập bình quân đầu người. Song chắc ít người biết về tính cần cù tiết kiệmcủa người Thụy Sĩ.

“Chớ nên đánh giá qua y phục”

Hồi mới đến Thụy Sĩ, tôi và bà xã có tổ chức một bữa ăn tối mời gia đình bà Monica, Chủ tịch Hội Hữu nghị với các dân tộc. Tuy mới lần đầu quen biết nhưng trong bữa tiệc bỗng nhiên bà Monica bảo tôi: “Các ngài ở chỗ này cách Hồ Lớn không xa, chắc sẽ có nhiều dịp ra bờ hồ bách bộ. Nếu trong lúc đi dạo mà có gặp người Thụy Sĩ thì xin khuyên các ngài chớ nên đánh giá họ qua y phục bên ngoài. Rất có thể, trong số những người ăn vận rất bình thường ấy lại có những vị triệu phú hoặc tỷ phú đấy ạ!”

Nghe bà Monica nói vậy, tôi có chút ngạc nhiên. Nhưng về sau qua nhiều lần tiếp xúc với người Thụy Sĩ, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về giá trị của lời khuyên ấy. Có thể nói bà Monica đã giúp tôi chiếc chìa khóa để quan sát xã hội và tập tục của người dân Thụy Sĩ.

Hãy tưởng tượng trong các bữa tiệc ở Trung Quốc giả thử nhìn thấy các vị khách dùng bánh mỳ vét sạch như lau như li thức ăn còn lại trong đĩa, chắc hẳn chủ nhân nếu không ngất xỉu thì cũng trố mắt lè lưỡi vì ngạc nhiên. Thế nhưng ở Thụy Sĩ thì không ai lấy đó làm lạ. Chủ và khách ai nấy đều vét sạch đĩa chẳng ngượng ngùng chút nào. Nói chung thứ gì đã bày lên bàn, đã múc vào đĩa rồi thì đều phải ăn cho bằng hết. Để lại thức ăn thừa trong đĩa là bất kính đối với chủ nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một hôm tôi mời ông bà M. đến thăm biệt thự gia đình tôi trọ ở Bern (thủ đô Thụy Sĩ). Chúng tôi quen nhau từ hồi tôi làm Tổng Lãnh sự tại Zurich. Ông M. là chủ một hãng ô tô ở đấy, có gia sản vào cỡ chục triệu đô-la.

Hôm ấy hai ông bà đi xe riêng tự lái đến chỗ chúng tôi. Tuy là chủ hãng xe hơi nhưng chiếc xe của họ chỉ là một chiếc Audi bình thường đã cũ, không phải loại xe xịn.

Khi xe của tôi vừa từ Đại sứ quán về tới biệt thự để chuẩn bị đón khách thì gặp xe của ông bà M. ngay tại cổng khuôn viên sứ quán. Tôi thấy họ đang vội vã thay quần áo, cởi bỏ quần áo đi đường để mặc lễ phục.

Zurich cách chỗ chúng tôi khoảng một giờ rưỡi chạy xe. Rõ ràng 2 ông bà khi đi xe thì chỉ mặc quần áo bình thường- chắc là để lái xe được thoải mái, cũng có thể là do tôn trọng chúng tôi nên họ muốn giữ cho bộ lễ phục không bị nhàu nát do ngồi xe. Nhưng cũng rất có thể là do họ tiếc rẻ không muốn mặc bộ lễ phục đắt tiền khi chưa thực sự cần tới.

Sau khi phát hiện sự việc ấy, trong suốt buổi tiếp khách, tôi rất để ý quan sát cách ăn vận của ông bà M. Thật ra những bộ lễ phục họ mặc chưa phải là loại hàng xịn, cũng không phải là loại mốt mới nhất, tuy giản dị nhưng trông vẫn trang nhã lịch sự.

Trong mấy năm ở Thụy Sĩ, tôi đã không ít lần trông thấy các vị khách nước này khi đến thăm chúng tôi thì mặc lễ phục lịch sự, nhưng khi đã cáo từ ra về là họ lập tức thay quần áo trước khi lên xe.

Trong con mắt người Trung Quốc chúng ta, việc thay quần áo trước mặt người khác chẳng ít thì nhiều cũng có chút xấu hổ. Ấy thế mà người Thụy Sĩ làm việc đó hoàn toàn tự nhiên coi như không có kiêng dè gì cả. Vị Đại sứ tiền nhiệm của tôi cũng từng để ý tới chuyện thay quần áo ấy, và khi tôi mới tới đây nhậm chức, ông đã kể lại việc này để giới thiệu cho tôi biết tác phong sinh hoạt giản dị tiết kiệm của người Thụy Sĩ, vừa kể ông vừa tấm tắc khen.

Chủ và khách đều vét sạch đĩa thức ăn

Trong những buổi chiêu đãi khách ăn uống, thực đơn chính thức của Đại sứ quán chúng tôi bao giờ cũng gồm 4 món chính và một món canh, chưa kể các món đồ nguội khai vị và đồ ngọt điểm tâm. Thực đơn ấy dịch ra tiếng nước ngoài in kín một trang giấy, thật là ê hề.

Tôi đã không ít lần nhắc nhở người đầu bếp của Sứ quán là thức ăn phải làm thật ngon nhưng số lượng nên bớt đi. Có điều lần nào đầu bếp cũng thanh minh rằng lượng thức ăn ít thì khó coi- ông này bao giờ cũng chỉ muốn giữ thể diện.

Thực đơn mời khách của người Thụy Sĩ đơn giản hơn nhiều, chỉ có mấy thứ: Món nguội, món súp, một món chính và đồ ngọt. Nếu hôm nào trên bàn có bày hai món nóng thì nhất định đó phải là trường hợp ngoại lệ. Điều thú vị là mỗi khi ăn món nguội, bao giờ cũng thấy họ bày lên bàn những lát bánh mỳ nướng để thực khách dùng bánh vét sạch thức ăn trong đĩa.

Hãy tưởng tượng trong các bữa tiệc ở Trung Quốc giả thử nhìn thấy các vị khách dùng bánh mỳ vét sạch như lau như li thức ăn còn lại trong đĩa, chắc hẳn chủ nhân nếu không ngất xỉu thì cũng trố mắt lè lưỡi vì ngạc nhiên. Thế nhưng ở Thụy Sĩ thì không ai lấy đó làm lạ. Chủ và khách ai nấy đều vét sạch đĩa chẳng ngượng ngùng chút nào. Nói chung thứ gì đã bày lên bàn, đã múc vào đĩa rồi thì đều phải ăn cho bằng hết. Để lại thức ăn thừa trong đĩa là bất kính đối với chủ nhân.

Một lần tôi được mời đến dùng cơm tại nhà một bạn người Thụy Sĩ. Tôi thấy các gia đình bên này rất hiếm khi thuê người giúp việc, chỉ khi nào mời nhiều khách thì chủ nhà mới nhờ bạn bè hoặc con cháu đến giúp. Nói chung là bà chủ nhà tự tay làm một hai món ăn nóng, còn ông chủ thì tiếp rượu hoặc nước ngọt.

Bữa ăn hôm ấy có món chính là món biptêt- thịt bê thái sẵn từng miếng để ngay trên bàn, vừa rán vừa ăn. Tôi liếc mắt nhìn thì thấy thịt rất tươi ngon, mỗi miếng to bằng lòng bàn tay. Chủ nhân nói: Mỗi người 1 miếng, không hơn không kém. Chuyện này tôi nhớ rõ lắm, không thể nào quên được. Phần vì khâm phục sự tính toán chi li căn cơ của chủ nhân, phàn vì chạnh lòng nghĩ đến cảnh ở Trung Quốc khắp nơi người ta nhậu nhẹt tràn lan say sưa tối ngày, thức ăn thừa mứa phí phạm không thể nào kể hết sự tốn kém.

Là đại sứ của một quốc gia dĩ nhiên tôi thường giao tiếp với những người Thụy Sĩ thuộc loại có địa vị trong xã hội, như chủ các doanh nghiệp lớn, chủ nhà băng lớn và các quan chức cấp cao trong chính quyền. Thế mà tất cả họ đều tiết kiệm như vậy. Chẳng nói cũng biết những người dân thường thì càng tiết kiệm hơn nhiều. Người bạn Thụy Sĩ mời tôi dùng cơm kể trên là chủ một công ty xây dựng lớn và cũng là một nhà giàu loại kễnh không bao giờ tiêu hết tiền.

Ngân sách nhà nước tính từng đồng

Một số phái đoàn Trung Quốc có việc ra nước ngoài phải đi qua đất Thụy Sĩ thường phàn nàn với tôi là người Thụy Sĩ quá ư keo kiệt. Lần nào cũng vậy tôi đều cười cười tránh trả lời họ vì quả thật tôi chẳng biết nói gì.

Không thể phủ nhận là người Thụy Sĩ quản lý tiền nong của cải cực kỳ chặt chẽ, có lúc đến là kỳ quặc.

Tôi nhớ có lần một vị tướng Thụy Sĩ đến chơi chỗ tôi nói là ông đang có chuyện không vui sau khi vừa họp ở chỗ Quốc hội về đến đây: Các nghị sĩ đang rà soát xét duyệt ngân sách quân sự, họ không bỏ qua bất cứ khoản dự toán nào của Bộ Quốc phòng. Có khoản chi chỉ 2-3 nghìn đồng CHF (Phơ-răng Thụy Sĩ;1 USD = 1,46 CHF) cũng bị Quốc hội gạch bỏ, thật ớn hết chỗ nói!

Nên nhớ rằng lương tháng bình quân của công nhân Thụy Sĩ vào khoảng 5000 CHF. Qua đó có thể thấy ngân sách của Thụy Sĩ được chuẩn bị hết sức chi li, rà soát xét duyệt rất chặt chẽ. Ngân sách quân sự cũng vậy, không hề được chiếu cố; khi Quốc hội đã thông qua là thành pháp lệnh.

Các nghị sĩ Quốc hội Thụy Sĩ không lĩnh lương, chẳng ai có thể sống bằng chức nghị sĩ. Nghĩa là họ phải làm thêm các công việc khác, chỉ được nhận phụ cấp trong thời gian họp Quốc hội. Họp bao nhiêu ngày thì lĩnh bấy nhiêu ngày phụ cấp. Số ngày và số tiền đều ấn định không đổi.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng được quy định chặt chẽ: Mỗi năm chỉ được cử 2 đoàn đại biếu đi thăm nước ngoài và tiếp 2 phái đoàn Quốc hội nước ngoài đến thăm Thụy Sĩ. Quy định rõ ràng như vậy thì chẳng ai còn có thể nói gì được; có chăng chỉ là phàn nàn với nhau mà thôi.

Việc quản lý tài chính của các cơ quan nhà nước cũng rất nghiêm ngặt. Điều này tôi đã thấy rõ qua việc họ thu xếp đón tiếp các phái đoàn Trung Quốc. Tiếp đón bao nhiêu người, trong bao lâu- tất cả đều bàn định xong xuôi từ trước. Những lần chính phủ và các doanh nghiệp cùng bỏ tiền đón tiếp một đoàn khách, khi ấy cũng phải bàn định trước, nói rõ mọi việc đâu ra đấy.

Thí dụ từ giờ nào ngày nào cho đến giờ nào ngày nào là do Nhà nước tiếp đãi; thời gian còn lại là do khối doanh nghiệp tiếp đãi; ai tiếp người ấy chịu chi phí. Nếu đón một đoàn lớn thì phía Thụy Sĩ đều thông báo rõ mọi chi tiết như nhà nước chỉ chi phí tiếp mấy vị khách, mỗi vị mỗi ngày bao nhiêu tiền. Nhà nước hoan nghênh khách đến thăm Thụy Sĩ, nhưng khách phải tự chịu chi phí v.v…

Chẳng nói cũng rõ, cung cách quản lý như vậy gây ra khá nhiều khó khăn cho các nhân viên Sứ quán Trung Quốc. Họ phải mất khá nhiều thời gian bàn bạc, thông cảm, thậm chí mặc cả với phía Thụy Sĩ. Nhưng lâu ngày rồi chúng tôi cũng hiểu ra một điều: Đối với người Thụy Sĩ, hữu nghị là hữu nghị, còn tiền bạc là tiền bạc. Hơn nữa, ngân sách nhà nước của họ rất chặt, không thể xin xỏ gì thêm dù chỉ là một đồng Phơ-răng.

“Keo kiệt” là mỹ đức.

Đại để từ những chuyện kể trên người ta đi đến kết luận là dân Thụy Sĩ “keo kiệt”. Tôi thêm dấu ngoặc kép vào từ keo kiệt bởi lẽ tôi cho rằng kết luận như trên là có phần nông cạn, phiến diện. Tôi nghĩ rằng cái đó chính là đức tính tốt đẹp của người Thụy Sĩ, là tinh thần dân tộc vĩ đại và đáng quý.

Thụy Sĩ là một nước nhỏ, núi đồi chiếm hầu hết diện tích lãnh thổ. Dãy núi Alps (An-pơ) xuyên suốt đất nước, hầu như không còn mấy vùng đồng bằng. Nước này không có tài nguyên khoáng sản gì đáng kể, lại không giáp biển, điều kiện thiên nhiên rất xấu. Một quốc gia như vậy mà nhiều năm qua được Ngân hàng Thế giới đánh giá là giàu nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người vượt quá 40 nghìn USD.

Được như vậy là nhờ mấy thế hệ người Thụy Sĩ đã phấn đấu gian khổ, chắt chiu từng xu  mà có. Ngày xưa họ là một nước nghèo xơ nghèo xác, tới mức người dân phải kiếm sống bằng cách ra nước ngoài đi làm lính đánh thuê cho người ta, đổi xương máu lấy miếng ăn nuôi gia đình.

Mọi người đều biết cho tới nay toàn bộ đội vệ binh của thành Vatican ở Italy đều là người Thụy Sĩ. Dĩ nhiên ngày nay họ làm lính gác không phải để kiếm sống nữa, mà chỉ để thừa kế truyền thống một giai đoạn lịch sử khó khăn vất vả của đất nước họ.

Mỗi lần trò chuyện với các bạn Thụy Sĩ về tác phong cần kiệm, họ đều kể lại cho tôi nghe về lịch sử nước họ, kể lại cuộc sống bần hàn khốn khó xa xưa. Giờ đây Thụy Sĩ giàu tới mức có thể nói là “nứt khố đổ vách”, song họ không hề quên quá khứ, quên lịch sử. Họ chẳng hề vì giàu có mà phát điên phát rồ vung tay tiêu tiền, xa hoa lãng phí. Tinh thần tiết kiệm của họ thực sự lành mạnh, thực sự có lý trí. Một quốc gia, một dân tộc như vậy nhất định sẽ có tương lai sáng sủa.

Bà Monica nói rất đúng: Những người Thụy Sĩ giàu có đều rất bình dị, không kiêu ngạo, không khoe của. Họ không phô trương sự giàu có của mình qua cách tiêu tiền, mua sắm, ăn mặc
 

 


Nguồn tin: Nguyên Hải lược dịch theo Tạp chí World Affairs

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập57
  • Hôm nay14,290
  • Tháng hiện tại433,685
  • Tổng lượt truy cập32,417,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây