Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 29/06/2022 08:51
Giáo Hội Công giáo nước Đức được biết đến với những cơ cấu truyền thống về nếp sống đức tin, về cơ sở cùng tài chánh, và nhất là việc quảng đại bác ái trợ giúp các dự án cho các Giáo phận, Dòng Tu…trên thế giới. Từ ngày 01.tháng Mười Hai 2019 Giáo hội Công giáo nước Đức được bình luận nói đến nhiều hơn nữa. Vì Giáo hội nơi đây tổ chức chương trình cải cách xét lại con đường sống đức tin làm sao cho phù hợp với những thách thức đòi hỏi của thời đại: Con đường công nghị. Con đường công nghị được Hội đồng Giám mục Đức cùng với Ủy ban trung ương người giáo dân Công giáo nước Đức –Zentralkomitee der deutschen Katholiken(ZdK) đề xướng tổ chức những cuộc hội thảo bàn luận xét lại về vai trò của nữ giới trong đời sống Giáo hội, về độc thân đời sống Linh mục, về giáo huấn luân lý giới tính, về việc quản trị trong Giáo Hội. Những đề tài nóng bỏng thời sự này gây chia rẽ, hiểu trái ngược với truyền thống trong nếp sống Giáo hội hoàn vũ. Và cũng đưa đến sự hoang mang cho mọi người, cùng đã có những tiếng nói ý kiến trên thế giới phản bác cảnh cáo chống lại Con đường công nghị. Nhưng những cuộc hội thảo bàn luận vẫn không dừng lại… Con đường Công nghị mong muốn khôi phục lại đời sống thực hành đức tin, ít là trong lòng Giáo Hội nước Đức. Vì nơi đây đang gặp cơn khủng hoảng trầm trọng mất sự tin tưởng, do tình trạng lạm dụng tình dục từ những thập niên qua.
Hôm 27.06.2022 Hội đồng Giám mục Công giáo nước Đức, như hằng năm, đưa ra bản thống kê về tình trạng đời sống Giáo hội nơi đây cho năm đã qua 2021. Những con số thống kê không phản ảnh tích cực như Con đường Công nghị mong muốn. Giáo hội Công giáo nước Đức có 27 Giáo Phận với 21.645.875 tín hữu Công giáo, tương đương với 26 % dân số nước Đức.
Vì số giáo dân càng ngày càng giảm ít đi, nên các Giáo phận đã đưa ra những đề án cải cách về cấu trúc những xứ đạo gần nhau hợp chung lại thành một giáo xứ. Như Tổng Giáo Phận Cologne bây giờ thu gọn còn 186 đơn vị liên giáo xứ, mỗi đơn vị có hai Linh mục coi sóc chịu trách nhiệm về mục vụ. Và có chương trình đề án năm 2030 sẽ có còn khoảng hơn kém 60 vùng mục vụ trong toàn Tổng giáo Phận. Nơi các Giáo phận khác cũng đã và đang có chương trình cải cách cấu trúc các xứ đạo lại cho thích hợp với nhu cầu thời đại. Năm 2021 có 9.790 giáo xứ với 12.280 Linh mục cai quản, cùng với 3.253 vị Phó tế vĩnh viễn, 3.198 vị Giảng viên Giáo lý cấp độ 1. ( Pastoralreferenten) Nữ và Nam, và 4.318 Vị Giảng viên Giáo Lý cấp độ 2. ( Gemeinderefernten) Nữ và Nam. Năm 2021 có 62 tân Linh mục được phong chức cho Giáo hội nước Đức: 48 tân Linh mục triều thuộc các Giáo phận và 14 tân Linh mục Dòng thuộc các Dòng tu. Theo tin tức từ Giáo Hội Công giáo Việt Nam, riêng năm 2022 có 141 tân Linh mục được phong chức trong các Giáo phận bên Việt Nam. Số giáo dân tham dự Thánh lễ năm 2021 là 4,3 % , giảm so với năm 2020 là 5,9%.
Làn sóng số người tín hữu Công giáo quay lưng ra khỏi Giáo Hội năm 2021 đạt tới mức kỷ lục 359.338 người ( so với năm 2020 có 221.390 người, năm 2019 có 272.771 người xin ra khỏi nhà thờ). Con số thống kê về tình trạng số người quay lưng xin ra khỏi Giáo hội nước Đức thật ảm đạm. Con số mất mát này nhiều hơn tổng số giáo dân sống giữ đạo của giáo Phận Vinh bên Việt Nam với 296.636 giáo dân, và nhiều hơn cả số giáo dân sống giữ đạo của Giáo phận Long Xuyên với 232.526 giáo dân. Theo dự đoán năm 2060 số người tín hữu Chúa Kitô, cả Giáo hội Công giáo và Tin lành, sẽ còn giảm nữa, có thể không đạt tới một phần ba dân số toàn nước Đức. Ngày xưa cách đây hàng trăm năm những vị Thừa Sai xuất thân từ bên Âu Châu, nôi của đạo Công giáo, nôi nền văn minh Kitô giáo, sang truyền giáo gieo vãi tin mừng đạo Công giáo đến các nước bên Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ…Nhưng ngày nay chính Giáo Hội địa phương nơi đây đang lâm vào tình trạng con đường khủng hoảng suy giảm đưa ra những đề án canh tân xét lại thu gọn nhỏ lại về số lượng lẫn cả chất lượng. Dẫu vậy, Lời Chúa Giêsu đoan hứa từ ngàn xưa vẫn luôn là đà sức lực, điểm tựa cho đời sống đức tin hôm qua, hôm nay và ngày mai, : “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28, 20). Lễ mừng kính hai Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ, 29.06.