12 lời khuyên về cuộc sống từ thiền sư sẽ thay đổi cuộc đời bạn

Thứ ba - 28/06/2022 19:47
tải xuống (1)
tải xuống (1)

Hạnh phúc và bất hạnh của con người không chỉ tùy thuộc vào tiền. Nếu con số trong tài khoản tín dụng của bạn là thước đo lường hạnh phúc, thì sự việc sẽ đơn giản xiết bao. Tuy nhiên thực sự nó không phải như thế! Đó là một trong những lời khuyên quý báu của Thiền sư Kodo Sawaki . 

Kodo Sawaki (1880-1965) hay “Kodo – Kẻ không nhà”, là một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Là trẻ mồ côi, 16 tuổi xuất gia, sau bị gọi nhập ngũ, chiến tranh kết thúc Sawaki quay về tiếp tục tu học thiền rồi đi khắp nơi để dạy thiền.
Dưới đây là một số lời khuyên dạy của Kodo Sawaki được môn sinh tập hợp thành “Gửi bạn”, xin chia sẻ đến bạn đọc cùng suy ngẫm.
1. Gửi người bắt đầu biết suy ngẫm về cuộc đời
Ở một số nơi tại Mãn Châu, các cỗ xe thường do các chú chó to lớn kéo. Bác xà ích treo một miếng thịt trước mũi chó, và chú chó chạy như điên theo miếng thịt. Nhưng dĩ nhiên là chú không bao giờ với tới. Chú chỉ được vứt cho miếng thịt khi cỗ xe đã về tới đích. Rồi chỉ trong tích tắc, chú nuốt chửng miếng thịt xuống cổ họng.
Người đi làm với đồng lương cũng y hệt như thế. Từ đầu tháng cho đến cuối tháng, họ cũng chạy theo đồng lương treo trước mũi. Một khi đã lãnh lương, họ cũng ngốn nó, và lại sẵn sàng chạy tiếp theo kỳ lương tới. Không ai có thể thấy xa hơn đầu mũi của mình.
Câu hỏi là: Tại sao bạn phải khốn khổ như thế?
Nếu không cẩn thận, bạn sẽ phí hết cuộc đời mình không làm gì ngoài việc chờ đợi những hy vọng tầm thường nhất của mình có thể thành tựu.
2. Gửi người không thể nào dừng lo lắng người khác nghĩ về mình như thế nào
Bạn không thể nào đổi bất cứ thứ gì với người khác. Mỗi và mọi người phải sống cuộc đời riêng của mình.
Đừng phí thời gian suy xét xem ai là người tài giỏi nhất.
Mắt không nói, “chúng tôi thấp hơn, nhưng thấy nhiều hơn”. Chân mày không trả lời, “đúng, chúng tôi không thấy gì, nhưng chúng tôi ở cao hơn”.
Mũi không thể thay mắt, và miệng không thể thay cho tai.
Mọi thứ đều có nhiệm vụ riêng của mình, mà không gì trong vũ trụ có thể thay thế.
3. Gửi người đã hoàn toàn mệt mỏi trong việc đấu tranh với người phối ngẫu
Vấn đề không phải ai là người đúng. Đơn giản là các bạn nhìn sự việc theo quan niệm khác nhau. Khi bạn bắt đầu nói “Tôi…”, mọi thứ theo sau đều là ảo tưởng.
Hãy thôi cố gắng làm một người đặc biệt – hãy cứ là chính mình. Hãy kiềm chế và ngồi xuống!
4. Gửi người nghĩ làm giống người khác là có lợi
Bạn luôn bám theo người khác. Nếu họ ăn khoai chiên, bạn cũng đòi ăn khoai chiên. Nếu ai đó ăn kẹo, bạn cũng muốn ngậm kẹo. Nếu ai đó thổi còi, bạn cũng kêu đòi: “Mẹ ơi, mua cho con cái còi”. Và điều đó không chỉ xảy ra đối với con trẻ.
Khi mùa xuân tới, bạn quay cuồng theo mùa xuân. Khi thu đến, bạn chạy theo mùa thu. Ai cũng chờ đợi thứ gì đó để chạy đuổi theo. Có người còn kiếm sống được nhờ sự chạy đuổi theo đó – họ làm nghề quảng cáo.
Với từng cá nhân, chúng ta còn chịu đựng nổi, nhưng khi họ lập thành nhóm, họ bắt đầu trở nên quái dị. Họ bị rơi vào sự ngu ngốc của nhóm, của bầy đàn.
Khi sống trong sự ngu ngốc của nhóm, chúng ta lẫn lộn giữa sự cuồng điên và kinh nghiệm thực sự. Nên điều quan trọng là bạn phải rõ ràng về bản thân, và thức tỉnh khỏi cơn điên đó. Thiền có nghĩa là rời bỏ bầy đàn và tự đi trên đôi chân của mình.
5. Gửi người mà suốt đời chỉ biết có tiền và tiền
Hạnh phúc và bất hạnh của con người không chỉ tùy thuộc vào tiền. Nếu con số trong tài khoản tín dụng của bạn là thước đo lường hạnh phúc, thì sự việc sẽ đơn giản xiết bao. Tuy nhiên thực sự nó không phải như thế.
Đừng quá tiêu cực khi bạn bắt đầu nói là bạn cần tiền để sống. Trong thế giới này, bạn có thể hoàn toàn sống tốt mà không cần đến sổ tiết kiệm.
 
 
Một số người nghĩ rằng họ quan trọng bởi vì họ có tiền. Người khác thì cho mình quan trọng vì đã đạt được giác ngộ (satori). Nhưng cho dù bạn thổi phồng tấm da thịt này bao nhiêu, bạn cũng không thể biến mình thành gì cả – ngoài việc trở thành ma.
Những gì không thuộc về bạn chiếm đầy vũ trụ. Khi nào những suy tưởng của cá nhân bạn chấm dứt, thì Phật Pháp có mặt.
6. Gửi người thích có nhiều tiền, tình yêu, chức vị và danh vọng
Si mê có nghĩa là chỉ biết chăm lo cho bản thân mình. Còn kẻ trí nói, “Dầu có gì xảy ra, tôi vẫn là tôi”.
Một lần tôi viếng thăm một mỏ than. Có lúc khi đang đi xuống, tôi có cảm giác như thình lình chúng tôi lại trở lên cao. Cũng giống như thế, khi suy nghiệm về cuộc đời mình, hình như chúng ta luôn sai lầm khi lầm tưởng rằng những con số luôn thay đổi là tổng số.
Thua là định. Thắng là ảo tưởng.
Không thèm muốn bất cứ thứ gì là món quà lớn nhất mà bạn có thể ban tặng cho vũ trụ.
7. Gửi người muốn thấy kẻ thù bị điêu đứng
Chúng ta thường nghĩ không biết ở đây ai thực sự là kẻ hay hơn. Nhưng chẳng phải là tất cả chúng ta đều tượng hình từ cùng nắm đất đó sao?
Mọi người cần ngồi chôn chặt xuống chỗ không có tốt hơn hay xấu hơn.
Suốt đời bạn đã là kẻ điên rồ khi nghĩ rằng thực sự có “tôi” và “người khác”. Bạn làm đủ trò để nổi bật trong đám đông, nhưng trong thực tế thì không có “bạn” hay “người khác”.
Phật pháp có nghĩa là liền một mảnh. Vậy thì đường biên nào chạy giữa bạn và tôi? Dần dần tất cả chúng ta đều hành xử như thể có đường biên chia tách bạn và thù. Chúng ta đã quen quá với cách suy nghĩ đó, ta tin rằng đường biên đó thực sự hiện hữu.
Nghèo hay giàu, quan trọng hay không quan trọng – không có gì hiện hữu. Chúng chỉ là ánh sáng lấp lánh trên các làn sóng.
8. Gửi người đang đau khổ vì bị lường gạt
Tất cả chúng sinh đều lầm lạc: xem hạnh phúc là cái đưa đến bất hạnh, và than khóc vì một bất hạnh hoàn toàn không phải là bất hạnh. Tất cả chúng ta đều biết là một đứa trẻ đang khóc có thể biến nước mắt thành tiếng cười khi bạn cho nó cái bánh. Cái mà những kẻ phàm phu như chúng ta gọi là hạnh phúc cũng không hơn thế bao nhiêu. Đôi lúc bạn cần tát vào mặt mình để tự hỏi một cách nghiêm túc: Những điều bạn được hay mất có thực sự đáng được bạn reo hò hay than khóc như thế không?
Sớm muộn gì mọi người cũng bắt đầu chỉ nghĩ cho riêng mình. Bạn nói, “Tốt quá!”. Nhưng cái gì tốt? Nó chỉ tốt cho bản thân bạn, thế thôi.
Người có nhiều ham muốn rất dễ bị lường gạt. Ngay cả những kẻ lừa phỉnh đại tài nhất cũng không mong được gì từ người không có lòng tham muốn.
Phật giáo có nghĩa là vô ngã, không có gì để đạt được.
9. Gửi người lận đận trên đường công danh
Khi đã chết và bạn nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy những thứ này không đáng chi.
May mắn hay rủi ro, tốt hay xấu – không phải tất cả đều như bạn nhìn thấy. Cũng không phải giống như bạn nghĩ đâu. Bạn cần phải vượt lên trên may mắn hay bất hạnh, tốt hay xấu.
Đau khổ không là gì hơn là cái khổ ta tự tạo ra cho bản thân.
10. Gửi người luôn than thở rằng mình không có thời gian
Mọi người đều than phiền là họ quá bận rộn đến không có thời gian. Nhưng tại sao họ lại bận rộn đến thế? Chính là ảo vọng khiến họ bận rộn. Người hành thiền luôn có thời gian. Khi bạn hành thiền, bạn có nhiều thời gian hơn bất cứ ai ở trên thế gian này.
Nếu không cẩn thận, bạn đang làm ầm ĩ cái việc kiếm sống của mình. Bạn luôn bận rộn, nhưng tại sao? Chỉ là để kiếm miếng ăn. Đàn gà cũng tíu tít khi mổ thức ăn. Nhưng tại sao? Chỉ để bị người ta ăn thịt.
Người ta có thể tạo ra bao nhiêu ảo vọng trong một cuộc đời? Khó thể tính toán. Ngày này qua ngày khác, lúc nào cũng “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia…”. Chỉ dạo một vòng trong công viên cũng đã có bao vọng tưởng hiện ra trong đầu. Vậy đó là ý nghĩa của ‘bận rộn”, “Tôi muốn được bên em, tôi muốn về nhà, tôi muốn gặp em…”.
Con người luôn thở không ra hơi vì chạy quá nhanh theo ảo vọng của họ.
11. Gửi người đang mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn
Hãy tịnh lắng và mọi thứ rồi sẽ tốt thôi. Ta chỉ cần một sự gián đoạn ngắn.
“Loài nào đứng trên mặt đất mà không đi tới cũng chẳng đi lui?”. Kyuho trả lời, “Là con cừu đá với con cọp đá: trước sau gì chúng cũng mệt mỏi khi phải kình chống nhau”. Con cừu đá không nhúc nhích. Con cọp đá cũng không nhảy chồm lên vì đói. Điểm mấu chốt là đó – hãy đối mặt với sự việc vượt lên cả suy tư.
Chúng ta được gì khi thực sự nắm bắt sự vật như chúng đang là? Vượt trên sự suy tư. Vượt lên trên suy tư không cho phép nó tự suy tư. Dù bạn có nghĩ thế hay không: sự vật cũng đơn giản như chúng là.
12. Gửi người với tâm bấn loạn đang cố hết sức để được tâm an
Tâm bạn không an vì bạn đang chạy đuổi theo lý tưởng của một tâm hoàn toàn thanh tịnh. Đó là đi thụt lùi. Hãy theo dõi tâm trong từng giây phút, dầu nó có loạn động đến thế nào. Ta chỉ có thể đạt được tâm an lạc rộng lớn khi thực hành với tâm loạn động này.
Khi sân cuối cùng được chấp nhận là tâm sân, thì tâm sẽ an lạc.
 

Nguồn tin: Theo chungta.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập163
  • Hôm nay12,773
  • Tháng hiện tại261,444
  • Tổng lượt truy cập35,907,789
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây