Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 26/05/2024 09:54
Trước đây, chúng ta luôn cho rằng mọi thị phi, đúng sai trên thế gian này, tốt nhất là phải có được câu trả lời rõ ràng, sáng tỏ.
Còn giờ đây, chúng ta nhận ra rằng con người ai cũng có những "nỗi khổ riêng", có điều cần giấu, thân bất do kỉ, đừng dễ dàng bóc mẽ, vạch trần họ, đó chính là từ bi. Phán xét thế giới bên ngoài với cái nhìn phê phán, chúng ta sẽ chỉ có thể thấy rằng thế gian này có rất nhiều lỗ hổng, nhiều vết sẹo. Chỉ với lòng khoan dung, chúng ta mới có thể hiểu được những khó khăn của người khác và thêm phần đẹp đẽ cho bản chất con người.
01 Nhìn thấu một người, đừng vội vàng bóc trần
Từ trước tới nay, kẻ trong cuộc luôn là kẻ chủ quan, kẻ đứng ngoài mới là người khách quan. Mỗi người đều sẽ vô tình hay cố ý rơi vào những hiểu lầm nhất định, trở thành người trong cuộc chủ quan, coi một phần chân tướng là toàn bộ sự thật. Bạn suy đoán cá nhân về một phần của hoàn cảnh nào đó bạn nhìn thấy và rồi "trả lại" nguyên nhân và kết quả của toàn bộ sự kiện cho tâm trí của bản thân. Để rồi hấp tấp, nóng vội vạch trần lời nói và hành vi của người khác. Mà không biết rằng thực ra, bản thân rất có thể chỉ là đang cắt câu lấy nghĩa, mọi thứ mà bạn cho là biết tất cả chân tướng, thực ra chỉ là góc nhỏ của một ngọn núi. Hiểu lầm giữa người với người quả thực quá nhiều, chỉ vì phiến diện quá nặng, cố chấp chủ quan, thiếu đi sự khoan dung, tha thứ, thà tin vào "sự thực hư cấu" của bản thân, chứ không chịu buông bỏ thành kiến, thử đi tìm hiểu chân tướng ẩn chứa phía sau. Lòng người phức tạp hơn tưởng tượng rất nhiều, không vội vàng chụp mũ phán xét chính là lòng tốt lớn nhất giữa người với người. Có người nói, "khi bạn nhìn thấu một người mà không bóc trần họ, là khi bạn đã học được ý nghĩa của sự tha thứ, khoan dung; Ghét một người mà không lật tẩy họ, là khi đó bạn đã hiểu thế nào là tôn trọng một người." Con người ai cũng có những thiếu xót, đừng vì sự không hoàn hảo của người khác mà quay sang xem thường họ, bởi có lẽ, chính bản thân bạn cũng có những thiếu xót như vậy. Khoan dung với người khác, là khoan dung với bản thân; tốt với người khác là tốt với chính mình.
02 Nhìn thấu là thông minh, không nói là trí tuệ
Lincoln nói: "Cách tốt nhất để tiêu diệt kẻ thù đó là biến anh ta thành bạn bè." Rước kẻ thù ở khắp nơi rất dễ dàng, chỉ cần bạn lật tẩy tất cả những người, những việc mà bạn thấy không vừa mắt. Nhưng làm vậy sẽ chỉ để lại những vết thương, sự thù địch và ghen ghét không hồi kết. Chỉ khi khoan dung, bạn có mới được sự nhẹ nhõm. Bởi dẫu sao thì, tâm nếu đã oán đã ghét thì đi đâu cũng là nơi không thuận mắt. Thế gian có rất nhiều việc chúng ta không cách nào có thể cảm thấy đồng cảm được, nhưng có thể giữ lại một chút tôn trọng, đừng làm mọi thứ đến bước đường cùng, để rồi chuốc lại thù hận. Làm người phải biết chừa cho người khác một lối đi, sau này biết đâu nếu có chạm mặt, cũng sẽ dễ dàng tươi cười hơn. Có câu "Thủy thâm bất ngữ, nhân ổn bất ngôn." Càng là nơi nước sâu không thấy đáy, càng không biết được độ nông sâu của nước; càng là người chín chắn trầm ổn, càng khoan dung, rộng lượng. Có những người, có đủ thông minh, nhanh nhạy để nhìn thấu thói đời thế sự, nhưng lại không có trí tuệ biết giữ im lặng. Nhìn thấu một người, không đáng để nể phục, bởi lẽ chỉ cần có đủ sự nhẫn nại, bạn luôn có thể nắm bắt được thiếu xót của người khác. Nhìn thấu nhưng không nói toẹt hết ra, đó mới là trí tuệ, đôi khi, bạn cần phải biết khi nào nên giữ lại cho người khác một chút thể diện, một chút tự tôn cuối cùng. Đôi khi, chỉ vì một chút chuyện không đáng mà lớn tiếng trách móc, sẽ chỉ để lại sự bất mãn; Lật tẩy tới cùng, không để lại chút riêng tư nào cho người khác, sẽ chỉ để lại sự cắm hận, ghen ghét; Luôn canh cánh trong lòng với những sai lầm của người khác, sẽ chỉ để lại thành kiến. Tâm độ lượng mới có thể khoan dung cho người khác, mắt rộng lượng mới có thể nhìn được xa hơn.
Đối mặt với thị phi, đúng sai, đừng "cắn" mãi không buông, "hồ đồ" một chút, để lại cho người khác một cơ hội "quay đầu", đó mới là trí tuệ, mới được nhiều người yêu thương. Người, không có thiện ác tuyệt đối; việc, không có đúng sai tuyệt đối; không đi tới cực đoan vậy thì sẽ luôn có chỗ cho sự hòa giải. Nhìn thấu lòng người, đừng vội nói toẹt ra cho cả thiên hạ biết; nhìn thấu thế sự, đừng vội đưa ra phán xét. Luôn cho mình là đúng, là nhất, lấy đi thể diện, dồn người khác tới đường cùng sẽ chỉ rước thêm sự oán trách, ghen ghét vào thân. Chi bằng, hãy để thời gian trả lời tất cả, để lòng mình luôn có thể thanh thản, nhẹ nhõm.
20 điều sống - còn nơi công sở
Sau một tuần trở lại làm việc, em họ tôi gọi về nhà khóc lóc, kêu không muốn đi làm nữa. Chuyện là, em họ có một người đồng nghiệp, do trong nhà có chút việc riêng nên đã nhờ em tôi xem lại bản kế hoạch kinh doanh, tuy nhiên dữ liệu ban đầu đã có sai sót dẫn tới công việc sau đó gặp phải nhiều rắc rối.
Chính trong lúc em họ đau đầu bận rộn tìm cách khắc phục vấn đề thì người đồng nghiệp đó lại đi khắp nơi nói xấu cô ấy. Em họ oan ức nói: rõ ràng là cô ta nhờ em giúp, rõ ràng là số liệu của của cô ta từ đầu đã sai. Nghe em họ kêu than, lòng tôi thực sự không hề dễ chịu. Là một tiền bối nơi công sở, tôi hiểu rõ rằng cuộc sống nơi công sở cũng là một bộ môn khoa học, kể cả bạn không làm những việc chơi xấu người khác, nhưng bản thân cũng không thể thiếu đi sự thông minh, khôn ngoan. Dưới đây là 20 điều tôi tổng kết được sau chặng đường 20 năm đi làm của mình: Chăm chỉ tĩnh tâm suy nghĩ về bản thân, lúc rảnh rỗi bớt bàn chuyện thị phi Điểm yếu lớn nhất của loài người là ở chỗ thường chỉ đăm đăm vào khuyết điểm của người khác, mà quên mất bản thân cũng đầy rẫy khuyết điểm. Do đó, những vấn đề của người khác thường trở thành chủ đề tán dóc của những kẻ lắm chuyện. Cổ nhân có câu: "Người bàn chuyện thị phi, nhất định là kẻ bản thân cũng có không ít chuyện thị phi". Nói cách khác, người đem người khác ra bàn luận rồi cũng sẽ có ngày trở thành chủ đề bị bàn luận.
Nói phải làm, làm phải tạo ra kết quả, đừng hứa suông nơi công sở Làm người, bất kể công hay tư, nếu không thể giữ chữ Tín thì không thể có chỗ đứng. Thành thật và đáng tin cậy là nền tảng căn bản của cuộc sống. Chốn công sở, đừng dễ dàng đưa ra lời hứa, bởi mọi chuyện luôn có nhiều biến số. Một khi hứa hẹn mà không thực hiện, bạn rất dễ bị gắn cho cái mác "kẻ không đáng tin cậy" và gây ảnh hưởng nhiều chiều. Nói ít nghe nhiều, im lặng cũng là một loại kỹ năng Khi ở cùng với đồng nghiệp, nói năng phải có chừng mực, đối xử tử tế với mọi người; trong công việc bớt khoe mẽ phô trương, giữ lại đường lui cho mình. "Nói dài nói dai bằng nói dại", đây là chân lý đã được đúc kết từ ngàn đời. Nhiều người nỗ lực hết mình, muốn chứng minh bản thân, nhưng cuối cùng lại "vạ từ miệng mà ra", hủy đi tất cả những cố gắng trước đó. Kẻ nhìn thấu mọi sự nhưng không nói ra, mới thực sự là khôn ngoan. Chân thành khen ngợi người khác, cũng thực tâm ghi nhận lời khen của mọi người Khen ngợi người khác không chỉ khiến đối phương vui vẻ mà còn đem đến cho bản thân những mối thiện duyên. Đồng thời cởi mở ghi nhận lời khen của người khác dành cho mình, vừa là khẳng định giá trị của bản thân, cũng là thể hiện sự tôn trọng người khác. "Tằn tiện quá hóa bủn xỉn, nhường nhịn quá thành ra khúm núm sợ sệt". Vậy nên hãy thành tâm khen ngợi người khác, cư xử khiêm tốn đúng mực, như vậy mới có thể dễ dàng chung sống vui vẻ, hòa thuận. Không tò mò quá sâu sự riêng tư của người khác, đừng tự oán thán cuộc đời mình Có nhiều người thích thăm dò về đời tư của người khác, đem chuyện này làm đề tài lúc trà dư tửu hậu, hoặc giữ lại như nước cờ quan trọng khi cạnh tranh về sau; cũng có nhiều người thích oán thán cuộc đời của chính mình, gặp ai cũng kể khổ. Chỉ đáng tiếc, nơi công sở người ta vốn không tin vào nước mắt, lại không thể chấp nhận những kẻ tò mò nhiều chuyện. Kẻ lắm chuyện hoặc sẽ bị trả thù, hoặc bị cô lập, cuối cùng đều sẽ nhận lại trái đắng. Chốn công sở khó kiếm bạn tâm giao, đừng đánh giá quá cao mối quan hệ giữa bạn và bất cứ ai khác Churchill nói: "Không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh cửu". Câu nói này vô cùng đúng ở chốn công sở. Giữa đồng nghiệp với nhau, ngoại trừ hợp tác trong công việc còn có sự liên quan lẫn nhau. Một khi xung đột lợi ích, kẻ đâm cho bạn một đao từ phía sau, lại thường là người được gọi là "bạn" này. Mà kiểu tình bạn như vậy, nếu không phải dính dáng đến lợi ích, thì cũng sẽ thuộc kiểu "người đi, trà lạnh", xa mặt cách lòng.
Đừng cố vặn chặt vòng bi nếu nó vốn dĩ đã không vừa, điều kiện của sự kết nối nằm ở giá trị của bạn Chúng ta khao khát thành công, do đó thường nỗ lực hết sức để có thể kết thân với những người có vai vế trong ngành. Chỉ tiếc rằng, dưa chín ép thì không ngọt, vòng bi đã không vừa cố xoắn cũng vô ích. Bản chất của việc kết nối, chỉ là việc trao đổi giá trị. Nếu như bạn không thể đem lại cho người ta giá trị, hà cớ gì người ta ra tay phải giúp bạn? Bạn cần hiểu rằng, chỉ có sự kết nối tương đương về giá trị của bản thân, mới được gọi là sự kết nối, nếu không nó chỉ là sự phô trương khoe mẽ của cá nhân bạn mà thôi. Sống biết điều, có qua có lại
Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, việc hẹn ăn cơm, đi bar hay đi nhờ xe, đều là những chuyện hết sức phổ biến. Nếu bạn từ chối quá nhiều lần, người khác cùng lắm chỉ nghĩ bạn không nhiệt tình với đám đông; nhưng nếu bạn tham gia nhiều lần mà không có sự "có qua có lại" thì bạn đích thị là kẻ lợi dụng. Theo thời gian, kể cả người khác có thể không hề nói gì, nhưng trong lòng cũng sẽ tồn tại sự coi thường nhất định. Giữ khoảng cách với người khác giới là tôn trọng người khác cũng bảo vệ chính mình Chốn công sở, nếu mối quan hệ giữa những đồng nghiệp khác giới quá thân mật, vô tình tạo ra hiểm họa. Chuyện không có gì để nói nếu như hai bên đều còn độc thân. Chỉ e trong trường hợp A có vợ, B đã có chồng, vốn cho rằng bản thân trong sạch thuần khiết, không cẩn thận lại thành nhân vật chính trong câu chuyện phiếm về ngoại tình chốn công sở. Không những gây phiền phức cho bản thân, bị những người cùng giới cô lập, bị người khác giới xem thường, mà còn có thể vì chuyện này mà hạnh phúc gia đình tan vỡ, cũng hủy hoại luôn tất cả tiền đồ. Bạn không phải là tiền, đừng tham vọng người người đều yêu quý Nếu bạn muốn bốn phương đều là bạn bè, tám hướng đều khôn khéo chu toàn, đó là điều không thể. Bởi vì các mối quan hệ chu toàn mọi mặt như vậy thường là chỉ là bề nổi ngoài mặt, không những làm bạn mệt mỏi mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Chấp nhận việc người khác không thích mình, đồng thời không ép buộc bản thân phải yêu quý tất cả mọi người, đó mới là cách tồn tại bình thường của quan hệ đồng nghiệp. Cần có những giới hạn và nguyên tắc của bản thân, tuyệt đối không chấp nhận việc vượt quá giới hạn đó Nơi công sở sẽ luôn có người lợi dụng sự hòa đồng của bạn để mang lại lợi ích cho họ, không ngừng chạm đến các giới hạn, thậm chí vi phạm cả những nguyên tắc của bạn. Lúc này, bạn chỉ có cách mạnh mẽ bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, thể hiện sự phẫn nộ của mình, mới có thể khiến cho đối phương tỉnh ngộ. Bởi vì, một người cá tính thường sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác hơn là một kẻ thiếu cá tính, không dám lên tiếng cho chính mình.
Hãy rộng lượng và bao dung, giữ thể diện cho người khác cũng là giữ lại đường lui cho mình Con người sống coi trọng thể diện cũng như cây cối cần có lớp vỏ, không có lớp vỏ này cây sẽ không giữ được mạch sống mà khô héo dần, cũng như con người mất đi thể diện, mối quan hệ cũng sẽ dần đi tới ngõ cụt. Do đó có thể nói, chỉ cần không vi phạm đạo đức, lương tâm, việc giữ chút thể diện cho người khác thực tế cũng chính là để lại đường lui cho chính mình. Còn những người thiếu lòng vị tha, dần dần sẽ bị mọi người xa lánh. Và nếu lỡ một ngày họ lâm vào tình cảnh tương tự, họ sẽ phải tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Vì cớ gì người khác phải tha thứ cho họ?" Tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình Mọi chuyện luôn có biến số, vật đổi sao dời là chuyện thường gặp, chẳng ai có thể may mắn thuận lợi suốt đời, cũng chẳng ai có thể khổ sở suốt kiếp. Đứng ở vị trí kém hơn người khác, hãy nhớ giữ lại tôn nghiêm cho chính mình, không bợ đỡ quỳ lạy, không đố kỵ; đứng ở vị trí cao hơn người khác, hãy nhớ giữ lại tôn nghiêm cho người dưới mình, không kiêu căng, không dồn ép đối phương. Chó không sủa mới là chó dữ, hãy cảnh giác với những người luôn cố lấy lòng bạn Người xưa nói, đang yên đang lành, kẻ không có việc gì bỗng xum xoe lấy lòng bạn thì không là gian cũng là tặc. Giữa đồng nghiệp với nhau cũng vậy. Nếu như có người cố ý tiếp cận bạn, lấy lòng bạn, vậy thì hãy cẩn thận, nếu không phải muốn lợi dụng bạn, thì cũng sớm đã trù tính sẽ làm gì bạn. Đừng bị mù quáng bởi lời ngon tiếng ngọt mà đánh mất khả năng phán đoán cũng như sự phòng bị cần thiết. Khoe mẽ điểm mạnh của bản thân hoặc mỉa mai điểm yếu của người khác, đều là đại kỵ. "Hoa mai kém tuyết ba phần trắng, tuyết lại thua mai một mùi hương". Trong một môi trường chung, bạn không thể đem điểm yếu của bản thân so sánh với điểm mạnh của người khác, đó là tự làm mất mặt; nhưng cũng không nên tự mãn mà khoe khoang điểm mạnh của mình, vạch trần điểm yếu của người khác. Trong mối quan hệ đồng nghiệp, sự hợp tác sẽ luôn nhiều hơn cạnh tranh, chỉ bằng cách lấy điểm mạnh của người này bù lại điểm yếu của người kia mới có thể hợp tác hai bên cùng có lợi và cùng phát triển. Đừng kết oán với tiểu nhân, không nịnh bợ quân tử Đừng kết oán với tiểu nhân, không nịnh bợ người quân tử. Có thể hiểu là đừng coi kẻ tiểu nhân như địch hay thù oán họ, những kẻ tiểu nhân tự khắc đã có không ít người coi họ là địch; cũng đừng nịnh hót người quân tử, bởi đối với quân tử vốn dĩ không tồn tại khái niệm ân huệ cá nhân. Chốn công sở, thù địch với tiểu nhân có thể gây họa; nịnh hót người quân tử khiến chính mình mất uy tín.
Cái gọi là trò đùa chỉ là trò đùa khi người khác cảm thấy nó hài hước, nếu không sẽ trở thành trò hề. Giữa đồng nghiệp với nhau, bất cứ ai đem ngoại hình, sở thích, quá khứ, … của người khác ra làm trò đùa thì đều không đơn giản là trò đùa nữa, mà chính là mạo phạm. Một vài người khác, không quản nơi nào cũng đùa kiểu tục tĩu, đó là sự thô tục. Đừng để những trò đùa không phù hợp làm hỏng hình ảnh của bạn, bù lại hãy học cách cười đúng lúc để cải thiện óc hài hước của bạn trong mắt người khác. Học cách từ chối, đừng làm "giấy nhớ" nơi công sở Trong mối quan hệ đồng nghiệp, hỗ trợ nhau chút việc là chuyện nên làm. Chỉ e, bạn cứ tự nguyện để chính mình chịu thiệt mà không dám nói lời từ chối. Theo thời gian, những người khác bắt đầu quen với điều đó và coi sự giúp đỡ của bạn là hiển nhiên. Đến một ngày, nếu bạn từ chối, họ sẽ trở mặt, thậm chí dùng lí lẽ đạo đức để ép buộc bạn làm việc bạn không muốn. Không tranh cãi với kẻ ngốc, không tranh cãi với người ở cấp thấp hơn bạn Cựu Tổng thống Mỹ Lincohn từng nói "Thà nhường lối cho một con chó còn hơn tranh nhau với nó để bị nó cắn. Vì dù có giết được con chó thì sau đó vết sẹo cắn cũng không lành được." Cũng như vậy, nếu bạn tranh cãi với người ở cấp thấp hơn so với bạn, kể cả thắng cũng không lấy gì làm vẻ vang, mà còn hạ thấp địa vị của bạn. Không phải tất cả mọi người đều xứng đáng với lời giải thích của bạn, có những việc có những người mà bạn chỉ việc cười cho qua chuyện. Chỉ có lòng biết ơn mới có thể khiến bạn luôn gặp được người tốt Lòng biết ơn, không chỉ là một kiểu thái độ làm người mà hơn hết còn là một kiểu phẩm chất. Là một con người, chúng ta có thể không xuất sắc toàn diện, nhưng nhất định không thể đánh mất lương tâm. Trong thời điểm khó khăn nhất, bạn nhận được một ân huệ nhỏ của người khác, hãy ghi nhớ với lòng biết ơn và trả lại gấp nhiều lần ân huệ mà bạn đã nhận được ngay khi có thể, có như vậy bạn mới không phụ lòng người và có thể khiến bản thân vui vẻ.