Những người thợ mộc Hoa Kỳ dành tặng ‘Món quà’ cho Nhà thờ Đức Bà.

Thứ tư - 29/12/2021 08:29
unnamed (7)
unnamed (7)
 
 
Lửa và khói bốc lên trong một vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng ở trung tâm Paris vào ngày 15/04/2019.
 
Những kỹ nghệ chế tác gỗ truyền thống có thể giúp bảo tồn một kiệt tác Gothic của Pháp.
Vào ngày 15/04/2019, người dân toàn thế giới đã phải thảng thốt. Người ta kinh hoàng nhìn vào những màn hình [máy điện toán, truyền hình, hay điện thoại] của họ, còn người dân Paris thì xuống đường để tận mắt chứng kiến cảnh Nhà thờ Đức Bà bốc cháy vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi ngọn lửa bùng lên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với đài AFP rằng, “Chúng tôi sẽ xây dựng lại nhà thờ này.”
 
BM
Lửa và khói bốc lên trong một vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng ở trung tâm thành phố Paris vào ngày 15/04/2019.
 
Hơn hai năm sau đó, thế giới [giờ đây] đang ngóng trông việc xây dựng và khôi phục lại công trình kiến trúc Gothic vĩ đại này của Pháp. Trong nhiều năm sau vụ hỏa hoạn, đã có vài gợi ý cho rằng mái chóp từ thế kỷ 19 [của nhà thờ], vốn đã bị phá hủy hoàn toàn, sẽ được khôi phục lại theo một thiết kế mới với các vật liệu hiện đại như kính và thép. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã bị bác bỏ. Thay vào đó, mái chóp sẽ được xây dựng lại theo đúng thiết kế từ thế kỷ 19 của kiến trúc sư người Pháp Eugène Viollet-le-Duc.
Theo trang web Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris (Friends of Notre Dame de Paris) có trụ sở tại Hoa Kỳ, quá trình phục hồi Nhà thờ Đức Bà sẽ đưa kiệt tác Gothic này trở về đúng hiện trạng “nguyên vẹn, ăn khớp, và quen thuộc” như trước vụ hỏa hoạn.
Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo
 
BM
 
Thật thú vị là, vào thế kỷ 19, Nhà thờ Đức Bà cũng từng đang trong tình trạng hỏng hóc. Khi Victor Hugo viết nên kiệt tác “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà,” ông đã đặt câu hỏi đối với những nỗ lực trùng tu kiểu hiện đại [thời đó] đối với Nhà thờ Đức Bà. Cũng như ngày nay, ông đã muốn lưu giữ lại vẻ đẹp Gothic của di tích linh thiêng này.
BM
 
“Nhà thờ Đức Bà Paris rõ ràng là một công trình kiến trúc uy nghi và bề thế. Tuy nhiên, dù vẻ đẹp vẫn được giữ gìn trong sự lâu đời của nó, thật khó có thể không thở dài, không rưng rưng phẫn nộ, trước những xuống cấp và tổn hại vô độ mà cả thời gian lẫn con người đã khiến cho tượng đài đáng kính này phải gánh chịu, không chút tôn trọng nào đối với Charlemagne, người đã đặt viên đá đầu tiên [xây dựng nên] nhà thờ, hay đối với Philip Augustus, người đã hoàn thành công trình lúc sau cùng,” văn hào Hugo đã viết trong cuốn thứ ba của kiệt tác “Thằng Gù ở Nhà thờ Đức Bà.”
“Ông ấy đã phản đối trào lưu từ bỏ những kiến trúc cổ điển để chạy theo những yếu tố hiện đại hơn thời đó,” bà Sylvie Robin, trưởng nhóm quản lý di sản thuộc khoa khảo cổ học tại Bảo tàng Carnavalet ở Paris, nói với kênh Euronews.
 
BM
 
Cũng như Hugo vào những thế kỷ trước, ngày nay các chuyên gia bảo tồn và những người đam mê di sản đã bước ra để giúp khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà – lần này là từ đống tro tàn. Dường như người ta muốn đưa Nhà thờ Đức Bà trở về đúng với ký ức của họ về nó. Và những người thợ mộc truyền thống – ở cả Pháp và Mỹ – đều đã đang tham gia vào nỗ lực bảo tồn di sản thời trung cổ của Nhà thờ Đức Bà.
Như Hugo đã viết trong cuốn “Thằng Gù ở Nhà thờ Đức Bà,” “Những công trình kiến trúc vĩ đại nhất thường là sản phẩm của cả một xã hội hơn là của các cá nhân; là đứa con [sinh ra từ] công sức của cả một quốc gia, hơn là ý tưởng chớp nhoáng của một thiên tài. …”
 
BM
Trước đám cháy: Nóc của Nhà thờ Đức Bà, tên là “La Forêt” (“Khu Rừng”), được xây dựng từ 1,300 cây sồi; có những cây 300 đến 400 tuổi.
 
Những người Thợ mộc Không Biên giới (Carpenters Without Borders)
 
BM
 
Vì phần lớn mái của nhà thờ đã bị hủy hoại trong vụ hỏa hoạn năm 2019, hiệp hội Những người Thợ mộc Không Biên giới của Pháp (Carpenters Without Borders), cùng với những thành viên trong tổ chức Nghiệp đoàn Thợ mộc (The Carpenters Fellowship) của Anh Quốc, đã dành một tuần trong tháng 07/2020, để tái tạo một trong các giàn đỡ trần của Nhà thờ Đức Bà. Một giàn đỡ là một cấu trúc được tạo bởi một dãy các hình tam giác.
Các thợ mộc đã chọn mô phỏng lại giàn đỡ Số 7, trước đây từng nằm giữa chóp đỉnh nhà thờ và những tháp chuông.
 
BM
 
Giàn đỡ mái mô phỏng đã được xây dựng thủ công thành công trong khuôn viên của khu công trình kiến trúc lịch sử Château de Mesnil Geoffroy, ở miền bắc nước Pháp. Trong mỗi công đoạn trong quá trình này, những người thợ mộc chỉ sử dụng các công cụ bằng tay và hoàn toàn tuân theo kỹ thuật [làm gỗ] của ông cha họ thời trung cổ. Ví dụ, các thợ mộc đã đốn hạ bằng tay 20 cái cây cần cho việc xây dựng giàn đỡ – dựa theo các tài liệu lịch sử về những điều kiện tối ưu để chặt những cây gỗ này.
 
BM
 
Là một phần của lễ hội Ngày Di sản Âu Châu, diễn ra vào ngày 20 và 21/09, Những người Thợ mộc Không Biên giới đã dựng thẳng giàn đỡ Số 7 ở trước Nhà thờ Đức Bà. Một trong những thợ mộc có mặt ở đó, ông Florian, đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức lâm nghiệp France Bois Foret, rằng họ muốn xây dựng lại giàn đỡ để chứng minh rằng những nguyên liệu và kỹ thuật [truyền thống] này vẫn còn tồn tại, và để tái thiết cấu trúc này {giàn đỡ} bằng phương pháp chế tác gỗ truyền thống đúng theo thiết kế ban đầu. Những người thợ mộc hy vọng rằng các kiến trúc sư có nhiệm vụ khôi phục lại nhà thờ sẽ tận dụng công sức của họ.
 
BM
 
Kể từ khi đó, Những người Thợ mộc Không Biên giới đã tái tạo giàn đỡ Số 7 nhiều lần. Một bản mô phỏng gần đây giờ đã được trưng bày tại lâu đài Château Crèvecœur ở tây bắc nước Pháp.
Tái tạo Giàn đỡ Số 6
 
BM
 
Chỉ khoảng hơn một năm sau khi Những người Thợ mộc Không Biên giới mô phỏng lại giàn đỡ Số 7, một nhóm các thợ mộc yêu nghề tại Hoa Kỳ đã tái tạo lại giàn đỡ Số 6, trước đây nằm phía trên chỗ ngồi của dàn hợp xướng của nhà thờ. Dự án này đã được chỉ đạo bởi tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Handshouse Studio với sự hỗ trợ từ Những người Thợ mộc Không Biên giới.
Nhóm thợ mộc đã xây dựng giàn đỡ của Handshouse Studio bao gồm các giảng viên và sinh viên Trường Kiến trúc và Quy hoạch của Đại học Công giáo Hoa Kỳ, và các thành viên của Hiệp hội Những người làm khung gỗ (Timber Framers Guild), Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (National Park Service), [Tổ chức] Bảo tồn Maryland (Preservation Maryland) và Trường North Bennet Street (North Bennet Street School).
 
BM
Dự án giàn đỡ Nhà thờ Đức Bà của Handshouse Studio đã tái tạo một trong những giàn đỡ mái cổ kính nhất của Nhà thờ Đức Bà Paris. Handshouse Studio đã tuân theo thiết kế, [sử dụng] những vật dụng và kỹ thuật nguyên bản mà các thợ mộc thời trung cổ đã dùng để xây dựng cấu trúc ban đầu.
 
Hai kiến trúc sư trưởng người Pháp là Rémi Fromont và Cédric Trentesaux đã cho Handshouse Studio mượn bản thiết kế chính thức [của họ] để tái tạo giàn đỡ.
Bên cạnh nhóm xây dựng chính, nhiều [người khác cũng] đã tham gia vào kiến tạo giàn đỡ Số 6. Những địa chủ tại Lexington, Virginia, đã tặng [cho dự án] những cây sồi trắng. Dòng ngựa kéo quý hiếm Suffolk Punch đến từ Quỹ Tái tạo Thu hoạch Rừng đã [được dùng để] kéo những cây gỗ được đốn bằng tay. Những thợ rèn tại La Maison Luquet, ở Munster, miền đông nước Pháp, đã rèn và tặng những công cụ truyền thống Pháp được đặt riêng [cho công trình này], để các thợ mộc có thể tái tạo giàn đỡ theo đúng những quy trình thời trung cổ một cách chân thực nhất.
 
BM
Dòng ngựa quý hiếm Suffolk Punch đã kéo những cái cây mà Handshouse Studio dùng để làm bản mô phỏng lại giàn đỡ của Nhà thờ Đức Bà.
 
Giàn đỡ đã được xây dựng tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn trong mười ngày, hoàn toàn sử dụng các công cụ bằng tay và kỹ thuật chế tác gỗ thời trung cổ. Đầu tiên vỏ cây được tách khỏi thân gỗ; sau đó, thân gỗ được đo và đánh dấu để cắt thành những thanh ngang. Rồi các thợ mộc đứng trên thân gỗ, và được trọng lực hỗ trợ, họ [bắt đầu] dùng rìu cắt rãnh vào thân gỗ trong một quy trình gọi là “tạo bậc.” Một khúc gỗ sau đó được mài thành một thanh ngang thông qua một quy trình gọi là “đẽo gọt,” [đó là] khi những người thợ mộc làm phẳng mặt gỗ bằng rìu và cắt đi các cạnh tròn của khúc gỗ.
 
BM
Các thợ mộc cắt rãnh vào thân gỗ trong một quy trình gọi là “tạo bậc.”
 
BM
Một người thợ mộc làm phẳng khúc gỗ bằng rìu trong một quy trình gọi là “đẽo gọt.”
 
Sau đó, các thợ mộc sử dụng hai phương pháp truyền thống để tách đôi cây gỗ. Ở phương pháp “xẻ gỗ,” họ khoét một rãnh [vào gỗ] để đánh dấu vị trí xẻ gỗ. Rồi họ dùng rìu và búa để gõ vào một khúc gỗ nhỏ đã được cắm dọc theo thớ gỗ tự nhiên; cho đến khi thanh gỗ tách đôi.
 
BM
Các thợ mộc sơ chế cây gỗ bằng phương pháp làm gỗ truyền thống. Ở đây, họ tách đôi cây gỗ bằng một quy trình gọi là “xẻ gỗ”: Một rãnh được khoét vào cây gỗ, và sau đó một khúc gỗ [nhỏ] được gõ dọc theo thớ gỗ bằng rìu hoặc búa cho đến khi cây gỗ tách đôi.
 
Phương pháp thứ hai để xẻ gỗ là dùng cưa dọc. Theo truyền thống, một giàn chế tác gỗ sẽ được dựng nên trong một cái hố, và người đứng trên cây gỗ sẽ điều khiển chiếc cưa, trong khi người đứng dưới hố sẽ dẫn đường cho lưỡi cưa. Người ta không đào cái hố nào cho dự án này, nhưng họ đã dựng những cây gỗ trên giàn chế tác gỗ trên mặt đất để có thể sử dụng cưa dọc.
BM
Những thợ mộc sử dụng cưa dọc để cắt gỗ.
 
BM
Dựng bản sao giàn đỡ mái Nhà thờ Đức Bà lên phía trước Vương cung Thánh đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 03/08/2021.
 
Khi giàn đỡ được xây xong, nó đã được dựng lên vào ngày 03/08/2021 ở trước Vương cung Thánh đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và sau đó vào ngày 05/08 ở Quảng trường Quốc gia, trước khi được đưa đến trưng bày tại Bảo tàng Xây dựng Quốc gia vào ngày 06/08.
 
BM
Một bản sao của giàn đỡ mái của Nhà thờ Đức Bà đang được trưng bày cho đến ngày 16/09 tại Đại sảnh của Bảo tàng Xây dựng Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn.
 
Những người Thợ mộc Không Biên giới và Handshouse Studio đều hy vọng rằng những giàn đỡ mô phỏng lại truyền thống của họ – cũng như những kiến thức và kỹ năng mà họ đã có được trong quá trình làm giàn đỡ này – sẽ có ích cho việc khôi phục Nhà thờ Đức Bà. Đó là món quà của họ với vai trò là những người thợ thủ công truyền thống.
Handshouse Studio cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, “Chúng tôi muốn chia sẻ bản sao Giàn đỡ Số 6 của mình như một món quà cho nước Pháp và cho nỗ lực chung để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris.”
 

Nguồn tin: Lorraine Ferrier _ Đức Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập56
  • Hôm nay12,546
  • Tháng hiện tại188,937
  • Tổng lượt truy cập32,655,462
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây