Cách nay 9 năm, ngày 18/03/2014, tổng thống Vladimir Putin đã ký thoả thuận sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý bị cho là “giả tạo”. Vấn đề Crimée nổi lên kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina và vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraina. Mong muốn của Kiev giành lại bán đảo Crimée đã khiến phương Tây bối rối.
"Qua việc giành lại bán đảo Crimée, chúng ta sẽ lập lại hòa bình. Đó là lãnh thổ của chúng ta, dân tộc chúng ta, lịch sử của chúng ta", Volodymyr Zelensky đã viết như vậy trên Twitter vào tháng trước. Tổng thống Ukraina thường xuyên tuyên bố rằng Ukraina sẽ giành lại kiểm soát bán đảo bị sáp nhập này. Kể từ khi Nga rút quân khỏi Kherson và khu vực hữu ngạn sông Dniepr, viễn cảnh này có vẻ như không còn khó thực hiện so với hồi đầu cuộc tấn công của Nga.
Các lãnh đạo phương Tây vẫn luôn công khai khẳng định rằng Crimée thuộc về Ukraina, nhưng trên thực tế đối với họ, bán đảo này có vẻ như là một trường hợp đặc biệt. Tuy không nói ra, nhưng nhiều quan chức tin rằng Ukraina không đủ khả năng giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình bằng vũ lực. Paris cũng như Luân Đôn hay Berlin đều nhấn mạnh rằng phương Tây chỉ có thể hỗ trợ nỗ lực chiến tranh trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cũng có lo ngại về việc Nga sẽ phản ứng dữ dội hơn hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân, dobán đảo Crimée có giá trị biểu tượng và chính trị rất quan trọng đối với Vladimir Putin.
Những nước ủng hộ Ukraina không khuyến khích nước này giành lại Crimée nhưng không công khai nói điều này. Về mặt chính thức họ để cho Kiev tự quyết định về nhịp độ của cuộc chiến.
Nguồn tin: Chi Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn