Thực hư khả năng chống dịch Covid-19 của Bắc Triều Tiên

Thứ hai - 30/05/2022 04:53
unnamed
unnamed

Phần âm thanh 09:34Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng đeo khẩu trang sau khi phát hiện một ca tử vong vì COVID-19 ở trong nước ngày 12/05/2022, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. AP

Ngày 12/05/2022, lần đầu tiên lãnh đạo Bắc Triều Tiên xuất hiện trước công chúng đeo khẩu trang. Từng tuyên bố đã chặn đứng thành công virus corona ở biên giới, chế độ Bình Nhưỡng giờ phải nhìn nhận rằng « Covid-19 đã vào nhà ». Giới quan sát lo ngại, dịch bệnh bùng phát tại Bắc Triều Tiên có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo như từng xảy ra trong những năm 1990.

 

RFI Tiếng Việt : Trong vòng hơn hai năm, Bắc Triều Tiên luôn khẳng định không có dịch Covid-19 ở trong nước. Thế nhưng, ngày 12/5/2022, lãnh đạo Kim Jong Un khiến thế giới bất ngờ khi tuyên bố đất nước đang đối mặt với một « thảm họa lớn nhất kể từ ngày lập quốc » và không ngừng quy trách nhiệm cho các quan chức Nhà nước, phê phán họ « bạc nhược », « thiếu chín chắn ». Phải chăng đây là một dấu hiệu hốt hoảng từ chế độ Bình Nhưỡng ? Đâu là thực trạng dịch tễ ở Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Cần phải hiểu rõ những trói buộc mà Bắc Triều Tiên phải đối mặt. Hệ thống y tế của nước này không cho phép Bình Nhưỡng đối phó với một trận dịch có quy mô lớn và nhất là với dịch bệnh Covid. Đó là lý do tại sao Bắc Triều Tiên luôn chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh hơn là kiểm soát dịch bệnh. Điều này giải thích vì sao ngay từ giữa tháng Giêng năm 2020, Bắc Triều Tiên là nước đầu tiên đóng cửa biên giới một cách cực kỳ nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của một đại dịch mà vào thời điểm đó, rất ít người biết đến.

Do việc Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới trong vòng gần hai năm, nên về mặt chính thức, nước này không có ca nhiễm nào, và có thể chỉ có những ca bệnh chủ yếu được phát hiện ở vùng biên giới với Trung Quốc. Nhưng dẫu sao đi nữa, chúng ta có thể gạt sang một bên giả thuyết về một đại dịch quy mô lớn ở Bắc Triều Tiên dù rằng có nhiều dấu hiệu biểu hiện của một trận đại dịch.

Những gì diễn ra những tuần gần đây cho thấy là rất đáng lo ngại, bởi vì chiến lược phòng chống đã thất bại do virus đã lan rộng. Tuy nhiên, để giải thích về nguồn gốc lây nhiễm, tôi nghĩ rằng có liên quan đến đợt bùng phát dịch Covid-19 ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc trong các tháng Giêng, Hai và Ba vừa qua.

Chúng ta biết rõ là dọc theo tỉnh biên giới này, có rất nhiều hoạt động giao thương, rồi buôn lậu, kinh doanh trái phép, nên rất có khả năng virus, đặc biệt là biến thể Omicron đã « thâm nhập » vào trong nước qua ngả Cát Lâm, cách đây vài tháng. Điều này khá trùng khớp với tình trạng bùng phát dịch ở Bắc Triều Tiên.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh như những gì xảy ra ở châu Âu hay Mỹ chẳng hạn, liệu Bắc Triều Tiên có đủ khả năng ứng phó ?

Antoine Bondaz : Tuy là những ngày gần đây Bắc Triều Tiên có tuyên bố chấm dứt được đại dịch, một điều cực kỳ lạ lùng và ít có khả năng, nhưng nước này vẫn phải đối mặt với đại dịch với một hệ thống y tế không mấy phù hợp và có một sự khác biệt lớn so với Trung Quốc, đó là Bắc Triều Tiên không có khả năng thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như tại Trung Quốc hay như những gì được tiến hành tại Việt Nam, cho phép thực hiện chiến lược « Zero Covid ».

Vấn đề của Bắc Triều Tiên hiện nay chính là nước này phải xử lý đợt bùng phát dịch một cách « mù quáng » mà không cần hiểu biết chi tiết về tình hình dịch tễ. Chính vì thế mà Bình Nhưỡng chỉ nói đến các ca « sốt » chứ không phải là nhiễm bệnh Covid, bởi vì Bắc Triều Tiên không có phương tiện để truy tầm và xác định đó là những ca bệnh Covid-19.

Vấn đề thứ hai chính là người dân Bắc Triều Tiên hầu như chưa được tiêm ngừa. Hơn nữa, nước này cũng không có khả năng nhập khẩu ồ ạt bất kể đó là thuốc điều trị hay dụng cụ xét nghiệm. Những ngày gần đây, Trung Quốc có cung cấp thuốc men, thiết bị điều trị và dụng cụ xét nghiệm nhưng lượng hàng cung cấp cũng rất hạn chế. Nhìn chung là Bắc Triều Tiên có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng dịch tễ quy mô lớn.

Tuy nhiên, ở đây có một điểm tích cực duy nhất, đó là người dân Bắc Triều Tiên ít dễ bị dịch bệnh tấn công hơn là dân cư phương Tây, bởi vì nhìn chung, Bắc Triều Tiên có dân số trẻ hơn, ít mắc các bệnh nền hơn như tại Pháp chẳng hạn. Họ có ít người bị béo phì, ít người bị cao huyết áp, và ít người mắc bệnh tiểu đường hơn. Mà chúng ta biết là những người dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh, đặc biệt là biến thể Omicron là những người cao tuổi và những người có các bệnh nền. Theo tôi, đây có thể là điểm lạc quan duy nhất cho Bắc Triều Tiên.

Trong suốt một năm qua và nhất là gần đây, khi tổng thống Mỹ Joe Biden nhân chuyến thăm Seoul cùng với đồng nhiệm Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề nghị viện trợ y tế nhưng đều bị Bình Nhưỡng từ chối. Ông giải thích thế nào về thái độ này của Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Theo tôi có nhiều giả thuyết, nhưng có hai ý chính. Thứ nhất, Bắc Triều Tiên từng trông chờ được cho tặng vac-xin khối lượng lớn, nghĩa là ở mức 50 triệu liều, tức đủ để tiêm hai liều/người dân. Nhưng cho đến lúc này, hầu như chưa có một quốc gia nào được cho tặng chứ không phải là mua đến 50 triệu liều như thế. Thế nên, nhìn từ phía Bắc Triều Tiên đây rất có thể là một vấn đề.

Giả thuyết thứ hai, từ hai năm qua cho đến hiện tại, đúng là Bắc Triều Tiên đã thành công phòng chống dịch và có thể cho rằng tiêm ngừa cho dân là chưa khẩn cấp, chưa phải là một ưu tiên. Hiện tại, chúng ta có một tình thế nghịch lý : Dịch bệnh bùng phát ở Bắc Triều Tiên nhưng cùng lúc tiêm chủng chưa phải là một giải pháp trong ngắn hạn. Bởi vì, « hoặc là đã quá trễ, hoặc còn quá sớm » trong chiều hướng giờ phải xử lý đại dịch.

Nghĩa là trước hết phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, điều trị cho những người dễ nhiễm bệnh nhất để tránh khủng hoảng dịch tễ hơn là biện pháp tiêm phòng, vốn dĩ chỉ có một tác động trong dài hạn, và chưa phù hợp với tình trạng khẩn cấp dịch tễ hiện nay ở Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, chiến lược phòng chống này của Bắc Triều Tiên gây ra nhiều lo ngại ?

Antoine Bondaz : Đó chính là nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực cùng lúc với khủng hoảng dịch tễ. Mối lo lắng này là có cơ sở và chính đáng. Thứ nhất bởi vì Bắc Triều Tiên luôn bị thâm hụt sản lượng ngũ cốc triền miên và phải nhập khẩu. Thứ hai, chính việc đóng cửa biên giới có những hậu quả đối với việc nhập khẩu ngũ cốc. Thứ ba là bởi vì tất cả các tổ chức phi chính phủ cũng như là Hội Chữ Thập Đỏ và nhiều tổ chức khác đã rời Bắc Triều Tiên sau đợt phong tỏa năm 2020. Và thứ tư, là trên bình diện quốc tế không còn liên quan đến đại dịch, cuộc khủng hoảng Ukraina đang gây ra những căng thẳng trên thị trường ngũ cốc.

Do vậy, với tất cả những vấn đề trên, nỗi lo ở đây chính là vấn đề bất ổn lương thực thêm gia tăng đương nhiên do Covid gây ra. Nếu những người bị cách ly không thể đi làm, chẳng hạn như đi cấy lúa, như trường hợp hiện tại, thì thâm hụt sản xuất sẽ còn trầm trọng hơn và nhiều khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực. Sự kết hợp khủng hoảng dịch tễ và khủng hoảng lương thực có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.

Thời gian gần đây, người ta thường thấy Kim Jong Un hay có những phát biểu nhìn nhận các sai lầm trong một số chính sách. Ông giải thích thế nào về cử chỉ này của lãnh đạo Bắc Triều Tiên ? Và dịch bệnh bùng phát lần này có gây ra những hệ quả chính trị cho chế độ cũng như là bản thân nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Trong các diễn đạt và giao tiếp chính trị mà chúng ta nhìn thấy từ năm 2021, có một số phát biểu ở đó ông Kim Jong Un nhìn nhận rằng một số chính sách nhất định không phải lúc nào cũng được thực hiện tốt, chẳng hạn như trong phát biểu hồi năm 2021 thừa nhận tình hình lương thực khó khăn. Đương nhiên mục tiêu của ông ấy là để duy trì tính chính đáng khi thừa nhận rằng không có gì là hoàn hảo cả nhưng mọi việc đều phải được cải thiện.

Câu hỏi : Liệu khủng hoảng dịch tễ này có mang lại một rủi ro chính trị hay không ? Tôi nghĩ là nguy cơ này là thấp. Thứ nhất, bởi vì, chúng ta đã có một tiền lệ. Những năm cuối thập niên 1990, Bắc Triều Tiên đã từng đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, cướp đi sinh mạng của một bộ phận lớn dân số Bắc Triều Tiên.

Ước tính vào thời đó, khoảng hàng trăm nghìn người thậm chí còn nhiều hơn nữa đã chết do cuộc khủng hoảng vừa là lương thực, vừa là năng lượng, nhưng cũng vừa là khủng hoảng kinh tế… Vào thời điểm đó, chế độ vẫn trụ được, không bị sụp đổ. Thế nên, kịch bản về một sự sụp đổ chế độ chính trị do khủng hoảng dịch tễ là ít có khả năng.

Ngược lại, như thường lệ, tại Bắc Triều Tiên, việc củng cố tính chính đáng, củng cố quyền lực luôn là điều cần thiết. Và điều này giải thích cho một chủ đề khác nhưng có liên quan đến việc theo đuổi các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Ở đây, một trong những thông điệp được đưa ra chính là lãnh đạo Bắc Triều Tiên có khả năng bảo vệ đất nước, ông ấy có khả năng phát triển các năng lực nhất là trên bình diện công nghệ, trên thực tế đó là một phần quan trọng cho những người mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tại Bắc Triều Tiên. Đồng thời, vì có cuộc khủng hoảng dịch tễ này, Kim Jong Un muốn chứng tỏ rằng chế độ vẫn vững chắc, rằng các năng lực quân sự của đất nước vẫn nguyên vẹn và bất chấp dịch bệnh, chế độ vẫn sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống trên bán đảo.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS.

 

Theo số liệu công bố ngày 25/05/2022, chế độ Bình Nhưỡng ghi nhận có thêm hơn 115 ngàn ca nhiễm Covid-19 nhưng không có thêm ca tử vong nào, nâng tổng số ca bị « sốt » lên hơn ba triệu người, và có gần 70 trường hợp tử vong. Trước đó vài ngày, Chủ Nhật 22/5, Bắc Triều Tiên tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.

Vì sao Covid-19 có thể bùng phát tại Bắc Triều Tiên vào lúc này sau hơn hai năm đóng cửa ? Đâu là khả năng xử lý dịch bệnh của Bình Nhưỡng ? Liệu cuộc khủng hoảng dịch tễ này có để lại hậu quả chính trị cho chế độ Kim Jong Un ? Để giải đáp những thắc mắc trên, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với Antoine Bondaz, chuyên gia Đông Bắc Á, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS.

Nguồn tin: Minh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập30
  • Hôm nay8,887
  • Tháng hiện tại168,342
  • Tổng lượt truy cập34,801,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây